MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu

Thứ Sáu, ngay 21 thang 11 nam 2014
Tuần XXXIII Mùa Thường Niên Năm chẵn
THỨ SÁU TUẦN 33

Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ, 21/11               
Mt 12,46-50
 
BÀ CON VỚI CHÚA
 
“Ai thi hành ý muốn của Cha tôi… người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.” (Mt 12,50)
 
Suy niệm: Đức Ma-ri-a dâng mình trong đền thờ để rồi chính Mẹ lại trở thành Đền thờ cho Con Thiên Chúa cư ngụ, đền thờ không do tay người phàm làm ra mà do quyết định “xin vâng” theo thánh ý Chúa. Mẹ dâng mình để thuộc về Chúa, và rồi Chúa đã biến hành động ấy thành mẫu gương tuyệt hảo để những ai muốn thuộc về Chúa phải noi gương Mẹ: dâng mình lúc này có nghĩa là muốn thực thi ý Chúa, cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa. Nhờ biết “thi hành ý muốn của Thiên Chúa” Đức Ma-ri-a đã trở thành Mẹ, thành người thân thuộc của Chúa; đồng thời Mẹ trở thành mẫu mực và mẫu tử cho tất cả những ai muốn thi hành thánh ý của Thiên Chúa.
 
Mời Bạn: Ta trở thành “người nhà” của Thiên Chúa không do huyết thống tự nhiên mà nhờ việc lắng nghe tiếng Chúa và hành động thực hành thánh ý Thiên Chúa. Mỗi cá nhân một khi biết sống Lời Chúa đó chính là lúc người ấy góp phần “Phúc Âm hóa” Lời Chúa cho chính mình và cho anh chị em chung quanh. Bạn có muốn trở nên người nhà, bạn hữu, con cái… của Chúa và Đức Mẹ không? – Hãy toàn tâm toàn ý làm theo lời Chúa dạy.
 
Sống Lời Chúa: Chọn một câu Lời Chúa làm ý lực sống trong ngày hôm nay. Trong bầu khí cầu nguyện bạn thưa với Chúa: “Qua Lời Chúa đây, Chúa muốn con làm gì?” Và bạn thực hành như điều Chúa soi sáng cho bạn.
 
Cầu nguyện: Lạy Mẹ Ma-ri-a, xin giúp con biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa để xứng đáng với tình yêu của Chúa và ngày một nên con yêu dấu của Mẹ như chính Chúa Giêsu, Con Mẹ.
 

TÂM TÌNH CỦA MẸ
 
Từ lời xin vâng trong sự tự do đáp trả của Maria, một trinh nữ nghèo hèn, nhỏ bé, đơn sơ trong trắng nhưng đã sống trọn vẹn “đẹp lòng Thiên Chúa”, Con Một Thiên Chúa nhập thể làm người trong cung lòng Mẹ Maria.

Từ tâm tình của Mẹ, người “hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2, 19), ĐHY Joseph Ratzinger viết trong “Thiên Chúa và Trần Thế” như sau:
 
“việc chọn cái bé nhỏ là nét đặc thù trong lịch sử Thiên Chúa với con người. Cái đặc thù đó ta thấy trước hết qua việc Ngài chọn trái đất, một hạt bụi trong vũ trụ, làm nơi hành động; trong đó dân tộc yếu đuối như Israen lại được chọn để mang lấy lịch sử của Ngài; rồi Nagiarét, một chốn hòan toàn không ai biết đến, trở thành quê hương Ngài; và rồi cuối cùng Con Thiên Chúa lại sinh ra ngoài làng Bêlem, trong một chuồng súc vật. Tất cả như một sợi chỉ đỏ.

Chúa dùng đơn vị đong đo duy nhất là tình yêu để đổi lại thói kiêu căng của con người. Kiêu căng chính là hạt nhân, là nội dung chính của mọi tội lỗi, nghĩa là của cái tự-coi-mình-muốn-bằng-Thiên Chúa. Tình yêu, trái lại không phải là tự cao, mà tự hạ. Tình yêu cho thấy chính lúc hạ mình là lúc ta vươn lên. Chính khi ta hạ mình, khi ta trở nên đơn giản, cúi xuống với kẻ đói rách, nghèo hèn, khi đó ta mới thật lên cao. Chúa trở nên bé nhỏ, để đưa con người dương dương tự đắc trở về lại đúng chỗ của nó. Xem thế thì quy luật của sự bé nhỏ là khuôn thước nền tảng của hành động Thiên Chúa. Quy luật đó giúp ta nhận ra bản chất Thiên Chúa, và cả chính bản chất của ta.”
 
