Ông hoàng hạnh phúc –
Lm Jos. Tạ Duy Tuyền
(Trích dẫn
từ ‘Cùng Nhau Suy Niệm’)
Có một câu chuyện ngụ ngôn kể
rằng: ở một thành phố nọ, có một Ông Hoàng
sống một cuộc đời rất hạnh phúc. Vì
thế khi ông chết, người ta đã làm một
bức tượng của ông, đặt trên một cái
bệ cao giữa thành phố và đặt tên là Ông Hoàng
Hạnh Phúc, như là biểu tượng may mắn sẽ
mang hạnh phúc đến cho mọi người dân trong
thành.
Một buổi chiều đầu mùa
đông, một con chim én đến đậu dưới
chân pho tượng. Bỗng một giọt
nước rơi xuống đầu nó. Nó nhìn lên và ngạc nhiên vì đó là giọt
nước mắt của Ông Hoàng. Ông
đang khóc. Những giọt nước mắt
cứ lăn dài trên đôi má của ông.
Chim én ngạc nhiên và hỏi rằng:
- Tại
sao ông khóc? Ông là Ông Hoàng Hạnh Phúc kia mà!
- Ông hoàng
trả lời: Từ khi đứng trên cao nhìn thấy
cảnh sống của dân thành, ta đau lòng quá và không còn
hạnh phúc nữa. Ta muốn đi giúp họ lắm,
nhưng đôi chân ta bị chôn chặt ở cái bệ này
nên không thể nào đi được. Bạn có thể
giúp ta không?
- Không
được, tôi phải bay đi cho kịp đàn
đang bay về phương bắc.
- Hãy làm
ơn giúp ta đêm nay đi.
- Chim én
ngập ngừng giây lát rồi nói: Thôi được. Bây
giờ ông muốn tôi làm gì?
- Trong
một túp lều đàng kia có một
người mẹ đang khóc vì con bà bị bệnh mà bà
không có tiền gọi bác sĩ. Bạn hãy lấy viên
ngọc ở chuôi kiếm của ta đem cho bà ấy.
- Chim én dùng
mỏ lấy viên ngọc ra và bay đến cho bà mẹ
nghèo. Nhờ có tiền, bà đã lo cho con bà khỏi bệnh.
- Hôm sau Ông
Hoàng lại xin chim én nán lại một đêm nữa
để mang viên ngọc khác đến cho một
người nghèo khác. Rồi hôm sau nữa đến giúp
một người nghèo khác nữa. Cứ thế hết
ngày này đến ngày khác, con chim én lấy các thứ trang
sức của Ông Hoàng đem cho người nghèo. Cuối
cùng trên mình Ông Hoàng không còn gì quý giá nữa. Khi đó đã là
giữa mùa đông, trời đã lạnh rất nhiều.
- Một
buổi sáng, người ta thấy xác con chim én đã
chết cóng dưới chân pho tượng Ông Hoàng trần
trụi. Phía dưới thành phố, mọi người
đều hạnh phúc. Họ có biết đâu hạnh phúc
của họ là nhờ sự hy sinh của Ông Hoàng Hạnh
Phúc và con chim én nhỏ bé kia.
Đôi khi trong cuộc sống chúng ta
vẫn vô tâm như vậy. Nhiều người đã
được sống hạnh phúc nhưng họ đâu
biết rằng hạnh phúc của họ là nhờ sự
chắt chiu từng hy sinh âm thầm của biết bao nhiêu
người. Có thể đó là sự hy sinh không
mệt mỏi của cha, của mẹ từng ngày vất
vả trên nương đồng, hay trên công trường.
Có thể đó là sự hy sinh nhịn
nhục của những người thân chịu thiệt
thòi để họ được hạnh phúc. Có
thể đó là sự hy sinh nhường nhịn của
bạn bè để họ được vui hơn trong
cuộc sống. Thế mà, nhiều
người vẫn tưởng rằng mình lớn lên không
cần ai giúp đỡ. Lối suy
nghĩ đó đã dẫn đến một đời
sống ích kỷ, hẹp hòi, một lối sống
dửng dưng đến xa lạ với đồng
loại.
