Người
rao giảng
Chỉ có mình thánh Luca ghi lại việc
sai phái bảy mươi hai môn đệ đi
trước sửa soạn cho Chúa Giêsu đến. Điều này phù hợp
với việc Chúa kéo dài cuộc hành trình trên
đường về Giêrusalem. Công tác
của họ chỉ trong một thời gian hạn
định, nhưng trong lời huấn thị đưa
ra cho họ, Chúa Giêsu đã đưa ra những nguyên
tắc căn bản áp dụng cho mọi thời.
Trước hết Ngài tỏ cho biết lý do của
sự lựa chọn họ: lúa chín đầy đồng
mà thợ gặt lại ít. Trước khi
thế gian nhận được sứ điệp
họ mang tới, họ và những người kế
vị họ phải tha thiết cầu nguyện với
Chúa mùa gặt sai thợ đến. Đó
là một lời cầu nguyện mà mọi kẻ phụng
sự Chúa Kitô phải dâng lên tự đáy lòng mình. Lòng yêu mến của chúng ta đối với Chúa
sẽ khiến chúng ta cố gắng hoàn thành công tác mau chóng
hơn, và muốn được vậy cần phải có
đông công nhân hơn.
Đối với người Do Thái,
số bảy mươi hai là số biểu tượng. Đó là số các trưởng lão
đã được lựa chọn để giúp
đỡ lãnh tụ Môsê, với phận sự điều
khiển, hướng dẫn dân chúng trong sa
mạc. Đó là số thành viên của Hội
đồng quốc gia. Nếu số
bảy mươi hai chỉ đoàn thể nào trong hai
đoàn thể đó thì họ cũng là phụ tá cho Chúa
Giêsu. Số đó cũng được
coi như số các nước trên thế giới lúc
bấy giờ. Luca là người có
tầm mắt quốc tế, có lẽ ông đang nghĩ
đến một ngày mà mọi nước trên thế
giới sẽ nhận biết và yêu mến Chúa Giêsu, như
ông đang yêu mến Ngài vậy.
Đoạn Kinh Thánh cho ta biết
mấy điều hết sức quan trọng về
người truyền đạo cũng như thính
giả.
1) Người
rao giảng khi ra đi phải sẵn sàng chấp nhận
sự hiểm nguy “như chiên giữa bầy muông
sói”, nhưng họ cũng đừng để cho lòng
bối rối vấn vương vào những sự
thế tục. Sứ giả cần lên
đường cách nhẹ nhàng.
2) Người
rao giảng cần phải chú tâm vào bổn phận của
mình, đừng phí thời giờ vào những nghi
lễ lạt lẽo vô vị, nhưng phải ra đi
như những con người được thúc giục
bởi một động lực cao cả; “Người
ấy không được chào ai dọc đường”;
điều này nhắc lại lời tiên tri Êlisa bảo tên
đầy tớ Giêkhađi đi giúp cho bà ân nhân
đất Sunêm khi đứa con đã chết: “Hãy thắt
lưng, cầm gậy của ta mà đi! Gặp ai thì
đừng có chào, ai chào thì đừng đáp lại” (2V4,29). Đó không phải là
dạy làm điều bất lịch sự nhưng là
người của Thiên Chúa không nên quay ngang hoặc trì
trệ vì những điều nhỏ nhặt đang khi
những việc lớn chờ đợi kêu gọi mình.
3) Người
rao giảng không nên làm việc để kiếm tư
lợi. Người ấy nên ăn
những món người ta dọn cho mình, không nên đi
từ nhà này qua nhà khác cố ý tìm nơi dễ chịu
hơn, đầy đủ tiện nghi hơn. Chẳng bao lâu sau khi Hội Thánh được
thiết lập đã có những hạng người
ăn bám. Cuốn “Giáo lý của
mười hai tông đồ” được viết
khoảng năm 100 là cuốn sách về trật tự
Hội Thánh đầu tiên. Trong thời đó có
những tiên tri đi lang thang từ thành
này sang thành khác. Sách đã quy định rằng, nếu
vị tiên tri nào muốn ở lại nơi nào lâu hơn ba
ngày mà không có việc làm thì kẻ ấy là tiên tri giả, và
nếu tiên tri nào xưng mình ở trong Thánh Linh mà xin tiền
hay xin thức ăn thì kẻ ấy là tiên tri giả. Người thợ đáng lãnh tiền công,
nhưng đầy tớ của Đấng chịu
đóng đinh không thể là một kẻ say mê lạc thú.