Từ những cảm nghiệm trên của ĐTC khi chiêm ngắm tâm tình của Mẹ đã giúp tôi nhớ lại một món quà đã 15 năm qua tôi luôn yêu quí và giúp tôi cố gắng khắc ghi trong lòng. Cuối năm 2000, tôi tiếp đón 1 linh mục thuộc dòng CCT từ Mỹ về thăm Việt Nam. Ngài đến tạm trú qua đêm tại căn gác tồi tàn mà anh em bạn học cũng mới vừa sửa lại căn nhà dột nát xong. Ngài nhờ tôi dẫn đến thăm một vài nơi xa vắng trong xứ đạo cũng như vùng ngoại ô nhỏ bé của tôi như nhà dưỡng lão hoặc vài cơ sở mồ côi, vài mái ấm khuyết tật mới hình thành còn thiếu thốn nhiều mặt. Khi ra về, Ngài gửi tặng tôi bức tượng Đức Mẹ Mễ Du bằng cẩm thạch rất nhỏ và rất đẹp mà Ngài mới mua tại linh địa Mễ Du do nhà điêu khắc A Santini tại Ý thực hiện. Đi kèm với món quà quí giá trên là lời cầu chúc bình an khi chiêm ngắm Mẹ với tất cả tâm tình hiến dâng của Mẹ, vì chính lúc hạ mình là lúc ta vươn lên, vì chính khi ta hạ mình, khi ta trở nên đơn giản, cúi xuống với kẻ đói rách, nghèo hèn, khi đó ta mới thật lên cao.

Từ sự lắng nghe và diễm phúc chiêm ngắm Đức Mẹ trong thinh lặng, trong tật bệnh, từ trong tâm hồn, tôi trào lên lời cầu đẹp đẽ của thi sĩ Paul Claudel:

“Lạy Mẹ Chúa Giêsu,
vì không có gì để dâng cho Mẹ và cũng chẳng xin Mẹ điều gì.
Con chỉ ngắm nhìn Mẹ thôi, ôi lạy Mẹ,
Ngắm nhìn Mẹ và khóc lên vì hạnh phúc (...)

Con không nói gì cả, nhưng con chỉ ngắm nhìn dung nhan Mẹ,
Để tim con hát vang trong ngôn ngữ riêng của nó.
Con không nói gì cả, nhưng con chỉ hát thôi,
Bởi vì trái tim con tràn ngập tâm tình của Mẹ. Amen.

CHUYỆN LẠ XẨY ĐẾN (2)

Để chuẩn bị “lên đường”. Chiều ngày 8-5-2016, tôi đã lấy cao Lá Vằng bỏ vào ly nước sôi, khuấy tan, đồng thời tôi nhỏ vài giọt nước suối Đức Mẹ Lộ Đức vào. Trước khi uống tôi lại thầm thĩ cầu nguyện một cách tha thiết với Đức Mẹ:

“Lạy Đức Mẹ, con là một Phật tử. Xin Đức Mẹ cứu giúp con. Con biết đời người sinh lão bệnh tử là chuyện thường tình phải đến, nhưng nếu cuộc giải phẩu nầy không thành công, con sẽ trở thành kẻ tàn phế suốt đời thì công việc chung của đất nước chúng con, mà lâu nay anh em chúng con hằng ấp ủ sẽ tiêu tan hết. Con lạy Mẹ! Xin Mẹ cứu giúp con.”
 
Sau lời cầu xin đó tôi uống hết ly nước cao Lá Vằng với nước suối Đức Mẹ Lộ Đức trong niềm tin yêu và phó thác, rồi tôi cảm thấy yên lòng thư thả nghỉ ngơi.

Sáng hôm sau, tức ngày 9-5-2016 con trai tôi, Huy Dũng đưa tôi đến bệnh viện UCI tại thành phố Orange , CA khi trời chưa sáng.

Trên đường đi tôi ngồi im lặng, không lo, không sợ, mà chỉ nghĩ đến quê hương Việt Nam

“41 năm rồi, dân tộc và quê hương tôi vẫn còn bị chìm đắm dưới chế độ cộng sản. Những người Việt Quốc Gia trong nước và ngoài nước đã làm được gì cho đất nước; tôi và anh em chiến hữu của tôi đã làm được gì. Tôi xúc động”.  Xe gần đến bệnh viện, bỗng con trai tôi hỏi tôi:

- Ba!

-- Gì con,

- Ba lo hả?

-- Không! Con. Ba cảm thấy bình thản.

