Đau khổ sinh hoa trái
"Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác
thập giá mình hằng ngày mà theo".
Cậu bé nọ
có một con chiên, cậu rất yêu quý và hay chơi đùa
với nó. Lần kia, con chiên quẹt
phải bụi gai khiến nó mất một mảng lông và
bị chảy máu. Cậu bé một mực đòi bố
chặt bỏ bụi gai đáng ghét kia
đi, vì đã làm đau con chiên của cậu. Nhưng
bố ngồi xuống bên cậu, không xa bụi gai lắm
và thinh lặng quan sát. Một chú chim nhỏ bay đến
đậu trên bụi gai và ngây ngất hót líu lo. Sau đó,
nó nhặt một ít lông chiên còn vướng trên bụi gai
và bay về làm tổ.
Câu chuyện này có tên là
"Đau khổ sinh hoa trái". Đau khổ
đâu phải lúc nào cũng là tai
ương. Nếu không nói là có lợi
nữa. Con chiên mất ít lông, rồi nó sẽ lành
lại. Nhưng ít lông bị mất đó
sẽ là chiếc tổ ấm áp cho con chim. Đau khổ không phải là đề tài mới
mẻ, nhất là trong Phúc Âm, nhưng tôi vẫn muốn chia
sẻ đề tài này cùng các bạn. Bởi
từ xa xưa cho đến hiện đại
người ta ngại nói về đau khổ và chẳng
mấy ai tha thiết với nó. Với
Kitô giáo nói đến đau khổ là nói đến
thập giá. Mà thập giá thì quả là
chua cay đắng đót. Ngày nay mà nói đến
đau khổ hay vác thập giá có thể gây khó chịu cho
một vài người. Với hạng
người trần mắt thịt đó điều
ấy quả là khờ dại. Nhưng điều
điên dại của con người lại là khôn ngoan
với Thiên Chúa và chính Thiên Chúa đã dùng chính con
đường khó nguy ngập tràn đó để cứu
chuộc con người.
Đức Giêsu đã khẳng định:
"Con Người phải chịu đau khổ
nhiều" (Lc 9, 22). Đức Giêsu
chẳng phải đã chịu đau khổ mới
bước vào vinh quang đó sao? Đệ
tử không hơn thầy. Nếu
Đức Kitô đã chịu đau khổ như thế
thì chúng ta không thể có được quang vinh mà thoát qua
được khổ đau. Cha linh hướng
của tôi nói rằng: "Anh em không thể tránh
được đau khổ đâu. Thiên Chúa
sẽ kéo anh em cho đến khi anh em đến chân
thập giá mới thôi". Còn Đức Giêsu nói
với các môn đệ: "Nếu anh em không vác thập
giá mình mà theo Thầy thì không thể làm
môn đệ của Thầy". Lời
nhắc bảo này đã đủ cho chúng ta biết. Thập giá có đó. Chúng ta không
thể tránh khỏi. Lời thánh Phaolô vẫn còn bên tai chúng ta: "Chúng ta phải chịu
nhiều đau khổ mới vào Nước Thiên Chúa"
(Cvtđ 14, 22).
Nhưng trớ trêu thay.
Chúng ta ngày nay muốn vinh quang mà ngại hy sinh, muốn vào
nước trời nhưng không muốn vác thập giá mà theo. Muốn được kho
tàng trên trời nhưng không dám bỏ của cải
trần gian. Bạn hãy nghe lời kết luận
của Thomas à Kempis: "Chúa Giêsu luôn có nhiều
người yêu mến Nước Trời nhưng ít
người muốn vác thập giá. Chúa có nhiều
người mong muốn an ủi,
nhưng ít người muốn thử thách. Chúa tìm thấy
nhiều người muốn ngồi dự tiệc
với Người nhưng ít người muốn ăn chay. Tất cả
đều muốn hạnh phúc với Người nhưng
ít muốn chịu đau khổ vì Người.
Nhiều người theo Chúa đến
chỗ bẻ bánh, nhưng ít người muốn uống
chén đau khổ của Người. Nhiều
người tôn sùng phép lạ nhưng ít người tôn sùng
thập giá". Ngày nay, người ta
chẳng còn yêu chuộng sự đau khổ nữa. Người ta không muốn nói về hy sinh,
khổ chế. Cho nên người ta
muốn đi tìm những gì là nhanh, lẹ, thoải mái, êm
dịu, dễ giải, thịnh vượng, hạnh phúc,
tiến bộ. Và như thế những
gì là rủi ro, bệnh tật, thất bại, tuyệt
vọng, chán chường thì phải tránh bằng mọi
giá.
Tuy vậy, nói như thế
không có nghĩa là phía trước chúng ta chỉ toàn
những đớn đau, vết thương, khó nhọc
mà chúng ta phải chấp nhận một cách vô điều
kiện. C. S Lewis viết: "Kitô giáo không lấy
đi sự khó khăn của đời sống, nó
chỉ đem lại một lý do để chịu
đựng khó khăn ấy". Thập giá
có cho người khác thì cũng có cho chính bạn. Thiên Chúa không ưu tiên cho bạn hơn
người khác. Thế nhưng, nếu
bạn không dành cho thập giá một tình yêu thì thập giá
thật sự nặng nề. Khi bạn
cho rằng đó là cơ hội để bạn chịu
đau khổ và nên giống Chúa Kitô thì thập giá là
niềm hạnh phúc. Chấp nhận đau khổ
theo Đức Giêsu còn là một điều phúc (x. Mt 5,5). Chấp nhận đau
khổ, nhất là với một tinh thần tự ý còn là
một thình thức sám hối hữu hiệu. Đau khổ mang giá trị thanh tẩy thật,
giúp tâm hồn dễ dàng tiến triển trên con
đường nhân đức. Đau khổ là cách
thể tuyệt vời để luyện tâp tâm tính như
Raymond Offner đã nói: "Đau khổ làm cho người
ta trở nên khôn ngoan sáng suốt hơn". Chúa
chỉ thử thách những người chúa thương và
muốn cho họ nên nghĩa thiết với Người
trọn vẹn. Nên vấn đề
ở đây không phải là tìm cách để loại trừ
thập giá nhưng là tìm phương thế để vác
lấy nó, mà vác cho có hiệu quả nữa.
Mỗi người sẽ có
thập giá riêng, nặng nhẹ khác nhau. Niềm hy
vọng nơi Tin Mừng Chúa phục sinh là nguyên cớ
để chúng ta can đảm vác thập giá. Qua thập
giá chúng ta hoàn tất cuộc đời mình và tìm
được hạnh phúc vĩnh cửu, như lời
khuyên của Padre Pio: "Sự từ bỏ chính mình không
phải là món quà chúng ta dâng cho Chúa, nhưng là để Chúa
làm nhiều hơn cho chúng ta". Hay nói như Đức
cố Hồng Y Fx. Nguyễn Văn Thuận: "Tránh
đau khổ con đừng mong làm thánh". Vì Đức
Kitô, qua Đức Kitô và nhờ Đức Kitô mà chúng ta
chịu trăm ngàn thử thách ở đời này.
|