Phanxicô và Giaxinta:
hai trẻ em mục đồng Fatima
nắm giữ vai trò quan trọng
trong lịch sử thế kỷ XX
Prepared
for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines
Phanxicô và Giaxinta: hai trẻ em mục đồng
Fatima nắm giữ vai trò quan trọng
trong lịch sử thế kỷ XX.
Tại sao Giáo hội lại quan tâm đến việc
làm án phong chân phước cho Phanxicô và Giaxinta, hai em mục
đồng miền thôn quê, vừa thất học, vừa
non nớt như vậy? Tại sao Giáo hội phải mất
bao thì giờ từ năm 1981, lập ủy ban các nhà chuyên
môn, để học hỏi, nghiên cứu và thu thập tài
liệu, để có những lý do chắc chắn trong việc
tôn phong hai em lên danh dự bàn thờ? Phanxicô và Giaxinta là những
trẻ nhỏ đầu tiên không tử đạo
được tôn phong lên bậc Chân phước trong lịch
sử Giáo hội. Chúng ta người công giáo vẫn tin rằng:
Thiên Chúa dùng những người hèn yếu để thực
hiện các chương trình vĩ đại của Người.
Trong lịch sử Giáo hội không thiếu những trường
hợp Thiên Chúa đã dùng để biểu lộ quyền
phép của Người. Không cần đi sâu vào dĩ vãng của
lịch sử, nhưng chỉ cần nhìn vào một hai
trường hợp mới đây, liền thấy rõ công
việc của Thiên Chúa. Thế giới đã được
chứng kiến đời sống và công việc của Mẹ
Têrêsa thành Calcutta, một phụ nữ yếu ớt,
nhưng được mọi người kính phục, từ
các vị quyền thế nhất đến những
người không nhà không cửa, nằm đầu
đường xó chợ, được Mẹ
thương cứu giúp. Bắt đầu với 5 đồng
tiền Ấn độ, Mẹ đã thiết lập Tu hội
Các Nữ Tu thừa sai bác ái và sau đó, nhờ các ân nhân từ
khắp thế giới, biết bao cơ sở từ thiện
bác ái khác đã được thiết lập tại rất
nhiều nước trên khắp năm Châu. Mẹ không phải
là nhà trí thức, chính trị, kinh tế, tài chánh, triết học,
thần học. Nhưng khi Mẹ diễn thuyết, các vị
thông thái trên thế giới đã lắng nghe một cách rất
chú ý.
Cha Pio, một thầy dòng đơn sơ, hoạt
động tông đồ, như một cha sở nhà quê, tại
San Giovanni Rotondo, và xưng mình là "một người chỉ
biết cầu nguyện" (uno che prega), đã được
Chúa in năm dấu thánh và đã làm biết bao sự lạ
lùng trong lúc sống và sau khi chết. Với hai bàn tay trắng,
cha đã gây dựng một cơ sở vĩ đại, gọi
là "Casa della sofferenza" (nhà của sự đau khổ)
được trang bị bằng các dụng cụ tối
tân của thời đại về Y Khoa tại San Giovanni
Rotondo, để đón nhận các bệnh nhân, đến
từ nhiều miền trong nước Ý và từ các nước
Châu Âu nữa. Hằng năm có tới sáu triệu người
đến kính viếng mộ Cha tại nhà thờ Santa
Maria delle Grazie ở San Giovanni Rotondo.
Công việc của Mẹ Têrêsa và của Cha Pio là công
việc do bàn tay Quan Phòng Thiên Chúa, không phải do sức yếu
hèn và giới hạn của loài người.
Vào đầu thế kỷ XX này, Thiên Chúa đã dùng
hai em Phanxicô và Giaxinta Marto, hai anh em ruột, (với người
chị họ là Lucia Santos, hiện còn sống), những
linh hồn ngây thơ, trong sạch, bé nhỏ, không học
thức... để phổ biến một sứ điệp
rất quan trọng, liên hệ đến số phận của
tất cả nhân loại. Chính vì lý do này, Giáo hội và nhiều
học giả đã nghiên cứu, đã viết sách vở,
báo chí... nói về đời sống ngắn ngủi của
hai em mục đồng làng Aljustrel. Và ngày 13 tháng 5, Năm
Thánh 2000, ÐTC đã đích thân đến Fatima, nơi hai em
cùng với người Chị họ Lucia, đã được
Ðức Trinh Nữ Maria hiện ra tại thung lũng Cova da
Iria, từ ngày 13 tháng 5 đến 13 tháng 10 năm 1917, để
tôn phong hai em lên danh dự bàn thờ trước triệu
người hành hương và từng triệu, triệu
tín hữu trên thế giới theo dõi biến cố qua
đài Truyền hình và Phát thanh.