- Ba yên tâm đi! Hồi đêm anh chị em chúng con đã đọc kinh cầu xin Đức Mẹ cho ba.

Tôi nhìn con và trả lời âu yếm:  “Ba cám ơn các con.”

Đến đây tôi xin mở một dấu ngoặc đơn.

(* Nhà tôi, Nguyễn Thị Ngọc Phú theo đạo Công Giáo từ năm 1957.

*  Con trai tôi, Huy Dũng sau ngày tốt nghiệp Electrical Engineer từ Đại Học Cal State Fullerton, CA, nó đã xin phép tôi theo đạo Công Giáo, tôi bằng lòng. Vú bọ của nó là cha mẹ của một người bạn học thân tình với nó; tính đến nay cũng đã hơn hai mươi năm rồi.

*  Con trai trưởng tôi, Antony Huy hiện là Đại Tá trong Lực Lượng Lục Quân Hoa Kỳ đã tham chiến tại Irac, và A Phú Hãn, cũng đã xin phép tôi theo đạo Công Giáo; tôi cũng bằng lòng

* Con gái tôi, Công Huyền Tôn Nữ Xuân Thi, Nha Sĩ, phòng mạch tại Las Vegas, cũng đã xin phép tôi được theo đạo Công Giáo; tôi cũng bằng lòng.

* Con gái tôi, Công Huyền Tôn Nữ Nhật Thi, Bác Sĩ chuyên khoa về thần kinh, có chồng cũng là bác sĩ chuyên khoa mổ mắt hiện cùng làm tại bệnh viện Kaisser tại Milpitas, Bắc Cali, cũng đã xin phép tôi được theo đạo Công Giáo, tôi cũng bằng lòng.

* Con gái tôi, Công Huyền Tôn Nữ Mộng Thi, chồng là Bác sĩ gây mê tại bênh viện ở Las Vegas cũng đã xin phép tôi được theo đạo Công Giáo; tôi cũng bằng lòng.

* Con trai tôi, Huy Quang, một trong 100 kỹ sư điện toán của hệ thống Hỏa Tiễn Lá Chắn của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ. Nó cũng là Mục Sư của một nhà thờ Tin Lành tại Thành phố Brea, Nam Cali; tôi cũng bằng lòng .

Tôi còn nhớ năm nó 31 tuổi, nó đã tặng một quả thận của nó để cứu sống một bé gái. Gần đây nó đã nhận hai em bé tàn tật 100% về thể xác và trí não, về làm con nuôi, để nó săn sóc cho hai em nhỏ tật nguyện đó.)
 
Trở lại việc mổ xương sống của tôi.

GIẤY NHẬP VIỆN

Lúc 5:15 sáng ngày 9-5-2016, con trai tôi đã làm xong thủ tục nhập viện cho tôi. Sau đó tôi được đưa về phòng chờ đợi để đưa vào phòng mổ.

Khoảng 7 giờ sáng tôi được đưa đến phòng mổ, thời gian di chuyển khoảng 5 phút. Nằm trên chiếc giường được y tá đẩy đi, tôi lập lại lời cầu xin:    “Xin Đức Mẹ, xin Đức Mẹ giúp con”
 
Người đầu tiên tôi gặp trong phòng mổ là bác sĩ Kiester P. Duoglas, ông ta là một bác sĩ lớn tuổi với gương mặt rất hiền, ông nói nhỏ nhẹ với tôi:

- Yên tâm!

-- Thank you, Dr.

Người kế tiếp là bác sĩ gây mê (tôi không nhớ tên) cũng là một bác sĩ người Mỹ, ông ta đứng sát đầu giường tôi, và nói rất nhỏ nhẹ:

- Tôi là bác sĩ gây mê, anh sẽ ngủ trong bình yên, ông ta nhìn tôi và mở nụ cười rất bình yên.

-- Thank you, Dr.

Sau đó ông ta chụp vào mặt mũi tôi bộ phận để thở và gây mê, tôi chờ đợi... chỉ khoàng vài giây đồng hồ sau tôi có cảm giác nóng ở đầu và… đi vào hôn mê……. Rồi…

TÔI MỚI TỪ PHÒNG MỔ RA

Tôi nghe tiếng gọi rất xa… rất xa… vọng lại... Ba!… Ba!…

Tôi mở mắt nhìn thấy khuôn mặt xinh xắn của con gái út tôi, tôi nghe nó nói:

- A! Ba tỉnh rồi, tỉnh tồi.

Tôi nhìn thấy nhà tôi và các con tôi đứng chung quanh.

Nhiều người hỏi:   “Ba tỉnh rồi, ba có đau không, đau lắm không?”

