Sự
sống duy nhất nhưng có nhiều mặt nơi con
người --- Suy niệm
của JKN
Câu hỏi gợi ý:
1. Sự sống của con người
phải chăng chỉ là những sinh hoạt của thân
xác với những nhu cầu vật chất và tinh thần
thông thường? Còn có gì khác nữa?
2. Muốn sống cho phong phú, tràn
đầy, hạnh phúc, phải sống thế nào?
3. So sánh hạnh phúc trong đời
sống của thân xác và trong đời sống tâm linh, ta
thấy có những điểm khác biệt căn bản
nào? (đặc biệt về tính lâu bền)
Suy niệm
1. Sự
sống duy nhất nhưng có nhiều mặt nơi con
người
Điều
quan trọng nhất đối với con người là
sự sống. Sự sống là một thực tại duy
nhất nhưng có nhiều mặt, có thể phân loại và
sắp xếp theo thứ tự từ
cụ thể đến trừu tượng như sau:
| Sự sống tự nhiên hay trần
thế, là sự sống có thể bị hủy hoại
(nay còn mai mất), lệ thuộc vào những cái chóng qua,
những cái dễ bị thay đổi, vào những
điều kiện của thời và không gian của
trần thế, gồm:
a. Đời sống thể chất: liên
quan nhiều đến thể xác, cần được
nuôi dưỡng bằng vật chất, đồ ăn
thức uống, tiền bạc, tiện nghi, sắc
dục, v.v…
b. Đời sống tinh thần: liên quan
đến những khía cạnh tinh thần của thể
xác, như tri thức, tình cảm, ý chí, sở thích, tự
do, danh vọng, quyền bính, cần được nuôi
dưỡng bằng học hỏi, hiểu biết, tình
yêu, lời khen, địa vị, quyền lực,
điều kiện và khả năng làm theo sở thích, v.v…
| Sự sống siêu nhiên hay tâm linh: là
sự sống khó bị hủy hoại nơi bản thân,
liên quan nhiều đến linh hồn, đến những
thực tại bất tử, siêu việt, siêu thời gian
và không gian; được thể hiện thành khát vọng
đạt tới Chân Thiện Mỹ, vươn tới
Tuyệt Đối; được nuôi dưỡng
bằng sự tiếp xúc, tương giao với Tuyệt
Đối, với những thực tại siêu việt,
bằng những tâm tình hay ý tưởng cao thượng,
bằng tình yêu phổ quát mang tính dâng hiến (tức lòng
bác ái đích thực). Đây là sự sống của chính
Thiên Chúa mà Ngài đã thông ban cho con người khi nâng con người
lên hàng con cái Ngài.
Đó không phải là những sự
sống khác nhau, biệt lập nhau, mà là những
phương diện hay hình thức sống khác nhau của
một sự sống duy nhất. Những phương
diện ấy quyện lấy nhau, ảnh hưởng
lẫn nhau, và có thể phát triển với mức
độ khác nhau tùy từng người.
2.
Hiện nay, người ta quá quan tâm đến đời
sống trần thế mà quên đi đời sống tâm
linh
Phương
diện của sự sống mà con người cảm
nghiệm được dễ dàng nhất là đời
sống thể chất, vì đó là những gì cụ
thể, thấy được, sờ được,
cảm nhận được. Vì thế, với những
người suy tư còn thấp kém, sự sống chủ
yếu chỉ là thể chất, với ham muốn ăn
ngon mặc đẹp, nhiều tiền bạc, nhà cao
cửa rộng, tiện nghi đầy đủ… Với
những người suy tư cao hơn, đời
sống còn là tinh thần, với ham muốn học
hỏi, yêu thương, có danh tiếng, địa vị,
quyền lực…
Còn
đời sống tâm linh, chỉ những ai phản
tỉnh cao, sống nội tâm sâu xa, mới cảm
nghiệm được sự sống này ở nơi
mình, với những nhu cầu cũng rất cấp
thiết đòi hỏi phải được thoả mãn
của nó: nhu cầu vươn lên đỉnh cao Chân
Thiện Mỹ, trở nên một với Tuyệt
Đối hay Thiên Chúa là nguồn tình yêu và cũng là sức
mạnh vô biên của mình, nhu cầu xả thân, quên mình, làm
cho mọi người nên tốt đẹp và hạnh phúc.
