Vài nguyên tắc truyền giáo của Chúa Giêsu
(Suy niệm của Lm. Thiện Duy)
Vào tháng 10 năm 1987, Đức Chân
Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, người sẽ
được Đức Giáo Hoàng Phanxicô tuyên thánh vào tháng
08 sắp tới, đã triệu tập Thượng
Hội Đồng Giám Mục thế giới để
cùng nhau nghiên cứu vấn đề “ơn gọi và
sứ mạng của người giáo dân trong Giáo Hội và
trong thế giới ngày nay”. Từ Thượng Hội
Đồng này, một tông huấn mang tựa đề:
“Người Kitô hữu giáo dân” đã được công
bố. Trong đó, Đức Thánh Cha nói: “Giáo dân, vì là thành
phần của Giáo Hội, nên mang ơn gọi và sứ
mạng loan báo Tin Mừng. Các bí tích khai tâm kitô giáo và các ân
huệ của Chúa Thánh Thần đã trang bị khả
năng và thúc giục họ thi hành sứ vụ của
mình” (số 33). Đức Thánh Cha còn nói: “Chắc chắn
rằng: mệnh lệnh của Chúa Giêsu ‘Hãy đi loan báo
Tin Mừng’ vẫn mang giá trị trường tồn và
đặt ra một cách cấp bách. Tuy nhiên, tình trạng
hiện nay trong thế giới, đang đòi hỏi
tuyệt đối phải thực thi mệnh lệnh
của Chúa một cách khẩn trương và quảng
đại hơn. Một người môn đệ đích
thực của Chúa Kitô không có quyền từ chối
lời đáp trả của riêng mình: “Khốn thân tôi,
nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16). Cho hay, cái
mới mẻ trong việc thực thi cuộc loan báo Tin
Mừng là tất cả toàn dân Chúa, không phân biệt nam
nữ, già trẻ, giàu nghèo, mạnh yếu. Tất cả
đều được sung vào việc tông đồ
truyền giáo”.
Phụng vụ lời Chúa hôm nay sẽ cho
chúng ta thấy nguyên tắc hoạt động của
người môn đệ Chúa. Nguyên tắc này do chính Chúa
Giêsu, người khởi sự công tác truyền giáo và
cũng là linh hồn của việc truyền giáo chỉ
dạy.
I. PHỤNG
VỤ LỜI CHÚA
1. Bài đọc I: (Is 66, 10-14c)
Bối cảnh của bài đọc I là khi
vua Cyrus của nước Ba Tư vừa tiêu diệt
được đế quốc Babylon
và ký sắc lệnh hồi hương cho người Do
Thái. Họ rất phấn khởi vì cuối cùng họ
cũng được giải thoát. Trong bối cảnh
đó, tiên tri Isaia đã nói tiên tri về phúc lành mà Thiên Chúa
sẽ tuôn đổ xuống dân chúng. Điều quan
trọng nhất trong phúc lành này là ơn bình an: “Này Ta tuôn
đổ xuống thành đô, ơn bình an như dòng sông
cả”
(Is 66, 12).
2. Bài Đọc II: (Gl 6, 14-18)
Thánh Phaolô tự hào về cây thập giá
của Đức Kitô: “Ước chi tôi chẳng hãnh
diện về điều gì, ngoài thập giá của
Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Gl 6, 14). Nhờ quy tắc
đó mà thánh nhân được bình an. Để rồi thánh
nhân cầu chúc cho mỗi người chúng ta:
“được bình an và lòng thương xót của Thiên
Chúa” (Gl 6, 16) nhờ biết yêu mến và rao giảng cây
thập giá.
3. Tin Mừng: (Lc 10, 1-12. 17-20)
Đây là bài sai truyền giáo chính thức
của Chúa Giêsu. Chúng ta phải phân biệt các Tông
Đồ, tức nhóm 12 là những người
được Chúa Giêsu chọn gọi một cách
đặc biệt, ở sát bên Chúa Giêsu; và các Môn
đệ, tức nhóm 72, không theo sát Chúa Giêsu, họ vẫn
còn gia đình, vợ con, công việc riêng… nhưng khi nào mùa
màng rãnh rỗi, hoặc được Chúa Giêsu triệu
tập thì họ đến.
Trong Tin Mừng Matthêu và Maccô, Chúa Giêsu chỉ
sai các Tông Đồ thôi, nhưng Luca thì sai cả các Môn
đệ nữa, để chúng ta thấy tính phổ quát
của công việc truyền giáo. Ai cũng phải
truyền giáo chứ không phải chỉ những người
được tuyển chọn. Trong bài sai truyền, Chúa
Giêsu đã đưa ra những nguyên tắc hoạt
động cho những cán bộ truyền giáo. Nguyên
tắc đó không phải chỉ áp dụng cho các Môn
Đệ của Chúa thời đó, mà còn là nguyên tắc cho
mọi thời trong công cuộc truyền giáo.
