Dấu chỉ
Tin
Mừng chúng ta vừa nghe, có vẻ khác lạ nếu
chưa muốn nói là chói tai.
Thường chúng ta vẫn có những quan niệm rất
bình an và dịu dàng về con
người Giêsu và nhất là về giáo lý bác ái của
Người. Các thiên thần đã không hát khúc
ca hòa bình trong ngày Ngài giáng sinh đó sao? Và
trọng tâm giáo lý của Ngài không phải là tình
thương đó sao? Ngài chẳng
đến để hòa giải giữa Thiên Chúa và loài
người, và giữa dân ngoại và Do thái đó sao? Thế mà hôm nay, trong đoạn vắn tắt
của thánh Luca, chúng ta thấy Ngài nói đến Lửa và
Nước, chia rẽ và chống đối, và ngay tại
gia đình thường được gọi là tổ
ấm. Giải thích điều đó
thế nào đây?
Chúng ta đang trên đường lên
Giêrusalem, nơi Đức Giêsu sẽ được
đưa lên cao. Sau khi
mời gọi phải tỉnh thức, được minh
họa bằng dụ ngôn người quản lý khôn ngoan
trong Tin Mừng Chúa nhật tuần trước, giờ
đây Đức Giêsu nói với những ai theo
Người ba lời về thử thách, có ý nói đến
những nguy hiểm của cuộc phiêu lưu theo
Người: Số phận của người môn
đệ sẽ không khác gì Thầy mình.
Lời
thứ nhất loan báo Đức Giêsu đến
“để ném lửa vào mặt đất”. Lửa đây là gì?
Dĩ nhiên lửa đây không phải là thứ lửa
vật chất mà chúng ta dùng để nhóm bếp hay dùng
để đốt thuốc lá. Lửa ở đây
phải được hiểu theo
nghĩa tượng trưng. Trong Cựu
ước lửa tượng trưng cho quyền năng
tối thượng, sự hiện diện đáng sợ
của Thiên Chúa. Đó cũng có thể
là lửa phán xét của Thiên Chúa để thiêu hủy
những kẻ xấu và thanh luyện một số ít
những người trung tín còn lại. Nhưng
đối với thánh Luca, trước hết lửa là
biểu tượng của thần khí đã ngự trên
Đức Giêsu, đã xức dầu cho Ngài, đã sai Ngài
đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, công
bố ơn giải thoát cho kẻ tù đày, cho
người đui được thấy, cho kẻ áp
bức được giải oan, loan báo năm hồng ân
của Thiên Chúa. Nhưng cũng chính vì đó
mà Đức Giêsu trở thành dấu chỉ của sự
chống đối trong suốt cuộc đời của
Ngài. Cuối cùng khi sự bất hòa lên
đến tột đỉnh Ngài đã bị các
đối thủ giết chết. Đồng
thời lửa đó cũng là thần khí đến thiêu
đốt các tông đồ trong ngày lễ Hiện
xuống. Chính ngọn lửa đó đã làm cháy tan
sự lo lắng, sợ hãi trong các tông đồ và dẫn
các ông ra đi làm chứng cho Đức Giêsu. Dẫu
cho trong sứ vụ làm chứng đó, các ông gặp
chống đối và phải thiệt thân.
Là
Kitô hữu chúng ta đã lãnh nhận thần khí qua bí tích
Rửa tội và Thêm sức. Thì chắc chắn chúng ta cũng sẽ trở nên
dấu chỉ sự chống đối như Đức
Giêsu.
Lời
thứ hai của Đức Giêsu giới thiệu “cái
chết” của Người như một phép rửa, mà
Người sẽ bị nhận chìm trong đó để
cứu rỗi dân Người: “Thầy còn một phép rửa phải chịu và lòng
Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc
này hoàn tất”.
Từ
“Phép rửa”, theo nguyên nghĩa là “sự
nhận chìm trong nước”. Vào thời
của thánh Luca, phép rửa không phải là mấy giọt
nước xối trên trán như phép rửa của chúng ta
ngày nay. Người nhận phép rửa
phải nhận chìm toàn thân vào trong một hồ nước.
Vì thế phải dịch câu nói của Đức Giêsu
thế này: “Thầy phải được nhận chìm
trong một hồ nước”. Khi nói như thế, cho
thấy Đức Giêsu đang nghĩ đến cuộc
khổ nạn, đến cuộc tắm máu,… hay chính xác
hơn, Ngài đang nghĩ đến những dòng
nước cuồn cuộn khổ đau và chết chóc,
không bao lâu nữa sẽ dìm chết Ngài. Đức
Giêsu xao xuyến nghĩ đến việc đó.
Nhưng việc đó đối với Ngài là điều
cần thiết như lời Ngài nói “Thầy còn một
phép rửa phải chịu…”. Đây là một công thức thông thường
để nói về cuộc khổ nạn khắc
khoải ấy qua đó một ý định nhiệm màu
được thực hiện.
Khi
nêu lên chủ đề “ơn ban bởi thần khí” và “phép
rửa trong cái chết”, thánh Luca đã cho thấy
Đức Giêsu đã phải trả giá đắt biết
bao cho sự cứu chuộc thế gian.
