Trong một đan viện nọ, có hai tu sỹ ngồi đàm đạo để cùng giúp nhau
thăng tiến về đời sống thiêng liêng. Họ mở Kinh Thánh ra và cùng nhau
chia sẻ. Đoạn Kinh Thánh được đọc lên, trích trong Tin mừng Luca chương
15, nói về dụ ngôn đứa con hoang đàng. Câu chuyên khá dài với nhiều tình
tiết. Gấp sách lại, cả hai thinh lặng cầu nguyện và trao đổi. Một
đan sĩ lên tiếng: “Tôi không hiểu tại sao thằng bé này lại bỏ nhà đi
hoang. Nó có một gia đình khá đầy đủ về vật chất. Hơn nữa, nó còn
có một ông bố yêu thương nó hết lòng. Vậy tại sao nó lại thoát ly gia
đình?” Suy nghĩ một lát, vị đan sĩ kia lên tiếng: “Đứa bé này bỏ nhà đi
bụi, vì trong ngôi nhà ấy vẫn vắng bóng một người mẹ.”
May
mắn, chúng ta có một người Mẹ tuyệt vời là chính Đức Maria. Người vừa là
hiền mẫu, vừa là Thầy dạy đức tin và cũng là đấng phù trợ chúng ta trong cuộc
lữ hành đức tin trần thế. Mừng lễ Mẹ lên trời hôm nay, Giáo hội cũng
nhắc nhớ chúng ta hướng về người mẹ thiêng liêng và tuyệt diệu này.
Đồng thời, chúng ta cũng nhìn về Đức Maria như là khuôn mẫu đức tin để
noi theo.
Ý nghĩa mầu nhiệm Mẹ lên trời hồn
xác
Năm 1950, Đức Thánh Cha Piô XII đã công bố tín điều này.
Đây là tín lý thuộc đức tin mang tính thần khải và Công giáo. Giáo hội
xác tín chân lý ấy dựa vào nhiều lý chứng.
Trước hết, bởi vì Mẹ là thụ tạo vượt trổi, đã được Chúa giữ gìn khỏi
lây nhiễm tội lỗi. Tội tổ tông không để lại âm hưởng gì nơi Mẹ, đồng
thời Thiên Chúa cũng gìn giữ mẹ luôn mãi vẹn tuyền. Ngay từ ban đầu,
Thiên Chúa đã chọn Mẹ làm Mẹ Đấng Cứu Thế, nên Ngài phó trao cho Mẹ những đặc
sủng tương thích với sứ vụ cao cả này. Thân xác Mẹ cho dù có phải nếm
trải sự chết giống như Đức Giêsu, nhưng thân xác vẹn tuyền đó không thể
bị hủy hoại. Vì vậy Giáo hội xác tín rằng sau khi chết, Mẹ đã được đưa
về trời cả hồn lẫn xác.
Thứ
đến, cuộc đời của Mẹ đã gắn kết chặt chẽ với Đức Giêsu. Đức Giêsu đã
phục sinh và lên trời. Mẹ cũng vậy. Phần thưởng nước trời dành cho
Mẹ như một hệ quả tất yếu của sự hiệp thông trọn vẹn với Đức
Giêsu.
Đọc
lại Kinh Thánh, chúng ta sẽ thấy ngay từ những trang đầu tiên, Kinh Thánh đã
nói đến sự chiến thắng của người nữ trên con rắn. Người nữ đạp dập đầu
con rắn và con rắn rình cắn gót chân bà. Người phụ nữ này là hình tượng
chỉ về Hội thánh, về Đức Maria, về những con người sống hiệp thông chặt chẽ
với Đức Giêsu trong nhiệm cục cứu độ. Cũng tương tự, người nữ trong sách
Khải Huyền đã chiến thắng con rồng đỏ, cũng ám thị về Đức Maria và về toàn thể
Giáo hội.
Giáo hội công bố tín điều này để mời gọi chúng ta hướng về Mẹ như khuôn
mẫu đức tin. Mẹ chính là Thầy dạy Đức tin cho chúng
ta.