Ngay
từ khi lãnh nhận bí tích Rửa tội, người Kitô
hữu đã được Chúa Cứu Thế kêu mời
thi hành sứ mệnh: “Hội Thánh nhân danh Thiên Chúa hết
sức kêu mời tất cả các giáo dân, hưởng
ứng sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, hãy mau
mắn, đại độ và sẵn sàng đáp lại
tiếng gọi của Chúa Kitô, Đấng giờ đây
đang thiết tha mời gọi họ. Ước
gì giới trẻ hiểu rằng lời mời gọi
của Người được đặc biệt
gởi tới họ và ước gì họ vui mừng
quảng đại đón nhận. Quả thật
chính Chúa Giêsu một lần nữa nhờ Thánh Công
Đồng này, mời gọi tất cả các giáo dân hãy
kết hợp với Người ngày một mật
thiết hơn và nhận thức được những
gì của Người cũng là của chính mình (Ph 2,5). Họ hãy tham gia vào sứ mạng cứu rỗi
của chính Người và một lần nữa Ngài sai
họ đi tới các thành và những nơi Người
sẽ đến. Như thế giáo dân
hãy chứng tỏ mình là cộng tác viên của Chúa Giêsu
cộng tác vào cùng một công việc tông đồ của Giáo
Hội bằng nhiều hình thức và phương tiện
khác nhau. Những cộng tác viên phải
luôn thích nghi với những đòi hỏi mới của
thời đại và không ngừng ra sức phục vụ
Chúa bởi biết rằng khó nhọc của mình không
phải là uổng phí trong Người” (TĐ33).
Đức
Kitô muốn thông ban cho các môn đệ lòng can đảm
trong việc tông đồ nên khi Ngài nói “Ta sai các con”
điều mà thánh Gioan Kim Khẩu chú giải: “Điều
này đủ cho các ngươi được can
đảm, điều này làm cho các ngươi
được tin tưởng”. Các sứ giả
được can đảm vì ý thức rằng mình
được Thiên Chúa sai đi, như sau này Phêrô giải
thích rõ ràng cho Thượng Hội Đồng ông hành
động như thế nhân danh Đức Giêsu Nagiarét, “vì
dưới gầm trời này không có danh nào khác khiến
người ta được cứu rỗi”. Rồi thánh
Grêgôriô Cả thêm vào để giải thích huấn thị
của Chúa: Đừng mang bao bị giày dép, đừng
chào hỏi ai dọc đường, Người rao
giảng phải đặt niềm tin vào Chúa tới độ
dầu không trang bị cho mình những nhu cầu để
sống, vẫn xác tín rằng sẽ không thiếu. Thật
thế, nếu Ngài bận tâm cho những sự thế
tục, Ngài sẽ không thể ban phát chung
quanh Ngài những sự trên trời. Truyền giáo đòi
hỏi một sự hiến thân bao gồm sự từ
bỏ, thế nên thánh Phêrô là người đầu tiên
thực hành lời dạy của Chúa và đã nói với
người hành khất ở Cửa Đẹp
đền thờ: “Vàng bạc thì tôi không có”. Thánh Ambrôsiô
thêm vào “không phải để phô trương sự nghèo
khó, nhưng đúng hơn để vâng phục lệnh
Chúa, dường như Ngài muốn bảo anh: Thấy tôi
là một môn đệ của Đức Kitô mà anh lại
xin tiền à? Chúng ta có thể cho anh ta cái gì còn
có giá trị hơn vàng bạc nữa; quyền năng hành
động nhân danh Chúa. Tôi không có cái mà Chúa Kitô không cho
tôi, nhưng tôi có cái mà Ngài cho tôi: nhân danh Chúa Giêsu thành Nagiarét
anh hãy dậy mà đi”. Do đó, việc truyền giáo
đòi hỏi phải siêu thoát của cải vật
chất, cũng như phải luôn luôn mau lẹ sẵn sàng
vì công việc cấp bách.
“Đừng chào hỏi ai dọc
đường”. Thánh
Ambrôsiô tự hỏi “Sao lại thế? Chúa
lại bỏ qua một việc xã giao thường tình?
Nhưng phải để ý Chúa không bảo đừng chào
ai nhưng bảo đừng chào ai dọc
đường, không thừa đâu!