Tôi trả lời:  “Không đau gì cả, các con ạ!”
 
Con gái út tôi nói:  “Có lẽ còn thuốc tê nên ba chưa đau, mà sao bác sĩ mổ nhanh vậy. Ông ta nói phải từ 4 đến 5 tiếng mà, sao chưa đầy hai tiếng đã xong.”
 
Tôi hỏi con tôi mấy giờ rồi, ngày hay đêm?

- 9:45 sáng ba à. Ba mới từ phòng mổ ra mà.

Từ giờ đó cho đến gần 12 giờ khuya ngày 9-5-2016 tôi vẫn không thấy đau nơi chỗ mổ sau lưng. Y tá lâu lâu lại hỏi tôi có đau không? Họ lấy thuốc giảm đau cho tôi.

Tôi trả lời:  “Không, tôi không thấy đau gì cả”.
 
Bà y tá nói:  “Đây là việc hết sức ngạc nhiên, bởi vì vết mổ của ông dài gần 12 inches. Nhiều người như ông đã phải uống thuốc giảm đau liên tục. Còn ông không đau là làm sao? Thật lạ quá!”
 
Tôi lại ngủ thiếp đi lúc nào tôi không biết. Rồi vì có ai đang lay nhẹ vai tôi, tôi mở choàng mắt ra, đó là bác sĩ Kiester.
 
Bác sĩ Kiester nhìn tôi với nụ cười thật hiền hỏi:

- Anh khỏe không? Có đau lắm không?

-- Không, Dr. Cám ơn Dr. Mấy giờ rồi, thưa bác sĩ?

- 6:30 sáng ngày 10-5-2016. Anh đã ngủ yên suốt đêm.
 
Tôi nhìn khuôn mặt ông ta thoáng có vẻ đăm chiêu và hoài nghi, nên tôi hỏi:

-- Sao Dr. đến sớm vậy?

- Tôi đến xem anh như thế nào. Cuộc mổ ngày hôm qua tôi đã sắp xếp phòng mổ và dự trù trong năm tiếng đồng hồ, nhưng tôi đã mổ rất nhanh và chính xác, chỉ trong vòng hai tiếng. Trong khi mổ tôi cảm thấy có điều gì huyền nhiệm nên mới nhanh và chính xác như vậy. Thật khó diễn giải theo y khoa. Cuộc giải phẫu thật tốt đẹp. Tuyệt vời! Suốt đêm qua tôi trằn trọc và cảm thấy hình như có ơn lạ về trường hợp của anh, nên sáng nay tôi đến sớm xem anh thế nào.

-- Cám ơn Dr.

-  Chốc nữa, khoảng 9 giờ tôi cho người đến tập cho anh đi, ngày nào anh đi được tôi mới cho anh về.
 
Khoảng hơn 9 giờ sáng, một nam y tá therapist đến phòng với walker và một dây bằng vải.

Anh ta giới thiệu anh là người sẽ tập cho tôi đi mỗi ngày một lần theo lệnh của bác sĩ Kiester, và anh sẽ trình cho bác sĩ biết, đến khi nào tôi đi bình thưòng, vững chắc, bác sĩ sẽ cho tôi về nhà.
 
Trong phòng tôi lúc đó có nhà tôi và các con tôi. Anh y tá đỡ tôi dậy bước xuống giường và chỉ cho tôi cách dùng walker, đồng thời anh ta cũng cột giây vải bề ngang gần bằng bàn tay quanh eo tôi, tay mặt anh nắm lấy dây vải đề phòng tôi ngã quỵ, sẽ kéo đỡ tôi dậy.
 
Chúng tôi bắt đầu đi. Tôi đi trước với waiker và anh y tá đi sau sát tôi.

Trước sự quan sát theo dõi của y tá, và sự chứng kiến của nhà tôi và các con tôi, tôi đi một cách bình thường chân dơ cao, bước ra khỏi phòng.
 
Ra khỏi phòng tôi bước đi như một người bình thường, đi nhanh và chân dơ cao như lính đi duyệt binh. Anh y tá vừa mừng vừa ngạc nhiên, anh ta hỏi tôi:

- Anh không đau sao, nhìn anh đi, tôi tưởng anh như không phải là bệnh nhân.

Tôi trả lời:   “Không, tôi không thấy đau gì cả, và rất mừng không còn đi cà nhắc như trước khi chưa mổ.”
 
Anh ta để tôi đi hai vòng trong hành lang dài của bệnh viện. Anh ta cười và nói với tôi:

- OK, tốt lắm, tốt lắm. Tôi cho anh diểm A+. Tôi sẽ trình cho bác sĩ Kiester biết ngay.
 