Họ cảm thấy đời sống phong
phú và ý nghĩa hơn, hạnh phúc cũng tăng lên rất
nhiều khi thực hiện và thỏa mãn được
những nhu cầu ấy. Đời
sống tâm linh phát triển mạnh khi con người
biết quên mình, sống tinh thần «tự hủy», không
còn sống cho bản thân mà sống cho Thiên Chúa và tha nhân.
Đời sống thần bí là một
dạng của đời sống tâm linh cao, có cảm
nghiệm tương đối rõ rệt về Thiên Chúa và
những thực tại siêu việt hay thần linh.
Cũng
có rất nhiều người chỉ nghe nói về
đời sống tâm linh chứ không tự mình cảm
nghiệm được, nên tin có đời sống tâm
linh, và đã có những sinh hoạt có vẻ tâm linh, như
đọc kinh, cầu nguyện, đi lễ, bên ngoài
giống như những người đã cảm
nghiệm được đời sống tâm linh.
Nhưng vì vẫn tiếp tục chạy theo
đời sống thể chất, không đầu tư
cho đời sống tâm linh, nên đời sống tâm linh
của họ không phát triển được.
Hiện
nay, do văn minh thế giới phát triển theo
hướng vật chất với những thành tựu
của khoa học trên vật chất, nên đời
sống vật chất lên cao hẳn so với đời
sống tâm linh. Vì thế, đối với
rất nhiều người, sự sống bị giản
lược vào những sinh hoạt thể chất và tinh
thần. Họ chỉ biết lo cho đời
sống trần thế của mình được trù phú
sung túc, mà quên đi hoặc không biết tới những nhu
cầu tâm linh, khiến cho đời sống tâm linh
của họ nghèo nàn, kém phát triển. Thực
ra, đời sống tâm linh có phát triển thì sự
sống mới trở nên dồi dào, phong phú.
Đức Giêsu đến là để giúp con người
đạt được sự sống đó: «Tôi
đến để cho chiên được sống và
sống dồi dào» (Ga 10,10).
3.
Thiếu đời sống tâm linh, con người không
thật sự hạnh phúc
Con
người là một sinh vật cao cả, được
dựng nên giống Thiên Chúa và theo hình ảnh của Ngài (St
1,26). Vì thế, con người không
chỉ có đời sống tự nhiên hay trần thế,
mà còn có đời sống tâm linh hay siêu thế, là sự
tham dự vào đời sống thần linh của Thiên
Chúa. «Sống dồi dào» theo tinh thần của câu Tin Mừng
Ga 10,10 là sống đầy đủ
mọi chiều kích của sự sống con người. Vì thế, khi con người chỉ sống trong những
chiều kích thấp của sự sống, thì con
người cảm thấy không hạnh phúc lắm.
Hơn nữa, nếu hoàn toàn đắm chìm và bị thu hút
trong những «cảnh giới» thấp ấy, không hề
có nỗ lực vươn lên «cảnh giới» cao hơn,
con người sẽ cảm thấy chán chường,
đau khổ, cho dù trong những cảnh giới thấp
ấy đời sống có đầy đủ
đến đâu chăng nữa. Chúng ta đã từng nghe
nói có những siêu sao màn bạc, thành công tột đỉnh
cả tiền tài, tình cảm lẫn danh vọng, nhưng
vẫn thấy tâm hồn trống rỗng, buồn chán
đến nỗi không chịu nổi phải tự vẫn.
Chúng ta cũng nghe nói: những nước có phân xuất
tự tử cao nhất thế giới lại là những
quốc gia có đời sống vật chất cao
nhất, bảo đảm nhất ở Bắc Âu. Điều đó chứng tỏ hạnh phúc
đích thực và sự đầy đủ tinh thần
lẫn vật chất về mặt trần thế không
luôn luôn đi đôi với nhau. Để
hạnh phúc đích thật, con người cần có
một đời sống tâm linh phát triển.
