Hiếu khách – Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Hiếu khách là một đức tính tốt.
Một người hiếu khách là người có tính xã
hội. Họ dám mở cửa lòng đối diện
với đời và với tha nhân. Kinh nghiệm cho chúng ta
thấy trong bất cứ lĩnh vực nào như mở
tiệm buôn bán, công ty, xí nghiệp, trường học,
hội đường, chùa chiền, nhà thờ, tư gia…
càng có nhiều người tham gia, sinh hoạt và thăm
viếng thì càng sầm uất và thành công sinh hoa lợi.
Người ta thường nói "đa khách đáo, đa
ngân vào". Đúng thế, mở một cửa tiệm
hay một dịch vụ mà khách ra vào tấp nập thì
việc làm ăn sẽ mau khấm khá. Một trong những
yếu tố quan trọng là vấn đề nhân sự.
Chủ nhân hay tiếp thị phải là những
người hiếu khách luôn tươi cười và
niềm nở. Vui lòng khách đến vừa lòng khách
đi.
Nhân cách con người đi theo với sinh
hoạt cuộc sống. Tính tình thể hiện qua cách
xử thế, gọi là giao tế nhân sự. Câu truyện
trong sách Sáng Thế kể rằng có ba vị khách đi
ngang qua nhà ông Abraham. Ông đã vui vẻ chào đón khách
một cách niềm nở, ông thưa: "Thưa Ngài,
nếu tôi được đẹp lòng Ngài, thì xin Ngài
đừng đi qua mà không ghé thăm tôi tớ Ngài." (St
18,3). Thái độ của Abraham bày tỏ lòng thành kính và
hiếu khách. Ông biết thương người và đáp
ứng đúng nhu cầu cần thiết. Ông tiếp
rước khách một cách rất tận tình: Tôi xin đi
lấy ít bánh, để các ngài dùng cho chắc dạ, trước
khi tiếp tục đi, vì các ngài đã ghé thăm tôi
tớ các ngài đây! Khách trả lời: “Xin cứ làm
như ông vừa nói.” (St 18,5).
Một phần thưởng ngoài sức
tưởng tượng của cả hai ông bà. Ông bà đã
nhận được một hồng ân quý báu trong lúc
tuổi già. Ông bà sẽ sinh một cậu con trai nối
dòng. Đây là lời cầu chúc tốt đẹp nhất
của ba vị khách: "Người nói: "Sang năm,
tôi sẽ trở lại thăm ông và khi đó bà Sara vợ
ông sẽ có một con trai." Bà Sara bấy giờ đang
nghe ở cửa lều, phía sau." (St 18,10). Thiên Chúa
đã gọi Abraham rời bỏ quê hương xứ
sở để đến miền đất hứa. Lòng
thành tín của Abraham đưa dẫn ông trở thành cha
của một dân tộc. Cha của những kẻ tin. Ông
đã biết đón nhận và cho đi. Ông đã tuân theo
đường lối của Chúa nhưng ông cũng đã
trải qua muôn vàn khó khăn, đắng cay và thử thách.
Ông đã đi đến cùng đường và giữ
vững lòng tin tưởng nơi Thiên Chúa.
Mở cửa đón khách cũng giống
như mở lòng với tha nhân. Nếu tư gia của
chúng ta có mở cửa đón mời anh chị em và bạn
bè, nhà sẽ vui nhộn tiếng cười. Phòng khách
sẽ ấm cúng với mối tình thân. Nhà bếp cũng
được ấm lên nhờ nấu nướng
những món ăn mỹ vị đãi khách. Niềm vui
sẽ trào dâng trong lòng mọi người. Càng có đông
khách và bạn bè, cuộc sống càng nới rộng tình
thương mến. Mở cửa như mở lòng. Chúng ta
biết rằng ai có lòng quảng đại giúp đỡ
tha nhân, họ sẽ được đáp trả mối
ân tình. Có qua có lại mới toại lòng nhau. Đón
tiếp anh chị em bạn bè đến với gia đình,
niềm vui của chúng ta sẽ được nhân lên.
Nếu chúng ta chỉ biết đón nhận mà không biết
cho đi, cuộc sống sẽ bị đóng khung hạn hẹp.
Cảm nghiệm đời sống, chúng ta đóng cửa
nhà và cửa lòng vì sợ bà con làm phiền, cuộc sống
sẽ buồn tênh.
Cũng không ngoại lệ, khi Chúa Giêsu
đến thăm nhà chị em Martha và Maria. Hai chị em
đón tiếp Chúa, mỗi người một cách, làm cho
Chúa rất hài lòng. Câu truyện được lưu
truyền kể lại trong Phúc Âm. Martha lo nấu
nướng phục vụ và Maria ngồi bên chân Chúa
để nghe lời Người giảng dạy. Cả
hai việc đều tốt nhưng việc ngồi bên và
lắng nghe lời Chúa thì tốt hơn: "Cô có
người em gái tên là Maria. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa
mà nghe lời Người dạy." (Lc 10,39). Chúa Giêsu
đã biến đổi cả hai tâm hồn nên thánh
thiện. Chúa nhìn thấu tỏ tâm hồn của Martha và
Maria, hai chị em trở thành những chứng nhân đích
thực cho Chúa Kitô Phục Sinh. Trong Giáo Hội đã có
những vị dõi theo bước của Martha, chuyên lo
phục vụ. Có những người đi theo
đường lối của Maria, lắng nghe, suy
niệm và chiêm niệm trong các dòng tu. Chúa Giêsu đã xác
nhận Maria đã chọn phần tốt nhất:
"Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria
đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị
lấy đi." (Lc 10,42). Giáo Hội đã tuyên phong
cả hai chị em lên bậc hiển thánh: Thánh Martha và Thánh
Maria.