Tôi nói với anh y tá tôi muốn đi một vòng nữa được không?

- Được chứ! Đi một vòng nữa đi!
 
Sau đó tôi trở về phòng, anh y tá nói cho các con tôi nghe, bọn chúng rất mừng và ngạc nhiên lắm.

Khoảng 30 phút sau anh y tá trở lại bảo con tôi đến văn phòng ký giấy vì bác sĩ cho tôi về. Mọi người đều sửng sốt, ngỡ ngàng. Ai cũng lắc đầu khó hiểu.

Tôi rời khỏi bệnh viện UCI vào hồi 10:54 sáng ngày 10-5-2016. Thời gian tính từ khi tôi bắt đầu vào phòng mổ lúc 7:15 sáng ngày 9-5-2016, và tôi rời bệnh viện về nhà sáng lúc 10:54 sáng ngày 10-5-2016. Tính ra tôi chỉ ở trong nhà thương 27 tiếng 39 phút.
 
Bác sĩ Kiester, các y tá, nhất là y tá therapist cho tôi, ai ai cũng ngạc nhiên về trường hợp của tôi. Vì Những ai đã bị thương tích hay giải phẫu dù nhỏ hay lớn, sau khi thuốc tê hết hiệu lực, nhất là từ khoảng 10 tiếng đồng hồ trở đi, nơi vết thương hay vết mổ đó đau buốt thật khó diễn tả. Vì thế, các bác sĩ điều trị thường cho bệnh nhân thuốc giảm đau, và y tá phụ trách luôn luôn hỏi bệnh nhân có đau không để họ cho uống thuốc. Trường hợp của tôi cũng vậy, bác sĩ Kiester cho tôi thuốc ENDOCET TAB 5-325 MG, số lượng: 58 viên để giảm đau. Ông ta còn dặn tôi cách sáu tiếng đồng hồ uống một viên, và uống hết. Sau đó, nếu cần ông ta lại cho thêm. Lạ thay! Tôi không đau chút nào, nên tôi không uống một viên nào cả. Bác sĩ Kiester, các y tá đều rất ngạc nhiên, họ xem tôi như không phải bệnh nhân vừa mới mổ xương sống ngày hôm trước.
 
GIẤY XUẤT VIỆN

Trước khi ra về, Bác sĩ Kiester dặn tôi rất kỹ: phải dùng walker để di chuyển ít nhất một tuần; đứng lên ngồi xuống v.v. phải hết sức cẩn thận, mặc dù ông ta đã biết rất rõ tôi đã đi lại bình thường ngay trong bệnh viện.

Về nhà, trong hai ngay đầu, vâng lời bác sĩ dặn, tôi đi bằng walker, nhưng đến ngày thứ ba tôi bỏ nó vào một góc tường vì thấy không cần dùng nó nữa.

Một điều lạ lùng là từ khi được đưa từ phòng mổ về phòng tỉnh dưỡng ở bệnh viện và sau đó về nhà, tôi không hề bị đau nhức ở vết mổ. Ai ai cũng ngạc nhiên. Đúng là chuyện khó tin nhưng có thật.

Như quý vị đã biết, 100 % những người bị mổ xương sống và dây thân kinh sau lưng hầu như tất cả đều bị bại liệt nằm trên giường từ sáu tháng đến một năm, hay vài năm hoặc vĩnh viễn. Thế mà tôi mổ sáng ngày hôm trước, sáng hôm sau tôi đã dậy đi, và gần 10:54 giờ sáng bác sĩ cho về. Đây chính là PHÉP LẠ.

Bác sĩ Kiester còn dặn thêm: Nếu mọi việc đều tốt đẹp hoàn toàn, thì phải từ bốn đến sáu tuần tôi mới có thể lái xe được. Nhưng tuần lễ thứ hai vì công việc rất cần mà không tiện nhờ ai, tôi đã tự lái xe đi và về khoảng 200 miles mà vẫn bình thường, chỉ hơi mỏi lưng một tí chứ không đau gì cả.

Ngày 9-6-2016, đúng một tháng sau ngày mổ, tôi trở lại tái khám với bác sĩ Kiester P. Douglus, sau khi chụp quang tuyến X nơi chỗ mổ để xem bên trong, bác sĩ Kiester cười và nói với tôi :

- Ông về được rồi. Từ nay trở đi, tôi không còn lý do gì để gặp ông nữa.
 
Lòng đầy xúc động, tôi nắm chặt tay ông ta và nói:

-- Tôi, gia đình tôi, bạn bè tôi xin hết lòng cám ơn bác sĩ.
 
