BÀI
LỜI CHÚA 68
Ab-sa-lôm ĐẸp trai mÀ gian hÙng
Trích sách 2 Samuen, ch.14 và 15
Trong
toàn thể Israen, không ai đẹp trai bằng Ab-sa-lôm,
nhưng cũng không ai độc ác và gian hùng như
hắn. Chính hắn đã giết Am-nô, anh ruột mình.
Lần này, hắn mưu đồ chiếm đoạt
ngai vàng của cha là Đavít Đại vương.
Để
đạt mục tiêu, kẻ tham vọng giả bộ
nịnh bợ lấy lòng dân. Trước hết, hắn
làm dân ngưỡng mộ vẻ đẹp trai của
hắn, cách riêng bộ tóc dầy và đẹp như
của Sam-sông thủa trước. Sau đó, hắn
tậu xa giá, ngựa và 50 người chạy
trước, rồi lượn đi lượn lại
làm dân loá mắt, trầm trồ khen ngợi. Sớm
sớm, hắn đến trước Công Môn, nơi
người dân đến chờ vua xử án, gặp ai,
hắn cũng tiến lại gần nắm tay họ ra
bộ ân cần, hoặc kéo lại ôm họ tỏ dấu
yêu thương và nói :
- Vụ
của ông rất hợp lẽ phải. Chỉ tiếc Vua
chưa đặt tôi làm thẩm phán, tôi sẽ xử cho
ông, giải oan cho ông để ông thắng kiện.
Cứ
như thế, hắn mua chuộc được lòng
mọi người Israen. Khi đã thành công trong trò mị
dân, hắn đến đánh lừa cha mình. Hắn tâu Vua :
- Thưa Phụ hoàng, con đã
khấn hứa với Thiên Chúa là sẽ dâng Ngài một
lễ tế tạ ơn, vì Ngài đã nhậm lời con,
cho con được nghĩa cùng cha, là tha thứ tội
giết anh, và cho con lại được về kinh đô
kề cận bên cha. Vậy Phụ hoàng có thể cho con
đi đến Hêbron để chu toàn lời khấn
đó không ?
Dĩ nhiên là Đavít không có
lý do gì để từ chối.
Ab-sa-lôm
tức thời đi Hê-bron cùng với đồng
đảng ; đồng thời, hắn phái tay sai
đến các chi tộc trong dân, mời họ đến
Hê-brôn để làm hậu thuẫn. Mọi sự đã
được dàn xếp trước, đến đúng
lúc Ab-sa-lôm giết vật để dâng tế lễ, theo
hiệu kèn đồng báo, các đồng đảng
hắn trà trộn trong dân làm cò mồi sẵn, cất
tiếng hô :
- Ab-sa-lôm muôn năm ! Hãy làm Vua trên
chúng tôi !
Dân
chúng nghe vậy cũng hùa theo hô lên :
- Ab-sa-lôm
muôn năm ! Ab-sa-lôm là Vua chúng tôi muôn năm !
Thế là cuộc âm mưu đảo
chánh đã thành công. Nghe tin báo, vua cha Đavít tập họp vợ
con và quần thần, bỏ hoàng cung chạy trốn...
* Đó là
Lời Chúa ! - Tạ ơn Chúa !
Suy
niệm Lời Chúa
Đã một lần, chúng ta đã nghe nói về tội
bất hiếu của chàng trai Ab-sa-lôm này, hôm nay đề
cập đến tài tình của hắn trong mưu
đồ chiếm ngôi vua của cha, cũng như
trước đó đã thành công trong mưu đồ
giết anh ruột mình. Không ai mà không biết hắn là tay
gian hùng, kẻ giả hình, nịnh bợ và mị dân.
Nhưng Thiên Chúa sẽ làm rối con đường kẻ
vô đạo. Và rồi hắn sẽ chết vì chính sự
gian dối và tội ác hắn bày ra.
Đứng trước câu chuyện này, chúng ta
sẽ khen hay chê hắn?
Nếu
ta chê - mà đó là điều chắc, vì ai trong chúng ta còn
chút lương tâm mà không kết án những sự gian
dối, xảo trá, nịnh bợ. Nhưng khổ một
nỗi là khi chê người, chúng ta có ý thức đúng
mức tầm quan trọng độc hại của
sự gian dối, lừa thày phản bạn chưa ?
Nhất là trong xã hội ngày nay đầy dẫy những
lường gạt, dối gian, đồ giả …? Trong mấy
kỳ vừa qua, các bài Lời Chúa dạy ta thật thà,
ngay thẳng trong lời nói và trong hành động, đã làm
ta bớt gian dối và sống thật thà, ngay thẳng
hơn chút nào chưa ?
