Tin là sống
- Lm. Bùi Quang Tuấn
"Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy
sáng trong tay" (Lc 12,35).
Bản thống kê mới nhất của Liên
Hiệp Quốc cho hay cứ trung bình mỗi ngày trên thế
giới có khoảng 270 ngàn người chết: chết vì
bệnh tật, bom đạn, hoạn nạn, thiên tai... Có
lắm người chết vì bị hạ sát, nhưng cũng
không thiếu người chết vì tự sát. Có nhiều
kẻ chết do người khác gây ra như vụ nổ
bom toà đại sứ Mỹ ở Nairobi,
Kenya, vụ tàn sát
tập thể tại Nam Tư, song cũng không thiếu
kẻ chết vì tai hoạ thiên nhiên như lũ lụt
tại Trung quốc, sóng thần tại New
Guinea, đất động
tại Ấn độ.
Mỗi ngày có 270 ngàn người chết.
Như thế mỗi giờ có trên 10 ngàn người, và
mỗi phút có gần 200 người phải rời
khỏi thế gian. Nhưng thử hỏi: "Rời
thế gian để đi đâu?" Đi vào cõi nửa
thực nửa hư như người Do thái hằng quan
niệm? Đi vào cõi thinh không hư vô, hoặc đi
đầu thai ở một kiếp khác? Hay chết là
hết?
Nếu nói chết rồi sẽ đi
đầu thai kiếp khác thì e rằng người ta
chẳng cần phải quan tâm lo lắng về đời
sống ăn ngay ở lành làm gì. Vì có kẻ cho rằng:
"Tại sao không ăn chơi hưởng thụ cho
thoải mái để bù lấp những ngày cơ cực.
Nếu không may sau này có bị đầu thai làm kiếp trâu
bò lừa ngựa, thì cũng không thành vấn đề,
bởi vì hiện nay cũng từng phải vất vả
quần quật, ‘cày bừa’ tối ngày nên có kinh nghiệm
rồi." Có người còn tâm sự: Ở Việt nam
còn được sinh ra trong tuổi con rồng, con gà hay
con rắn..., chứ qua bên Mỹ, dường như ai
cũng cầm tinh giống nhau: tinh con trâu. Vì ai cũng
phải đi cày tối ngày. Thế nên nếu có
đầu thai làm kiếp trâu bò, tưởng cũng không
đáng ngại ngùng.
Thành ra nếu chết rồi đi
đầu thai kiếp khác thì không công bằng và đáp
ứng xứng hợp với nhân phẩm cao cả của
con người chút nào. Với lại thú vật thì đâu
có tri thức để phân biệt đúng sai, lành dữ,
và như thế làm sao chúng có dịp chọn lựa hay
từ khước, lập công hay phạm tội? Làm sao có
cơ may để đi đến một kiếp tốt
hơn hay xấu hơn?
Còn nếu nói chết là hết thì càng bất
công và xúc phạm đến phẩm giá con người cách
khủng khiếp. Chính chủ nghĩa vô thần, những
triết thuyết cộng sản và chủ nghĩa
hưởng thụ đã đưa con người
đến với khái niệm chết là hết đầy
bất nhân kia.
Nếu chết là tận tuyệt thì tội
tình chi người ta phải hy sinh hãm mình, ăn ngay ở
lành, quảng đại tha thứ, hay từ tâm nhân ái?
Nếu chết là hết thì dại gì người ta
phải dấn thân tu hành, đi lễ giữ luật cho
vất vả?
Nếu chết là hết thì đúng là con
người đang sống trước một ngõ cụt
vô cùng bất công. Bởi vì rồi đây người lành
kẻ ác cũng như nhau, người dấn thân phục
vụ yêu thương nhân loại cũng chẳng hơn gì
kẻ gây tang thương khốn khổ cho bao
người.
Nếu chết là hết thì tôi phải
tỉnh thức làm chi, ngày Chúa đến hay không nào có quan
hệ gì.
Nhưng không. Ngàn lần không! Chết không
phải là hết. Niềm tin Kitô giáo xác quyết chết là
bước vào một cuộc sống mới và đời
đời. Trong cuộc sống đó tôi sẽ khổ
đau ngàn thu hay hạnh phúc đời đời tùy
thuộc vào cung cách sống niềm tin hiện nay của
tôi. Như thế tôi cần phải tự vấn: niềm
tin của mình đang ngủ vùi, chìm đắm, hay tỉnh
thức hoạt động? Nó đang sống hay đã
chết tiệt rồi?
Cách đây không lâu, trên chương trình
truyền hình Public Eye có trình chiếu một vụ xử
án rất cảm động. Số là cách đây 19 năm,
một tài xế xe truck say rượu đã gây ra tai
nạn và làm cho em bé tên Josehp V. mới được
một tuổi phải mang thương tật suốt
đời.
Suốt 19 năm qua, bé Joe, nay là một thanh
niên 20 tuổi, đã phải sống trong cay đắng
tủi hờn. Đi đâu cũng bị kinh tởm
ruồng rẫy. Gia đình cũng đã phải chia sẻ
nỗi đau khổ không kém.
