4) Kết quả thứ
bốn : Làm chứng và Truyền giáo.
Xin mượn
lời khen của thầy
Mạnh Tử, để đề cao đặc
ân của các môn đệ là hằng được ở
bên Đức Giêsu:
“Thánh nhân là vị Thầy
của trăm đời (thánh nhân bách thế chi sư giã),
người ở trăm đời sau, ai nghe cũng
phải cảm kích..., huống hồ những người
thân cận bên thánh nhân (nhi huống ư thân trích chi giả
hồ). Thật như được ở gần bên
lửa mà hơ nóng, gần bên sự sáng mà được
rạng vậy".
- Lời khen này quả thật
rất đúng cho các Tông đồ trước
tiên, các ngài đã được hằng ở với
Đức Giêsu từ ban đầu :
“Rồi Đức Giêsu lên núi
và gọi đến với Người những kẻ
Người muốn. Và các ông đến với
Người. Người lập Nhóm Mười Hai, để
các ông ở với Người và để Người
sai các ông đi rao giảng.” (Mc 3.13-14)
Ở với Chúa Giêsu,
được nghe Người dạy dỗ, sau đó các
ông được lệnh truyền của Thầy Thánh là
phải ra đi loan báo Tin Mừng không chỉ ở Phalêtin
mà khắp cùng thế giới :
“Người nói với các ông
: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan
báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu
phép rửa, sẽ được cứu độ ; còn ai
không tin, thì sẽ bị kết án.” (Mc 16.15-16)
Họ phải làm
chứng và rao giảng Tin Mừng trước mặt vua
chúa, quan quyền ngoại đạo. Sách Công vụ tông
đồ thuật lại những lần Thánh Phaolô làm chứng trước
mặt ông Tổng trấn Rôma (Cv 24.10-21) ; trước
mặt vua Agrippa và những người thân cận (Cv 25.23 - 26.32), lời lẽ
của ông hay đến nỗi nhà vua thốt lên : “Chút
nữa là ông thuyết phục được Trẫm
trở thành Kitô hữu.” (26.28).
Họ phải loan báo, phải tuyên
chứng ngay cả trước mặt các thế lực
thù nghịch cấm cản :
“Họ (Đại Hội
Đồng Do Thái) cho gọi hai ông (Phêrô và Gioan) vào và
tuyệt đối cấm hai ông không được lên
tiếng hay giảng dạy về danh Đức Giê-su
nữa. Hai ông đáp lại : “Nghe lời các ông hơn là
nghe lời Thiên Chúa, xin hỏi : trước mặt Thiên Chúa,
điều ấy có phải lẽ không ? Các ông thử xét
xem ! Phần chúng tôi, những gì tai đã nghe, mắt đã
thấy, chúng tôi không thể không nói ra.” (Cv 4.18-20).
Tai họ đã
nghe gì ? Mắt họ đã thấy gì ?
"Chúng tôi là chứng nhân
về mọi điều Đức Giêsu đã làm …
Người mà họ đã treo trên súc gỗ mà giết
đi, nhưng chính Thiên Chúa đã làm cho sống lại… và
đã cho hiện tỏ, không phải cho toàn dân nhưng là
cho những nhân chứng Thiên Chúa đã chọn
trước, tức là chúng tôi, những kẻ đã
(được ở với Người), được
cùng ăn cùng uống với Người sau khi
Người sống lại từ cõi chết. Người
đã truyền dạy chúng tôi rao giảng cho dân và đoan
chứng…" (Cv 10.39-42)
Thánh Phaolô tuy không
được ở bên Đức Giêsu lúc Người
sống tại thế, nhưng cũng được
thấy Người hiện ra sau phục sinh dạy
bảo và chọn làm Tông đồ (Cv 9.1tt), nên ông cũng
loan báo Chúa cho người ta :
“Thiên Chúa đã đoái thương
mặc khải Con của Người cho tôi, để tôi
loan báo Tin Mừng về Con của Người cho các dân
ngoại.” (Gl 1.16)
Ý thức về
sứ vụ mình, ông viết một câu rất đanh thép :
“Loan báo Tin Mừng… là điều
khẩn thiết giáng xuống trên tôi. Khốn cho tôi nếu
tôi không loan báo Tin Mừng” (1 Cr 9.16 ; xem 2 Cr 11.10).