Bài Lời Chúa hôm nay sẽ giúp ta đi sâu hơn vào
trong vấn đề này. Bước theo vết chân
của Ab-sa-lôm, có nhiều người trong lối sống
và cư xử tỏ ra thiếu chân thực : họ là
thế này, họ lại tỏ ra mình thế khác, với
mục đích lừa dối người ta.
Có thể chia họ ra
mấy loại :
1/ Thứ
nhất : Kẻ giả hình : Đó là kẻ tỏ ra tốt, dễ thương,
đạo đức hơn bản chất thực sự
của hắn. Trong Tin Mừng, Chúa đã vạch mặt
họ : “Khi ngươi bố
thí, thì chớ thổi loa trước mặt như bọn
giả hình làm nơi Hội đường và phố xá,
hầu được vinh nơi người đời...”
- “Khi cầu nguyện thì chớ làm như bọn giả
hình, chúng ưa đứng cầu nguyện trong Hội
đường và các ngả đàng phố xá đông
người, hầu được bày ra cho người ta
thấy... Cũng vậy, khi ăn chay, thì chớ sầm
mặt lại như bọn giả hình, chúng làm mặt mày
mất dạng, để ra dáng ăn chay trước
mặt người ta” (Mt 6.2-16).
Đúng
thế, các kẻ ấy tìm cách tỏ mình ra tốt hơn,
đẹp hơn thực chất của họ. Khi họ
bố thí chẳng hạn, đâu có phải vì lòng xót
thương người nghèo, họ cố làm rình rang, khua
trống gõ chiêng, ghi sổ vàng..., cho người khác lưu
ý đến việc làm của họ mà khen tặng.
Việc bố thí kia chỉ là chiếc mặt nạ che
đậy tham vọng sâu kín là “cầu vinh nơi
người đời”.
Trong cuộc sống hàng ngày, thấy nhan nhản
những loại người như thế, trong đó có cả
thiếu nhi, thiếu niên nữa. Tỉ dụ : làm bộ
tốt với thày cô giáo, mục đích muốn kiếm
điểm cao, đang khi sau lưng thì nói xấu họ,
trong bụng thầm ghét họ. Hoặc giữa đám thiếu
nhi, cũng đôi khi xảy ra có đứa tỏ ra dễ
thương, tự nguyện giúp đỡ hoặc làm vài
việc tỏ tình bạn hữu, bên ngoài như thiên
thần tốt lành, nhưng bên trong như tên lưu manh,
đã biết toan tính trục lợi... Lại có
người giả cách đi dự lễ hàng ngày, xưng
tội, chịu lễ đàng hoàng, nhưng cốt
để được chấm là người Công giáo
sốt sắng, được khen lao, có khi còn cốt ý
mưu đồ đen tối hơn... như lộn sòng
vào làm do thám. Thực tâm đâu phải vì tin và thờ Chúa,
mà y chỉ muốn đạt được sự tín
nhiệm của các Bề trên trong đạo, hầu
cất nhắc y lên chức cao mà thực hiện ý
đồ ghê gớm ! Điều này đã từng xảy
ra trong lịch sử !
2/ Kẻ giả bộ : Cũng có thể xếp loại
này vào loại người giả hình trên, song nhẹ
hơn : ví dụ giả bộ đau ốm, hay đau
ốm hơn là thực để cha mẹ thương cho
nghỉ học, hay
được đoàn thể cho nghỉ lao động...
Giả bộ nghèo khổ để kích thích lòng trắc
ẩn của người ta : nơi sân các nhà thờ, nhà
chùa trong thành phố ta thiếu gì bọn băng chân,
băng tay, bôi phẩm đỏ giả làm phong cùi...
ngồi chìa tay xin bố thí... kỳ thật chỉ là
những kẻ lười biếng lao động ; tệ
hơn nữa có khi còn là những tên ma đầu, thuê bà
già, con nít ngồi ăn xin thay hắn, cuối ngày hắn
thu tiền đi ăn uống phè phỡn..., có đứa
còn có tiền cho vay lãi... Hoặc giả bộ bị
vợ hất hủi, xử tệ, đi tâm sự với
các cô gái ngây thơ để gợi lòng thương
hại, hòng mưu chiếm đoạt trái tim các cô...
