Đức Kitô là ai đối với tôi?
– Lm GB. Trần Văn Hào
Có một họa
sĩ khá nổi tiếng muốn họa lại chân dung
của Chúa Giêsu, đấng mà ông ngưỡng mộ. Tuy
nhiên, ông không biết phải làm cách nào để hiển
thị những nét đẹp mà ông đã trải
nghiệm. Ông lang thang khắp đó
đây để tìm kiếm những hình mẫu. Thoạt
đầu, ông gặp một đứa bé đang
tươi cười với dáng vẻ trong sáng ngây
thơ. Ông đưa nét đơn sơ
ấy vào bức tranh. Gặp một vị ẩn sĩ đang
đăm chiêu cầu nguyện, ông cũng đưa nét
thanh thoát vào trong gương mặt của Chúa. Thoáng
thấy một bà mẹ trẻ đang âu yếm
đứa con, ông cũng họa lại nét dịu dàng
nơi bức vẽ. Nói chung, bất
cứ vẻ đẹp nào trong cuộc sống mà ông nhìn
thấy, ông đều cố gắng lột tả nơi
bức tranh, để phác lại chân dung thánh thiện
tuyệt hảo của Đức Giêsu. Hoàn thành xong tác
phẩm, ông vẫn cảm thấy như còn thiếu
một điều gì. Cuối cùng, khi đi lang
thang ngoài bìa rừng, ông gặp một bóng ma trông rất
khiếp sợ. Đúng hơn, đây không phải là bóng ma,
nhưng là một con người bằng xương
bằng thịt, một con người cùng khổ đang
bị xã hội ruồng bỏ. Người
đàn ông này bị cùi. Ông ta phải
lấy khăn che mặt và lầm lũi lê bước
giống hệt một bóng ma. Chàng họa sĩ
chợt nghĩ, đây chính là nét độc đáo nơi
con người của Đức Giêsu, bởi vì Ngài
vẫn luôn mãi là một mầu nhiệm ẩn dấu mà con
người không thể hiểu thấu cách tường
tận. Chàng nghệ sĩ trở về nhà và vẽ
phủ lên khuôn mặt Đức Giêsu một tấm
khăn mỏng, giống tấm khăn che mặt của
người cùi mà ông đã gặp. Gương mặt
của Chúa Giêsu trông mờ mờ, lúc ẩn lúc hiện,
để nói cho chúng ta biết rằng, Ngài vẫn luôn là
một mầu nhiệm bí ẩn đối với đầu
óc suy lý của con người chúng ta.
Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?
Ngày xưa Chúa đã hỏi các
tông đồ như thế. Câu hỏi
này cũng được lặp lại cho chúng ta ngày hôm
nay. Sau một thời gian chúng ta đi theo
Chúa, Đức Giêsu cũng muốn hỏi lại một
lần nữa để mời gọi chúng ta thẩm
định lại cảm thức đức tin nơi
mỗi người. Nếu chỉ đứng trên góc
độ thuần lý theo sự suy tính
nhân loại, có lẽ chúng ta là những con người
xuẩn ngốc và khờ dại nhất. Chúng ta tin vào
một con người cũng rất bình thường,
một con người chưa từng bước chân vào
giảng đường đại học, chẳng có
một mảnh bằng để vắt vai, và cũng là
một con người mà chúng ta chưa từng bao giờ
gặp gỡ. Tệ hại hơn, con người chúng ta
tin lại khác xa chúng ta về mầu da, về ngôn ngữ,
về văn hóa, và chẳng có gì đặc sắc
để chúng ta xem như thần tượng. Đã có
một thời, một số cán bộ mỉa mai và nói
với những người Công giáo rằng, đạo
Công giáo của các anh chỉ là một thứ đạo lai
căng, do thực dân hay đế quốc du nhập vào,
không có ăn nhập gì với văn hóa Việt Nam cả. Ngày nay, nếu có ai lý luận như thế chúng ta
sẽ phản kháng ngay tức khắc. Nhưng
điều quan trọng hơn cả, là chúng ta phải
tự hỏi mình xem, tôi đã lãnh nhận đức tin và
đâu là động cơ để tôi đặt niềm
tin vào Đức Giêsu. Đồng thời, chúng ta
cũng phải lục soát lương tâm để xem mình
đã diễn bày niềm tin ấy cụ thể như
thế nào. Câu hỏi của Chúa đối với các
học trò năm xưa cũng được lập
lại cho chúng ta ngày hôm nay: “Còn anh em, anh em bảo Thầy
là ai?”
