BÀI
LỜI CHÚA 67
Gian dỐi vỚi Chúa Thánh ThẦn
Sau khi Chúa về trời, tín hữu trong Hội Thánh
sơ khai ở Giêrusalem rất yêu thương nhau, họ
góp chung của cải lại để các Tông đồ
phân phát cho những tín hữu túng thiếu : người có
nhà, có đất thì bán đi, nộp tiền vào quĩ chung
hoàn toàn tự động và tự nguyện, chẳng ai
bắt buộc. Giữa tình trạng tốt đẹp
như thế, mà có một trường hợp gian dối
xảy ra như sắp kể. Hèn chi Thánh Phêrô phải can
thiệp một cách cứng rắn dễ sợ, để
ngăn ngừa gương xấu về sau.
Trích sách
Công vụ Tông Đồ, ch.5
Nguyên
do là có hai vợ chồng tín hữu kia, tên là A-na-ny-a và
Sa-phy-ra, bán một thửa đất, song đã khấu
trừ giấu đi một phần giá tiền, rồi
đem số tiền còn lại góp vào guĩ các Tông
đồ, làm như thể đã nộp tất cả giá
tiền bán đất. Biết được sự man trá
của họ, Phêrô nói:
- Anh
A-na-ny-a, làm sao Satan đã xúi anh gian dối với Chúa Thánh
Thần, mà giấu đi một phần giá đất
như thế ? Đất đai là của anh, sau khi bán
đi, anh vẫn hoàn toàn là chủ và có quyền định
đoạt. Hà tất phải bày ra chuyện nói dối này.
Không phải anh đã nói dối với người ta
đâu, mà là với Thiên Chúa.
Vừa
nghe lời ấy, anh ta ngã lăn xuống đất và
tắt thở. Mọi người nghe tin đều phát
sợ kinh hồn. Vừa chôn cất y xong thì bà vợ
đến, không biết gì về chuyện xảy ra. Ông
Phêrô lên tiếng hỏi :
- Chị Sa-phy-ra, hãy nói cho ta hay
thửa đất anh chị đã bán giá ngằn này
phải không ?
Chị
ấy đáp :
- Vâng !
Phêrô
liền bảo :
- Tại sao anh chị lại thông
đồng với nhau mà thử thách Thánh Thần Chúa ? Này,
những người chôn chồng chị vừa về
đến cửa, họ sẽ đến khiêng cả
chị đi nữa !
Lập tức, bà ta ngã nhào xuống chân
ông và tắt thở. Và tráng niên đã đem bà đi chôn bên
cạnh chồng bà. Toàn thể Hội Thánh cùng mọi
người nghe biết các việc ấy đều kinh
hoàng.
* Đó là
Lời Chúa ! - Tạ ơn Chúa !
Suy
niệm Lời Chúa
Cái
tội của hai vợ chồng ấy không phải là cho
cộng đoàn ít, hay không cho tất cả số tiền
bán đất, song là ở chỗ gian dối. Họ
có quyền cho hay không cho, Thánh Phêrô đã nói rõ. Song họ
đã gian dối, cho một phần mà nói dối là cho
tất cả. Như thế là nói dối với Thánh
Thần, nghe theo ma quỉ xúi giục, nó vốn là cha
của sự dối trá, điêu ngoa. Giữa một
cộng đoàn đang một lòng một trí và yêu
thương nhau, họ là một vết nhơ đen
tối đến làm hư hỏng, đổ vỡ. Ta hãy
tưởng tượng một bức tranh quí giá và vô cùng
đẹp đẽ, mà bị lọ mực đổ lên
đó !...
Ở bài kỳ trước, có tích truyện “ngụ
ngôn về cái lưỡi”. Nhà ngụ ngôn trứ danh Hi
lạp, ông Ê-dốp, sống cách đây 2.500 năm, đã
dùng ngụ ngôn cái lưỡi để mô tả sự
tốt đẹp của miệng lưỡi khi biết
nói điều ngay thẳng và xây dựng ; và ngược
lại, sự xấu xa, phá hoại của miệng
lưỡi khi nói lời dối gian, lừa đảo...
1/ Kinh
Thánh cũng nói : “Cũng
bởi một miệng lưỡi mà phát ra lời chúc
dữ và lời chúc lành. Vậy hỡi anh em ! Để
xảy ra như thế là không được…” (Gc 3.7-11).
Đó,
Kinh Thánh vừa dạy : hỡi anh chị em,
để xảy ra như thế là không được !
Hai vợ chồng A-na-ny-a là Kitô hữu, miệng họ sáng
tối dâng lời chúc tụng, ngợi khen Chúa, thế
rồi lại đang tâm nói lời gian dối, xúc phạm
đến Chúa, lừa đảo cộng đoàn anh
chị em mình. Đến lượt chúng ta : để xảy
ra như thế cũng không được, tức là đừng
để miệng lưỡi chúng ta lúc thì đọc kinh,
ca hát, nói yêu Chúa và thương người, Rước Mình
Thánh Chúa…, thế rồi lúc thì cùng cái miệng đó, trong
cuộc sống giao dịch hàng ngày, lại dối cha, dối
mẹ, dối Chúa, lừa đảo đồng loại
mình vì những mối lợi ích
kỷ riêng mình.
