Sự khôn ngoan đích thực – Lm. GB.
Trần Văn Hào
Sống ở đời, ai
cũng muốn tỏ ra mình là người khôn ngoan
để tồn tại. Tục ngữ
Việt Nam có câu ‘Khôn sống, bống chết’. Kẻ khôn ngoan sẽ sống, còn kẻ khờ
dại sẽ bị đào thải. Cả 3 bài
đọc lời Chúa hôm nay đều nói về sự khôn
ngoan, nhưng không theo quan niệm
trần thế mà theo hướng đích của Tin
mừng. Vậy đâu là sự khôn ngoan
đích thực?
Nguyên lý căn bản của khôn ngoan: ‘Memento Finis’ (hãy
nghĩ đến cùng đích)
Ngay từ thời cổ
đại, triết gia Socrates cũng đã nói đến
nguyên lý này. Nhưng ông ta chỉ giới
hạn quan điểm trong phạm trù triết học mà
thôi. Nền triết học Hy lạp ngày xưa không
thể đưa dẫn con người đến cùng
đích tối hậu của cuộc sống như Kinh
thánh mặc khải, mặc dù họ vẫn biết
rằng sự khôn ngoan ở đời là hãy nghĩ
đến mục đích sau cùng. Họ không
biết và cũng không thể xác định
được đích đến của cuộc sống
hôm nay là gì, ở đâu và như thế nào. Trong bài đọc thứ nhất, tác giả sách
Giảng viên từ từ hé mở thực tại này
với nhận định ‘Phù vân, tất cả chỉ là
phù vân’. Mọi giá trị trần gian
chỉ mang tính tương đối và rất tạm
bợ. Tiền
bạc, danh vọng hay sắc đẹp rồi
sẽ biến tan như mây khói khi chúng ta đối
diện trước cái chết. Nhưng tác
giả vẫn chưa soi tỏ cho chúng ta biết thực
tại sau cái chết sẽ ra sao.
Mãi muộn thời sau này, ý niệm về
cuộc sống mai hậu mới từ từ được hé mở. Anh em nhà Ma-ca-bê (thế kỷ thứ 2
trước công nguyên) đã quyên tiền xin lễ cầu
nguyện cho những người đã chết. Đây là quyển sách đầu tiên trong Kinh thánh
Cựu ước nói về niềm tin vào cuộc sống
mai sau. Niềm tin đó được Chúa Giêsu
dần dần mặc khải rõ nét qua các giáo huấn
của Ngài. Đặc biệt, Đức Giêsu đã tiến
nhận cái chết và đi vào vinh quang Phục sinh
để diễn bày chân lý mà Thánh Phaolô diễn tả:
“Những ai cùng chết với Đức Kitô, sẽ
được cùng sống lại với Ngài”.
Trong cái nhìn thần học ấy về cánh
chung, Thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Côlôssê mà Giáo
hội đọc lên trong phụng vụ hôm nay, cũng
tổng lược một viễn ảnh cuộc sống
tương lai đặt nền tảng trên niềm tin vào
Đức Kitô Phục sinh để giúp chúng ta có một
thái độ sống khôn ngoan đích thực. Ngài
viết:”Anh em đã được chỗi dậy cùng
với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì
thuộc thượng giới nơi Đức Kitô đang
ngự bên hữu Thiên Chúa…Khi Đức Kitô xuất
hiện, anh em sẽ được xuất hiện
với Ngài và cùng Ngài hưởng phúc vinh quang.” (Col
3,1-5).
Sự khôn ngoan của Tin mừng: Tinh thần nghèo khó
và sống thanh thoát.
Mối phúc đầu tiên trong
bát phúc mà Chúa Giêsu đã công bố trong bài giảng trên núi,
chính là nếp sống khó nghèo. “Phúc cho ai
có tinh thần nghèo khó vì nước trời là của
họ”.
Mối phúc đó cũng được Chúa
Giêsu nhắc lại gián tiếp qua dụ ngôn trong bài Tin
mừng hôm nay. Tên nhà giàu bám vào của cải vật
chất và sống cuộc sống hưởng thụ
đã bị Chúa kết án một cách gay
gắt. Chúa gọi anh ta là ‘đồ
ngốc’ (c 20). Ngài còn răn đe một cách mạnh
mẽ: “Kẻ nào thu tích của cải
cho mình mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì
số phận cũng sẽ giống như vậy (c 21).
