Ai là anh
em của tôi? – Veritas
(Trích dẫn
từ ‘Hãy Ra Khơi’)
Sáng nay, khi đọc
đoạn Phúc âm mà chúng ta vừa chia sẻ với nhau
trong thánh lễ này, tôi đã nghĩ đến ngay bài
tập viết đầu tiên mà tôi đã phải cố gắng
vẽ ngoằn ngoèo trên trang tập đầu tiên mới mua
về. Đó là ngày tôi được thầy
cho lên lớp bắt đầu tập viết những
chữ a, b, c… Trưa về nhà khoe với mẹ, đúng
ngay lúc cha tôi đang ngồi tiếp chuyện
với một ông cụ nhà nho quen biết trong làng.
Nghe tôi khoe, cha tôi cầm lấy cuốn
tập, mấy trang đầu đã đề những
chữ a, b, c, rồi nói với ông cụ ngồi
đối diện: Xin cụ viết giùm vào trong trang
thứ hai này bốn chữ “Kính Chúa Yêu Người”.
Cụ nhà nho viết xong, cha tôi đưa sang cho tôi đang
đứng bên cạnh và nói: “Đây, con đến ngồi
trên ghế cạnh kia rồi đồ lại những
chữ này”. Thật là khốn khổ cho tôi lúc đó
mới học viết được ba chữ a, b, c, mà
bây giờ cha tôi lại bắt viết trọn cả
bốn chữ “Kính Chúa Yêu Người”.
Tôi còn nhớ rõ hình ảnh những
chữ mà tôi cố gắng vẽ theo mà
không hiểu gì cả, chỉ biết rằng đây là
bốn chữ nói “Kính Chúa Yêu Người”. Biết
được bằng lỗ tai, nghe qua
miệng cha tôi nói, chứ lúc đó làm gì mà tôi đã
đọc được bốn chữ “Kính chúa Yêu
Người”. Và biến cố đã in sâu vào tâm trí tôi,
đến nỗi mỗi lần nhớ đến cha tôi
là mỗi lần tôi nhớ đến bài học
đầu tiên này và cũng là bài học mà giờ đây tôi
hiểu là cần phải học mãi suốt đời
cũng chưa xong: “Kính Chúa Yêu Người”. Nhìn vào
những chữ ngoằn ngoèo mà tôi đã phải viết ra
hay nói đúng hơn phải đồ lại cho
đầy trang giấy rồi mới được
đi chơi, và có thể đây là hình phạt cho tật
hay khoe của tôi lúc đó. Cha tôi mỉm cười
bảo: “Con phải làm sao để sống
được bốn chữ này cho đến chết
mới thôi”.
Cuộc
gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và nhà thông luật hôm nay
phần nào cũng có thể được ta hiểu theo viễn tượng của kinh nghiệm
nhỏ của tuổi thơ tôi ngày xưa. Người
luật sĩ đến với Chúa Giêsu để tìm câu
trả lời cho thắc mắc quan trọng nhất
của cuộc đời: “Thưa Thầy, tôi phải làm
gì để được sống đời đời?”. Và đây cũng là thắc
mắc của mọi người, không ai có thể dập
tắt được câu hỏi này trong tâm hồn họ.
Tạm thời, họ có thể dẹp qua một bên câu
hỏi này, vì những lo toan cho cuộc sống hoặc vì
những mê lợi của lợi danh, của quyền
lực… Nhưng rồi vào lúc nào đó con người và
mỗi người chúng ta cũng sẽ phải
đặt ra cho mình câu hỏi này: “Tôi sống đây để
làm gì? Và tôi phải làm gì để được sống
đời đời?”.
Bản
tính con người là như vậy, không thể nào chối
bỏ được khát vọng hướng về
trời cao, đó là khát vọng căn bản sâu xa nhất
của con người, của mọi người chúng ta.
Chúa Giêsu đã gợi ý cho nhà thông thái trả lời đúng
như Kinh Thánh dạy, mà nội dung theo
tôi nghĩ không khác xa gì bốn chữ tôi đã học
được từ cha tôi ngay từ khi mới bắt
đầu đi học: “Kính Chúa Yêu Người”. Đây không phải là vấn đề về
hiểu biết, một người nông dân bình
thường không biết chữ như cha tôi cũng
biết tóm gọn luật Chúa trong bốn chữ “Kính Chúa
Yêu Người” để truyền lại cho tôi. Vấn đề là nơi thực hành là phải
biến đổi tâm hồn của chính mình để nhìn
nhận mọi người là anh chị em của mình.
Chúa
Giêsu đã phải dùng dụ ngôn người Samaritanô nhân
lành để soi sáng cho nhà thông thái, để rồi
rốt cuộc như thể chính ông cũng khám phá ra
được chân lý. Chúa Giêsu không đặt vấn
đề như nhà thông thái: “Ai là người thân cận
của tôi”, mà Ngài đã đặt lại vấn
đề: “Ai đã trở nên người thân cận
của người anh em bị nạn kia”,
và nhà thông thái đã trả lời đúng: “Thưa là kẻ
đã tỏ ra lòng thương đối với
người đó”.
Tâm hồn cần có tình thương,
nhất là cần được đầy tràn tình
thương của Chúa thì mới dễ dàng trở thành tâm
hồn thân cận của mọi người, trở thành
người anh chị em của mọi người,
bất luận người đó là ai. Không phải dễ thực hiện sáu
chữ của Chúa Giêsu cho nhà thông thái: “Hãy đi và làm như
vậy”.
Chúa Giêsu cũng nói với mỗi
người chúng ta hôm nay, chúng con, những đồ
đệ của Ta. Chúng
con phải có tâm hồn đã biến đổi bởi
tình yêu Chúa, để rồi có thể trở thành
người anh chị em của mọi người mà
thực hiện trọn vẹn giới răn: “Kính Chúa Yêu
Người”.
Cử
hành Bí tích Thánh Thể, nhất là được thông
phần vào Mình và Máu Thánh Chúa, được chia sẻ chính
sự sống của Chúa, người Kitô có
được sức mạnh mới để thực
hiện tình thương trong cuộc sống của mình,
trong bất cứ môi trường sinh sống nào.
Chúng ta đây, chúng ta có biết quí
trọng việc cử hành Bí tích Thánh Thể trong
đời sống chúng ta không? Chúng ta có năng đến với Chúa trong Bí tích Thánh
Thể để múc lấy sức mạnh sống tình
thương đối với anh chị em hay không? Không đến với Chúa, chúng ta cũng khó
đến với anh chị em xung quanh. Xin Chúa
thương nhắc nhở chúng ta, củng cố lòng
mến nơi chúng ta và nhất là củng cố đức
tin nơi mỗi người chúng ta, đức tin mà
giờ đây chúng ta cùng nhau tuyên xưng qua kinh tin kính.
|