Ơn tha thứ
Khi chúng ta cho ai cái gì, nếu là
thứ quý giá thì tự nhiên chúng ta cũng cảm thấy
tiếc xót. Nhưng nếu chúng ta cho một cái gì
tầm thường, vô giá trị, cái mà chúng ta sẵn sàng
vứt bỏ thì đúng là chúng ta cho, chúng ta thí chứ không
phải là chúng ta tặng. Một món quà
chỉ thực sự là quý giá khi nó biểu tượng cho
lòng quý mến của chúng ta đối với người
được tặng.
Người Việt Nam
chúng ta thường nói: Của ít lòng nhiều, món quà chính là
tấm lòng được cụ thể hoá,
được diễn tả một cách công khai. Nhưng nếu chúng ta cho, chúng ta tặng
để mong được cho lại, được
tặng lại, hoặc là để được
việc, thì đó là sự đổi chác, là sự mua
chuộc, là sự hối lộ, chứ không phải là cái
được cho không.
Từ đó ơn sủng của Chúa luôn
phải đi đôi với sự dâng hiến, sự
tặng không, hay nói theo ngôn ngữ của Kinh Thánh, khi Thiên
Chúa ban ơn sủng, thì chính Ngài làm cho chúng ta trở nên
dễ thương và dễ mến. Mà
điều kiện tiên quyết để làm cho chúng ta
trở nên dễ thương và dễ mến chính là
gột rửa chúng ta khỏi những vết nhơ,
nghĩa là tha thứ tội lỗi.
Ơn tha thứ do đó cũng chính là
một ơn sủng. Và đã là ơn sủng thì cũng
phải được ban cho. Mà cho đi là
mất. Người Pháp gọi tha
thứ là Par-doner. Donner là cho, Par là
vượt trên, như vậy tha thứ còn hơn cả
cho nữa. Và nếu cho là mất, thì tha
thứ cũng là một cách mất, nghĩa là phải
bỏ quên tự ái, bỏ quên sự bị xúc phạm.
Nói tóm lại, tha thứ đòi hỏi
phải hy sinh, phải quên mình.
Thực vậy, để có
thể tha thứ, Đức Kitô đã phải quên mình
đi, đã phải từ bỏ chính bản thân. Nói
một cách mạnh mẽ hơn, Đức Kitô đã không
lấy nước sông Giođan để thanh tẩy chúng
ta, nhưng đã mở rộng trái tim
của Ngài, lấy chính những giọt nước và máu
cuối cùng từ trái tim bị đâm thâu qua để
rửa sạch chúng ta khỏi mọi vết nhơ tội
lỗi.
Tuy nhiên, ơn cứu độ
không phải chỉ hệ tại việc thanh tẩy,
gột rửa và tha thứ, nhưng chủ yếu là làm cho
chúng ta được sống chính sự sống của
Ngài. Ngài đã chọn một cách
thức triệt để nhất hầu chia sẻ
sự sống của Ngài cho chúng ta, đó là hy sinh mạng
sống của Ngài.
Để có thể sống, chúng ta cần
phải ăn uống. Mà đã hễ ăn hễ uống thì phải có những
vật hy sinh chẳng hạn như tôm cá, gà vịt, rau
quả. Vì thế, Đức Kitô cũng đã muốn
trở nên tấm bánh để được bẻ ra,
nghĩa là hy sinh, là chết đi để chúng ta có
thể ăn và nhờ đó mà
được sống. Hơn thế
nữa, Đức Kitô không chịu chết để
trở thành như một biến cố, một vở
kịch cho chúng ta xem. Trái lại mục đích
của Ngài là đi trước để mở
đường, để trở nên mẫu gương
cho chúng ta noi theo và bắt chước.
Bởi thế, người môn đệ
Đức Kitô không phải chỉ là kẻ tuyên xưng Ngài
là Thiên Chúa, mà còn phải là người bước theo Ngài. Người môn đệ mà không
bước theo thầy thì không còn là
người môn đệ đích thật. Nhưng
bước theo Ngài mà vai không mang thập
giá, lòng không sẵn sàng chịu khổ nhục và liều
mất mạng sống, thì cũng chẳng phải là môn
đệ chân chính.
Từ đó chúng ta đi tới kết
luận: Tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu hôm nay chính là
công bố, không phải chỉ bằng lời rao giảng,
mà còn bằng một cuộc sống rập khuôn với
cuộc sống của Đấng đã vì yêu thương
nhân loại mà chấp nhận thập giá. Rao
giảng Tin Mừng Đức Kitô là rao giảng về
Đấng đã chịu đóng đinh, bằng cách chính
mình cũng phải vác thập giá và cùng chịu đóng
đinh với Ngài.
|