Thiên Chúa khuyến dụ ta yêu
mến Ngài.
(Trích dẫn
từ ‘Giảng Lễ Chúa Nhật’
– Charles E. Miller)
Thiên Chúa thật sự trông như thế nào? Ngài có phải quá xa xôi,
mơ hồ, không dễ gì tiếp cận
và rất khác biệt với chúng ta và thế
giới này? Liệu Ngài có quan tâm
đến nhân loại hay những gì xảy đến
với chúng ta? Làm sao có thể biết Thiên Chúa trông
như thế nào?
Giáo Hội quả quyết rằng ta phải thấy
sự mạc khải của Thiên Chúa trong
Đức Giêsu Kitô, bởi lẽ Người là Thánh Tử
của Thiên Chúa, là hình
ảnh toàn hảo của Chúa Cha và giống
Ngài. Đến thời viên mãn, Thiên Chúa
sai Con Ngài xuống trần gian, mặc lấy xác thịt
phàm nhân giống chúng ta mọi sự
ngoại trừ tội lỗi. Với nhân tính của
Người, Chúa Giêsu giống như một bảng thiết kế, một chương trình mang lấy thịt và máu.
Chúng ta biết Thiên Chúa trông như
thế nào bằng cách nhìn vào con người
Chúa Giêsu.
Gặp Chúa Giêsu trong
Phúc Âm và
nghe lời Người dạy, ta khám phá
ra Thiên Chúa là Đấng
hết lòng yêu thương nhân loại: Ngài sai Con Một
đi tìm con chiên lạc (x. Mt 18,12-14), và mừng
đón ta như người cha nhân hậu chạy ra ôm
lấy đứa
con hư hỏng nay biết ăn năn hối cải trở về (x. Lc 15,11-32). Chúng ta cũng
biết trong cơn hấp hối, Chúa Giêsu đã cầu
nguyện: “Lạy
Cha, xin tha cho họ” (Lc 23,34). Chưa hết,
Người còn bào chữa cho những kẻ đã đóng đinh Người, “vì họ không biết việc họ làm”. Đó là dung mạo, là bản
tính của Thiên Chúa.
Bài Phúc Âm hôm nay đưa ra một bài
học độc đáo. Đức Giêsu
cho thấy Thiên Chúa là
Đấng không những đi tìm kẻ tội
lỗi, mà còn dùng mọi
phương tiện
giúp ta yêu
mến Ngài nhiều hơn.
Một người thuộc
nhóm Pharisêu tên là Simon tin Chúa, nhưng biết rất ít về Người. Ông không hiểu
làm sao Đức
Giêsu lại có thể đoái
thương người
phụ nữ tội lỗi đã lấy dầu thơm
rửa chân cho Người. Ông không nhận
ra là Đức
Giêsu nức lòng tha tội
cho chị ta để chị sẵn sàng đáp lại
bằng tình yêu. Người muốn người
phụ nữ ấy phải yêu mến Chúa
nhiều.
Vì đã được
tha nhiều, chị đáp lại bằng cách yêu mến
Chúa nhiều. Về mặt nào đó, Đức
Giêsu, “Đấng săn đuổi từ trời”, kết tội người phụ nữ tội lỗi, cũng như Đức Chúa kết tội Vua Đavít
là người đã phạm tội ngoại tình, rồi còn làm trầm
trọng hơn với tội sát nhân. Tại một số nơi, Hội Thánh đã có
thời chủ trương không tha hai loại
tội này. Đây là một thái
độ nghiêm khắc vượt quá cách hành
xử của Thiên Chúa, như
anh chị em vừa nghe
qua bài đọc một. Ngài sai ngôn sứ
Nathan đến ban cho
Đavít ơn hối cải. Theo tiếng Hipri,
“Đavít” có nghĩa “được yêu mến”. Thiên Chúa yêu Đavít
đến nỗi quyết tâm không để mất ông. Và để đáp lại lòng sám hối
của Đavít, Ngài tha hết
các tội sát nhân và
ngoại tình ông đã phạm.
Đức khoan dung của Thiên Chúa khiến Đavít yêu mến Ngài.
Và Thiên Chúa muốn chúng ta cũng yêu
mến Ngài. Ngài hy sinh cả
mạng sống Con Ngài ngõ hầu
ta được tha tội. Trong mỗi Thánh Lễ, ta nghe Chúa
Giêsu tuyên bố: “Này là chén Máu
Thầy, sẽ đổ ra cho các con và
mọi người được tha tội”. Anh chị em phải hiểu đây là Chúa
Giêsu đang nói với chúng
ta qua miệng linh mục chủ tế. Chúng ta nằm trong
số “các con” ấy, những người mà Đức Kitô đã đổ máu mình ra
để cứu chuộc.
Anh chị em đừng bao giờ ngưng chiêm niệm về mức độ bao la của tình yêu Thiên Chúa
dành cho mình, như đã thấy qua cuộc thương khó của Đức
Kitô. Chúng ta quả diễm phúc xiết bao vì tội
của mình đã được cất đi. Vậy Thiên Chúa muốn
ta làm gì
để đáp lại? Thiên Chúa muốn chúng ta yêu
mến Ngài.
|