“Tội tình”
Người
ta thường nói "tội tình". Cách nói vô ý thức
ấy lại chứa đựng một chân lý rất sâu
sắc: tội lỗi và tình thương thường
đi đôi với nhau. Trong bài Tin Mừng hôm nay thì ta
thấy rằng chữ tình đi trước: "Tội
của chị rất nhiều nhưng đã
được tha, bằng cớ là chị đã yêu
mến nhiều". Vì yêu mến nên chị được
tha. Thiên Chúa là tình yêu, Ngài luôn yêu thương chúng ta và tình
yêu của Ngài luôn đi trước. Thánh Kinh đã ghi
nhận nhiều bằng chứng là Thiên Chúa luôn yêu
thương chúng ta trước. Chính tình yêu của Ngài kêu
gọi chúng ta sám hối, rồi tình yêu của Ngài tha
thứ chúng ta, sau đó tình yêu của Ngài lại khuyến
khích chúng ta yêu mến Ngài hơn. Tóm lại tình yêu Thiên Chúa
bao trùm tất cả, trước, trong và sau khi chúng ta
phạm tội.
Trong
bài Tin Mừng hôm nay (Lc 7, 36 - 8, 3) ông Simon là một
người biệt phái, nên ông ghét người tội
lỗi. Đối với ông, người phụ nữ
tội lỗi kia là thứ người phải bỏ
đi, không đáng được cứu. Ngày xưa và ngày
nay có rất nhiều như Simon như thế. Họ không
tin rằng con người có thể sửa đổi, vì
thế họ không cho kẻ tội lỗi có cơ hội
sửa đổi. Nếu một nền văn minh không tin
vào sự cứu rỗi là một nền văn minh không có
niềm hy vọng. Tuy nhiên, phần Chúa Giêsu, Ngài biết
người phụ nữ này có tội, nhưng Ngài cũng
thấy tấm lòng tốt của chị. Ngài tin
tưởng vào khả năng tốt ấy và giúp chị
đứng dậy. Ngài không lên án mà còn yêu thương
chị. Thái độ của Chúa Giêsu dạy chúng ta
phải biết nhận ra điều tốt nơi
người khác và yêu thương người ấy.
Tội lỗi chỉ có thể cứu chữa bằng yêu
thương. Kết án không bao giờ giải thoát.
Bài
đọc Cựu ước trích từ sách tiên tri Samuel hôm
nay nhắc lại trường hợp phạm tội
của vua Đavít. Có thể nói vua Đavít đã phạm
tội rất khéo: ông đã ngoại tình với vợ
của tướng Uria, sau đó lại dùng âm mưu
để giết chết Uria để che dấu tội
mình, sau đó công khai cưới bà vợ góa ấy làm
vợ mình. Rõ ràng đó là một tội rất nặng. Bài
Tin Mừng hôm nay cũng đưa ra một người
phụ nữ tội lỗi nữa, chị hành nghề
không tốt. Nghề này chẳng những đem lại
tội cho bà, mà còn làm cho nhiều người khác phạm
tội. Đây cũng là một tội nặng, rất
nặng. Nhưng cả hai người tội rất
nặng đó đều đã được tha, tha
rất dễ dàng và nhanh chóng. Vua Đavít nói với tiên tri
Nathan "Tôi đã phạm tội cùng Chúa", thì Natan
đáp ngay "Chúa đã tha tội cho vua rồi". Còn
người đàn bà kia quỳ khóc dưới chân Chúa
Giêsu, và Chúa Giêsu nói với chị "Tội con đã
được tha rồi".
Nếu
so sánh trường hợp tội lỗi của hai nhân
vật trên với trường hợp tội lỗi
của chúng ta, chúng ta cảm thấy an tâm. Trong chúng ta
đây, mặc dù ai cũng đều có tội, nhưng
không ai tội nặng bằng hai người đó:
ngoại tình, giết chồng đoạt vợ
người ta? Nhưng Chúa tha thứ tội cho hai nhân
vật ấy một cách hết sức dễ dàng và nhanh
chóng! Nên có lẽ chúng ta thấy an tâm. Nhưng do an tâm mà mình
đâm ra coi thường những tội của mình, không
coi đó là tai hại bao nhiêu, không hối cải, không
quyết tâm từ bỏ. Ngày nay, nhiều người xưng
tội một cách nhanh chóng, qua loa, cho xong bổn phận mà
không tỏ ra hối hận, sửa đổi, xưng
tội xong là cứ phạm tội tiếp, lần xưng
tội sau thì cũng vẫn bấy nhiêu tội như
lần xưng trước. Thậm chí nếu thấy có
Cha ngồi sẵn trong tòa giải tội là mình có thể
bước vào xưng ngay không cần xét mình cẩn
thận, vì ta đã thuộc lòng các tội ta quen phạm
rồi!có những lỗi tội chẳng những có
hại cho chính bản thân mình mà còn có hại cho nhiều
người khác nữa như nhậu vô một chút rồi
đánh vợ, chửi con, cờ bạc, nói xấu
người khác, ăn cắp, buôn bán gian lận... Vậy
mà nhiều người rất coi thường chúng nên
phạm hoài, lần xưng tội nào cũng có những
tội đó.
