BÀI
LỜI CHÚA 73
SỈ VẢ, LĂNG NHỤC,
CHẾ NHẠO
Trích sách Dân số, ch.22
Trên
đường tiến về Đất Hứa, ngày kia,
dân Israen đi đến gần xứ Mô-áp. Vua dân ấy
tên là Ba-lắc, vì sợ Israen đánh chiếm đất
mình, nên mướn một thày phù thủy tên là Ba-lam
để tuyên lời trù ẻo, nói xấu dân Israen.
Nhưng Thiên Chúa sai Thần Sứ hiện ra bảo ông :
- Ngươi chỉ
được nói điều gì Ta truyền cho ngươi
!
Sáng
sớm, chỗi dậy, Ba-lam thắng lừa lên
đường, với ý định ngấm ngầm làm
trái ý Chúa, mà làm theo ý vua Ba-lắc đã mướn ông
với nhiều tặng vật quí báu. Bừng bừng
nổi giận vì ý xấu đó, Thần Sứ Chúa
đứng trên đường chặn lối, gươm
trần cầm tay. Con lừa ông cưỡi thấy
vậy rẽ xuống đồng, nhưng Ba-lam đánh nó,
bắt phải lên đường cũ.
Lần này, con lừa tránh
né Thần Sứ, thì đi sát bờ tường, ép chân
Ba-lam vào tường. Ba-lam tức giận, lại đánh
lừa. Cuối cùng, không biết tránh bên nào, nó phục
xuống trước Thần Sứ, Ba-lam nổi nóng, dánh
nó dữ tợn. Thiên Chúa cho lừa mở miệng nói:
- Tôi đã làm gì để ông đánh đập tôi
ba lần như thế ?
Ba-lam
hét lên :
- Mày đáng tội ! Phải chi tao
có thanh gươm nơi tay, tao đã giết mày !
- Tôi không phải là con lừa ông đã cưỡi
suốt đời ư ? Đã bao giờ tôi có thói làm cho
ông như thế chưa ? Hãy nhìn mà coi: ai đã chặn
đường tôi ?”
Thiên
Chúa mở mắt cho Ba-lam thấy Thần Sứ, cầm
gươm đứng trước mặt. Hoảng
sợ, ông vội sấp mình xuống đất. Thần
sứ Yavê phán :
- Ta xuất hiện chống
lại ngươi, vì ngươi lên đường làm
nghịch ý Ta. Giả như con lừa không tránh né mặt Ta
ba bận, thì chính ngươi đã bị Ta giết !
- Tôi có tội... nếu điều tôi sắp làm
không đẹp mắt Ngài, thì tôi xin trở về !
Thần
Sứ phán :
- Không ! Ngươi cứ đi ! Nhưng chỉ
phải nói những lời Ta truyền cho ngươi...
Phán
xong, Thần Sứ biến đi... Ba-lam tiếp tục
đi đến nơi núi cao, từ trên đó nhìn
xuống, thấy dân Israen ở dưới thung lũng, và
ông đã mở miệng tuyên các lời chúc lành mà Thiên Chúa
đặt vào miệng ông, thay vì trù ẻo, lăng nhục
như dự định làm.
* Đó là Lời Chúa ! - Tạ
ơn Chúa !
Suy
niệm Lời Chúa
Rõ ràng,
Thiên Chúa không muốn ta xỉ vả hay lăng nhục
người khác. Qua câu chuyện rất cổ và bình dân
của Kinh Thánh, ta thấy Thiên Chúa xuất thân chận
lại ý đồ xấu xa của Ba-lam. May mắn cho ông
là con lừa biết tránh né - ý muốn nói con lừa còn
biết sợ Chúa, không dám cứ đưa chủ đi
con đường tội lỗi - chứ không thì Ba-lam
đã bị giết. Cuối cùng, Chúa đặt vào
miệng ông những câu chúc lành, buộc ông nói ra. Thiên Chúa
muốn dạy con người phải nghĩ sự
tốt, nói sự lành cho người khác, nếu không
sẽ bị trừng phạt nặng nề. Với bài
Lời Chúa hôm nay, ta nối tiếp bài học kỳ
trước về những tội phạm đến thanh
danh, danh dự người khác.
