Lắng nghe
Đoạn Tin Mừng thánh Luca kể
lại câu chuyện tiếp đón Chúa Giêsu của hai
chị em Marta và Maria tại nhà của họ ở làng
Bêtania. Chúng
ta thấy tất cả câu chuyện xoay quanh cách thức
hai người tiếp đón Chúa, rồi tột
đỉnh và kết thúc câu chuyện là nhận
định của Chúa Giêsu về cách tiếp đón
của mỗi người.
Trước
hết, chúng ta thấy cả hai người đều
tiếp đón Chúa, nhưng mỗi người một cách,
mỗi người một vẻ: Marta thì bận
rộn tíu tít, lo lắng lăng xăng
nhiều việc. Còn Maria thì chỉ ngồi
bên chân Chúa, tiếp chuyện Chúa và nghe Chúa giảng dạy.
Cách tiếp đón nào làm hài lòng Chúa hay được Chúa
yêu thích hơn? Đó là cách tiếp đón
của cô Maria. Chính Chúa đã nhận định
như thế: “Maria đã chọn phần tốt nhất”.
Còn với cô Marta, Chúa nói: “Con lo lắng băn khoăn
nhiều chuyện quá”. Thật ra, cả hai
chị em đều hết lòng tiếp đón Chúa.
Nhưng đối với Chúa: “Người ta sống không
bằng cơm bánh mà thôi, nhưng còn bởi lời Thiên Chúa:, nghĩa là người ta không phải
chỉ có sự sống như thực vật, động
vật, mà còn phải có lẽ sống. Đối
với chúng ta, lời Chúa cho chúng ta lẽ sống và
đường sống. Vậy thì
lời Chúa phải có vị trí ưu tiên, là vì phải nghe
lời Chúa chúng ta mới có thể hoàn thành mọi nhiệm
vụ của mình cho trung thực với lẽ sống và
đường sống mà Thiên Chúa cho mình. Cô Maria đã làm đúng như thế. Đây
là bài học thứ nhất chúng ta ghi nhận: Chúa muốn
chúng ta, dù bận rộn công việc thế nào cũng
phải biết dành thời giờ để lắng nghe
và tìm hiểu lời Chúa.
Thực vậy, ai trong chúng ta cũng có
nhiều việc phải làm. Đừng kể những người lười
biếng hay những người chỉ muốn ăn không ngồi rồi, còn hầu hết
chúng ta, nếu sống đúng vai trò và nhiệm vụ
của mình, chúng ta đều thấy việc thì nhiều
mà thời gian lại ít. Hai mươi bốn
tiếng mỗi ngày hãy còn quá ngắn. Thời
giờ lúc nào cũng chực chắp cánh bay đi,
để lại công việc cứ tiếp nối nhau mãi,
hoặc làm mãi mà không hết việc. Sống
trong hoàn cảnh quá nhiều công việc như vậy, thì
bài học nghỉ ngơi như cô Maria càng cần thiết
cho chúng ta, chúng ta không thể để cho công việc lôi
kéo mà quên mất mục đích chính của đời mình.
Công việc làm ăn tay chân nghề
nghiệp chỉ là phương tiện nuôi sống, là con
thuyền đưa chúng ta về trời, chứ nó không
thể là mục đích của đời chúng ta. Có lẽ
Chúa chẳng hài lòng gì mà còn đau lòng nữa, khi thấy
chúng ta quá bận rộn vào biết bao công việc, phí
phạm bao nhiêu sức lực của tuổi đời,
bao nhiêu thời gian quí giá, để lo cho những công
việc không có giá trị trường cửu, để
rồi kết thúc cuộc đời mình trong lo lắng,
sợ hãi về số phận đời sau.
Như vậy, điều chúng ta
cần ghi nhớ là chúng ta phải biết gặp gỡ
Chúa trong hoạt động, trong việc làm. Nói cụ thể hơn,
trong một ngày và trong hoạt động, chúng ta phải
biết dành ra ít giây phút cho việc gặp gỡ Chúa.
Thí dụ: một lúc im lặng, một khoảnh khắc
nâng tâm hồn lên cao, một ít phút đọc Kinh Thánh,
một ít phút để cầu nguyện, để tâm
sự với Chúa và lắng nghe Chúa nói với tâm hồn
mình. Nói tóm lại, chúng ta cần tìm ra ý nghĩa sâu xa
những câu nhận định của Chúa Giêsu: “Chỉ có
một chuyện cần mà thôi”, “Maria đã chọn phần
tốt nhất”, nghĩa là cuộc đời của chúng
ta, có nhiều điều phải lo lắng, có nhiều
công việc phải làm, nhưng chúng ta phải biết
khẳng định cái gì là ưu tiên, cái gì cần làm, cái
gì phải làm trước. Đó là lắng
nghe Lời Chúa, đó là cầu nguyện.
