Yêu thương để cảm hoá
(Suy niệm của Lm Giuse Nguyễn Hữu
An)
Một thiền
sư nổi tiếng đã kể giai thoại sau đây
về cuộc đối thoại dí dỏm giữa
Đức Phật và ác thần Mara:
Ngày nọ,
Đức Phật đang bận việc dưới
hầm, còn Ananda, đệ tử thân tín của Ngài
đứng ngoài cửa. Thình lình Ananda thấy Mara xuất
hiện, Ananda cứ tưởng rắng Mara bị lạc
lối. Nhưng Mara tiến lại gần Ananda và yêu
cầu cho được gặp Đức Phật, Ananda
ngạc nhiên trước yêu cầu của Mara nên hỏi
lại:
- Ngươi còn
đứng đây để làm gì? Ngươi không nhớ
là Đức Phật đã nhiều lần đánh bại
ngươi dưới gốc cây bồ đề rồi
sao? Ngươi còn vác mặt tới đây làm gì?
Ngươi không biết xấu hổ sao? Cút đi,
Đức Phật không muốn thấy mặt ngươi
nữa đâu, ngươi là đồ ác, ngươi là
kẻ thù của Ngài.
Nghe thế, Mara
liền cười ngất: Sao, ngươi bảo là
sư phụ ngươi cũng có kẻ thù ư?
Ananda cảm
thấy bối rối, anh biết Đức Phật
chưa bao giờ nói rằng ngài có kẻ thù. Đuối
lý, Ananda liền xuống hầm báo tin cho Đức
Phật biết Mara xin được gặp Ngài. Anh hy
vọng Đức Phật sẽ sai anh lên nói với Mara
rằng: Ngài đang bận, không thể tiếp hắn
được. Nhưng trái với những dự đoán
của Ananda, Đức Phật rất vui mừng khi nghe
tin có Mara muốn gặp, cứ như thể hắn là một
người bạn chí thân của Ngài, và Ngài liền thân
hành đến gặp Mara. Ananda hết sức thất
vọng khi thấy Đức Phật đến
trước mặt Mara cung kính bái chào hắn, rồi
nhiệt tình bắt tay hắn. Ngài niềm nở: Chào ông
bạn, ông bạn có khoẻ không? Mọi việc
đều tốt đẹp cả chứ?
Nhưng Mara im
lặng, không trả lời. Đức Phật mời
hắn xuống hầm và sai Ananda pha trà. Ananda bực
bội lắm, anh nghĩ trong bụng: ta có thể pha trà
cho sư phụ mỗi ngày một trăm lần cũng
được, nhưng pha trà cho Mara, thì ta thấy không vui
chút nào, nhưng vì đó là lệnh của Đức
Phật thì làm sao có thể từ chối được.
Trong câu chuyện nghe lỏm giữa Đức Phật và
Mara, Ananda nghe Mara thú nhận một cách chản nản
như sau:
- Mọi việc
diễn ra không tốt đẹp chút nào, tôi quá mệt
mỏi vì phải làm Mara, tôi muốn được làm
một cái gì khác cơ. Ngài biết đấy, đóng vai
Mara không phải là chuyện dễ, có nói thì nói gian nói
dối, cón có làm thì làm điều dữ điều ác. Tôi
mệt mỏi lắm rồi. Nhưng điều làm cho tôi
khó chịu hơn cả chính là các môn sinh của tôi. Ngày nay,
cứ mỗi lần mở miệng ra thì họ nói tới
công bình xã hội, hoà bình, bình đẳng, giải phóng,
bất bạo động. Tôi nghe quá nhàm tai rồi, tôi
nghĩ đến đã đến lúc tôi xin bàn giao chúng
lại cho Ngài, tôi chỉ muốn làm một cái gì khác thôi.
Đức
Phật lắng nghe với tất cả chú ý và cảm
thông. Cuối cùng Ngài nói:
- Bộ anh
tưởng rằng làm Phật thì dễ hơn sao? Anh không
thấy những gì các môn sinh của tôi làm cho tôi sao? Họ
đặt trên miệng tôi những lời mà tôi chưa bao
giờ thốt ra, họ xây chùa chiền cho tôi, tạc
tượng tôi và đặt tôi lên bàn thờ để thu
nhặt cam chuối, tiền bạc cho riêng họ. Tôi và
giáo huấn của tôi đã trở thành đối
tượng để đổi chác. Này ông bạn Mara,
nếu ông biết được thế nào là làm Phật,
tôi tin chắc ông chẳng muốn làm Phật chút nào đâu.