Tội
của Đavít, tội của người phụ nữ
kia dù rất nặng nề nhưng vì hai người đã
nhìn nhận mức độ nặng nề của nó và
thành tâm thống hối nên đã được Chúa tha
thứ. Còn những tội của chúng ta, tuy không nặng
nề bằng nhưng nếu ta không nhìn nhận sự tai
hại của nó và không hối cải thì cũng không
được tha! Lời Chúa hôm nay cho chúng ta đã
thấy Chúa không quan tâm tới tội ta phạm là nặng
hay là nhẹ, nhưng Chúa chú trọng đến lòng
thống hối ăn năn và Chúa chờ đợi, tin
tưởng vào sự quyết tâm sửa đổi
của chúng ta. Do đó, chúng ta hãy quyết tâm hối
cải và can đảm thay đổi đời sống
tốt hơn.
Tội
của chị rất nhiều, nhưng đã
được tha, bằng cớ là chị đã yêu
mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến
ít" (Lc 7, 47). Người phụ nữ tội lỗi là
người yếu đuối lầm lỡ trong tội,
nhưng đã được Chúa Giêsu bao dung tha thứ, nên
đã mau mắn đáp lại tình yêu, để rồi
cuộc đời bắt đầu từ nay
được đổi mới. Có thể nói:
"lỗi lầm là của con người và tha thứ là
của Thiên Chúa" (A. Pope). Nhưng người ta chỉ
có thể lãnh nhận ơn tha thứ khi đã có lòng tin: Tin
vào Thiên Chúa luôn yêu thương, Người sẵn sàng tha
thứ. Chính lòng tin đã đem lại ơn tha thứ:
"Lòng tin của chị đã cứu chị, chị hãy
đi bình an" (Lc 7, 50) và ơn tha thứ đã làm
đổi mới tội nhân, để họ mãi mãi
bước đi trong bình an. Tuy nhiên, tình yêu và lòng tin
của chúng ta cần phải được biểu
lộ cách cụ thể qua lòng sám hối, nhận mình có
lỗi, và chỉ những ai nhận mình lầm lỗi
mới được Thiên Chúa thứ tha. "Không nhận
ra lầm lỗi là lỗi lớn nhất trong mọi
lỗi lầm". Quả thật, nếu ai cho mình không có
tội thì đâu cần Thiên Chúa thứ tha. Nhưng Thánh
Gioan lại nói rằng: "Nếu chúng ta nói là chúng ta không
có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự
thật không ở trong chúng ta" (1 Ga 1, 8).
Thiên
Chúa là tình yêu tuyệt hảo, nơi Ngài không có chút chi
tội lỗi. Chúng ta hãy mạnh dạn đến với
Thiên Chúa, mạnh dạn hối cải, và lãnh nhận
ơn Chúa nơi Bí tích Giải tội, siêng năng lãnh nhân
Chúa Giêsu Thánh Thể. Chúa ở với chúng ta thì ta
được hạnh phúc, Chúa ban bình an, niềm vui và
sự thành công cho chúng ta. Chúa sẽ chúc phúc cho gia đình
chúng ta nữa. Chúa ở trong lòng chúng ta thì Cháu sẽ giúp
chúng ta can dảm nói không với tội tỗi và đáp
trả tình yêu trong cuộc sống đối với Thiên
Chúa và còn đối với tha nhân nữa.
Vì
thế, là bậc phụ huynh, những người làm cha
mẹ hãy nêu gương lành cho con cái, dạy dỗ con cái
sống yêu thương hòa thuận, tránh xa tội lỗi
nhưng còn biết yêu thương tội nhân. Cách dạy
dỗ có thể nói hay nhất là sau kinh tối trong gia
đình. Ở đó họ sẽ lắng nghe Lời Chúa và sự
khuyên dạy của Cha mạ nữa. Gia đình quây
quần bên nhau vào buổi tối để đọc kinh
cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa thì con cái trong gia
đình ấy sẽ nên người hơn, mọi
người có cơ hội sống tình hiệp thông, chia
sẻ niềm vui nỗi buồn và nhờ đó họ
sẳn sàng sống yêu thương, bác ái với mọi
người. Bầu khí ấy là sự khởi đầu
cho những mầm ơn gọi nên thánh phát triển.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết khiêm
tốn nhận ra lỗi lầm của mình, và mau mắn
chân thành sám hối, để được Chúa tha thứ
và ban cho ơn bình an. Xin cho chúng con biết thực thi
giới răn yêu thương của Chúa trong gia đình và
ngoaì xã hội. Xin Chúa luôn hiện diện trong lòng chúng con,
để chúng con luôn biết làm điều đẹp lòng
Chúa. Amen.
|