- Lời của
thầy Mạnh Tử cũng nói cả cho chúng ta :
từ nhỏ, ta cũng đã được học
biết về Thầy chí Thánh Giêsu, nghe lời Người
giảng dạy qua sách Tin Mừng, nhất là tiếp
đón Người vào lòng khi Rước Lễ,
được hâm nóng, được chiếu sáng …, thì
đương nhiên sẽ phải là sứ đồ làm
chứng về Thầy, truyền bá đạo lý của
Thầy cho cả trăm đời thiên hạ.
Đó cũng chính
là lời Thầy chí thánh dạy chúng ta :
"Anh em là ánh sáng cho thế gian…
Người ta không thắp đèn rồi đặt nó
dưới thúng, nhưng trên giá đèn để nó soi sáng
mọi người trong nhà. cũng vậy, ánh sáng của
anh em phải chói lọi trước mặt người
ta, ngõ hầu họ thấy việc làm anh em làm mà tôn vinh Cha
anh em, Đấng ngự trên trời" (Mt 5.14-16).
Xin để ý câu : “Người ta không thắp đèn rồi
đặt nó dưới thúng, nhưng trên giá đèn
để nó soi sáng mọi người trong nhà.” Chúa có ý
nhắc nhở: Chính Chúa đã thắp ngọn đèn
là chúng ta, nghĩa là, Chúa đã ban ơn cho ta
được sống trong đạo Chúa, mà sống trong
đạo Chúa là được ánh sáng chân lý Chúa thắp
sáng, vậy không được che lấp, song phải
soi sáng cho những người còn sống trong tối
tăm lầm lạc, tin thờ tà thần, ngẫu
tượng… có nguy cơ đi vào cõi chết.
Đáng
phải nói mà im là thiếu lòng thành. Sách Nho ngày xưa có một lời dạy
rất đúng: “Học theo
đạo tiên vương, thuận theo điều lễ
nghĩa, gần gũi với người có học,
thế mà không ưa nói, không vui nói, thì hẳn không phải
kẻ sĩ chí thành” (Tuân Tử, Phi tướng).
Chểnh
mảng việc làm chứng và Truyền giáo.
Phải thú
nhận, người Công giáo VN quen giữ đạo
hơn là truyền đạo. Nguyên nhân của
sự chểng mảng ấy là do đâu ?
a) Là do nghĩ
rằng không làm việc truyền giáo thì nào có hệ gì,
đi đạo cốt được rỗi linh hồn
là đủ ! Chẳng lẽ ta đã quên lời Chúa Giêsu
ngăm đe: “Anh em là muối cho đời. Nhưng
muối mà nhạt đi,… nó đã thành vô dụng, thì
chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà
đạp thôi”? (Mt 5.13). Anh
em là muối cho người đời đang hư
thối bởi tội lỗi, thế mà anh em không muối
cho họ ! Đó là dấu anh em đã ra nhạt,
đã thành vô dụng, vậy chỉ còn việc
quăng ra ngoài đường cho người ta giẫm
đạp lên mà thôi. Bị giẫm đạp không
chỉ nhục nhã, mà còn ngầm báo việc bị Chúa
vứt bỏ !
b) Một nguyên nhân
nữa khiến cho người Công giáo VN lơ là việc
làm chứng và truyền giáo, đó là do việc dạy
đạo đã không truyền cho họ “cái lửa”,
nhưng đã cống hiến cho một cái đạo
nặng nề : Họ không thấy vui sướng khi
sống đạo, thì làm sao có hứng khởi mà truyền
cho người khác? Phải làm sao cho người ta
sống đạo mà vui mừng chẳng khác gì bắt
được kho báu. Chúa Giêsu đã nói rồi : “Nước Trời giống
như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có
người kia gặp được thì … vui mừng
đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng
ấy.” (Mt 13.44). Kìa xem một người vừa được
trúng số, vui mừng sung sướng nhẩy cẫng lên,
và không thể kềm giữ được niềm vui
ấy một mình, liền đi khoe với tất cả
thân nhân bạn bè !
c) Cuối cùng là do
chúng ta thiếu lòng thương các linh hồn ! Hãy xem Tin
Mừng Matthêu kể về Chúa chúng ta : “Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh
lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng,
như bầy chiên không người chăn dắt. Bấy
giờ, Người nói với môn đệ rằng : “Lúa
chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít.
Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa
về.” (Mt 9.36-38). Còn ta, môn đệ Chúa, hằng ngày
thấy bao nhiêu người phạm tội và sa hỏa
ngục, chẳng lẽ ta không có chút động lòng xót
thương hay sao ? Và nếu xót thương thì phải
làm gì chứ để cho họ được biết
Chúa, bỏ đàng tội lỗi mà được cứu
rỗi. Thánh Gioan bảo:
“Chúng ta
đừng yêu thương nơi đầu môi chót
lưỡi,
nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng
việc làm. (1 Ga 3.18).
- Phải làm gì ? Muốn
làm chứng cho Chúa Giêsu, muốn truyền giáo cách hăng say
đắc lực, trước tiên chúng ta phải theo
gương các tông đồ, là “hằng ở”
với Chúa, “hằng ở” là kề cận lâu dài trong tình
thân mật và yêu thương với Người,
nhờ đó ta hiểu Người,
hiểu cách thâm sâu cặn kẽ. Kìa xem, ông An-rê nhờ
đã “đến và ở
lại với Đức Giêsu ngày hôm ấy” (Ga 1.39) mà
đã khám phá ra Đức Giêsu là Đấng Mê-sia toàn dân trông đợi mà
giới thiệu Người cho em mình là Phêrô và dẫn em
đến với Người.
Một người ta chỉ gặp thoáng qua trên
đường trong chốc lát, ta không thể làm chứng
về họ, vì có biết họ thật sự thế nào
đâu. Người xưa có câu :
“Họa hổ
họa bì nan họa cốt,
Tri nhân tri diện
bất tri tâm.”
(Vẽ
hổ, chỉ vẽ da bên ngoài, không vẽ được
xương cốt bên trong. Biết người, là chỉ
biết diện mạo, chứ đâu biết
được lòng họ).
Lại nữa,
nhờ việc “hằng ở” với Chúa, kề cận lâu dài trong tình thân mật với
Người, ta sẽ mến thương
Chúa, si mê Chúa, vui sướng và hạnh phúc có Chúa ; mà vì
thấy Người
đáng mến vô cùng, cho nên khao
khát truyền lửa mến ấy cho người
khác, với ước vọng cháy bỏng muốn
người khác cũng hiểu biết và yêu mến Chúa
mình nữa. Cho dẫu vì làm chứng như thế mà bị
chế riễu, tẩy chay, ngược đãi, bị tù
ngục và cả chết nữa, thì họ cũng cam.
Đó là lửa đã được thắp lên trong
hồn ta, sẵn sàng đem Tin Mừng đến cho
mọi người, như bài thánh ca “Thắp sáng trong con”
của Trầm Hương
đã hát lên: Thắp sáng lên trong con Tình Yêu Chúa.
Thắp sáng lên trong con
tình tuyệt vời.
1. Để con hân hoan đem tin yêu đi
về muôn lối.
Tựa như mưa tuôn, mưa hồng ân
Chúa trên trần đời.
2.
Để con say mê tim reo vang rộn ràng đi tới.
Niềm
tin dâng cao, ôi niềm tin thánh ân tuyệt vời.
Bởi thế,
để làm chứng, để truyền giáo, ta phải
có kinh nghiệm sống bản thân, trực tiếp, thân
gần với Chúa. Kinh nghiệm sống thân
mật ấy sẽ cho ta một
xác tín sâu xa, mạnh mẽ, và khi làm chứng, cung
giọng xác tín ấy, không ai có thể nhầm lẫn
được. Nếu không, các lời chứng của ta
chỉ là lời nói của con vẹt, nói mà chẳng
hiểu mình nói gì.
Nhiều
giáo dân ngày nay phê bình một số các vị giảng
thuyết, giảng viên giáo lý mắc chứng bệnh
nghề nghiệp này : Là linh mục, là giảng viên thì
phải giảng thôi ! Đang khi thính giả cảm
thấy : những lời nói của các vị ấy,
chỉ là những lời nói thuộc lòng, theo sách vở
đã học trong nhà trường.
|