Thầy dạy đức tin
Sau
khi Chúa về trời, Kinh Thánh nói rất ít về Mẹ. Tin mừng Gioan chỉ tóm
gọn trong một câu ngắn: “Từ lúc ấy, môn đệ đem Mẹ về nhà mình (Ga
19,27). Sách Tông đồ Công vụ chỉ duy nhất một lần nói về sự hiện diện
của Đức Maria giữa các tông đồ khi cầu nguyện tại Giêrusalem trong dịp lễ Ngũ
Tuần. Sau đó, Chúa Thánh Thần đậu xuống trên các tông đồ và trên Đức Mẹ
(Cv. 1,12). Như vậy, sau biến cố Phục sinh, Mẹ đã hoàn toàn rút
vào trong thinh lặng để suy niệm và cầu nguyện. Thái độ đức tin này cũng
được Thánh Luca tóm kết bằng một câu đơn giản: “Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ
mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng (Lc. 2,19). Vì vậy, qua
phụng vụ hôm nay, Giáo hội cũng mời gọi chúng ta hướng về Mẹ như là Thầy dạy
đức tin của mọi tín hữu.
“Phúc cho bà là kẻ đã tin” (Lc. 1,45). Đây là lời được mặc khải
qua miệng bà Elizabeth. Trước khi chúng ta chiêm ngắm các nhân đức và
những đặc phúc nơi Mẹ, chúng ta hãy nhìn về Mẹ như là Thầy dạy đức tin của
chúng ta.
Cuộc hành trình đức tin của Mẹ được dàn trải trong suốt cả cuộc sống,
từ biến cố truyền tin đến cao điểm là phút giây hiệp thông trọn vẹn với Đức
Giêsu dưới chân Thập giá. Thái độ đức tin đó được thể hiện bằng cách Mẹ
luôn tìm kiếm và quy thuận thánh ý Thiên Chúa. Có lần, khi Chúa Giêsu
đang giảng giữa đám đông, Đức Maria chợt đến. Người ta báo cho Chúa biết
là “bà cố” đang đến. Người trả lời: “Ai là mẹ tôi và anh em tôi, chính
là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành (Mc 3,31-35). Đức
Giêsu gián tiếp đề cao thái độ đức tin nơi Mẹ. Tính cách làm Mẹ của Ngài
hệ tại ở việc biết nghe lời Thiên Chúa và đem ra thi hành.
Mẹ
được đem về trời cả hồn lẫn xác là dấu chứng của một cuộc vinh thắng, và đó
chính là cuộc chiến thắng trong đức tin. Trong thư Rôma, thánh Phaolô so
sánh Ađam với Đức Kitô (xem chương 5). Ađam gieo sự tội vào trần gian vì
bất tuân, còn Đức Kitô đưa sự giải án tuyên công đến cho con người qua vâng
phục. Cũng như Evà đã liên đới với Ađam trong tội nguyên tổ, thì Đức
Maria được sánh ví như Evà mới, đã hiệp thông trọn vẹn với Đức Giêsu để đem ơn
cứu độ đến cho con người. Nhiều thần học gia còn gọi Mẹ là Đấng “Đồng
công Cứu chuộc” (Corredemptorist). Sách Giáo lý Công giáo cũng mời gọi
chúng ta hướng nhìn về Mẹ như là Biểu tượng Cánh chung (Eschatological Icon)
cho toàn Giáo hội trong cuộc lữ hành trần thế (Giáo lý Công giáo số
972). Những điều này nói về Mẹ như là khuôn mẫu và Thầy dạy đức tin cho
chúng ta.
Ở
Đức, trong một vở kịch diễn lại Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, diễn viên
trình diễn cảnh Giuđa sau khi phản bội đã ra đi tự vẫn. Trước khi chết,
anh ta thét lên: “Khốn thân tôi, tôi biết chạy đến với ai bây giờ ?”
Nghe vậy, một đứa trẻ ở gần đó nói với mẹ: “Mẹ ơi, sao anh ta không
chạy đến với Đức Maria.”
“Trên đời này, không có một kỳ quan nào cao cả và vĩ đại cho bằng trái
tim của người mẹ.” Cũng vậy, chúng ta có Đức Maria là Hiền Mẫu, là Thầy
dạy đức tin và cũng là nơi nương náu an toàn nhất trong cuộc lữ hành trần thế
hôm nay.
Lm
G.B. Trần Văn Hào SDB