Ðối với hai em, Giáo hội và thế giới
đã đặt rất nhiều câu hỏi, nhưng câu trả
lời vẫn là một. Câu trả lời duy nhất
đó là sứ điệp của Ðức Maria, đem đến
cho nhân loại qua ba em nhỏ làng Aljustrel: Sứ Ðiệp
"Cầu nguyện và sám hối". Tuy là một sứ
điệp rất xa xưa, nhưng là một sứ điệp
luôn luôn mới mẻ, một sứ điệp liên kết
với giáo huấn của Thánh Gioan Tẩy giả, trên bờ
sông Giordano; một sứ điệp liên kết với việc
rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu tại Nagiaret:
"Hãy trở lại và hãy đón nhận Tin Mừng".
Và đây cũng là sứ điệp của Ðại Toàn Xá
năm 2000. Sứ điệp Cầu Nguyện và Ăn
năn Sám Hối, được gửi cho toàn thể nhân
loại.
Tại Fatima một ánh sáng của ơn cứu rỗi
đã được đốt lên một lần nữa
cho Giáo hội và cho thế giới. Giữa đệ nhất
(1914-1918) và đệ nhị thế chiến (1939-1945), sứ
điệp Fatima (nhiều người gọi
là Bí mật Fatima) đã được
đề cao với sức mạnh hấp dẫn trước
Giáo hội và cả nhân loại. Biết bao linh hồn quảng
đại, như Cha Maximilien Kolbe (Ba lan), tháng 10 năm 1917,
tại Roma, đã thành lập Phong trào Ðạo Binh Xanh của
Ðức Maria vô nhiễm, với mục đích duy nhất:
"đáp lại tức khắc sứ điệp của
Mẹ Maria truyền cho thế giới tại Fatima".
Sau Cha Kolbe, biết bao người khác cũng đã đáp
lại lời mời gọi của Mẹ Thiên Chúa: nhiều
phong trào, hội đoàn mới, nhằm mục đích canh
tân đời sống Kitô, được thành lập trong
Giáo hội; biết bao linh hồn tận hiến đã
ngoan ngoãn nghe lời khuyên răn của Mẹ Thiên Chúa. Tất
cả cùng theo đuổi một mục đích: Cầu
nguyện, cải thiện đời sống và tôn sùng Trái
Tim cực sạch Mẹ Maria, để cầu nguyện
cho các người tội lỗi trở lại và cho hòa
bình thế giới.
Sau hai thế chiến, sau cuộc sát hại khoảng
sáu triệu người Do thái, sau vụ mưu sát Ðức
Gioan Phaolô II ngày 13.5.1981 tại Quảng trường Thánh
Phêrô, sau vụ sụp đổ của chế độ cộng
sản Trung-đông Âu và của Bức Tường Berlin
năm 1989, sau chiến tranh tại miền Balcan và Kosovo, sau
cuộc rước kiệu thật lạ lùng kính tượng
Ðức Mẹ đến từ Fatima tại Quảng
Trường Ðỏ ở Moscowa, và sau việc mở lại
nhà thờ dâng kính Ðức Maria vô nhiễm cũng tại thủ
đô Nga, chúng ta thử hỏi còn phải làm những gì nữa
để thực hiện sứ điệp Fatima?
Xin thưa ngay rằng: Tất cả những biến
cố trên đây, nếu không được kèm theo bằng
việc trở lại thành thực bên trong của mỗi một
người và của cộng đồng, như Ðức
Trinh Nữ Maria đã yêu cầu trong các lần hiện ra với
ba em "Trở lại và sám hối", nghĩa là dấn
thân sống một đời sống Kitô đích thực,
phù hợp với giáo huấn Phúc Âm, thì Giáo hội và thế
giới chưa đáp lại đầy đủ sứ
điệp Fatima. Thế giới sẽ không được
hòa bình và sự dữ vẫn tiếp tục lan tràn khắp
nơi.
"Hãy trở lại, hãy sám hối và hãy cầu nguyện":
Sứ điệp Fatima hoàn toàn là sứ
điệp Phúc Âm: chỉ có lời cầu nguyện mới
cứu được thế giới. Thánh Alphongsô Giám mục
Tiến sĩ đã quả quyết: "Ai cầu nguyện,
sẽ cứu được chính mình, ai không cầu nguyện,
sẽ bị hư mất". Chỉ có sám hối, mới
cứu được thế giới. Chính Chúa Giêsu đã
nói: "Nếu các người không sám hối, thì cũng sẽ
bị tiêu diệt như vậy".
