Vấn
đề
tôn kính Thánh Mẫu nơi anh chị em ly
khai
Bài 70
(12/11/1997)
1- Sau khi giải thích về mối
liên hệ giữa Mẹ Maria và Giáo Hội, Công Đồng Chung Vaticanô II hân hoan nhận
định rằng Đức Trinh Nữ cũng được tôn kính bởi anh chị em Kitô hữu không thuộc về
cộng đồng Công giáo: "Thật là vui mừng và an ủi cho Thánh Công Đồng này là nơi
anh chị em ly khai cũng có những người tỏ lòng tôn kính xứng hợp với Người Mẹ
của Chúa chúng ta và là Đấng Cứu Thế của chúng ta..." (Lumen gentium - 69; cf.
Redemptor Mater - 29-34). Về sự kiện này, chúng ta có thể nói rằng vai trò làm
mẹ phổ quát của Mẹ Maria, cho dù nó gây chia rẽ giữa Kitô hữu thật hết
sức đáng buồn, cũng cho thấy một dấu hiệu lớn lao hy vọng cho cuộc hành
trình đại kết.
Nhiều cộng đồng Thệ Phản, vì một quan niệm riêng
biệt về ân sủng và về giáo hội học, đã tỏ ra chống đối tín lý và việc sùng kính
Thánh Mẫu, chủ trương rằng việc hợp tác của Mẹ Maria vào công cuộc cứu độ là
những gì gây tổn hại cho vai trò môi giới đặc thù của Chúa Kitô. Bởi thế vấn đề
tôn sùng Maria sẽ đối chọi một cách nào đó với việc tôn kính dành cho Người
Con.
2- Tuy nhiên, trong những năm gần đây, việc nghiên
cứu sâu rộng hơn nữa về ý nghĩ của các Nhà Cải Cách tiên khởi đã làm sáng tỏ
những chủ trương cởi mở hơn với tín lý Công giáo. Các bản văn của Lutherô chẳng
hạn cho thấy lòng yêu mến và sự tôn kính đối với Mẹ Maria, vị được xưng tụng là
mô phạm của mọi nhân đức: ông đề cao thánh đức cao cả của Người Mẹ Thiên Chúa và
có những lúc xác nhận đặc ân Hoài Thai Vô Nhiễm Tội, cùng niềm tin với các Nhà
Cải Cách khác về trạng thái trọn đời đồng trinh của Mẹ Maria.
Việc nghiên cứu về tư tưởng của Luther và Calvin,
cũng như việc phân tích một số bản văn của các Kitô hữu Tin Lành, đã góp phần
vào sự chú ý mới của một số anh chị em Thệ Phản và Anh Giáo về các đề tài khác
nhau trong tín lý Thánh Mẫu học.
Một số thậm chí đã tiến đến chỗ có những chủ
trương rất gần với những chủ trương của anh chị em Công giáo liên quan tới các
điểm nồng cốt về tín lý Thánh Mẫu, chẳng hạn như vai trò làm mẹ thần linh của
Mẹ, đức đồng trinh của Mẹ, sự thánh thiện của Mẹ và vai trò làm mẹ thiêng liêng
của Mẹ.
Mối quan tâm về việc nhấn mạnh đến sự hiện diện
của nữ giới trong Giáo Hội đang phấn khích nỗ lực nhìn nhận vai trò của Mẹ Maria
trong lịch sử cứu độ.
Tất cả những sự kiện này là những lý do rất nhiều
để hy vọng về cuộc hành trình đại kết. Những anh chị em Công giáo có một ước
muốn sâu xa làm sao để có thể chia sẻ với tất cả mọi anh chị em của mình trong
Chúa Kitô niềm vui xuất phát từ sự hiện diện của Mẹ Maria trong đời sống theo
Thần Linh.
3- Trong số những người anh em "dâng lòng tôn kính
xứng đáng lên Người Mẹ của Chúa và là Đấng Cứu Thế của chúng ta", Công Đồng đã
đề cập đến anh chị em Kitô hữu Đông phương, "những người tỏ lòng tôn kính Người
Mẹ của Thiên Chúa Trinh Nguyên bằng một tâm trí thiết tha và tác động nhiệt
tình" (Lumen gentium - 69).
Như chúng ta có thể thấy nơi nhiều điều bày tỏ
lòng tôn sùng của họ, việc tôn kính Mẹ Maria cho thấy một yếu tố quan trọng về
mối hiệp thông giữa anh chị em Công giáo và Chính Thống giáo.
Tuy nhiên, vẫn còn một số bất đồng liên quan tới
hai tín điều Hoài Thai Vô Nhiễm và Mông Triệu, cho dù những chân lý này
trước hết đã được dẫn giải bởi một số thần học gia Đông phương - chỉ cần nhắc
lại các đại tác giả như Grogory Palamas († 1359),
Nicholas Cabasilas († sau 1369) và George
Scholarios († sau 1472).