Giai thoại trên cho thấy một nghịch
lý trớ trêu nhưng lại là một thực tế bi
thảm: môn đệ của ác thần thì toàn nói chuyện
nhân nghĩa, còn đệ tử của Đức Phật
lại chỉ mãi mê nghĩ đến chuyện khấn vái
và cúng tế để thu nhặt cam chuối và tiền
bạc thay vì chuyên tâm tự giác giác tha. Sự thiếu
nhất quán và óc thực dụng này đã bóp méo và làm
biến chất không biết bao nhiêu giáo huấn tôn giáo cao
siêu! (x. Nguyễn Thái Hợp, Chút này làm tin, Dấn Thân, Houston,
2003, tr. 203.)
Câu chuyện trên đây gợi lên hình ảnh
hai môn đệ của Đức Giêsu qua trang Tin mừng
Chúa nhật hôm nay. Gioan và Giacôbê đã nổi giận
đùng đùng đòi sai lửa từ trời xuống
thiêu rụi cả làng Samaria
chỉ vì dân làng không tiếp đón Thầy của mình.
Thầy trò Đức Giêsu lên Giêrusalem ngang qua
Samaria. Dân Samaria lại thù
ghét người Do Thái. Mối hận thù đã có từ lâu
đời, hai dân tộc luôn đối nghịch nhau và
nhiều khi đã bùng nổ thành những cuộc thảm
sát dã man đẫm máu. Vì thế, những đoàn hành
hương thận trọng hơn, thường đi vòng
qua bên kia sông Giócđan, tới tận Giêricô, băng qua sa
mạc Giuđêa, trước khi đặt chân vào
đền thờ Giêrusalem.
Chúa Giêsu trở về thủ đô. Ngài
muốn đi qua xứ Samaria.
Ngài đã sai sứ giả Gioan và Giacôbê đi trước
để chuẩn bị với hy vọng dân làng sẽ
đón tiếp Thầy trò. Thế nhưng, hai môn đệ
trở về, lòng đầy căm tức thốt lên
lời giận dữ:Thưa Thầy, Thầy có muốn
chúng con khiến lửa trời xuống thiêu hủy chúng nó
không? Phải áp dụng cho họ một hình phạt
nặng nề nhất mà tiên tri Êlia ngày xưa đã dùng
đến, đó là sai lửa trời xuống thiêu hủy
họ (2 V 1,10-12). Chúa đã nặng lời khiển trách,
rồi Thầy trò sang làng khác. Không kết án những
người Samaria, Chúa Giêsu đi tới một làng khác,
thực hiện đúng như lời đã dạy: nếu
người ta từ chối không tiếp đón và nghe
lời các con, thì các con hãy ra khỏi nhà của họ,
rồi phủi bụi dưới chân các con. Hai môn
đệ “con cái của thiên lôi” quá đổi ngỡ ngàng
về thái độ của Thầy trước sự “vô
lễ”
của dân Samaria. Họ càng kinh ngạc hơn khi Chúa tuyên
bố: anh em không biết anh em thuộc loại thần khí
nào,vì Con Người đến không phải để
hủy diệt, nhưng đến để cứu
sống.
Trong não trạng của các môn đệ
cũng như nỗi khát khao hàng thế kỷ của dân Do
thái là mong đợi một Đấng Messia giải phóng
dân tộc, phục hồi sức mạnh trần thế
của Israel.
Chúa Giêsu thận trọng để không bao giờ
đồng hoá với hình ảnh một Đấng Thiên
sai đã bị “chính trị hoá”. Chúa khai mở một con
đường cứu độ bằng yêu thương,
khổ đau, hy sinh, nhẫn nhục…
Sự kiện Chúa chống lại cám dỗ
Satan trong sa mạc là khởi đầu một cuộc
đấu tranh cam go và kiên trì kéo dài trong suốt hành trình
dương thế. Chúa đã qưở trách Phêrô khi ông
đóng vai trò Satan dụng tâm cám dỗ Ngài bỏ con
đường cứu độ theo chương trình
của Thiên Chúa: “Satan, xéo đi! vì tâm tư ý nghĩ của
ngươi không phải là của Thiên Chúa, mà là của loài
người” (Mt 8,32). Chúa đã bỏ trốn lên núi một
mình khi dân chúng tôn Ngài lên làm vua sau phép lạ hoá bánh (Ga 6,5-15).