*
Tội xúc
phạm trực tiếp danh dự và bản thân
người khác bởi sỉ vả, lăng nhục,
chế nhạo : Các sách Tin Mừng đã kể
lại bao điều sỉ nhục và lăng mạ Chúa Giêsu
phải chịu, nhất là hồi Thương Khó. Nhắc
sơ qua thế đã đủ, vì tất cả chúng ta
đã biết.
Có điều ta
nên chú ý là việc sỉ vả, lăng nhục
người khác không phải tội nhẹ khơi khơi
đâu, bởi vì xuất phát từ lòng giận ghét
người đó, cho nên nếu có thể và có gan dám
giết thì giết ngay, còn không dám giết thì sỉ vả,
lăng nhục để hả cái giận, cái căm thù
của lòng mình. Nọc độc là ở chỗ đó :
ở trong lòng mà ra. Chính vì thế, Chúa Giêsu dạy rằng :
“Người xưa bảo rằng
: Chớ giết người; kẻ giết
người thì sẽ can án (chết). Còn Ta, Ta bảo: phàm ai giận ghét anh
em mình thì sẽ can án (chết).” (Mt 5.21-22). Ý Chúa muốn
nói : Không chỉ kẻ nào
giết người mới can án, nhưng án của Thiên
Chúa đã có ngay khi người ta buông theo sự giận ghét,
vốn là nguyên nhân, cội gốc dẫn đến hành
động giết người, việc chém giết
ấy chỉ là hậu quả của thái độ thù ghét
người ta mà ra. Vậy kẻ tức giận anh em mình
thì trước mặt Thiên Chúa đã ở như kẻ
giết người rồi.
*
Cũng còn một cách khác làm tổn thương danh
dự người ta, song một cách tiêu cực và thụ
động, đó là từ chối những
dấu kính trọng cần có đối với ai ta
phải kính trọng, ví dụ từ chối không chào
hỏi họ. Đây không kể tính mắc cỡ,
rụt rè không chào hỏi, hoặc không tỏ ra kính
trọng người đáng kính, song nói đến sự
cố tình làm vì ngạo nghễ, vì khinh miệt... Chẳng
hạn đi ngoài đường, gặp người
bậc trên mà kênh kênh, tỏ dấu khinh bỉ không chào,
không kính.
*
Cũng còn thêm một tội xúc phạm thanh danh,
đó là khi không có lý do
cần thiết mà mình tìm cách moi móc, khám phá những
tội hoặc tính xấu - cho dù có thật - của
người khác.
Ở
trên nói, không có lý do cần thiết, không được moi
móc tội lỗi hoặc tính xấu của người ta.
Vậy lý do cần thiết là gì ?
a/ Lý
do cần sửa lỗi : Tội lỗi và tính
xấu là những cái làm mất danh dự con người
hơn cả ; do đó, người ta ai cũng muốn che
giấu đi. Bởi vậy, việc sửa lỗi sẽ
là để bảo vệ danh dự cho người ta. Có
người làm điều xấu dù biết là xấu, nhưng
cũng có người làm vì không biết là xấu, hoặc
biết mà không có can đảm sửa. Cho nên ở Tin
Mừng Mt 18.15tt, Chúa dạy phải sửa lỗi anh em, song
phải làm sao cho họ biết mình không ác ý và muốn
bảo vệ danh dự cho họ, không phán xét hay coi khinh
họ. Vậy, trước tiên, phải đến riêng
một mình với họ. Nếu không thành công, lúc ấy
mới được bộc lộ ra cho một hay hai
người thân thiết, hoặc bạn thân, hoặc cha
mẹ, bà con... mục đích nhờ hai người ấy
dùng uy tín hay tài khéo thuyết phục họ.