4. So sánh
giữa sự sống trần thế và sự sống siêu
thế
Sự sống thần linh ở trong ta
mới là cái quí nhất, tồn tại mãi. Còn sự sống trần thế dù là
thể chất hay tinh thần, hay dù có lên cao đến
đâu, cũng đều chóng qua và hết sức giả
tạm: chỉ cần một biến cố cũng
đủ làm thay đổi, làm mất đi phần nào hay
tất cả. Vì thế, giá trị của nó
không thể sánh được với giá trị của
đời sống tâm linh hay thần linh. Tin Mừng
nói: «Nếu người ta được cả thế
giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào
có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà
đổi mạng sống mình?» (Mt 16,26).
Thử
so sánh giữa hai phương diện ấy của sự
sống ta thấy: sự phong phú của sự sống
trần thế hết sức bấp bênh. Biết
bao người giầu có với nhà cao cửa rộng,
ruộng vườn ngàn mẫu, và địa vị
quyền thế không phải nhỏ. Nhưng chỉ
cần một cơn bệnh, một cuộc đổi
đời, một tai họa, một
vụ trộm hay cướp… cũng có thể trở thành
trắng tay, thậm chí vào tù, hoặc lâm vào cảnh rất
đau khổ, v.v… Để sự sống trần thế
của mình trở nên phong phú, nhiều khi ta phải đánh
đổi: phải thất đức, phải làm cho
người khác nghèo khổ, mất địa vị,
thậm chí chết hoặc đau khổ tột cùng.
Người ta vẫn nói: «vi phú bất nhân». Sự thất
đức luôn luôn có hậu quả hết sức tai hại cho đời sống tâm linh và
đời sống hậu thế (sau khi chết). Sự sống trần thế có phong phú tới
đâu thì cũng chỉ kéo dài nhiều lắm là một
đời. Tới lúc chết, phải buông bỏ
hết và ra đi với hai bàn tay
trắng. Tiền bạc, quyền lực, địa
vị mình làm nên không đem theo được, mà phải
hoàn toàn bỏ lại cho người khác, như sách
Giảng Viên trong bài đọc I nói: «Có người đã
đem hết khôn ngoan và hiểu biết mà làm việc
vất vả mới thành công, rồi lại phải trao
sự nghiệp của mình cho một người đã
không vất vả gì hết. Điều ấy cũng
chỉ là phù vân và lại là đại hoạ» (2,21).
Còn đời sống tâm linh, chỉ
những ai đã hưởng nếm được,
mới cảm nhận được sự ngọt ngào và
hạnh phúc của nó. Vì
đời sống tâm linh không tùy thuộc vào những
thực tại bấp bênh và chóng qua của trần
thế, mà liên quan tới những thực tại siêu
việt, siêu không gian và thời gian, nên thành quả và
hạnh phúc của nó lâu bền, không ai lấy mất
được. Hạnh phúc ấy không tùy
thuộc vào những hoàn cảnh đổi thay bên ngoài.
Chính vì thế, một người có đời sống tâm
linh cao vẫn có thể hạnh phúc trong những nghịch
cảnh: nghèo nàn, tù đày… Họ có thể nghèo mà không
khổ, bị tù mà tinh thần vẫn tự do, thoải
mái, tự tại. Thiết tưởng mọi
người Kitô hữu, là những người tin vào Chúa,
vào những thực tại siêu việt, đều phải
có đời sống tâm linh cao, nhờ đó, đời
sống họ luôn luôn hạnh phuc, bất chấp những
hoàn cảnh thay đổi có lợi hay bất lợi.
Cầu nguyện
Lạy
Cha, Cha đã ban cho con sự sống thần linh của Cha
như một mầm sống mà con phải nuôi dưỡng
và phát triển trong con. Vì thế, xin cho con biết quan tâm
đến sự sống ấy trong con, và sẵn sàng làm
tất cả để nuôi dưỡng và phát triển
sự sống ấy. Amen.
|