Mới đây, người tài xế, sau
thời gian dài lẩn trốn, đã bị bắt lại
và đem ra xét xử. Tại toà, trước khi vị chánh
án buộc tội, các nạn nhân và những người
liên hệ được phép tiến lên phát biểu
cảm tưởng, trong đó có anh Joe. Nhiều tâm
tư—căm thù, uất hận, thương cảm—đã
được phát biểu, nhưng có ba tâm tư đã làm
cho tôi khó quên.
Người bố của anh Joe tiến lên
trước toà và nói: "Trong suốt 19 năm qua, tôi không
biết nên cầu cho con tôi sống hay xin cho nó chết.
Cầu cho sống thì quả là đau khổ cho nó quá,
bởi vì sau khi tại nạn xảy ra hai cánh tay con tôi
bị cắt cụt, chỉ có khúc xương và cục
thịt lủng lẳng ở hai đầu cánh tay.
Gương mặt bị phỏng nặng và biến
dạng. Môi cũng như mí mắt không còn nữa. Da thì
chảy ra nên không còn hình thù của một gương
mặt con người, đến nỗi các đứa bé
khác khi nhìn vào thì tưởng là nó đeo mặt nạ.
Bước đến đâu con tôi cũng bị kinh
tởm hất hủi. Cho nên tôi không biết có nên cầu
cho nó sống không. Còn cầu cho chết thì tôi không thể,
vì tôi là người tin Chúa, nên tôi không thể cầu cho ai chết
được hết".
Đến phiên người mẹ của Joe
bước lên trước máy vi âm. Bà nói: "Trong suốt
19 năm qua tôi đã phải đau cái nỗi đau
của con tôi. Ví dụ lúc được 5 tuổi Joe
hỏi tôi: ‘Mẹ ơi khi nào thì các ngón tay của con
mọc ra hả mẹ?’ Hay lúc được 8 tuổi, bé
đã thắc mắc: ‘Mẹ ơi, sao da của con không
được trơn như của mẹ hay của
mấy em vậy?’" Người mẹ vừa thổn
thức vừa nói tiếp: "Tôi không biết phải
trả lời thế nào chỉ biết ôm lấy con tôi mà
khóc, mà thương nó thôi."
Cuối cùng anh Joe cũng tiến lên
để nói những lời có tính cách quyết
định cho bản án. Anh hướng về phía
người tài xế và nhẹ nhàng nói: "Thưa ông,
nếu không có đức tin thì có lẽ tôi đã kết
thúc đời mình từ lâu rồi. Đời tôi sẽ
bị kết thúc bởi sự chối từ kinh tởm
của người khác, hoặc khi tôi chợt nhìn vào trong
gương và thấy được nét mặt kinh
khủng của mình. Nhưng tôi không muốn hủy
diệt đời mình trong sự thù hận ghen ghét. Tôi
không thù ông, không giận ông và cũng không kết án ông. Tôi
chỉ xin nói với ông một điều cuối cùng này:
bất cứ chuyện gì có xảy đến thì cũng
hãy biết rằng ơn phúc của Thượng
đế vẫn hằng tràn đầy trên chúng ta, vì Ngài
yêu thương chúng ta."
Tôi tự hỏi: Do đâu mà một chàng thanh
niên đầy bất hạnh lại có thể nói lên
được những lời đầy khích lệ, yêu
thương và tha thứ như vậy? Nhờ đâu mà cha
mẹ anh Joe có thể can đảm cảm thông và gánh vác
nổi đau khổ của đời mình và đời
con như vậy? Tựa vào đâu mà họ có
được sức mạnh để yêu thương và
duy trì sự sống chứ không tận diệt hay
khước từ như vậy?
Câu trả lời duy nhất chính là nhờ
vào đức tin—một đức tin tỉnh thức và
sống động, một đức tin được
tôi luyện qua năm tháng và những bước thăng
trầm trong cuộc đời. Những câu nói của ba
con người trên kia đã xác quyết điều đó.
Thế giới, gia đình và lương tâm
của nhiều người đang ngủ vùi trong hận
thù, chôn sâu trong chiến tranh, sa đoạ trong các đam mê
hưởng thụ trần tục. Chính vì sự
hưởng thụ thiếu ý thức và vô trách nhiệm
của người tài xế kia đã gây nên bao khổ
đau cho người khác, nhưng chính nhờ niềm tin
vào chân lý yêu thương mà người ta đã tồn
tại để xoa dịu bao nhiêu u sầu và đem
lại hạnh phúc cho nhiều tâm hồn.
Hạnh phúc và sự sống phát xuất
từ niềm tin tỉnh thức như vậy chắc
chắn không bị chấm dứt với cái chết, không
bị đi vào hư không trống rỗng, cũng
chẳng phải đầu thai kiếp này hay kiếp khác,
nhưng sẽ tồn tại đến muôn đời
trong tình yêu cua Thiên Chúa.
|