Phép rửa này là một cuộc
vượt qua bắt buộc đối với
Đức Giêsu và các môn đệ Ngài. Vì vậy Ngài hỏi ông Giacôbê và Gioan,
khi các ông muốn làm lớn trong Nước của Ngài: “Các
con có thể uống chén mà Thầy sắp uống, chịu
phép rửa mà Thầy sắp chịu không?”
Bởi đó muốn được
sống lại với Đức Giêsu, thì chúng ta cũng
phải chịu dìm mình vào cái chết của Người,
nghĩa là chết đi cho thói hư, tật xấu và
tội lỗi của mình.
Lời
thứ ba của Đức Giêsu quả quyết rõ ràng,
những ai theo Người cũng
sẽ phải gặp thử thách trên bước
đường đi của họ, và ngay cả trong gia
đình của chính mình.
Hòa bình là một điều tốt lành
nhất mà người ta chờ đợi từ
Đấng Messia. Trái lại, lời giảng dậy và hành
động của Đức Giêsu gây ra những phản
ứng chống đối mạnh mẽ. Đức
Giêsu là một con người bị truy đuổi. Ngài cảm thấy điều đó ở xung
quanh mình. Nhưng thay vì từ bỏ hành động và
sợ hãi, Ngài tiến thẳng về cái chết với
một lòng can đảm đáng khâm phục. Và
Ngài loan báo cho các bạn hữu của Ngài, chính họ
cũng bị chống đối như vậy.
Như
những người đồng thời với
Đức Giêsu, chúng ta mơ ước hòa bình và chúng ta
muốn hưởng trọn vẹn sự hài hòa yên tĩnh
ấy, vốn là sự nghỉ ngơi của tâm hồn,
của vợ chồng với nhau, của cha mẹ với
con cái, của con cái với cha mẹ, của môi
trường xã hội này với môi trường khác…
Shalom, hòa bình là ước mong mà người Do thái nói
với nhau mỗi ngày. Thực tế, đó
là lý tưởng tóm tắt tất cả những gì
người ta mong ước.
Thế thì tại sao Chúa lại có
vẻ đề cao sự chia rẽ? Chúa không phải là hòa bình
của thế giới sao?
Vâng, Đức Giêsu chính là người
mang lại hòa bình. Nhưng không phải là thứ hòa bình dễ dãi.
“Thầy ban cho anh em bình an của
Thầy. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban
tặng”. Có những nền hòa bình lừa dối, những
sự an ninh ru ngủ và nguy hiểm. Chúng chỉ dựa trên những thỏa hiệp,
nhượng bộ, không dám bùng nổ vì sợ thiệt
hại cho thân thể, của cải, danh tiếng của
mình. Hòa bình kiểu đó chỉ che đậy
những chống đối trầm trọng, ẩn
chứa đầy sóng ngầm, che dấu chiến tranh
lạnh, hay duy trì những phần tử đặt
cạnh nhau mà không cảm thông lẫn nhau. Tất
cả những điều đó là sự trái ngược
của hòa bình. Hòa bình đích thực chỉ có thể
đạt được khi chúng ta lựa chọn theo Đức Giêsu. Tuy nhiên lựa chọn theo Đức Giêsu là bao hàm cả thập
giá, chính là sự chia rẽ trong một cộng đoàn
sống chung, hoặc huyết tộc, một gia đình, mà
đáng lẽ sự đoàn kết được coi
như điều hiển nhiên như năm ngón tay trong
một bàn tay. Đứng trước
việc Đức Giêsu đến, không còn gì không bị
đảo lộn.
Trong cuộc đời của chúng ta,
sự hiện diện của Đức Giêsu và Lời
của Ngài không phải là một sự hiện diện
trung lập vô hại, vô thưởng vô phạt. Không. Tin
Mừng của Đức Giêsu là một loại thuốc
nổ, một thứ diêm sinh, là thứ lửa cực nóng
thiêu đốt, thanh luyện, biến đổi cuộc
sống con người và thay đổi bộ mặt
thế giới. Lửa thần linh mà Thiên Chúa ban cho
chúng ta trong ngày lãnh bí tích Rửa tội cũng phải
bừng lên và hoạt động như vậy. Ánh lửa
thiêng ấy phải thay đổi, biến chúng ta trở
thành các chứng nhân của Tin Mừng. Nhưng con
đường của lòng tin, con đường theo Chúa và cách sống Tin Mừng triệt
để, đòi chúng ta phải có lòng can đảm và kiên
trì. Bởi vì, thường khi nó khiến chúng
ta rơi vào tình trạng sống khác với những
người thân yêu và môi trường sống của chúng
ta. Không phải vì giáo huấn của Chúa xấu hay
dở, nhưng bởi vì nó đi ngược dòng
đời, nó chống lại mọi cách suy tư và hành
xử theo tính toán ích kỷ tự nhiên của con
người. Do đó, tin Chúa và bước theo
Chúa là một cuộc kháng chiến trường kỳ và
đầy gian khổ.
Nếu
đức tin nơi Chúa là một chọn lựa
đầy yêu sách, thì xin Chúa làm cho đức tin ấy có
thể, bởi ơn của thần khí Chúa: “Lạy
Chúa, giữa lòng thế giới, xin hãy đốt lên
ngọn lửa của thần khí Chúa”.
|