Đàng
khác, bài Tin Mừng còn gợi cho chúng ta suy nghĩ thêm
một vấn đề nữa, đó là câu nói của
Marta: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ
mà Thầy không để ý tới sao?”. Câu nói của Marta tỏ lộ phần nào thái
độ phân bì ghen tị thường sẵn có trong lòng
mọi người. Chúng ta biết: ghen tị
là một trong bảy mối tội đầu, là tội
nặng. Kẻ ghen tị rất tự cao,
không muốn ai hơn mình. Mà nếu có ai hơn mình thì
tỏ ra khó chịu, buồn rầu, chán nản, tức
tối, oán ghét với những thành công của người
khác… Có người chỉ ghen ghét một
người nào đó trong một thời gian thôi. Nhưng có người ghen ghét suốt đời.
Người ta ghen tị về đủ mặt: của
cải, tài ba, nhan sắc, thành công, nhân đức… Thường
những người ở trong cùng hoàn cảnh, cùng môi
trường, cùng tình thân mới ghen ghét nhau, như bạn
bè, chị em ghen nhau; nhà giáo, nghệ sĩ, hàng thịt, hàng
cá ghen nhau. Rồi người lớn hay ghen tị
nhiều hơn tuổi trẻ, vì tuổi trẻ còn
đang ganh đua và có nhiều điểm phải
vươn tới, rồi họ lại dễ bỏ qua,
tha thứ. Cho nên, nếu có, thì chỉ là
tạm thời. Còn người lớn
ghen tị thường đưa đến oán thù, phá
đổ.
Chẳng
hạn, vua Saolê, khi thấy Đavid
được dân chúng ca tụng là tài giỏi hơn vua,
thì nhà vua ghen tức với Đavid, đến nỗi
từ đó tìm đủ cách để giết Đavid, dù
Đavid không có tội gì hết. Saolê ghen
tị thật vô lý. Đavid là một tay
tài giỏi, thắng trận trở về, xứng đáng
được toàn dân ca tụng biết ơn. Còn Saolê,
lẽ ra phải vui mừng vì Đavid
đã đem phần thắng về cho mình, thì Saolê đã
làm ngược lại là ghen tức và cay đắng
trả thù. Đúng như câu nói: “Khi một người
thắng trận trở về nhà, dù lòng đang vui cách
mấy đi nữa, khi thấy có người khác hơn
mình, thì niềm vui đó sẽ trở thành buồn bực
và đau khổ”. Nếu như chúng ta ở
trong trường hợp của Saolê, có lẽ chúng ta
cũng ghen tức như Saolê. Chúng ta có thể
cười người khác khi thấy họ ghen tị, và
chúng ta cho đó là thái độ trẻ con. Nhưng chính
chúng ta cũng nên phản tỉnh lại xem chúng ta có hơn
trẻ con không? Khi thấy người khác đau khổ,
chúng ta dễ chạnh lòng thương, an
ủi giúp đỡ họ. Ngược lại, thử
hỏi chúng ta có vui một cách thành thực khi anh em mình
được may mắn thành công chăng? Thường
thường chúng ta hay đi chia buồn hơn là chia vui.
Chúng ta hãy nhớ: Ghen tị sinh ra nhiều tai
hại: ghen tị thường đi đến chỗ nói
hành, nói xấu, vu oan cáo vạ, bôi nhọ, xét đoán
bừa bãi. Ghen tị làm đứt mất
tình bác ái và gây nên nhiều gương mù gương
xấu. Vì thế, bằng mọi giá
chúng ta phải tốp lại cái thói ghen tị vô lối
của mình.
Bài
Tin Mừng cũng như những điều tìm hiểu
trên đây nhắc nhở chúng ta suy nghĩ: Mỗi
người chúng ta đã tiếp đón Chúa, gặp gỡ
Chúa, lắng nghe lời Chúa như thế nào trong cuộc
sống: theo kiểu của Marta hay Maria?
Chúng ta có biết kết hợp giữa cầu nguyện và
hoạt động trong cuộc sống để đáp
ứng những đòi hỏi phát triển con người
toàn diện không? Chúng ta có tự cho mình là
đúng, công việc của mình là hay hơn cả,
để rồi phủ nhận hoặc công kích
người khác, công việc của người khác không?
Trong khi có thể chính người đó
mới đúng và công việc của họ mới đáng
kể? Ước mong mỗi
người hãy suy nghĩ và kiểm điểm để
đổi mới hoặc bổ túc những gì còn sai
lỗi hoặc thiếu sót trong đời sống đạo
của mình.
|