3/ Kẻ nịnh bợ : Là kẻ dùng lời nói để
khen ngợi, tâng bốc, hoặc bào chữa lỗi của
người nào đó, đang khi trong bụng hắn
nghĩ khác và khinh bỉ. Đó chỉ vì hắn muốn
lấy lòng nhằm trục lợi riêng tư...
*
Thái độ ta phải có :
Là
người Công giáo, con cái của vị Thiên Chúa chân
thật, ta phải chân thật trong lời nói và hành
động, rập theo sự hoàn toàn chân thật không
hề thay đổi của Thiên Chúa ! Chúa Giêsu dạy : “Anh em hãy nên hoàn thiện như
Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5.48) .
Mọi sự gian dối, giả bộ, nịnh hót...,
đều là bất chính, nghịch với Thiên Chúa, và
bất xứng với Ngài.
Thường
thường, khi ta gian dối đã quen, thành nếp, thành
tật, nên ta không còn lưu ý đến mấy nữa.
Đôi khi lương tâm có cắn rứt, ta lại nhủ
mình để trấn an : gian dối đôi chút có sao
đâu, không phải tội trọng... Thế là dần
dần, từ gian dối nhẹ đến nặng,
chuyện nhỏ đến chuyện lớn lúc nào không hay,
giật mình nghĩ lại thì đã muộn, ta lỡ đi
quá đà mất rồi, tội lỗi, gian ác chất
đống làm ta vừa sợ sệt, vừa nản lòng.
Tay đã trót nhúng chàm, thì cứ để nhúng luôn,
đến đâu hay đến đó...
Do
đó, bạn thấy chưa ? cái nguy hiểm nhất
của gian dối, thái độ không chính trực, là
dần dà người ta đi đến tin tưởng
rằng ở đời, giả hình, gian dối,
lường gạt là qui luật tranh đấu
để sống an ninh và sung sướng. Tâm hồn
họ sẽ đâm chai lỳ và mù quáng, cuối cùng, họ
đi đến chỗ từ chối Thiên Chúa và không
thể ăn năn trở lại, vì không chấp nhận
nổi các đòi hỏi đúng đắn và ngay thẳng
của Ngài. Chính vì thế, trong sách Khải Huyền, kẻ
không chính trực, kẻ gian dối bị xếp chung
với kẻ thờ tà thần, thờ ma lạy quỉ và
cùng bị một án trầm luân như họ :
“Thiên Chúa, Đấng ngự trên
ngai trời, phán rằng : Ai thắng sẽ thừa
hưởng sự sống và mọi của lành làm cơ
nghiệp. Còn lũ đớn hèn, bội tín, vô luân, sát nhân,
dâm dật, phù phép, thờ
quấy và gian dối hết thảy, thì
phần của chúng là vũng lửa sinh diêm (đời
đời)” (Kh 21.7-8).
Kh 22.15 sau đó còn nhấn mạnh hơn : “Đuổi hết ra ngoài (cõi trời
vĩnh phúc) phường chó má, phù phép, dâm bôn..., và mọi kẻ yêu chuộng cùng
làm điều gian dối”. Điều ấy
dễ hiểu : trong Vương quốc toàn thiện, toàn
chân, toàn mỹ của Thiên Chúa (là Nước Thiên đàng),
làm sao kẻ gian dối có thể lọt vào. Không có chỗ
cho kẻ ấy. Trong ánh sáng, không có chỗ cho tối
tăm.
Tích
truyện
Oát-sing-tơn
(Washington), sau này là tổng thống đầu tiên của
Hoa Kỳ, hồi nhỏ, một lần kia nhận
được quà sinh nhật là cái rìu con. Thích thú, cậu
cầm rìu, chạy ra vườn chặt cây nọ cây kia,
để thử chất sắc bén. Chẳng may, cậu
chặt cả cây anh đào nhỏ rất quí, mà cha cậu
hết sức quan tâm, chăm chút. Khi cha cậu khám phá cây
anh đào bị chặt, ông tìm xem ai đã làm việc
ấy. Dĩ nhiên, ông chẳng mất công mấy đã tìm
ra. Sợ hãi nhưng cậu còn kịp suy nghĩ :
- Chuyện này nguy to !
Nhưng nếu mình chối, sẽ phải nói dối, mà
mình nhất định không nói dối.
Và cậu
thú tội với cha :
- Cha ạ ! Con đã chặt cây anh
đào bằng cái rìu này !
Cha cậu
mừng vì thấy con có can đảm nhận lỗi,
đã tha cho cậu trận đòn và nói :
- Con đã thành thật,
mà thành thật thì quí hơn 1.000 cây anh đào !
+++***+++
|