Ðứng trước biết bao tội ác ngày nay trên
thế giới (nhất là tội sát hại các trẻ em
chưa sinh ra, tội mà Mẹ Têrêsa coi là ghê tởm nhất
của thời đại này), người tín hữu Kitô,
đã được Chúa chết trên Thánh giá để cứu
chuộc, phải dấn thân, với bất cứ giá nào, sống
phù hợp với đời sống Chúa Kitô: Chết cho tội
lỗi và sống trong ơn thánh. Ðời sống Kitô không có
lựa chọn nào khác. Chúa quả quyết: Không thể làm
tôi hai chủ một lúc được. Lời Chúa dạy
các môn đệ xưa kia vẫn có giá trị đối với
bất cứ thời đại nào. Chỉ có những linh
hồn dấn thân sống theo Chúa mới đem lại nhiều
thành quả thiêng liêng tốt đẹp cho bản thân, cho
xã hội và cho thế giới. Lễ phong Hiển Thánh cho Nữ
Chân Phước Faustina Kowalska, một linh hồn huyền
bí, và sám hối, vào hôm Chúa nhật 30 tháng 4/2000 vừa qua,
cũng nhắc lại cho thế giới sứ điệp
Fatima.
Thế giới tiếp tục đuổi theo con
đường sai lạc của mình; nhưng trên thế
giới này vẫn có biết bao người biết ngước
mắt nhìn vào những chứng nhân gương mẫu của
đời sống Kitô, vì chứng tá đời sống của
những người lành thánh có sức mạnh lay động
và thay đổi tâm hồn. ÐTC có thể tôn phong hai em
Phanxicô và Giaxinta lên bậc Chân phước ở Roma, không cần
vất vả đến Fatima. Nhưng
ngài đã muốn trở lại đây, để cất
nhắc hai em lên danh dự bàn thờ trước sự hiện
diện của gần triệu người hành
hương, đến Ðền Thánh Cova da Iria, không những
để tham dự ngày vinh quang của hai em, nhưng còn
để nghe nhắc lại và thực hiện sứ
điệp của Ðức Trinh Nữ Maria đã để
lại cho ba em mục đồng. ÐTC thấy rõ rằng: cử
chỉ của ngài có một tác động rất mạnh
mẽ, nếu ngài đến tại chỗ, nơi các em
đã lãnh nhận sứ điệp của Ðức Trinh Nữ
Maria: "Các con phải cầu nguyện nhiều và phải
đau khổ nhiều, để cầu cho các người
tội lỗi trở lại và cho hòa bình thế giới".
Cử chỉ của ÐTC có sức thu hút từng triệu
người hành hương tuốn đến Ðền
Thánh, với dấn thân mới trong việc thi hành sứ
điệp, theo gương hai Vị Chân phước mới.
Ðài truyền hình đã cho thấy những hình ảnh
rất cảm động tại Fatima trong những ngày
này: nhiều người hành hương, có khi cả gia
đình, đi bằng hai đầu gối từ đầu
quảng trường mênh mông truớc Ðền Thánh, (--- một
quảng trường dài 540 thước, hơn nửa cây
số, có thể chứa được một triệu
người ---), với tràng hạt trong tay, tiến đến
Ðền Thánh. Ðêm 11 sáng 12.5.2000, truớc ngày Phong Chân phước,
đã có hơn 300 ngàn người cầu nguyện và ngủ
đêm ngoài trời, để chờ đợi thánh lễ
Phong Chân phước sáng ngày 13.5.2000. Tại đây, ÐTC sẽ
nhắc lại sứ điệp Fatima cho Giáo hội và cho
thế giới, như ngài đã nói lên nhiều lần:
"Hãy trở lại, hãy ăn năn sám hối, hãy sống
Tin Mừng và hãy cầu nguyện luôn, nhất là đọc
kinh Mân côi". Ðây cũng là chính sứ điệp mà Cộng
đồng Dân Chúa phải dấn thân thi hành trong Năm
Thánh, trong Thế kỷ mới và trong Ngàn Năm Thứ ba,
nếu muốn xây dựng một thế giới tốt
đẹp hơn. Công việc xây dựng thế giới tốt
đẹp hơn, không phải chỉ là bổn phận của
các tín hữu Kitô, của Giáo hội, của các tôn giáo,
nhưng là của mọi người, cách riêng của các vị
cầm vận mệnh các quốc gia và Cộng đồng
quốc tế. Việc xây dựng này không thể dựa
vào sức mạnh của "cá lớn nuốt cả
bé", nhưng phải dựa trước hết trên việc
cải thiện đời sống của mỗi người,
rồi trên tình huynh đệ, tình liên đới của
đại gia đình nhân loại, như Ðức Phaolô VI
đã nói: Xây dựng một thế giới mới trên nền
văn minh của tình yêu thương.
|