Cầu nguyện liên lỉ và cậy trông
(Suy niệm
của Lm Giuse Nguyễn Hữu An)
Năm 1998, khi tương quan
Mỹ và Irac căng thẳng cực độ, Tổng
thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan đã tới Bagđad
để thuyết phục Irac ký vào thoả ước hoà
bình. Ông đã thành công, chiến tranh không xảy ra ở vùng
Trung Đông. Khi trở về, phóng viên báo chí hỏi: Ông
đã làm gì trước chuyến đi? Ông trả lời
rất chân thật: Tôi cầu nguyện suốt đêm.
Thân xác cần
hơi thở để sống. Cầu nguyện là hơi
thở của linh hồn. Qua đời sống cầu
nguyện, sẽ có một cuộc gặp gỡ thân
mật gần gũi giữa cá nhân với Chúa.
Không ít
người sớm thất vọng vì cầu xin hoài mà không
được. Có người cảm thấy chán nản,
khó khăn, thiếu hứng thú, mất thời giờ khi
cầu nguyện. Những hoạt động, những
tiếp xúc với thế giới hữu hình vẫn luôn
hấp dẫn so với thế giới vô hình, thành thử
đời sống cầu nguyện ngày càng mờ nhạt.
Lời Chúa hôm
nay mời gọi chúng ta hãy kiên trì cầu nguyện và
cầu nguyện với tâm tình lắng nghe, đừng nhàm
chán.
1. Lời cầu
của Abraham.
Cuộc
đối thoại giữa Thiên Chúa và Tổ phụ Abraham
như là lời nhắc nhở và mẫu gương
của đời sống cầu nguyện: kiên tâm bền
chí, khiêm nhường cậy trông và mở lòng với tha
nhân. Vì muốn cứu hai thành phố đồi truỵ
Sôđôma và Gômôra, Abraham đã dám mặc cả với Thiên
Chúa. Ông khởi sự bằng việc xin đưa
người lành ra khỏi thành trước khi lửa
Trời rơi xuống.
Lời cầu
của Abraham là cho người tội lỗi, để
cứu người tội lỗi cần có người
lành. Ông bắt đầu lý luận với Thiên Chúa:
Chẳng lẽ Chúa sắp tiêu diệt người công chính
cùng với kẻ tội lỗi sao. Nếu có 50
người công chính trong thành họ cũng chết chung
sao? Chúa không tha thứ cho cả thành vì 50 người công
chính đang ở đó hay sao?
Một loạt
câu hỏi được nêu lên để rồi cuối
cùng đã kết bằng một lời thỉnh cầu:
Xin Chúa đừng làm như vậy, đừng sát hại
người công chính cùng với kẻ dữ. Lời
thỉnh cầu đó trở nên tha thiết, chân tình và
đầy lòng khiêm tốn: Dù tôi chỉ là tro bụi tôi
cũng xin thưa cùng Chúa, nếu trong số 50 người
công chính đó lại thiếu vắng 5 người thì sao?
Cuộc mặc cả đã đi từ con số 50
người lành xuống đến 45 rồi 40, 30, 20 và
cuối cùng là 10. Chỉ cần 10 người công chính thôi
tất cả mọi người sẽ được tha
thứ, tiếc là 10 người cũng chẳng tìm ra !!!
Không hiểu sao
Abraham không tiếp tục xin Chúa tha thứ cho dân thành
nếu như không tìm được 10 công chính. Phải
chăng vì ông cho rằng đây là con số nhỏ quá
rồi so với con số quá lớn những người
tội lỗi? Hay Abraham chưa hiểu thấu
được chiều kích vô biên của lời cầu
nguyện cũng như lòng thương xót bao la của
Thiên Chúa?
Thiên Chúa luôn vui
lòng trước lời cầu nguyện chân thành, bền
bỉ, tin tưởng và cậy trông của con
người. Ngài sẵn sàng ban ơn cho những ai có tâm
tình nguyện cầu như thế.
Thiên Chúa đã
phán trong sách Edêkien và sách Giêrêmia: nếu chỉ tìm
được ở Giêrusalem một người biết
giữ công lý, biết tìm sự thật, thì Người
cũng sẽ tha tội cho thành ( Ed 22,30; Gr 5,1) Lời
khẳng định này thúc giục chúng ta cố gắng
sống đời tốt lành để cầu xin và mang
lại lợi ích thiêng liêng cho gia đình, cho quê
hương, cho những người tội lỗi.
Hãy xin thì sẽ
được, tìm sẽ gặp, gõ sẽ mở cho.
Lời đoan hứa của Chúa Giêsu đã làm các Thánh
hạnh phúc sung sướng. Lời đoan hứa này không
chỉ cho các Thánh mà là cho mọi người. Thiên Chúa yêu
thương muốn ban mọi sự tốt lành cho tất
cả, không phải vì tất cả đều tốt
nhưng tất cả là con cái Ngài. Đức Giêsu đã
mạc khải cho chúng ta như thế: Các ngươi còn
biết cho con mình những điều lành huống chi Cha
các ngươi trên Trời !