Thực vậy, ở trong cuộc
đời này vẫn còn đó biết bao người
chắt chiu từng hạt gạo, gom góp từng miếng
vải để giúp kẻ cơ hàn. Cuộc đời vẫn còn đó
biết bao người hy sinh cả cuộc sống mình
để phục vụ các bệnh nhân, nhất là các
bệnh nhân nan y. Vẫn còn đó cả hàng triệu
người đang đổ mồ hôi vật vã trên công
trường, trên nương đồng để làm ra
của cải và sản phẩm cho hàng tỉ người
trên trái đất hưởng dùng. Vâng, cuộc đời
vẫn còn đó biết bao người biết hy sinh vì tha
nhân, biết kiến tạo niềm vui trong những
giọt mồ hôi lao nhọc để
phục vụ tha nhân. Thế nhưng, giòng đời
vẫn còn đó những trái tim khô
cằn, những tâm hồn lạnh nhạt đến
dửng dưng với nỗi đau của đồng
loại. Họ đâu biết rằng cuộc đời
của họ đang bị cuốn trôi theo
một giòng chảy của trần đời. Họ được đón nhận thì cũng
phải biết trao ban. Vì chẳng ai có
thể giữ mãi cho mình được điều gì mãi
mãi. Tất cả những gì mình có rồi một mai
cũng bị cuốn trôi theo thời
gian.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta
hãy biết dừng lại để giúp đỡ
những ai đang cần đến chúng ta, hãy biết chia
sẻ với những khó khăn của tha nhân. Hình ảnh Thầy Tư tế và Lê vi đã bỏ lại đằng sau
tiếng kêu cứu của đồng lại diễn
tả một thế giới mà con người luôn hối
hả bận rộn với giòng chảy cuộc
đời. Họ bị giòng đời
cuốn trôi đến nỗi đã quên rằng, cuộc
sống đích thực là cuộc sống còn có khả
năng chia sẻ với tha nhân. Một
cuộc đời có ý nghĩa là cuộc đời
biết dùng thời giờ để sống với tha
nhân trong yêu thương và phục vụ. Và một cuộc đời đã mất khi không
còn khả năng để giúp đỡ anh em. Ông Hoàng hạnh phúc đã không còn hạnh phúc khi ông
nhận ra mình không còn khả năng để giúp
đỡ đồng loại. Ông
cảm thấy bất hạnh khi mình không còn khả
năng để xoa dịu nỗi đau của
đồng loại. Ngược
lại, người Samaria nhân hậu, ông đã tìm
được niềm vui của cuộc đời
phục vụ. Ông đã dừng lại để xoa dịu
nỗi đau của kẻ bất hạnh. Cuộc
đời ông hạnh phúc biết bao khi ông băng bó
nỗi đau của đồng loại. Khi
ánh mắt của kẻ chịu ơn đang nhìn ông
một cách trìu mến thân thương. Niềm
vui của ông càng được nhân lên khi người mà
ông giúp đỡ đã coi ông như anh em. Từ một người xa lạ nay trở thành
kẻ thân thích. Ông đã biết dùng
của cải đời này để mua bạn hữu
đời này và cả đời sau. Đó chính là
mẫu người mà Chúa đang mời gọi chúng ta hãy
làm theo như vậy.
Ước
gì trong năm thánh với chủ đề Giáo hội
mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ sẽ là
lời nhắc nhở chúng ta về Giáo hội của Chúa,
do Chúa sáng lập và hiện diện thì mỗi ky-tô hữu
cần phải hiệp nhất với nhau trong Chúa, cần
nhìn nhận nhau là anh em và hãy biết sống đời kytô
hữu bằng sự dấn thân để phục vụ
tha nhân trong yêu thương chân thành. Nguyện
xin Chúa là Đấng đã hết lòng yêu thương và
phục vụ con người cho đến nỗi
bằng lòng chịu chết vì chúng ta, giúp cho chúng ta cũng
biết sống yêu thương như Chúa đã yêu
thương chúng ta. Amen.
|