II. NGUYÊN TẮC
TRUYỀN GIÁO
Mỗi người chúng ta khi lãnh nhận Bí
tích Rửa Tội, chúng ta cũng lãnh nhận sứ
mạng truyền giáo, vì “truyền giáo là bản chất
của Giáo Hội”. Vì vậy chúng ta cũng phải nắm
vững những nguyên tắc này.
1. Cầu nguyện:
Trước hết, Chúa Giêsu nói: “Anh em hãy xin
chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Lc 10,
2). Vì vậy cầu nguyện chính là linh hồn của
việc truyền giáo. Sở dĩ Chúa muốn chúng ta
phải cầu nguyện trong truyền giáo là vì đây là
công việc thuộc lãnh vực siêu nhiên. Sức tự nhiên
của con người không thể nào làm được
điều này. Cán bộ truyền giáo phải là con
người của cầu nguyện. Vì khi cầu
nguyện chúng ta mới tiếp xúc với lãnh vực siêu
nhiên để từ đó mới có thể thi hành đúng
theo những hoạch định thần thiêng. Qua bài
đọc I và bài đọc II, chúng ta thấy ơn ban quan
trọng nhất của Chúa là ơn bình an. Người cán
bộ của Chúa chỉ có được bình an trong
cầu nguyện.
Tôi thích và nhớ
mãi hình ảnh ông Jim mà vị tôi tớ Chúa, Đức
Hồng Y Px. Nguyễn Văn Thuận kể. Khi còn
khỏe, mỗi ngày ông đến nhà thờ lúc 12 giờ
trưa không quá 2 phút. Ông từ rất thắc mắc nên
theo dõi. Một hôm ông chận Jim lại và hỏi: “Tại
sao bác vào đây mỗi ngày?”. “Tôi vào để cầu
nguyện”. “Quái lạ, kinh gì mà đọc trong vòng 2 phút?”
Jim trả lời: “Tôi vừa già, vừa dốt nên
đọc kinh theo kiểu của tôi. Tôi chỉ nói:
“Lạy Chúa, Jim đây!”. Thời gian trôi qua, Jim già cả,
bệnh tật, phải vào bệnh viện để
điều trị. Sau đó Jim yếu liệt và chuẩn
bị ra đi. Một Linh mục và một nữ tu
đến hỏi thăm: “Jim ơi, hãy nói cho chúng tôi
biết, tại sao từ ngày ông vào đây, bệnh viện
có nhiều thay đổi, bệnh nhân vui vẻ, chấp
nhận thuốc thang, sống có tình nghĩa hơn?” Jim
trả lời: “Đơn giản thôi, lúc còn khỏe, Jim
đi thăm mọi người, lúc đi không nổi, Jim
nhớ và gọi tên mọi người, với Jim ai
cũng vui hết”. “Thế tại sao Jim vui, Jim hạnh
phúc?”. Jim trả lời vì ngày nào Jim cũng có người
đến thăm hết. Mọi người thắc
mắc, có thấy ai đâu? Jim bảo: “Lúc trước 12
giờ trưa, Jim đi thăm Chúa Giêsu, còn bây giờ
trưa nào Chúa Giêsu cũng đến thăm Jim”? “Ngài nói gì
với Jim”? Ngài nói: “Jim ơi, Giêsu đây!” Cầu nguyện
làm cho chúng ta có Chúa Giêsu. Có Chúa Giêsu làm cho chúng ta
được bình an. Bình an làm cho chúng ta trở thành
người nhiệt tâm lo việc truyền giáo hơn.
2. Phó thác:
Điều thứ hai, Chúa Giêsu nói: “Thầy
sai anh em đi như chiên con vào giữa bầy sói” (LC 10, 3).
Có phải là Chúa “đem con bỏ chợ không?” Có phải là
Chúa đẩy chúng ta tới chỗ nguy hiểm không?
Thưa không, nhưng Chúa muốn người cán bộ
truyền giáo phải biết phó thác. Bản thân mình luôn luôn
gặp nguy hiểm, không gì che chở bảo, không có gì
bảo đảm cho, ngoài Chúa. Nhân đức phó thác là nhân
đức tối cần nơi người cán bộ
truyền giáo.
Tôi có ông cha
bạn làm cha phó ở họ đạo Kinh Nước Lên
dưới Cà Mau, phụ trách thêm những họ lẻ xung
quanh. Có những họ phải vượt qua những con
sông lớn hàng giờ mới tới. Trong đợt áp
thấp nhiệt đới vừa rồi, ông đi làm
lễ về, sóng to, gió lớn, máy chạy tới không
được, quay lại không xong, cứ lòng vòng lòng vòng
giữa sông lớn. Ổng sợ quá sức, ổng nói
chẳng lẽ mình hưởng dương ít vậy ta!?