b/ Lý
do muốn ngăn ngừa sự lỗi : Chẳng
hạn khi ta biết có kẻ bất lương đang
sắp làm hại ai, ta khôn khéo tiết lộ cho kẻ ngay
thật biết để khỏi bị ăn cắp,
bị lừa đảo ; hoặc khi phải ngăn
kẻ đơn sơ khỏi bị lôi cuốn vào đàng
xấu, lây tính xấu... Những lúc ấy, ta buộc lòng
phải nói sự xấu hoặc tội của kẻ gian
ra để người ta tránh.
*
Tội đồng lõa : Người ta ít lưu ý
điều này: Sẽ không có hay sẽ bớt những
tội nói xấu, sỉ nhục, mạ lị..., nếu
không có ai nghe những lời độc địa ấy
cách vui thích. Kinh Thánh nói :
“Không củi thì lửa tắt,
Không
người thèo lẻo,
cuộc cãi lộn chẳng còn” (Cn 26.20).
Giống
như kẻ oa trữ đồ gian cũng đồng
tội với kẻ ăn trộm, thì cũng thế,
kẻ thích nghe nói xấu, lời lăng nhục
cũng đồng tội như kẻ nói. Vì thế,
có câu ngạn ngữ Tây phương này : “Kẻ nói xấu
có ma quỉ trên lưỡi, còn kẻ nghe có ma quỉ trong
tai”. Lần kia, có kẻ đang nói lời xấu, nhục
mạ, bị một người ở đó nói thẳng
vào mặt : “Cấm phóng uế ở đây !” Phản
ứng mạnh như thế vì không muốn mình thành
đồng lõa với kẻ nói sự xấu.
*
Đền bồi, bồi
thường : Tây
phương có câu ngạn ngữ :
“Mất
tiền của, mất ít
Mất danh dự, mất lớn
lao
Mất Thiên Chúa, mất tất cả”.
Không có tên ăn trộm
nào làm người ta nghèo đi cho bằng kẻ làm mất
danh dự người ta. Chưa ai có thể tính hết
được bao nhiêu thảm họa đã xảy ra do lời
nói hành, nói xấu, sỉ nhục, mạ lị, vu vạ
cáo gian… Ta còn nhớ chuyện ông Giuse bị tù vì bà vợ
quan Po-ti-pha bên Ai cập vu oan... Có biết bao người
phải tù tội hàng chục năm, có nhiều
người đã mất mạng chỉ vì có kẻ cáo gian,
sàm tấu, có những người bị sỉ nhục
lăng mạ không sống nổi mà phải quyên sinh...
Vậy, làm thiệt
hại to lớn như thế mà không phải đền
bồi sao ? Có, và phải bồi thường lớn lao
hơn vì mất danh dự là mất nhiều hơn mất
của cải, câu ngạn ngữ nói trên đã làm chứng.
Mà ở việc
đền bồi này, nhiều Kitô hữu không hề
biết, vì nghĩ rằng xong chuyện rồi thì thôi,
hoặc chuyện nhỏ, có gì đâu! Vì nhiều khi bắt
đầu chỉ là một câu nhỏ nhẹ rỉ tai bà
bạn, nhưng từ đó điều xấu được
truyền lan ra như một đám cháy rừng. Chỉ
cần một tàn thuốc, một que diêm, mà cháy cả
trăm nóc nhà. Điều khốn đốn nhất là làm
hại của cải, thì dễ bồi thường, còn làm
hại danh dự thì đền bồi lại vô cùng khó
khăn.
Xét
như thế, gia đình ta càng cần phải tránh tội
nói xấu, nói hành, vu vạ cáo gian, lăng nhục… như
tránh rắn độc. Phải thật lòng khiêm
nhường mà nhận rằng chỉ có Thiên Chúa mới
sửa chữa nổi tất cả sự tai hại mình
đã gây ra. Chỉ mình Người mới phục hồi
danh dự lại cho nạn nhân. Còn phần kẻ là tác
giả gây thiệt hại, phải cố gắng hết
khả năng được chừng nào hay chừng
nấy mà đền bồi sự thiệt hại ấy.
