Xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi
(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn An Khang)
Để hiểu bài Tin Mừng hôm nay,
cần biết luật pháp Dothái thời đó. Luật quy
định trong việc thừa kế: Bất động
sản thuộc con trai trưởng như nhà cửa,
đất đai. Động sản như tiền
bạc, bàn ghế, tủ sập... chia đều cho các
con, con trai trưởng vẫn được gấp
đôi và chỉ con trai được hưởng, con gái
thì không. Đó cũng là luật chung cho toàn bộ Đông
Phương cổ đại và nhiều nền văn minh
trong dòng lịch sử. Sở dĩ có luật ấy, vì
người Đông Phương muốn lập nên
"người gia trưởng" để gìn giữ
gia sản của gia tộc.
Trong giới Dothái xưa cũng như nay,
người ta thường yêu cầu một giáo
trưởng Dothái danh tiếng đứng làm trọng tài trong
các vấn đề lề luật. Chính vì thế, cậu
trai út đã cầu cứu uy tín của Đức Giêsu:
"Xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi".
Đối với mọi người, Đức Giêsu
sẽ nói với người anh cả chia lại cho
người em, bởi trong suốt Tin Mừng, Đức
Giêsu thường giảng dậy: "Anh em hãy yêu
thương nhau", thế nhưng Đức Giêsu đã
hỏi người em út: "Này anh, ai đã đặt tôi
làm người xử kiện hay người chia gia tài cho
các anh?". Phải hiểu và giải thích câu hỏi
của Đức Giêsu thế nào?
Phần đông các nhà chú giải cho rằng,
Đức Giêsu đã dùng cách thức của người
Đông Phương, trả lời bằng một câu
hỏi hay một ẩn ngữ làm cho người ta
phải suy nghĩ. Khi lạc mất trong đền
thờ, Mẹ Người hỏi: "Con ơi! Sao
lại xử với cha mẹ như vậy?",
Người trả lời: "Tại sao cha mẹ
lại tìm Con? Cha mẹ không biết là Con có bổn phận
ở nhà của Cha Con sao "(Lc 2, 49). Với các con trai ông
Giêbêđê xin được ngồi bên hữu và bên tả
trong Nước Người, Người hỏi họ: Có
uống nổi chén Người sắp uống không? (Mt
20,23).
Ở đây cũng thế, từ chối
can thiệp vào vấn đề chia gia sản, không
phải là Đức Giêsu không quan tâm đến những
vấn đề trần thế. Là Cứu Chúa, Đức
Giêsu cứu chuộc con người cả xác và hồn, quả
tim và ý thức, thể chất và tinh thần. Trong những
năm rao giảng, Đức Giêsu không ngừng chú
trọng đến con người toàn diện đó.
Người đã nuôi dưỡng hồn họ bằng
của ăn Lời Chúa, Người lại nhân năm cái
bánh và hai con cá lên nhiều để nuôi dưỡng
thể xác họ. Khi rao giảng, các bệnh nhân
đến, đều được Người chữa
lành. Tuy nhiên, không phải mọi bệnh nhân Dothái thời
đó đều được Đức Giêsu cứu
chữa, cũng như mọi người bệnh tật
của thế giới sau này, không được
Đức Giêsu chữa lành. Công việc đó là của con
người. Người ta phải đào tạo các bác
sĩ, phải lo có bệnh viện, phải tìm ra các
thứ thuốc để chữa các bệnh nhân. Cũng
vậy, các vấn đề xã hội như chia gia tài,
giải quyết những tranh chấp bất hoà là
nhiệm vụ của các quan toà, các thẩm phán, những
nhà phụ trách thế tục... Đức Giêsu từ chối
đặt mình vào vị trí của những người
ấy.
Trong chiều hướng đó, công
đồng Vatican II đã không ngừng đưa giáo dân
về với ý thức và năng lực riêng của
họ: Giáo dân hãy mong đợi ánh sáng và sức mạnh
tinh thần nơi các linh mục. Thế nhưng, họ
đừng vì thế, mà nghĩ: Các linh mục có đủ
khả năng chuyên môn về mọi vấn đề.
Thực ra có nhiều vấn đề mà linh mục không
biết, nhất là những vấn đề không thuộc
lãnh vực của linh mục. Với những vấn
đề ấy, giáo dân phải tìm cách giải quyết, vì
đó là trách nhiệm và thuộc lãnh vực của mình (Gs
43.)
Mặc dù Đức Giêsu không trực
tiếp đảm nhận những nhiệm vụ
trần thế, Người uỷ thác cho những vị
có chức quyền, nhưng Người đưa ra
một nguyên tắc để các nhà hữu trách áp dụng
cho những trường hợp cụ thể. Nguyên
tắc đó là không nên lẫn lộn phương tiện
với mục đích. Mục đích là con người,
của cải là phương tiện. Nhà nước
cũng như chính quyền tạo ra của cải không
phải để tiêu thụ tối đa, nhưng là
phục vụ con người. Chính sự sống con
người đứng đầu chứ không phải của
cải. Sự sống con người gồm: Sự
sống, thể xác và linh hồn, sự sống đời
này và đời sau. Dĩ nhiên sự sống linh hồn,
sự sống đời sau là cơ bản, sự
sống thể xác, sự sống đời này là tạm
bợ. Trong hai cái tạm bợ và cơ bản, cái sau quan
trọng hơn cái trước.
Để làm sáng tỏ, Đức Giêsu
kể dụ ngôn người phú hộ và những kho
lẫm. Qua dụ ngôn, Đức Giêsu lên án nhà phú hộ,
một tay duy vật hoàn hảo, tin vào những kho lẫm
mang lại hạnh phúc cho mình. Thế nhưng, Đức
Giêsu cảnh giác: "Đồ ngốc, nội đêm nay,
người ta sẽ đòi lại mạng ngươi,
những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về
tay ai?"
Ông phú hộ thật sai lầm, ông nhầm
lẫn hoàn toàn. Sự giầu sang không mang lại hạnh
phúc... không có mối liên hệ giữa việc có nhiều
của cải trần thế và sự an toàn mạng
sống. Sự sống của một người không
phụ thuộc vào những của cải của
người ấy. Tiền bạc không mua được
thời gian. Ông phú hộ đã bị Đức Giêsu
gọi là "đồ ngốc". "Đồ
ngốc" với "dại" không hơn gì nhau.,
"dại" với "điên" là một. Trong Tin
Mừng, Đức Giêsu không ngừng đặt
đối lập "kẻ điên dại" (nabal)
với "người khôn ngoan" (maskil). Năm cô
thiếu nữ không mang theo dầu cho đèn mình, là dại,
năm cô mang theo dầu cho đèn, là khôn (Mt 25,2).
Người mù để cho người mù dẫn
đường là dại (Lc 6,39). Người biết
đọc ra những dấu chỉ của thời
đại là khôn (Lc12,56). Nhưng cái khôn ai cũng cần
phải có, đó là nhận ra của cải chân thực,
nhận ra ý nghĩa đích thực của đời
sống, đó là đời sống vĩnh cửu.
Đức Giêsu, Người sắp chết
trong ít ngày nữa, không muốn làm việc cho một
người dù đó là quyền lợi chính đáng.
Việc chia gia tài, không phải là việc làm đích
thực cho anh. Có một tiếng nhỏ âm vang trong chúng ta:
"Ngài có lý". Ngài biết rõ điều Ngài nói: "Anh
em hãy coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi
thứ tham lam, vì không phải hễ ai được
dư giả, thì mạng sống người ấy
nhờ của cải mà được bảo đảm
đâu".
|