Bình an – Lm. GB. Trần Văn Hào
Quà tặng của các môn đệ Đức Giêsu
trong hành trình truyền giáo.
Bình an chính là ân ban của Thần Khí, là quà
tặng ý nghĩa nhất mà Đức Giêsu đem
đến cho các Tông Đồ trong ngày Phục sinh. Giáo
hội hằng ngày vẫn dâng lên Chúa lời cầu
nguyện xin ơn bình an mỗi khi cử hành Thánh lễ.
Cả ba bài đọc Lời Chúa hôm nay cũng nói về
sự bình an, là ân ban Thiên Chúa đem đến cho nhân
loại trong thời kỳ thiên sai (bài đọc 1), là món
quà mà Thánh Phaolô đã trải nghiệm cùng với Lòng
Thương xót Chúa (bài đọc 2), và cũng là hành trang
các Tông đồ đem theo trong hành trình truyền giáo (bài
Tin mừng).
Ơn Bình an được ban tặng như thế
nào?
Trong bài đọc thứ nhất, ngôn sứ
Isaia tiên báo rằng, ơn ‘thái bình’ được tuôn
đổ xuống thành đô Giêrusalem tựa dòng sông cả
(Is 66,10-14). Vị ngôn sứ phóng tầm nhìn về kỷ
nguyên mới, lúc Đức Chúa Giavê thực hiện ơn
cứu độ một cách sung mãn. “Này Ta khiến của
cải chư dân chảy về tràn lan như thác vỡ
bờ. Các ngươi sẽ được nuôi bằng
sữa mẹ, được bồng ẵm bên hông, được
nâng niu trên đầu gối”. Đây là thời thiên sai, lúc
Đức Chúa biểu dương quyền lực và tình
thương của Ngài. Trong cái nhìn thần học, ơn
bình an này không chỉ khép kín trong ý niệm về một
thế giới im tiếng súng, vắng tiếng
đạn, nhưng bình an mà Thiên Chúa ban tặng chính là
đỉnh cao của ân phúc khi Thiên Chúa ra tay cứu
độ dân Ngài. Cũng tương tự như thế,
Thánh Phaolô cầu chúc cho cộng đoàn Galát được
hưởng sự bình an và lòng thương xót Chúa. Ngài mang
kinh nghiệm của chính bản thân để mời
gọi cộng đoàn đón nhận ơn bình an này, đó
là phải kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu
trong mầu nhiệm Thập giá. “Nhờ Thập giá của
Đức Giêsu, thế gian đã bị đóng đinh vào
Thập giá đối với tôi, và tôi đối với
thế gian.Vì tôi mang trong mình dấu tích của Đức
Giêsu”. Như vậy trong thời kỳ ân điển
của Thần Khí, Đức Giêsu đấng bị
đóng đinh đã sống lại, sẽ phủ lên
thế giới này ngập tràn sự bình an, là quà tặng
cao quý nhất mà Thiên Chúa đem đến nhờ Thánh
Thần. Thánh Phaolô còn nói rõ hơn trong thư gửi giáo
đoàn Rôma: “Hướng đi của Thần khí là sự
sống và bình an (Rm 8,66).
Như thế, chúng ta phải hiểu ơn
bình an mà phụng vụ hôm nay nói tới trong cái nhìn Kitô
học. Đây là quà tặng gắn kết với mầu
nhiệm Tử nạn và Phục sinh mà Thánh Phaolô nhắc
đi nhắc lại khá nhiều lần. Sau khi Đức
Giêsu sống lại, Ngài hiện ra với các tông
đồ, cho thấy các dấu tích cuộc tử nạn
nơi thân thể Ngài. Sau đó, Chúa thổi hơi tuôn
đổ Thần khí và ban bình an cho các ông (Ga, 20,22; Mt
28,16-20).
Cũng vậy, trong bài Tin mừng hôm nay, Thánh
Luca thuật lại việc Chúa Giêsu sai 72 môn đệ
đi thực tập truyền giáo. Ngài dặn các ông: “Khi
vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: Bình an cho nhà
này. Nếu ở đó có ai đáng hưởng bình an, thì
bình an của anh em sẽ ở lại với người
ấy, bằng không thì bình an sẽ trở lại với
anh em (Lc 10,5-6).
Như vậy, bình an trước hết là
quà tặng đến từ Thiên Chúa và ơn bình an
được ban xuống luôn kèm theo những điều
kiện cần thiết.
Điều kiện để hưởng bình an.
Sống trong một thế giới mà
chiến tranh lúc nào cũng như sắp sửa xảy ra,
người ta cảm thấy lo sợ. Vì thế, sau
đệ nhị thế chiến, các quốc gia trên
khắp thế giới phải ngồi lại để
bàn thảo những phương thế cổ xúy cho hòa
bình. Tổ chức Liên Hợp Quốc được hình
thành từ đó và 6 quốc gia được bầu
chọn làm “Ủy viên thường trực của Hội
đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc”. Trong phiên họp
đầu tiên, ông Krouchev, tổng bí thư đảng
cộng sản Liên Xô đã sừng sỏ chỉ tay vào
vị đại diện Tòa Thánh tại bàn hội nghị
và sẵng giọng nói: “Giáo Hoàng của các ông có trong tay bao
nhiêu sư đoàn, mà dám cho người đại diện
đến đây để bàn về hòa bình với chúng
tôi”.
Người ta vẫn thường nghĩ
rằng, bình an là một món hàng có thể sắm bằng
sức mạnh quân sự, mua bằng đô-la hay dầu
hỏa. Nhưng đối với Đức Giêsu thì không
phải vậy. Hòa bình hay bình an đích thực chỉ có
được khi chúng ta biết sống theo hướng
đi của Thần khí. Đó là Thần Khí của Chân lý,
của Sự thật, không có gian dối hay lừa lọc,
không có bạo lực hay giết chóc, không oán thù hay ghét ghen.
Vì vậy, để huấn luyện các môn đệ, Ngài
sai các ông đi thực tập truyền giáo với quà
tặng bình an. Quà tặng này đi kèm theo điều kiện
là ‘không mang theo túi tiền, bao bị hay giày dép…’, tức là
sống tinh thần nghèo khó một cách triệt để.
Chúng ta vẫn thường hát lên ‘Kinh hòa bình’, lời kinh
của Thánh Phanxicô Assisi, sứ giả của bình an, và Ngài
cũng là khuôn mẫu cho chúng ta về tinh thần nghèo khó
phúc âm.
Kết luận
Khi Chúa Giêsu giáng sinh, các Thiên Thần ca hát vang
trời: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới
thế cho người thiện tâm”. Những người
thiện tâm và hưởng nhận ơn bình an đầu
tiên ấy chính là các mục đồng, những
đứa trẻ chăn trâu ngoài đồng nghèo xơ
nghèo xác, những con người thấp kém và bị quên
lãng trong xã hội thời bấy giờ. Cũng vậy,
Chúa sai các môn đệ đi truyền giáo để ban bình
an, đồng thời Ngài đòi hỏi các ông phải
sống thật thanh thoát trong tinh thần khó nghèo, cắt
đứt mọi dính bén trần thế. Điều Chúa
đòi hỏi cũng là thách đố đối với
chúng ta hôm nay, khi đang sống giữa một thế
giới duy vật, thượng tôn chủ nghĩa
hưởng thụ và chạy theo của cải vật
chất. Còn chúng ta, chúng ta chọn cuộc sống phú túc
giàu sang hay chọn bình an mà Thiên Chúa ban tặng?
|