* Đền bồi trong
trường hợp nói xấu, vu oan : Rút
lại lời nói là điều không còn kịp nữa,
vậy phải làm sao ? Hãy phàn nàn vì đã nói, rồi khéo léo
đề cao các việc tốt, các tính tốt, các công lao
của nạn nhân trước những ai đã nghe mình miệt
thị.
*
Đền bồi trong trường hợp sỉ
nhục, lăng mạ : Buộc phải có lời xin lỗi. Trong nhiều
trường hợp, lời xin lỗi này có thể
được thay thế bằng một việc biểu
lộ rõ ràng sự tôn trọng đối với nạn
nhân : thế cũng đủ.
Việc
xin lỗi nói trên, hay phục hồi danh dự cũng
phải làm công khai, nếu đã nói xấu họ công khai.
Giáo dân hãy nhớ cách riêng tránh tội chỉ trích, sỉ
nhục hoặc phỉ báng hàng giáo sĩ, đặc
biệt các linh mục. Hãy nhớ tích bà My-ri-am, chị ông
Môsê, đã dèm pha, xúc phạm danh dự và chức vụ ông,
tức khắc bị trừng phạt nặng nề, vì có
Lời Chúa dạy : “Chớ
đụng tới kẻ Ta đã xức dầu”. Thời
trước, người phạm tội sỉ nhục
công khai như thế bị dứt phép thông công, tức là vạ
tuyệt thông.
Cuối
cùng, ta hãy suy nghĩ điều này : Thiên Chúa đã phán xét
rất nghiêm thẳng những kẻ bỏ lơ không giúp miếng cơm, manh áo
cho những người hèn mọn, nghèo khó : “Hỡi phường bị chúc
dữ ! Hãy xéo đi xa Ta mà vào lửa đời đời
đã dọn sẵn cho ma quỉ và bộ hạ của
chúng, vì xưa Ta đói khát, các ngươi không cho ăn
uống, trần truồng đã không cho áo mặc...” ;
thì huống chi Người sẽ phán xét nặng nề
hơn biết bao, kẻ vì không giữ mồm giữ
miệng đã phá hoại
cuộc đời của một con người hay làm
mất thanh danh họ, có khi còn phá hoại hạnh phúc
của cả gia đình họ nữa !
Tích
truyện
Xưa có
một vị tướng, sau khi đánh chiếm
được một nước nào, liền ra công
tiễu trừ hết mọi đồng đảng, vây
cánh của địch. Nhân dịp ấy, có một ông quan
của triều đình đó, muốn lập công liền
cáo tội quan nọ, quan kia. Sau khi các quan đó bị
trảm quyết rồi, ông nọ tưởng mình sẽ
được trọng dụng và lĩnh thưởng. Ai
dè, ông tướng quát bảo võ sĩ đem hắn ra chém.
Nghe hắn kể công lao, vị tướng đáp :
- Kể
ra thì ngươi cũng có chút công. Nhưng so với tội
của ngươi, thì chẳng thấm vào đâu ! Đó là
cái tội phản bạn : Nếu các quan là bạn
ngươi, mà ngươi không ngượng miệng cáo
tội, đến nỗi họ phải chết, huống
hồ là Ta - kẻ xa lạ với nhà ngươi. Xảy
ra chuyện gì, chắc ngươi không ngại tố cáo
ta. Thôi, ta giết ngươi trước đi cho khỏi
mang họa về sau !
Nói xong sai chém đầu,
đem bêu giữa chợ làm gương cho kẻ ác mồm
ác miệng thấy mà kinh.
------ooo***ooo-----
Mời
xem tiếp Tập II
|