Tuy nhiên, những bất đồng này có lẽ là vấn đoề về
công thức hơn là về nội dung và không bao giờ được làm cho chúng ta quên
niềm tin chung của chúng ta nơi vai trò làm mẹ thần linh của Mẹ Maria, tình
trạng trọn đời đồng trinh của Mẹ, sự thánh thiện trọn hảo của Mẹ và
việc chuyển cầu từ mẫu của Mẹ với Con của Mẹ. Như Công Đồng Chung Vaticanô II đã
nhắc nhở, "cái động lực nhiệt tình" và "tâm trí thiết tha" này là những gì nối
kết anh chị em Công giáo và Chính Thống giáo nơi lòng tôn sùng đối với Người Mẹ
của Thiên Chúa.
4- Ở cuối Hiến Chế Ánh sáng Muôn Dân, Công Đồng
mời gọi chúng ta hãy ký thác mối hiệp nhất Kitô hữu cho Mẹ Maria: "Toàn thể cộng
đồng tín hữu tuôn tràn những lời thỉnh nguyện khẩn trương dâng lên Mẹ Thiên Chúa
và Mẹ của loài người để Mẹ, vị đã trợ giúp thuở ban đầu của Giáo Hội bằng lời
nguyện cầu của Mẹ, giờ đây, được nâng lên trên tất cả thiên thần và các thánh,
Mẹ chuyển cầu cùng Con Mẹ cùng hiệp thông với tất cả các thánh"
(ibid.)
Như sự hiện diện của Mẹ Maria trong cộng đồng ban
sơ đã nuôi dưỡng cái duy nhất của lòng trí, cái duy nhất mà việc
nguyện cầu đã củng cố và trở nên hữu hình (cf Acts 1:14) thế nào thì cũng vậy
mối hiệp thông mãnh liệt nhất với Mẹ là vị được Thánh Âu Quốc Tinh gọi là "Mẹ
của sự hiệp nhất" (Sermo 192, 2; PL 38, 1013) mới có thể đưa Kitô hữu
đến chỗ hoan hưởng tặng ân hiệp nhất đại kết hằng mong đợi đã lâu.
Chúng ta không ngừng cầu chùng Đức Trinh Nữ để,
như thuở ban đầu Mẹ đã nâng đỡ cuộc hành trình của mối hiệp nhất nên một của
cộng đồng Kitô hữu bằng lời nguyện cầu và việc loan báo Phúc Âm thế nào thì ngày
nay cũng thế Mẹ chuyển cầu cho sự hòa giải và hiệp thông trọn vẹn nơi tất cả mọi
tín hữu tin vào Chúa Kitô.
Là Mẹ của nhân loại, Mẹ Maria biết rõ các nhu cầu
và khát vọng của nhân loại. Công Đồng đặc biệt xin Mẹ chuyển cầu để "tất cả mọi
gia đình của dân chúng, cho dù họ được vinh hạnh với danh xưng Kitô hữu hay họ
vẫn chưa nhận biết Chúa Kitô, có thể hân hoan cùng nhau được qui tụ lại trong an
bình và hòa hợp thành một Dân Chúa duy nhất, cho vinh quang của Ba Ngôi Chí
Thánh Bất Phân" (Lumen gentium - 69).
Bình an, hòa hợp và hiệp nhất là những gì Giáo Hội
và nhân loại hy vọng dường như vẫn còn xa vời lắm. Tuy nhiên, chúng là một tặng
ân của Thần Linh cần phải được liên lỉ tìm kiếm, như chúng ta biết được từ Mẹ
Maria và tin tưởng vào việc chuyển cầu của Mẹ.
5- Với lời thỉnh cầu này, Kitô hữu chia sẻ niềm
mong đợi của Mẹ, vị, được tràn đầy nhân đức cậy, bảo trì Giáo Hội trong cuộc
hành trình hướng tiến về tương lai với Thiên Chúa.
Chiếm được hạnh phúc cho mình vì Mẹ "đã tin rằng
những gì Chúa phán cùng mình sẽ được nên trọn" (Lk 1:45), Đức Trinh Nữ đồng hành
với tín hữu - và với toàn thể Giáo Hội - nhờ đó ở trên thế gian
này, giữa niềm vui và nỗi khổ trong đời sống này, họ có thể trở thành các ngôn
sứ đích thực của niềm hy vọng không bao giờ thất vọng.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển
dịch
http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/audiences/1997/documents/hf_jp-ii_aud_12111997_en.html
Nếu cần xem lại toàn bộ 70 bài Giáo Lý Thánh Mẫu,
xin bấm vào cái link dưới đây
|