Alexandre
Đại Đế (thế kỷ thứ tư
trước công nguyên) là một ông vua rất nổi
tiếng trong thế giới Hy lạp ngày xưa. Ông đã chiến
thắng lẫy lừng và chinh phục hầu hết các
nước miền Trung Đông. Ông chết lúc còn
rất trẻ, mới 30 tuổi. Trước khi chết,
ông dặn các cận thần hãy để thi hài của ông
trong cỗ quan tài với hai bàn tay thò ra
ngoài. Ông muốn cho mọi người thấy rằng,
một con người như ông với bao danh vọng và
của cải giầu sang, khi chết cũng chỉ còn 2
bàn tay trắng. Giai thoại này
rất tương thích với nội dung mà lời Chúa hôm
nay đề cập đến. Chúng ta đã nghe nói khá
nhiều về tinh thần nghèo khó mà Chúa Giêsu mời
gọi, nhưng trong thực tế, tiền bạc vẫn
luôn là tên cám dỗ khủng khiếp nhất ở bất
cứ thời đại nào. Nó tấn công
tất cả mọi người, không loại trừ ai.
Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta từng chứng
kiến nhiều trường hợp, ngay cả cha mẹ
và con cái đem nhau ra tòa chỉ vì tranh chấp một
căn nhà hay vài ba thước đất. Có
biết bao nhiêu bài học cay đắng và nghiệt ngã
chúng ta đã rút ra từ vấn đề tiền bạc.
Lúc còn nghèo xác nghèo xơ, chẳng ai thèm ngó
ngàng tới. Khi trở thành việt kiều với
đô la rủng rỉnh trong túi trở về thăm quê
hương, căn nhà lúc nào cũng đầy ắp
bạn bè đến hỏi han. Trong
tiểu thuyết ‘Những con chim ẩn mình chờ
chết (les oiseaux se cachent pour mourir)’ tác giả cũng nêu
lên một thực tế phũ phàng đã và đang xảy
ra, đó là tiền bạc như một ma lực làm tha hóa
và biến chất rất nhiều người, ngay cả
các anh em linh mục.
Kết luận
Ngày
xưa có một ông vua nuôi một thằng ngốc trong cung
để giải sầu. Những lúc buồn, ông gọi thằng ngốc
đến để mua vui. Khuôn mặt
ngờ nghệch và những cử chỉ ngô nghê của nó
cũng giúp nhà vua khuây khỏa đôi chút. Nhà vua
thưởng cho nó một cây gậy bằng bạc và
dặn: “Tao thưởng cho mày cây gậy này vì mày rất
ngốc. Khi có ai ngốc hơn mày, mày hãy trao
cây gậy cho nó”. Một bữa kia,
nhà vua lâm trọng bệnh và rất nguy kịch. Ông cho gọi thằng ngốc đến
để giải khuây. Ông nói với nó: “Ngốc
ơi, ta sắp đi xa rồi”. “Đức
vua đi đâu và chuẩn bị hành trang gì chưa?” Thằng ngốc hỏi lại. “Ta chưa chuẩn bị gì và ta cũng chẳng
biết đi đâu nữa”. Nghe vậy, thằng
ngốc nhẩy cẫng lên và trao cây gậy bạc cho
đức vua. Nó nói: “Bây giờ, con đã tìm ra
được một người ngốc hơn con
rồi, đó là chính đức vua. Đức
vua sắp đi xa mà không biết mình đi đâu và cũng
chưa chuẩn bị gì thì chắc chắn đức vua
là người ngốc nhất trên đời”.
Đúng vậy, điều
xuẩn ngốc nhất trên trần gian là ta đang
sống mà không biết mình từ đâu đến,
sống để làm gì và cuộc sống mai sau sẽ đi
về đâu. Tên nhà giầu trong bài Tin
mừng hôm nay cũng được Chúa gọi là
‘đồ ngốc’. Lời Chúa nhắc nhở
để chúng ta biết sống khôn ngoan thực sự theo hướng đích của Tin mừng.
|