Nhiều lần Chúa từ chối lời yêu cầu
một dấu lạ nhãn tiền vì người ta muốn
thử tài Ngài (Mt 12,38; Mc 8,11) hay để thoả mãn óc
hiếu kỳ của người đời (Lc 23,8). Chúa
chẳng bao giờ chấp nhận việc dùng phép lạ
để hù doạ hay trừng phạt dân chúng. Ngay cả
giây phút bi đát nhất bị quân binh vây bắt, một
môn đệ vung kiếm chém đứt tai tên đầy
tớ thượng tế, Chúa liền truyền
lệnh:”Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả
những ai dùng gươm sẽ chết vì gươm. Hay
anh tưởng là Thầy không thể kêu cứu với Cha
Thầy sao? Người sẽ cấp ngay cho Thầy
mười hai đạo binh thiên thần! Nhưng như
thế, thì lời Kinh Thánh ứng nghiệm sao
được?” (Mt 26,52-54).
Đạo của Chúa là đạo tình
thương, bao dung, nhân ái. Tin mừng cứu độ
được gửi đến mọi người,
đặc biệt là những người nghèo và tội
lỗi. Hình ảnh người Mục tử tuyệt
đẹp, bỏ lại 99 con chiên để vất
vả ngược xuôi đi tìm con chiên lạc và khi tìm
được thì vui mừng vác chiên lên vai, hân hoan mời
mọi người chia sẻ niềm vui (Lc 15, 4-7). Con
đường Chúa chọn là con đường yêu
thương của vị Mục tử nhân lành, dám hy sinh
cuộc đời và tính mạng cho đàn chiên (Ga 10,11).
Nơi Ngài, sứ vụ Messia và thân phận đau
thương của Người Tôi Tớ Giavê đã
quyện lẫn với nhau, như Isaia đã diễn
tả trong “Bài ca về Người Tôi Tớ” (Is
52,13-53,12). Ngài là người Tôi tớ trung tín của Giavê
”bị khai trừ khỏi cõi nhân sinh, vì tội lỗi
của dân, Ngài bị đánh phạt”(Is 53,8); “Ngài cam
chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca, như chiên
bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi
bị xén lông, Ngài chẳng hề mở miệng”(Is 53,7) và
tuyệt đối từ chối mọi hình thức
sử dụng bạo lực.
Xuyên suốt dòng lịch sử, người
Công Giáo Việt Nam sống Tin Mừng Chúa Giêsu bằng
gương sáng bác ái đến nỗi đã giới
thiệu được hình ảnh Đạo Công Giáo
như “Đạo Yêu Nhau” cho những người
đồng thời. Sống đạo là dựa vào
sức mạnh của Thánh Thể và Lời Chúa, và thể
hiện ra bên ngoài bằng những hành động bác ái yêu
thương, khiêm nhường hy sinh. Sống đạo
đúng mức cũng là chấp nhận lội
ngược dòng. Sống đạo thẳng thắn
cũng là chấp nhận phải thua thiệt so với
những người khác. Sống đạo trọn
vẹn cũng là một cách nào đó tử đạo
hằng ngày.
Hình ảnh Đấng Thiên Sai đau khổ
nơi Đức Giêsu diễn tả một cách thật
hùng hồn điểm độc sáng của Kitô giáo: Thiên
Chúa của Đức Giêsu không hù doạ hay ép buộc
một ai. Ngài mời gọi con người sám hối,
nhưng luôn tôn trọng phẩm giá và tự do chọn
lựa của họ. Ngài tình nguyện đồng hành
với anh em nhân loại trong cảnh ngộ của
cuộc sống trần thế, kể cả thất
bại, khổ đau và cái chết (x.sđd tr 217).
Chúa Giêsu không muốn sử dụng phép
lạ quyền uy để thu phục nhân tâm. Ngài dùng tình
thương để cảm hoá lòng người. Chúa Giêsu
không xây dựng giáo thuyết trên quyền bính trần
thế mà là ở sự từ bỏ và con đường
thập giá. Chúa Giêsu đã chết để giải thoát
con người khỏi xiềng xích tội lỗi. Ngài
đã phục sinh để đem lại cho nhân loại
cuộc sống viên mãn, nâng con người lên địa
vị cao quý làm con Thiên Chúa.
Bước theo Chúa Giêsu, người tín
hữu tìm được lẽ sống, ý nghĩa và cùng
đích cho cuộc đời mình. Đó là một cuộc
sống tràn đầy yêu thương hướng
đến trọn lành.
Giữa một xã hội đang chạy theo
nền kinh tế thị trường, khuynh hướng cá
nhân và hưởng thụ duy vật chất, chúng ta
sống Đạo Yêu Nhau với lòng bao dung, nhân hậu,
thắp sáng lửa Tin Mừng để trở nên ánh sáng,
nên muối nên men cho cuộc đời.
|