Theo Chúa.
Nếu
chỉ đọc lướt qua hay nghe sơ qua bài Tin
Mừng, có lẽ chúng ta sẽ ngạc nhiên: không hiểu
tại sao Chúa Giêsu lại có thái độ khắt khe
đối với những người muốn theo Chúa như vậy? Tin
Mừng kể lại trường hợp của ba
người khác nhau.
Người
thứ nhất,
Theo Tin
Mừng Matthêu, là một kinh sư, tự thân hành
đến xin theo Chúa. Anh phấn
khởi và tuyên bố sẵn sàng theo Chúa
khắp nơi, vì anh thấy nơi Chúa có thể thỏa
mãn được những tham vọng của anh, một
thứ tham vọng theo kiểu trần thế: giàu có,
bảo đảm danh vọng, địa vị. Chúng ta hiểu như vậy là nhờ vào câu
trả lời của Chúa. Chúa đưa ra
điều kiện làm anh chưng
hửng: “Chồn cáo có hang, chim trời có tổ. Còn Con
Người không có chỗ tựa đầu:, nghĩa là
Chúa cho anh biết: Chúa không có gì bảo đảm cho
cuộc sống trần gian, vì nghèo đến nỗi còn
thua con chim có tổ, con chồn có hang, và nghèo đến
nỗi không có nơi dựa đầu, tức là không có mái
nhà để ở. Chúa nghèo như thế đó. Theo Chúa anh cũng phải sống như vậy,
anh có chấp nhận được không? Tin Mừng
không cho biết anh ta có chấp nhận điều kiện
của Chúa không? Tức là anh có đi theo
Chúa không?
Người
thứ hai,
Chính Chúa
kêu gọi anh. Anh xin phép về nhà để
chôn cất cha già rồi đến theo
Chúa. Nhưng Chúa không chấp nhận.
Chúa cho anh biết: chôn cất cha già là bổn phận cao
quí, nhưng còn có một bổn phận cao quí hơn, đó
là xây dựng Giáo Hội, tôn vinh Thiên Chúa, cứu vớt các
linh hồn. Vì thế, Chúa bảo: “Cứ để kẻ
chết chôn kẻ chết, còn anh, anh hãy đi loan báo
Triều đại Thiên Chúa”, nghĩa là hãy để cho
những kẻ trần thế lo công việc của
họ, còn anh được ủy thác cho một sứ
mệnh cao cả hơn, thì anh hãy đi theo
Ngài. Tức là việc phụng dưỡng
cha mẹ là cần, nhưng việc rao giảng Tin Mừng
lại cần hơn, nên phải ưu tiên hơn. Tin
Mừng không cho biết anh ta có đi theo
Chúa không?
Người
thứ ba,
Cũng
như người thứ nhất, anh tự mình
đến xin theo Chúa. Anh cũng khéo léo
nối kết thêm một yêu cầu: xin về từ giã gia
đình. Thật ra yêu cầu này cũng chính đáng,
nhưng Chúa bảo anh: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái
lại đàng sau thì không thích hợp với Nước
Thiên Chúa”. Chúa đã dựa vào công việc người
đi cày để trả lời cho người thứ ba
này về điều kiện đi theo
Chúa. Người cầm cày khi cày ruộng, thì luống cày
phải thẳng, vì thế, không được ngoái cổ
về đàng sau kẻo làm luống cày vênh vẹo,
khiến cho đất không cày đều, làm cho đất
không tốt cho hạt giống gieo xuống. Cũng
vậy, người đã đi theo làm
môn đệ Chúa phải có một thái độ dấn
thân dứt khoát, không được do dự, ngập
ngừng hay chần chừ khiến cho việc theo Chúa
bị cản trở, tức là phải quay lưng lại
với quá khứ và hướng mắt nhìn về
tương lai. Một khi tâm hồn thanh thản, con
người dễ dành trọn con tim cho
Chúa và tha nhân. Tin Mừng cũng không cho biết
người này có đi theo Chúa không?