Vẫn nụ cười hiền lành đó, Dr. Kiester bắt tay tôi và chúc tôi may mắn, bình yên….


Một Chuyện lạ nữa. Một ngày trước ngày tái khám với bác sĩ Kiester, tức ngày 8/6/2016, tôi theo định kỳ đi khám căn bệnh ung thư máu với bác sĩ của tôi là:
Dr.Gurpreet S.Multani
Phone: 714-432-9200
Địa Chỉ: 11180 Warner Ave, Ste: 467
Fountain Valley, CA.92708
 
Sau khi thử máu và khám xong, bác sĩ Multami nói với tôi:
“Chúc mừng ông, căn bệnh hầu như không còn nữa. Số lượng bạch huyết cầu đã trụt xuống như ý tôi mong muốn, từ nay ông là người bình thường. Nếu cần, từ nay tôi chỉ gặp ông khoảng ba tháng một lần, để thử máu, theo dõi số lượng bạch huyết cầu mà thôi….”
 
Tôi ngước mặt lên trời, nghẹn ngào, ứa nước mắt thầm thĩ: Con cám ơn Đức Mẹ. Lại một PHÉP LẠ nữa!
 
Được biết tôi vừa trải qua căn bệnh ung thư máu và trải qua một cuộc mổ xương sống đầy nguy hiểm, các chiến hữu, nhất là anh em cảnh sát quốc gia cùng sát canh với tôi trước đây, họ kéo nhau đến thăm, và sửng sốt khi tôi vén áo cho họ nhìn vết mổ sau lưng tôi còn đỏ. Thế mà tôi bước đi bình thương, không đau buốt gì hết.

Rồi Chúa Nhật, ngày 19-6-2016 vừa qua, kỷ niệm ngày QLVNCH, cũng là ngày nhớ ơn cha (Father’s Day) của Hoa Kỳ, quê hương thứ hai của chúng ta, một số bạn hữu và chiến hữu (khoảng gần 20) người, trong đó có những người ở tiểu bang khác được tin cũng về thăm tôi.

Sau khi biết rõ mọi diễn tiến về bệnh tình của tôi, ai ai cũng sửng sốt, thốt lên. Thật khó tin, khó hiểu. Đây chính là PHÉP LẠ! Phép lạ nhiệm mầu.
 
Sau đó, trong tình thân mật, tôi vui đùa hỏi:

“Ai Công Giáo? Giơ tay lên!”

Nhiều người giơ tay.
 
"Ai Phật giáo hay ngoài Công Giáo? Giơ tay lên!"

Cũng nhiều người giơ tay.
 
Tôi vui đùa nói tiếp:

"Đức Mẹ không chơi với các bạn Công Giáo nữa, vì các bạn được ơn Đức Mẹ nhiều rồi. Bây giờ Đức Mẹ chỉ chơi với những người ngoài Công Giáo hay Phật giáo như tôi thôi."

Thế là cả phòng khách của chúng tôi ồn ào như “Ong vỡ tổ”. Vui ơi, là vui! Vui ơi, là vui!
 
Ngay lúc ấy bình nước đang trên bếp cũng vừa sôi, nhà tôi pha trà, không quên nhắc tôi bỏ vào một miềng cao Lá Vằng nhỏ và nhỏ thêm mấy giọt nước suối Đức Mẹ Lộ Đức vào bình trà, rồi mời anh em cùng uống để chia sẻ niềm vui với gia đình tôi và cùng chúng tôi tạ ơn Đức Mẹ.

Rồi, cuộc vui nào cũng mau qua. Xum họp nào rồi cũng chia tay. Tôi bịn rịn bắt tay và tiễn biệt các bạn cùng các chiến hữu. Nhìn họ ra về, người ngồi trong chiếc xe lăn, người đi sau chiếc walker, người với cây gậy chậm chạp bước đi, vừa đi vừa ngoái lại vẫy tay từ biệt. Tôi cố cắn môi ngăn dòng nước mắt và thầm nghĩ: 

"Ôi thời oanh liệt của đất nước tôi, cũng là của chúng tôi! Nay chữ “oanh” đã mất, chỉ còn lại chữ “liệt”.

Tôi bùi ngùi trở vào phòng, ngước nhìn tượng Đức Mẹ Lộ Đức (do anh chị Đoàn Q. trên San Jose, cung kính mang từ hang đá Loudes, Pháp về tặng anh H. đã trên 10 năm. Nay anh H. tặng lại chúng tôi) đang ngự trên bàn làm việc của tôi.

