Maria đã chọn phần tốt nhất
(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn An Khang)
Chỉ còn ba cây số, Đức Giêsu và các
môn đệ sẽ đến trung tâm Giêrusalem,
Người đã dừng lại tại làng Bêtania, vào nhà
Mácta, Maria và Ladarô, ngôi nhà Người quen biết. Các sách Tin Mừng nói về họ ba lần.
Gioan trong một câu ngắn ngủi, đã kể lại:
"Đức Giêsu quý mến cô Macta, cùng hai người em
là cô Maria và anh Ladarô" (Ga 11,5). Macta, một người hoạt động;
Maria, một người trầm lặng. Như thế, Đức Giêsu đã có những
người bạn hữu.
Hôm nay, khi Đức Giêsu vào nhà,
Macta phục vụ bữa ăn, Maria ngồi dưới
chân Chúa. Đức Giêsu nói chuyện
với Maria... cô lắng nghe. Hai
người cùng nhau nói điều gì? Chắc
Đức Giêsu sẽ tâm sự với Maria về cái
chết và sự Phục sinh của Người,
Người lên Giêrusalem là vì việc đó. Nó chiếm trọn tâm hồn Người. Đã nhiều lần Người chia sẻ
với các môn đệ, nhưng xem ra họ không hiểu.
Với Maria, cô có hiểu không? Về câu
chuyện tâm sự đó, há chẳng có một sự
đồng cảm mầu nhiệm và tuyệt vời
của tình bạn cởi mở đó sao?
Dẫu sao, nhờ Maccô và Gioan,
ta biết người phụ nữ trực cảm này
đã hiểu rõ hơn những người khác mầu
nhiệm cái chết, sự mai táng và sự sống lại
của Đức Giêsu. Đức Giêsu
sẽ trở lại Bêtania trong nhà cô, những ngày
trước Lễ Vượt Qua. Một cách dịu
dàng, Maria sẽ thực hiện trước việc
ướp xác bằng dầu thơm cho
Người, một việc mà các phụ nữ khác không
thể thực hiện được, khi họ
đến mộ "ngày đầu tiên trong tuần",
bởi mộ trống. Maria đã làm việc
đó với sự tinh tế tuyệt diệu.
Đức Giêsu hiểu điều đó: "Điều
gì làm được, cô ấy đã làm. Cô đã lấy
dầu thơm ướp xác Tôi, để chuẩn bị
ngày mai táng" (Mc 14,8 & Ga 12,2-8).
Đang khi Maria tâm sự với Đức
Giêsu, Macta tất bật lo việc phục vụ, đã
nói: "Thưa Thầy, em con để mình con phục
vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Thầy
bảo nó giúp con một tay". Hẳn ta có
thể mong đợi Đức Giêsu kêu gọi Maria
phải ngoan ngoãn giúp chị. Trong
nhiều tình huống, Đức Giêsu yêu cầu ta phải
phục vụ, phải yêu thương. Tuy nhiên, câu
trả lời của Đức Giêsu lại ngược
hẳn: "Macta! Macta, con băn khoăn lo lắng
nhiều chuyện quá! Chỉ có một
điều cần mà thôi, Maria đã chọn phần
tốt nhất".
Vâng, Macta lo lắng, dao
động quá nhiều. Đây là một
đề tài được Đức Giêsu ưa thích.
Người đã nói, "những lo lắng về
đời sống có thể bóp nghẹt Lời Chúa đã
được gieo vào lòng người" (Lc 8,14). Người yêu cầu các Tông đồ
không nên bận tâm về của ăn và
áo mặc (Lc 12, 22-26). Người cũng bảo chớ
để lòng mình ra nặng nề vì lo lắng sự
đời, trong lúc chờ đợi Con Người
lại đến (Lc 21,34). Đức Giêsu không trách Mácta về công việc
cũng như sự nhiệt tình tiếp đón tích cực
của cô, nhưng trách sự căng thẳng, sự dao
động thái quá mà dường như cô đặt vào
công việc. Rõ ràng là một sự bực bội nào
đó, làm cho cô co quắp lại với chính mình.
Phần chúng ta, có lẽ nhiều khi cũng
giống như Mácta, lúc nào cũng chạy phi nước
đại, bận trăm công nghìn việc. Cuộc
sống thường ngày của chúng ta được
cấu thành bởi hàng loạt những việc mọn và
bổn phận, chia làm hai hạng: Cấp bách và chính
yếu. Rất nhiều việc chúng ta làm
được gọi là cấp bách, nhưng chỉ có ít
việc là thực sự chính yếu. Chúng
ta cần phân biệt giữa hai hạng đó. Như Mácta, chúng ta có xu hướng coi trọng
việc cấp bách. Việc chính yếu,
việc cần thiết lại bị coi là thứ yếu
và để lại làm sau. Nhưng khi
được làm, nó được làm cách vội vàng,
chiếu lệ.
Làm sao chúng ta có thể biết
đâu là việc chính yếu, việc hàng đầu
của mình? Cách tốt nhất để nhận ra
nó, là phải suy nghĩ theo cách cư
xử thông thường của mình. Điều
gì làm cho chúng ta tốn thời gian nhất? Điều gì làm ta phải bỏ nhiều năng
lực nhất? Đích thực đó là
việc chính yếu của ta.
Maria đã làm điều chính yếu:
"Ngồi bên chân Chúa, nghe lời Người
dạy". Khi khẳng định đó là điều
cần thiết duy nhất của con người, bằng
một phương thế triệt để và mạnh
mẽ, Đức Giêsu đã thực hiện một
mạc khải: Lời Chúa phải được ưu
tiên hơn mọi lo lắng trần gian. Đức Giêsu
cũng đã đưa ra cùng một yêu sách như thế
trong những dịp khác: "Người ta sống không
chỉ nhờ cơm bánh mà còn bằng Lời từ
miệng Chúa phán ra" (Lc 4,4),
"Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn
Đấng đã sai Thầy" (Ga 3,34). Đức
Giêsu không đánh giá thấp sự phục vụ mà Macta
đem lại, khi bận rộn với việc nội
trợ và bếp núc. Nhưng để đi theo
Đức Giêsu, ngay cả những gì có giá trị nhân
bản nhất cũng phải buông bỏ (Lc 5,11-18; 22,9). Hãy lắng nghe lời Chúa, đó
là bổn phận đầu tiên của con người. Giảng dạy lời Chúa là bổn phận
trước hết của nhà truyền giáo. Đức Giêsu nói đó là sự cần thiết duy
nhất, tuyệt đối, triệt để. Đây không phải là lần đầu tiên
cũng không phải lần cuối cùng, Đức Giêsu
khẳng định điều đó. Không lắng
nghe lời Chúa, chính là xây nhà trên cát (Lc 6,47-49), lắng nghe
lời Chúa chính là trở thành mảnh đất trổ
sinh hoa trái (Lc 8,4-15). Hạnh phúc chân thật và duy nhất
của Đức Maria không phải vì là Mẹ của Chúa,
song vì Mẹ đã "lắng nghe lời Chúa và đem ra
thực hành" (Lc 11,27-28).
Lòng chúng ta yêu thích lắng nghe
Lời Chúa như thế nào? Có phải
đó là phần tốt nhất của chúng ta? Chúng ta có ưu tiên không? Điều
nào là điều chính yếu?
|