Khi
tiên tri Êlia sai tên đầy tớ đi cứu giúp
đứa con bà góa bằng cách để cây gậy của
vị tiên tri trên đứa bé đã chết, ông cũng ra
lệnh đừng chào hỏi ai dọc đường:
Ông có ý bảo phải mau mau cứu bé sống lại,
đừng để chậm trễ vì những
người cùng đi đường với mình. Như thế không phải bỏ qua hết phép
lịch sự xã giao, nhưng hạn chế những gì
ngăn trở để việc phục vụ
được mau lẹ. Khi Thiên Chúa
đã bảo, điều gì thế tục phải tạm
thời để qua một bên, chào hỏi nhau là tốt,
nhưng tốt hơn là thi hành cho mau điều Chúa
dạy vì chậm trễ có thể trở nên vô ích.
Về phần thính giả, lời Chúa
hôm nay dạy rằng nghe lời Thiên Chúa là một trách
nhiệm lớn.
Người ta sẽ chịu phán xét theo
những gì mình đã may mắn biết được.
Chúng ta không chấp trách trẻ con điều mà chúng ta
kết án người lớn, chúng ta tha
thứ cho người man ri những thái độ, hành
động mà nếu xảy ra nơi người văn
minh thì bị trừng phạt. Trách nhiệm
là mặt trái của đặc ân. Chối bỏ
lời mời của Thiên Chúa là một tai
họa. Ở một phương diện thì
mỗi lời hứa của Chúa có thể thành lời
buộc tội cho người nào nghe đến.
Nếu người ấy tiếp nhận các lời
hứa đó thì quả thật đó là sự vinh hiển
nhất, nhưng nếu người ấy xén bỏ
đi, thì một ngày kia, lời ấy
sẽ là chứng cớ nghịch lại cùng người
ấy vậy.
Bảy
mươi hai môn đệ trở về với vẻ
mặt sáng rỡ vì những chiến thắng đã dành
được trong danh Chúa. Ngài nói với các ông một câu
khó hiểu: “Ta thấy satan bị
tấn công và nước Thiên Chúa xuất hiện”. Nó có
thể có nghĩa là Chúa Giêsu biết rằng nhát đòn
tử thương đã giáng xuống satan
và các quyền lực của nó, tuy rằng chiến
thắng cuối cùng có thể còn trì hoãn lâu.
Nhưng câu đó cũng có thể là
lời cảnh báo cho tính kiêu căng. Vì do kiêu ngạo satan
chống nghịch Thiên Chúa, nên đã bị ném ra khỏi
trời. Có thể Chúa Giêsu ngụ ý cùng bảy mươi
hai môn đệ rằng: “Các ngươi đã thu hoạch
được nhiều thắng lợi, hãy giữ mình
kẻo sinh kiêu ngạo”. Chúa Giêsu luôn cảnh
báo các tôi tớ Ngài về tội kiêu ngạo và quá tự
tín. Quả thực họ được Chúa ban cho
mọi quyền phép, nhưng vinh hiển lớn nhất
của họ là được ghi tên vào sổ trên
trời. Có một điều mãi mãi là sự
thật, ấy là vinh hiển lớn nhất của con
người không phải là những gì mình đã làm
được, mà là những gì Chúa đã làm cho mình. Có
người cho rằng việc khám phá ra thuốc mê đã
giúp con người giảm bớt đau đớn
nhiều hơn bất cứ khám phá nào khác trong y khoa.
Một hôm có người hỏi James Simpson: “Ông cho
điều gì là khám phá lớn nhất của ông?” và mong
đợi câu trả lời rằng: “Thuốc mê”, vì chính
ông là người đã khám phá ra môn thần dược này.
Nhưng Simpson đã trả lời: “Khám phá lớn nhất
của tôi là Chúa Giêsu, Chúa Cứu Chuộc của tôi”. Tính kiêu ngạo đã cản đường lên
thiên đàng, nhưng đức khiêm nhường là
giấy thông hành để được gặp Chúa.
Chúa
sửa sai thái độ của các môn đệ khi chỉ
cho các ông lý do thật để vui mừng, đó là
niềm hy vọng đạt nước thiên đàng
chứ không phải trong quyền năng làm phép lạ, khi Người trao sứ mạng này cho các
ông. Trong dịp khác, Chúa cũng cho một bài học
tương tự (Mt 7,22-23). Trước mắt Chúa, thi hành ý Ngài quan trọng
hơn là làm phép lạ.
|