Tôi xúc động thưa với Đức Mẹ: 

“Lạy Mẹ! Con xin Mẹ hỏi Chúa giúp con, nhé! Sao Chúa và Mẹ thương con đến thế!  Vì Người đã trao quyền phép cho Mẹ để cứu đứa con hoang này….”
 
Thầm thĩ với Đức Mẹ xong, tôi vội nghĩ mình cần phải ghi lại những sự kiện trên đây, với mục đích gì thì quý vị quá biết.

Đồng thời tôi xin ghi ơn quý ân nhân, (nhưng vì khiêm tốn quý vị không cho phép tôi nêu tên quý vị ra đây) đã dâng lời cầu nguyện ƠN TRÊN cho tôi, nên bệnh ung thư máu và việc mổ xương sống của của tôi đem lại kết quả tốt đẹp không thể tưởng tuợng được. Đúng là Phép Lạ nhiệm mầu.
 
Tuy nhiên con xin mạn phép và cám ơn cha già cố H., mặc dù con chưa hân hạnh gặp cha lần nào, nhưng qua anh H. và tình thương, cha hằng dâng lễ cầu nguyện, rồi lại gửi thêm nước suối Đức Mẹ Lộ Đức cho con. Tuy số lượng rất khiêm tốn, nhưng “…nghĩa so nghìn trùng”.
 
Anh không quên cám ơn em, ba cũng không quên cám ơn các con, hằng cầu nguyện, an ủi, khích lệ ba, nên gia đình chúng ta mới được diễm phúc như ngày hôm nay…

California mới bắt đầu vào mùa Hè nên thời tiết hơi nóng. Tôi mở cửa sau bước ra vườn. Đêm trăng rằm tối nay tuyệt đẹp. Tôi chạnh lòng nhìn về quê mẹ nằm bên kia bờ biển Thái Bình; thổn thức đến ứa nước mắt vì:

Đất nước Việt Nam cũng đang bị những “tế bào ung thư máu” hoành hành và lưỡi giao mã tấu đang chuẩn bị đè xuống “mổ xương sống” đất nước tôi như trường hợp của tôi vậy. Vì thế, tôi lại nhớ đến lời nhắc nhở: 

“Nếu Cộng Sản miền Bắc chiếm được miền Nam, thì toàn thể nước Việt Nam sẽ trở thành quận hay tỉnh nhỏ của Trung Cộng. Yếu tố còn lại chỉ là thời gian”. (Đồng Tâm, Tuy Hòa ngày 17-9-1955)
 
Biết làm sao đây? Tôi chỉ biết cúi đầu khấn nguyện: Xin Đức Mẹ cứu đất nước chúng con thoát khỏi “hai căn bệnh trầm kha” trên, như Mẹ đã vừa cứu con vậy. Mà chỉ có Mẹ mới cứu được thôi.
 
Đang miên man, thổn thức thì đâu đây văng vẳng tiếng hát Mỹ Huyền réo rắt đưa tôi về thực tại, nhưng lại càng làm tôi tê tái cõi lòng:

Đêm khuya trăng mơ mắt trông về trong cõi xa mờ,
Nơi xa xăm kia tôi say nhìn quê cũ dấu yêu.
Ôi tình quê hương nới chốn xưa có người mẹ hiền,
Tóc màu hoa bạc chiều chiều mắt ngấn lệ vì con.

Ra đi con dâng đời cho gió mưa,
Quê người ngồi nhớ đến ngày vui qua.
Gió chiều thường nhắc khúc ca biệt ly,
Cố nhìn quê cũ lẩn trong sương mờ.

Mẹ ơi! Ra đi đời con sá chi,
Mơ ngày ngồi dưới ánh đèn lâm ly.
Bên mẹ thường hát khúc ca ngày đi,
Ai ngờ rồi cũng đến khúc phân ly.
Mẹ ơi! Mẹ ơi! Mẹ Việt Nam ơi...!”
 
Liên Thành

Đêm 19-6-2016 tại nam California

Chú thích: (1) Liên Thành, đang chỉ huy trấn áp cuộc biểu tình chống chính phủ VNCH của sinh viên thân cộng đại học Huế. (Trích T.T.Q.T.T. hay T.Đ.D.T., tr. bìa sau))
 
Liên Thành
P.O.Box: 6147
Fullerton, CA 92834
Phone: (626) 257-1057

THÁNH DANH ĐỨC MARIA, ngày 12/9, Lc 6, 12-19
MARIA TÊN MẸ ĐẸP TUYỆT VỜI

Với muôn vàn tước hiệu Giáo Hội và nhân loại dành cho Đức Mẹ, danh hiệu nào cũng đẹp, danh hiệu nào cũng quí, cũng cao vời. Maria nói lên tất cả. Maria bao hàm mọi ý nghĩa cao sâu. Viết về Mẹ, nói về Mẹ quả thực không có ngôn ngữ nào, không có bút pháp nào có thể diễn tả hết về Mẹ, có thể lột hết ý nghĩa cao sâu của danh từ Mẹ. “ Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình…, nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, ngôn từ con người và  nhân loại chỉ có thể nói lên được như thế. Đó là Mẹ trần gian, Mẹ trên trời, Mẹ thiêng liêng còn cao quí hơn gấp bội.

