Lửa của tình yêu
“Thầy
không muốn đến để đem bình an…”
Sách
Xuất Hành kể rằng Môsê dẫn đàn cừu đi
vào sa mạc, đến núi của Thiên
Chúa là Khoreb. Thần sứ của Giavê
hiện ra cho ông trong ngọn lửa giữa bụi gai,
bụi gai bốc cháy nhưng không bị thiêu huỷ.
Chúa phán cùng Moisê: “Chớ lại gần. Cởi
dép khỏi chân đi vì đây là thánh địa”. Lửa biểu tượng sức mạnh
của Thiên Chúa. Trong bài Phúc Âm, Chúa Giêsu tuyên bố:
“Thầy đến để đem lửa xuống
trần gian và mong muốn cho lửa cháy lên”. Lửa
ấy là gì? Là sức mạnh, vừa soi sáng vừa
đốt cháy của tình yêu Thiên Chúa. Là Chúa Thánh Linh đã
đến trong ngày Hiện xuống để làm bừng
sáng trí khôn, để nung nấu tâm hồn các tông
đồ, đã làm cho các ông lãnh nhận phép rửa mà Gioan
tiền hô đã loan báo: “Ngài sẽ đến, làm phép
rửa anh em trong Thánh Thần và lửa” (Mt 3,11).
Vậy muốn trở nên đồ
đệ chân thật của Chúa, chúng ta hãy đón nhận lửa
tình yêu mà Chúa mang đến. Tâm hồn ta phải
đầy lửa. Có lửa mới có
thể đem chia sẻ cho người khác. Đó là điều kiện tiên quyết của
những ai làm tông đồ của Chúa, nhưng ai có
phận sự “làm cho lửa cháy lên” trong các linh hồn.
Lễ Hiện xuống năm 1544, trong
khi Thánh Philipphê Nêri đang cầu xin Chúa Thánh Thần thì
như có một bầu lửa xâm nhập vào tâm hồn,
khiến người cảm thấy đầy lửa yêu
mến. Phải chăng đây là triệu chứng một
cơn bệnh mà Người mang theo
suốt đời? Bệnh thể xác hay bệnh tâm linh,
không ai dám quả quyết. Chỉ biết chắc một
điều là sau khi Thánh nhân qua đời, các bác sĩ
đã mổ khám tử thi, nhận thấy phía trên trái tim
của Người, có hai chiếc xương sườn
bị gẫy và cong uốn lên như để dành
đủ chỗ cho trái tim. Philiphê Nêri là
một vị tông đồ đầy lửa của thành
phố Lamã.
Điều
kiện thứ hai của vị tông đồ là sẵn
sàng xả kỷ và hy sinh. Chúa phán: “Thầy
đến để đem sự chia rẽ”. Thật là
trái ngược! Ngài “hiền lành và khiêm tốn trong lòng”,
nhưng “lại đến để đem sự chia rẽ”,
cha mẹ chống đối con cái, người trong nhà
chia rẽ nhau!
Vì tình yêu chân chính đòi hỏi sự
chọn lựa và hy sinh. “Ai yêu cha mẹ hơn Ta thì không đáng làm môn
đệ Ta”. Lịch sử Giáo Hội
nhan nhản những gương hy sinh của các vị Tông
Đồ của Chúa. Thân mẫu của Thánh Nữ
Catarina Sienna kêu lên ngày con ra đi sống đời tận
hiến: “Ôi sức mạnh nào đã chiếm đoạt
con tôi?” Đó là sức mạnh của
Đấng đã chết trên cây thập giá cách đây XIX
thế kỷ, nhưng vẫn còn lôi cuốn “tuổi
trẻ, sắc đẹp và tình yêu” (Montalembert).
Chúa Giêsu thật là Đấng đã
đem đến cho thế giới máu và lửa. Lửa của Tình Yêu.
Máu của Hy Sinh để cứu chuộc
nhân loại như trong một phép rửa. “Thầy phải chịu một phép rửa và lòng
Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn
tất”.
Yêu mến, tận hiến và hy sinh cùng
là ba đức tính của người tông đồ
của Chúa. Tôi khốn
khổ cơ bần, nhưng có Chúa ân
cần chăm nom. Người là Đấng phù trợ
giải thoát. Ôi, Lạy Chúa, xin Ngài đừng chậm trễ(Tv 39).
|