Sứ giả
Một vị vua hoặc ông chủ tịch
của nước Việt Nam
chúng ta muốn sang thăm một nước nào đó thì
phải làm gì đây – vị vua hoặc ông chủ tịch
nước sẽ cử sứ giả hoặc đại
sứ sang nước đó báo tin cho họ hay.
Cũng thế Tin Mừng hôm nay mà chúng ta
vừa nghe cho thấy Chúa Giêsu muốn đến các thành,
các nơi mà Chúa định đến nên Chúa đã làm hai
việc là chọn 72 môn đệ làm sứ giả cho Ngài,
và trao cho các ông nhiệm vụ đến đó loan báo Tin
Mừng bình an của Chúa.
Với việc tìm hiểu
đoạn Tin Mừng này chúng ta sẽ nhận ra Chúa
muốn nói gì với mỗi người chúng ta trong thế
giới hôm nay.
Chúa Giêsu quyền năng đã biết
trước và nhận thấy rõ số người
sẵn sàng đón nhận Chúa rất nhiều. Nhiều đến nỗi mà Chúa đã ví họ như
cánh đồng lúa trổ bông chín vàng mà lại có ít thợ
gặt. Vì thế cho nên Chúa mới nói: “Lúa chín
đầy đồng mà thiếu thợ gặt” và Chúa
đề nghị các môn đệ hai nhiệm vụ:
Nhiệm vụ thứ nhất
là cầu nguyện. Thiên Chúa là ông chủ
của mùa gặt, Thiên Chúa có quyền quyết định
những ai được vào Nước Trời. Vì
thế, Chúa kêu gọi các môn đệ cầu nguyện
để xin Thiên Chúa khơi lên trong lòng con người tinh
thần làm môn đệ Chúa, sẵn sàng làm sứ giả
của Chúa.
Nhiệm vụ thứ hai là “Hãy
ra đi loan báo Tin Mừng bình an”. Cầu nguyện chưa
đủ nhưng còn phải lên đường ra đi
loan báo Tin Mừng bình an. Trước khi đi
Chúa Giêsu căn dặn rất kỹ:
Hành trang phải nhẹ tênh: không túi tiền,
không bao bị, không giày dép để thực sự trở
nên nghèo khó như Chúa Giêsu. Công việc thì
cấp bách nên đừng chào hỏi ai dọc
đường. Đến nơi đâu thì
đầu tiên phải nói lời chào thân thiện “Bình an cho nhà này”. Đây không phải là bình an mà
thế gian ban tặng dựa trên của cải vật
chất, danh vọng… nhưng là bình an mà bài đọc I tiên
tri Isaia đã loan báo Thiên Chúa sẽ ban cho Giêrusalem: “Này Ta
đổ hòa bình tuôn xuống thành đô khác nào dòng sông
cả, khiến của cải chư dân chảy về tràn
lan như thác vỡ bờ…”. Bài đọc II cho
biết: Bình an đó là chính Đức
Kitô đã đến trần gian để giải thoát con
người khỏi tội lỗi và sự chết
bằng cuộc khổ nạn thập giá, dẫn
đưa con người vào cuộc sống vĩnh
cửu mai sau. Một thái độ phải có
là khiêm tốn, siêu thoát, đón nhận những gì
người ta cung cấp cho, không tìm kiếm tiện nghi,
dễ chịu. Một công việc
phải làm là chữa lành bệnh tật những
người ốm đau. Một
lời rao giảng làm rộn lên niềm vui là “Nước
Thiên Chúa đã đến gần anh chị em”. Tuy
nhiên, cũng phải đón nhận sự tự do từ
chối của người ta nhưng cũng phải loan
báo cho người ta biết rằng “Nước Thiên Chúa
đã đến gần”.
Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe là câu
chuyện cách đây hơn 2000 năm, nhưng thử
hỏi đến lúc này Tin Mừng đã có bao nhiêu
người được đón nhận.
Thế giới có trên 6 tỷ
người mà những người tin vào Thiên Chúa chỉ
mới có 1 tỷ, và cũng có những người có
đạo nhưng không sống đạo. Riêng tại Á Châu, trong 100 người thì còn hơn
97 người chưa biết Chúa. Và chúng ta phải
suy nghĩ lời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói
trong Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu là “Một
điều thật bí ẩn là tại sao Đấng
Cứu Thế sinh ra tại Á Châu, mà cho tới bây giờ
phần lớn châu lục này vẫn không biết
Người”. Thử nhìn ra trong khu xóm hoặc
xung quanh chúng ta, còn bao nhiêu người chưa biết Chúa.
Chắc chắn là đông như cánh
đồng lúa chín mà Chúa đã nhìn thấy trước
rồi phải không.
Do đó, lời mời gọi của Chúa
Giêsu “Hãy trở nên sứ giả loan báo Tin Mừng bình an” cho mọi dân tộc, đặc biệt
là dân tộc Á Châu vẫn luôn vang dội trong tâm hồn
mỗi chúng ta, và càng khẩn thiết hơn khi bước
vào ngàn năm thứ ba. Cùng với Hội thánh chúng ta “Hãy ra
khơi” trở nên những sứ giả loan báo Tin Mừng
bình an. Trong giới hạn của đất nước
Việt Nam chúng ta, Chúa sẽ mời gọi mỗi
người đi loan báo Tin Mừng mỗi cách khác nhau.
Thông thường chúng ta nghĩ việc loan
báo Tin Mừng chỉ dành cho các Giám mục, Linh mục, Phó
tế và tu sĩ nam nữ, mà quên đi rằng ngay từ
lúc lãnh nhận Bí tích Rửa tội mỗi người
chúng ta đã lãnh nhận sứ mạng ra đi loan báo Tin
Mừng bình an rồi.
Cầu nguyện mỗi ngày và
đóng góp quỹ truyền giáo hằng năm vào lễ
“Khánh nhật truyền giáo”.
Sống chứng nhân nơi mình đang sinh
sống, làm việc trung thực trong mọi hoàn cảnh,
chia sẻ những khó khăn, nếu có thể
được thì thăm viếng an ủi, đem tình
thương và bình an cho những người ốm đau
bệnh tật, nghèo khổ và cô đơn…
Nếu thực hiện được
như thế thì chúng ta đã và đang loan báo Tin Mừng
bình an rồi đó và tên của chúng ta đã
được Chúa khắc ghi.
Chung quanh chúng ta còn nhiều người
chưa biết Chúa, chúng ta phải sống làm sao để
nên như sứ giả loan báo Tin Mừng bình an
cho mọi người. Điều đó, Chúa Giêsu vẫn
đang nhắc nhở mỗi người chúng ta nhất
là khi tham dự thánh lễ là lúc chúng ta đón nhận bình an
từ Thiên Chúa qua Chúa Giêsu ở lời chào đầu
lễ của chủ tế, rồi chúng ta lại trao bình
an đó cho nhau lúc “chúc bình an” và cuối thánh lễ chủ
tế xướng lên “lễ xong chúc anh chị em ra đi
bình an” đó là lúc chúng ta nhận sứ mạng mang bình an
đó cho mọi người.
Ước gì lời Chúa hôm nay qua việc Chúa
chọn 72 môn đệ làm sứ giả cho Ngài là
động lực nhắc nhở mỗi người chúng
ta một lần nữa “Hãy trở nên sứ giả loan báo
Tin Mừng bình an”.
|