Qua
những tìm hiểu trên, có người đã thắc
mắc: tại sao muốn theo Chúa,
muốn làm môn đệ Chúa, phải chấp nhận
từ bỏ nhiều thứ, kể cả những
điều rất tự nhiên, rất hợp lý như
vậy? Vì thế, nhiều người cho rằng:
những điều Chúa dạy bảo ở đây chỉ
hiểu về những người đi tu thôi. Nhưng theo các thánh Giáo phụ và các nhà giải thích
Kinh Thánh, thì những điều này có thể áp dụng cho
tất cả mọi tín hữu. Đúng vậy, chúng ta
đã đi theo Chúa, đối với phần đông chúng
ta, Chúa không đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ
tất cả mọi sự, nhưng chúng ta hãy suy nghĩ
xem: hiện tại lúc này, chúng ta có coi Chúa Giêsu và
nước trời hơn tất cả mọi
người, hơn tất cả mọi sự không, hay
chúng ta còn ngoái cổ lại đàng sau, còn coi một cái gì
hơn Chúa và nước trời? Chúng ta có thái độ
dứt khoát và rõ ràng đó không hay chúng ta muốn ôm
đồm tất cả và tiếc rẻ tất cả?
Rồi theo Chúa, đòi hỏi chúng ta phải từ
bỏ những gì không phù hợp với Tin Mừng, với
giới răn của Chúa, chúng ta có thấy mình cần
phải từ bỏ gì không? Như
đời sống tội lỗi, thói hư tật
xấu, những hành động gương mù, lòng
độc miệng dữ, những ý nghĩ sai trái,
những lời nói chua cay độc địa… chúng ta có
thấy mình cần phải từ bỏ nhiều thứ
không? Tóm lại, Chúa muốn những ai theo
Chúa thì phải có thái độ dứt khoát và quảng
đại.
Xin kể cho anh chị em câu
chuyện mà thánh Gioan Bôscô thường kể để
dạy cho thanh thiếu niên về lòng quảng đại:
Một hôm, Chúa Giêsu gọi Phêrô và Gioan lại và bảo hai
ông cùng leo núi với Ngài. Dọc
đường, Ngài bảo hai ông, mỗi người hãy
mang theo một hòn đá. Phêrô
suy nghĩ một lúc rồi nhặt một viên đá
bỏ vào túi. Gioan, do lòng quảng đại tự nhiên,
vác cả một tảng đá lớn. Đường
dài, vác nặng, Gioan thở hỗn hển. Còn Phêrô,
vừa đi vừa huýt sáo thảnh thơi. Ông nói với
Gioan: “Sao anh lại nhọc công vác một tảng đá
lớn như thế?” Chúa Giêsu nghe tất cả, nhưng
Ngài thinh lặng. Khi lên tới đỉnh núi,
Chúa muốn dạy cho Phêrô một bài học về lòng
quảng đại. Ngài bảo hai môn đệ
ngồi xuống, rồi đọc lời chúc tụng và
biến hai viên đá thành ra bánh mì. Phêrô tiu
nghỉu vì viên đá của ông chỉ biến thành mẩu
bánh mì nhỏ không đủ thỏa mãn cơn đói
cồn cào trong bụng ông.
Lần khác, Chúa Giêsu lại
cũng gọi hai môn đệ Phêrô và Gioan, bảo leo núi với Ngài một lần nữa.
Lần này Ngài cũng bảo hai ông mang đá theo.
Với kinh nghiệm lần trước, Phêrô liền
đi tìm tảng đá lớn để vác theo.
Đường xa, Phêrô phải cố gắng hết
sức mới mang được tảng đá cồng
kềnh lên đỉnh núi. Ông chờ
đợi một phép lạ mà Chúa sẽ làm để
tưởng thưởng ông. Thế nhưng, vừa
lên tới đỉnh núi, Chúa chỉ nói với họ: “Nào
chúng ta hãy ngồi lên tảng đá chúng ta vừa mang theo. Không phải lúc nào ta
cũng biến đá thành bánh đâu”. Phêrô
cảm thấy xấu hổ. Ông thưa Chúa: “Thì ra
Thầy đã chơi khăm con”. Nhưng Chúa Giêsu mỉm
cười bảo ông: “Lòng quảng đại đích
thực không phải là lòng quảng đại có tính toán và
vụ lợi”.
Chúng ta
hãy nghĩ xem: chúng ta theo Chúa thế nào? Chúng ta cầu nguyện, chúng ta hy sinh hãm mình, chúng
ta làm những việc từ thiện bác ái với thái
độ và ý hướng thế nào? Chúng
ta có đặt điều kiện hoặc trả giá
với Chúa không? Xin mỗi người
hãy suy nghĩ.
|