2. Abba, Cha ơi !
Các Tông
đồ đã nhiều lần thấy Chúa Giêsu cầu
nguyện. Có lẽ khi Người cầu nguyện có
một cái gì đó thật đẹp, thật huyền bí
và cũng thật lôi cuốn toả ra, vì thế các ông
cũng xin Người dạy cách cầu nguyện.
Người đã dạy các ông cầu nguyện bằng
Kinh Lạy Cha, kinh duy nhất Chúa Giêsu dạy mà chúng ta
đọc mỗi ngày nhiều lần. Kinh Lạy Cha
mặc khải cho chúng ta điều quan trọng. Thiên Chúa
là Cha chúng ta.
Một người bạn có
đứa con đầu lòng tâm sư: lần đầu
tiên khi nghe đứa con gọi: Bố ơi, tôi bủn
rủn cả chân tay, một luồng điện cực
mạnh chạy khắp cơ thể, tôi cảm thấy
hạnh phúc vô cùng. Quả thật. Mối liên hệ Cha -
Con là một mối liên hệ rất thâm sâu huyền bí và
thân thiết.
Gọi ai là cha
tức là nhận người ấy là ân nhân lớn
nhất đời mình. Vì nhờ cha ta nhận
được món quà tặng quý giá nhất đó là sự
sống. Có những người cha không chỉ giúp con
về mặt thể xác mà còn cho con một đời
sống tinh thần. Đó là những người cha có nhân
cách lớn, kiên trì đúc nặn nên những đứa con
có tâm hồn cao đẹp, có lý tưởng, có tư cách
làm người.
Cha không chỉ
là nguồn cội phát sinh nhưng còn là cánh tay nâng
đỡ, là mái ấm chở che, là động lực thúc
đẩy, là lý tưởng mời gọi. Từ ngữ
“Cha” gợi lên một trời yêu thương vừa thân
thiết, vừa huyền diệu.
Khi mạc
khải cho ta biết Thiên Chúa là Cha, Cha nhân loại,
Đức Giêsu cho thấy:Thiên Chúa Cha yêu thương chúng
ta vô cùng, muốn chúng ta đi vào tình nghĩa thâm sâu tha
thiết với Cha. Vì thế, Người đã dạy
tiếng “Abba” là tiếng gọi “Cha ơi”, rất thân
thương của một đứa trẻ, vừa
nũng nịu vừa tin tưởng phó thác mọi sự
trong tay cha. Thánh Têrêxa Hài Đồng đã tiến
đức bằng Con Đường Thơ Au Thiêng Liêng.
Ngài sống và hướng tới trọn lành như
đứa con, bé nhỏ trong tình thương của Thiên
Chúa là Cha, đứa con thảo hiếu trong vòng tay âu
yếm của Cha.
Mối quan
hệ Cha – Con trở nên thân thiết chình là nhờ
đời sống cầu nguyện. Cầu nguyện là
một cuộc đối thoại, là nói và nghe. Vì thế,
khi chúng ta đến với Chúa không phải bắt Chúa nghe
những nhu cầu mình liệt kê mà cần một thái
độ lắng nghe tiếng Chúa và sống theo ý Ngài.
3. Cầu nguyện
cần thiết cho đời sống tâm linh.
Cầu
nguyện không chỉ là cầu xin mà còn là tôn thờ,
cảm tạ, ngợi khen, chúc tụng. Chỉ có con
người mới biết cầu nguyện như là
lắng nghe và đáp lời Thiên Chúa. Được nói
chuyện với một Đấng Siêu Việt mà lại
gần gũi thân thương trong tình Cha Con thì thật là
hạnh phúc lớn lao. Đó là nhờ cầu nguyện.
Thiên Chúa là
nguồn tình yêu, nguồn sự sống, nguồn trí
tuệ, nguồn sức mạnh, nguồn ân sủng.
Muốn nhận đựơc những giá trị cần
thiết đó, con người phải thông hiệp với
cội nguồn là chính Thiên Chúa.Cầu nguyện
đựơc ví như hơi thở của linh hồn.
Không thở, con người sẽ chết. Cũng vậy,
không cầu nguyện, linh hồn không thể sống lành
mạnh, sống tốt lành, thánh thiện được.
Nhờ cầu nguyện, linh hồn tràn đầy sức
sống, tình yêu, trí tue, sức mạnh và đời
sống con người trở nên hạnh phúc.
Cầu nguyện là việc rất cần và
là việc rất dễ. Ước mong cuộc đời
chúng ta là một lời cầu nguyện liên lỉ, kiên trì,
một cuộc sống thân mật với Chúa mỗi ngày
mỗi thắm đượm để nhờ đó
nhịp cầu cầu nguyện nối chúng ta và Thiên Chúa
thêm gần gũi trong tin yêu và hy vọng.
|