Chúng ta vẫn xác quyết rằng Đức
Giêsu, đối tượng đức tin của chúng ta
không phải chỉ là một nhân vật lịch sử, hay
là một siêu nhân nào đó có những đặc nét
khiến chúng ta nể phục. Không phải
thế. Đấng chúng ta tin là một Thiên Chúa đã
đi sâu vào phận người, chung chia kiếp sống
khổ đau với chúng ta, đã chấp nhận cái
chết kinh hoàng trên Thập giá để khai mở cho chúng
ta chân trời cứu độ. Chỉ đi sâu vào
niềm tin này, chúng ta mới có thể nói được
như thánh Phaolô: “Tôi coi tất cả mọi sự là thua
thiệt so với mối lợi là được biết
Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta. Vì người, tôi đành
mất hết, tôi coi tất cả như rơm rác
để chiếm được Đức Kitô và
được kết hợp với Người (Phil 3,8-9).
Thể hiện đức tin cách
cụ thể.
Vào năm 1997, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II
thực hiện chuyến công du tại nước Pháp,
một đất nước vẫn được
mệnh danh là trưởng nữ của Giáo hội, và
cũng là nơi mà đạo Công giáo có một lịch
sử phát triển rất hùng mạnh. Điều
lạ lùng, là trong lần thăm viếng đó, rất
nhiều cuộc biểu tình đã xảy ra để
chống lại Giáo hội, chống lại Đức
Thánh Cha. Các nhóm xuống đường
với nhiều khuynh hướng khác nhau. Có nhóm thì cấp tiến, có nhóm bảo thủ.
Có nhóm chủ trương đòi Giáo hội phải cho phép
ngừa thai, thậm chí cho phá thai. Có nhóm
đòi quyền kết hôn đồng tính hay chủ
trương sống phóng khoáng trong đời sống tình
dục, không theo bất kỳ một
luật lệ hay quy chuẩn luân lý nào. Đau
lòng hơn cả là có khá nhiều bạn trẻ Công giáo
đã đồng loạt ký tên vào một bản tuyên
bố, công khai rút tên khỏi Giáo hội. Khi
đến thăm Việt Nam vào năm 1989, Đức
Hồng y Etchegarey cũng nói rằng, Giáo hội Việt Nam
hiện nay giống Giáo hội Pháp 30 năm về
trước, tức là giáo dân hiện vẫn còn sốt
sắng giữ đạo và thực hành đức tin,
nhưng sẽ đến lúc Giáo hội Việt Nam sẽ
rơi vào tình trạng giống Giáo hội Pháp bây giờ. Điều đó đang và sẽ còn tiếp
tục xảy ra. Nhiều bạn trẻ đang lao
đầu vào cuộc sống hưởng thụ, làm
mọi cách kiếm thật nhiều tiền, ăn chơi
sa đọa và dần dần gạt bỏ Thiên Chúa ra
khỏi cuộc sống của họ. Người tín
hữu Việt Nam hiện nay cho dù vẫn đến nhà
thờ khá đông vào các ngày Chúa nhật, nhưng nền
tảng đức tin vẫn chưa thực sự sâu xa
như Đức Hồng y Etchegarey đã từng nhận
xét: “Đa phần tín hữu Việt Nam vẫn chưa
biết cầu nguyện”.
Kết luận
Trong bộ sách ‘Tự thuật’ (Confessio),
Thánh Augustinô có viết một giai thoại với hai nhân
vật: Ngài và người trộm lành. Ngài hỏi vị
thánh ăn trộm: “Này anh bạn, anh chưa được
rửa tội, chưa từng học giáo lý, chưa
biết tí gì về Đức Giêsu, chưa bao giờ
bước chân vào nhà thờ, thế thì tại sao anh
lại nhận ra ông Giêsu, người cũng bị xử
tử trên Thập giá giống như anh, là Đấng
Cứu thế và tin vào Ngài?” Người trộm lành trả
lời: “Ông nói đúng. Tôi chưa hề
biết Đức Giêsu là ai. Tôi cũng
chưa phải là người Công giáo và chưa
được rửa tội. Nhưng
trong những giờ phút bi thương cuối cùng
trước khi chết, tôi đã nhìn vào đôi mắt
của Ngài. Từ ánh mắt hiền
dịu ấy, tôi khám phá ra cả một bầu trời
mênh mông của tình yêu vô tận. Cặp
mắt Đức Giêsu đã chọc thủng bức màn
tăm tối nơi tâm hồn tôi và tôi đã tin vào Ngài.
Cuộc hành trình đức tin của tôi
được khởi đầu bằng chính ánh mắt
yêu thương của Chúa Giêsu”. Đây quả là
một tên trộm kiệt xuất, bởi vì trước
khi chết anh ta còn ăn trộm
được cả nước Thiên đàng nữa.
‘Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?’. Chúng ta hãy học hỏi động thái
đức tin của ông Thánh ăn
trộm trên đây. Chúng ta cũng có thể bắt
chước ông Dunan, người sáng lập hội
Hồng Thập tự quốc tế, đã cho khắc trên
ngôi mộ của mình hàng chữ: “Hoặc tôi là môn
đệ của Chúa Giêsu, hoặc tôi không là gì cả”.
|