Danh hiệu mà Hội Thánh và nhân loại qua bao nhiêu thời đại tuyên xưng, ca ngợi Mẹ, như muốn nhắc nhở con cái Mẹ trên khắp mặt đất này : “ Danh Thánh của Mẹ luôn làm cho con người ngây ngất, say mê vì Mẹ luôn ở bên con người, Mẹ yêu thương con người, Mẹ ở đâu Chúa cũng ở đó và ngược lại “.

Trong Cựu Ước danh hiệu Maria theo tiếng Do Thái là Myriam; tiếng Aram là Maryam. Tân ước tiếng Maria theo Hy Lạp được dịch là Maria. Ngoài Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Chúa Giêsu, còn tám vị khác trong Thánh Kinh cũng mang tên Maria (xem Xh 15, 20-21; Ds 12; 1 Sb 4, 17; Lc 8, 2; Lc 10, 38-42; Mc 15, 40-47; Ga 9, 25; Cvtđ 12, 12; Rm 16, 6 ).

Theo A. Buy-ô-nô, người ta đã gán cho danh hiệu Maria hơn bảy mươi ý nghĩa hầu hết dựa trên tâm tình đạo đức. Trong số đó có hai ý nghĩa hầu như được nhiều người công giáo chấp nhận nhất. Ý nghĩa thứ nhất theo thánh Giêrônimô giải thích từ Maria xuất phát từ danh từ Hy Bá “ Yam “ nghĩa là biển, từ đó sinh ra từ” stilla maris “ nghĩa là “ giọt nước biển”, tượng trưng cho Chúa. Một nhà sao chép Thánh Kinh đã viết sai cụm từ này thành “ Stella maris “ có nghĩa là “ sao biển “. Ý nghĩa này rất được ưa chuộng và đưa vào văn chương Thánh Mẫu qua ca khúc:” Ave Maris stella “.

Ý nghĩa thứ hai cũng do công của thánh Giêrônimô. Thánh nhân đề nghị ý nhĩa này dựa trên từ” mar” trong tiếng Aram có nghĩa là “ Chúa”, đúng ra hình chữ này chính xác phải là” marta”. Giải thích này được chấp nhận rộng rãi và trở thành một tước hiệu quen thuộc của Đức Mẹ trong các ngôn ngữ hiện đại với ý nghĩa:” quý bà “, tiếng Ý là “ Madonna “, tiếng Pháp “ Notre Dame”, tiếng Anh là “ Our Lady “…

Tuy nhiên, sau này nhờ nhiều khai quật và khám phá của các nhà khảo cổ học về Kinh Thánh, người ta thấy danh xưng” mrym “ có liên quan nhất tới từ Maria. Danh xưng này phát sinh từ động từ” rwm” có nghĩa là “ cao “ hay “ cao trọng “, tức là” được khen ngợi “ hay “ uy nghi “. Vì Đức Mẹ là Đấng “ đáng ca ngợi “, Đấng rất thánh. Ý nghĩa sau cùng này dường như phù hợp với thánh danh Maria nhất.

Lễ kính thánh danh Maria bắt đầu từ Tây Ban Nha và được Giáo Hội chuẩn nhận vào năm 1513. Đức Giáo Hoàng Innocentê XI đã cho phổ biến này trên khắp cùng thế giới năm 1683 để cảm tạ tri ân Đức Mẹ, kỷ niệm biến cố vua Ba Lan John Soboeski đánh bại quân Thổ Nhĩ Kỳ vây hãm thành Viênna và đe dọa các nước Tây Phương. Lễ này được cử hành chính vào 12/9 mỗi năm là ngày kỷ niệm chiến thắng nói trên.

Lạy Mẹ Maria trong cuộc đời đầy thử thách giăng mắc và cam go, xin Mẹ giúp chúng con luôn biết kêu cầu thánh danh Mẹ trong mọi trạng huống cuộc đời. Amen.

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT


 

MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768