Như Abraham đã đón tiếp các vị
khách và được phước lộc có con cháu nối
dõi hoàn thành sứ mệnh. Martha và Maria đón rước
Chúa vào nhà, các bà đã trở nên môn đệ và sinh hoa
kết qủa trong vườn nho của Chúa. Thiên Chúa
rộng lượng ban phát mọi ơn lành cho những ai
đón rước Chúa. Chúng ta đọc câu truyện
về hai biển hồ ở Palestine, biển Galilê và
biển chết. Biển hồ Galilê có nguồn
nước trong xanh mát. Trong hồ có đủ các loại
tôm cá sinh sống. Có những vườn cây xanh tốt
nhờ nguồn nước. Nhà cửa dân cư sống
rất sầm uất. Biển thứ hai là biển
chết. Biển chết vì nước mặn và không có
loại cua cá nào sống nổi. Trơ trọi không có cây
xanh tươi. Chúng ta biết cả hai biển hồ
đều nhận nguồn nước từ sông Jordan.
Nước chảy vào biển hồ Galilê và tiếp
tục chảy tràn lan qua các hồ nhỏ, nhờ vậy
mà nguồn nước luôn lưu chuyển trong lành. Còn
biển chết cũng đón nhận nguồn nước
nhưng bị tù đọng vì không chia sẻ, nước
trở nên mặn chát. Sinh vật không thể sống
được. Cuộc sống con người cũng
thế, nếu chỉ biết khư khư giữ lại
tất cả kho tàng cho riêng mình, thì sự sống cũng
dần lụi tàn.
Thánh Phaolô đã nhận lãnh sứ
điệp Tin Mừng từ chính Chúa Kitô Phục Sinh. Ngài
đã hăng say nhiệt tình truyền rao lời chân lý.
Phaolô đã thiết lập nhiều cộng đoàn tín
hữu và đặt căn bản giáo lý trong các sinh
hoạt sống đạo: "Tôi đã trở nên
người phục vụ Hội Thánh, theo kế hoạch
Thiên Chúa đã uỷ thác cho tôi, liên quan đến anh em:
Đó là tôi phải rao giảng lời của Người
cho trọn vẹn." (Cl 1,25). Phaolô trở thành chứng
nhân đích thực xông pha trong mọi lĩnh vực,
cốt là để vinh danh Chúa Kitô. Tin Mừng đã lãnh
nhận như một kho tàng, Ngài đã đem ra rao
truyền và phân phát một cách nhưng không để lôi kéo
mọi người về với Chúa.
Thánh Phaolô đã đến với dân
ngoại, nơi có một cánh đồng truyền giáo bao
la. Ngài rao giảng, thuyết phục và làm nhân chứng
sống động. Ngài chấp nhận bị xua trừ,
tẩy chay, đánh đập, tù đày và bị thiệt
thòi danh phận để danh Chúa được cả
sáng. Phaolô rao truyền Tin Mừng một cách nhiệt thành
sứ vụ được Chúa Kitô trao: "Người
đã muốn cho họ được biết mầu
nhiệm này phong phú và hiển hách biết bao giữa các dân
ngoại: Đó là chính Đức Kitô đang ở giữa
anh em, Đấng ban cho chúng ta niềm hy vọng
đạt tới vinh quang." (Cl 1,27). Tất cả
đều chung quy về Chúa Kitô Phục Sinh. Bất cứ
sự gì ngài đã lãnh nhận nhưng không, thì ngài đã cho
nhưng không. Không giữ lại điều gì làm của
riêng để được vui hưởng một mình.
Cuộc sống của chúng ta phát triển
không ngừng. Mỗi ngày, chúng ta hãy cố gắng làm
một việc tốt, dù nhỏ, nó sẽ sinh hoa kết
quả tốt. Một lời nói nhẹ nhàng êm dịu, có
thể cải hoá được lòng người. Một
cử chỉ đón tiếp ân cần, có thể làm vui
mảnh hồn cô đơn, giá lạnh. Một hành
động bác ái nhỏ như cho đi một ly
nước vì danh Chúa sẽ không mất phần
thưởng. Một ngọn lửa, dù bé nhỏ, có
thể toả lan ánh sáng và sưởi ấm lòng
người. Một bàn tay rộng mở, ân phước
ngập tràn niềm vui. Chúng ta hãy cùng mở rộng tấm
lòng đón nhận và mở cửa nhà chào đón anh chị
em, cuộc sống gia đình của chúng ta sẽ thêm phúc
lộc đầy tràn.
Lạy Chúa, Chúa
rộng lượng từ bi và nhân hậu với hết
mọi loài. Xin cho chúng con biết mở lòng quảng
đại với tha nhân. Chúng con nhận lãnh quá nhiều hồng
ân, nhưng cho đi chẳng bao nhiêu. Xin cho chúng con biết
nhận lãnh và biết tiếp tục trao ban.
|