Người môn đệ Chúa luôn ở trong tư thế
nguy hiểm, nên phải biết phó thác.
3. Ưu tiên cho việc loan báo Tin Mừng:
Chúa Giêsu nói: “Đừng chào hỏi ai dọc
đường” (Lc 10, 4). Nếu nói như vậy, có
phải Chúa dạy cán bộ truyền giáo trở thành
những con người bất lịch sự, gặp
người quen cũng không chào luôn? Những người
khó tính, nhất là những người lớn tuổi
người ta nói mình khó ưa, mất dạy, không biết
chào hỏi ai hết, vì người xưa nói: “Lời chào
cao hơn mâm cỗ”… Không phải, Chúa Giêsu nói vậy vì nghi
thức chào hỏi của người phương đông
rất rườm rà, mất thời giờ. Chúa dạy
cho cán bộ của Chúa đừng mất giờ vô ích vì
việc loan báo tin mừng là việc gấp rút: “Lúa chín
đầy đồng mà thờ gặt thì ít”, phải
biết tận dụng thời giờ đi gặt lúa,
kẻo chim chuột ăn hết.
III. BỔN
PHẬN CẤP BÁCH CỦA MỌI KITÔ HỮU
Truyền giáo không là việc của riêng ai,
nhưng là bổn phận cấp bách của mọi kitô
hữu. Mọi người phải truyền giáo ngay chính
trong môi trường, hoàn cảnh của mình. Thượng
Hội Đồng Giám Mục thế giới năm 1987
đã định nghĩa vị thế độc đáo
của người giáo dân giữa lòng Giáo Hội và
giữa thế giới bằng hai mệnh đề
như sau: “Giáo dân là ‘ người của Giáo Hội’ trong
lòng thế giới”. “Giáo dân là ‘người của thế
giới’ trong lòng Giáo Hội”. Là người của Giáo
Hội, người giáo dân phải đem Giáo Hội và Chúa
Giêsu vào trong thế giới. Và là người của
thế giới, giáo dân phải đem thế giới
đến cùng Giáo Hội và Chúa Kitô”.
Vì vậy mỗi người chúng ta dù là linh
mục, tu sĩ hay giáo dân đều phải nắm
vững một vài nguyên tắc mà Chúa Giêsu đã dạy
để chúng ta trở thành những cán bộ truyền
giáo lành nghề và nhiệt thành, đó là: Cầu nguyện,
phó thác và ưu tiên truyền giáo, để chúng ta có thể
đem tin mừng bình an đến cho anh chị em xung quanh
mình.
Cầu nguyện để có được
sức mạnh của Chúa. Chính vì vậy kinh hôm, kinh mai,
lần chuỗi mân côi, xưng tội, viếng Thánh
Thể, tham dự thánh lễ, nhất là ngày Chúa nhật… là
những việc không thể thiếu của một
người giáo dân Tông Đồ.
Phó thác để dấn thân trong đời
sống đức tin. Chính vì vậy người Tông
Đồ của Chúa không được sợ hãi trong
bất cứ cảnh ngộ nào của cuộc sống,
nhưng phải biết vươn lên, vươn lên
mỗi ngày vì có bàn tay Chúa nâng đỡ.
Ưu tiên truyền giáo để khỏi
lạc hướng. Ai? Ở đâu? Làm gì? Thế nào?...
cũng phải nghĩ đến việc làm sao cho
Nước Chúa trị đến.
Nói tóm lại, Phụng vụ lời Chúa ngày
hôm nay một lần nữa mời gọi chúng ta ý thức
lại sứ mạng truyền giáo của mình, vì chính Chúa
Giêsu đã sai mỗi người và từng người
chúng ta vào cuộc đời này để sống và loan báo
Tin Mừng. Muốn trở thành một cán bộ truyền
giáo của Chúa, chúng ta phải thực hành những nguyên
tắc mà Chúa Giêsu đã đưa ra, trong đó có việc
cầu nguyện, phó thác và ưu tiên truyền giáo. Xin ơn
Chúa giúp qua lời bầu cử của Mẹ Maria,
người nữ truyền giáo đầu tiên; của
thánh cả Giuse, người trợ tác đắc lực
của Chúa; và cha Phanxicô Trương Bửu Diệp,
người luôn quan tâm đến dân ngoại, cho chúng ta có
một nhiệt tình truyền giáo cùng với lòng đạo
đức và sự phó thác, để chúng ta thực sự
trở thành một cán bộ truyền giáo của Chúa.
|