Quả
thực, sống ngay thẳng, thật thà trong lời nói và
việc làm là điều vô cùng khó khăn, nhất là khi
sự thành thật gây cho ta phiền phức, xấu
hổ, thiệt hại hay đau đớn ! Tỉ dụ
: khi cha mẹ tức giận hỏi : “Đứa nào đã
lấy cắp tiền của tao ?” - hoặc trong lớp, khi
thày giáo hỏi : “Ai đã cóp bài thi ?” - hoặc ngoài
đường đụng xe : “Ai có lỗi?”...
Đúng
vậy, trong những trường hợp như trên và có
khi trong những chuyện gay cấn hơn, không phải là
dễ khi dám thành thật trong lời nói cũng như
việc làm, vì đời có câu rằng: “Thật thà là thua
thiệt”, đặc biệt trong thời đại này khi
chuyện gian dối, lừa đảo… lả chuyện
lan tràn, đã trở nên bình thường, hầu như ai
cũng làm và phải làm không thì khó sống nổi... Có anh
kia người Công giáo đã thú nhận với linh mục
đại ý rằng : “Con biết tẩm thuốc hóa
học cho thịt cá được tươi, bón phân hóa
học cho trái cây được to đẹp mắt v.v…
như thế là làm hại sức khỏe đồng bào,
nhưng cha nghĩ xem, ai cũng làm thế, nếu con không
làm thì hàng hóa con không bán được, ế ẩm lỗ
lã.. Xin hỏi cha con lấy gì mà nuôi vợ con ?” Phải là
tâm hồn có can đảm và nhất là đã luyện
tập thường xuyên mới dám thật thà ngay thẳng
dù phải trả giá rất đắt.
Người
luôn thẳng thắn, thật thà trong lời nói cũng
như trong việc làm là một người anh hùng
trước mặt Chúa cũng như trước mặt
người ta. Người anh hùng như thế,
trước mắt, ta thấy có Đức Giêsu :
trước những kẻ cầm gươm giáo, gậy
gộc đến bắt Ngài đem đi giết, Ngài
tự nhận : “Chính là Ta !” (Ga
18.4-5), đang khi Phêrô tông đồ cả, Chúa
đặt làm đầu Hội Thánh thì vì sợ bị
bắt, bị tù đã chối Thày đến ba lần : “Tôi không hề biết ông Giêsu !”
(Lc 22.57), thế mà trước đó mấy giờ ông
đã hăng hái quả quyết với Thầy : “Lạy Thầy, dầu có
phải vào tù hay phải chết làm một với Thầy đi
nữa, con vẫn sẵn sàng” (Lc 22.33).
Kinh
Thánh nói về Thiên Chúa : “Thiên
Chúa đâu phải là người để mà điêu ngoa,
gian dối” (Ds 23.19). “Lời của Yavê đều là
lời chính trực, và mọi việc Người làm
đều là trung tín. Người mến chuộng tín
nghĩa, công minh” (Tv 33,4).
Nếu Chúa và Thày của ta như vậy,
đương nhiên đồ đệ của Ngài cũng
phải mang dấu hiệu đặc thù là sự ngay
thẳng, thật thà. Do đó, Chúa Giêsu dạy : “Anh em phải… đơn thật như chim câu”
(Mt 10.16) - “Trong lời nói : (hễ) có thì nói “có”, không thì nói “không”, kỳ dư là do ác
thần mà ra cả” (Mt 5.37).
2/ Để có can
đảm sống ngay thật như Lời Chúa dạy, ta
hãy cùng nhau học hỏi về sự nói dối. Trước
tiên :
A/ Nói
dối là gì ?
Đáp : Là nói
điều gì không đúng sự thật. Như thế
đủ chưa? Thưa : chưa ! Ví dụ : Thày giáo
hỏi : chín lần chín là bao nhiêu? Một học sinh nhanh
nhảu đáp : 80 ! - Không đúng ! Đó là câu nói không
đúng sự thật - một câu nói sai - mà đâu có
phải là câu nói dối. Do đó, ta cần bình tĩnh khi
nghe ai nói sai, đừng vội dán lên trán họ nhãn
hiệu “quân gian dối”.
Phải có thêm một điều kiện nữa
mới thành nói dối: nói điều sai, dù ta biết là
không thật mà cứ nói. Phải có yếu tố : biết là không thật.
B/ Vì
lý do nào, người ta gian dối ?
a/ Vì sợ... : Sợ có nhièu loại : sợ
bị đòn bị phạt, bị chế nhạo, sợ
mất quyền lợi (ví dụ : không dám xưng mình là Công
giáo vì sợ mất công ăn việc làm, mất sở...),
sợ thiệt hại, hoặc vì muốn tránh né - hay
muốn được việc...
b/ Vì muốn giúp kẻ khác : Đây là thứ nói dối mà
nhiều người nghĩ lầm là không có tội. Ví
dụ : anh nói dối để tránh cho em khỏi bị
đòn ; nói dối giúp người khác khỏi bị tù…
Tội là ở chỗ nói sai sự thật, ý tốt
muốn giúp người khác không thể làm nó thành vô tội
được.
c/ Vì muốn đùa chơi : Nhiều người coi là không có
tội. Song coi chừng, vì từ đùa chơi,
người ta dễ thành nói dối thật. Chỉ không
phải là nói dối khi câu nói đùa chơi quá thô kệch,
đến nỗi ai ai cũng nhận thấy là một câu
nói đùa.
d/ Vì muốn hại người khác, hoặc bởi ghen tuông, ganh
tị, căm thù, hoặc vì thích thú làm khổ người
khác. Ví dụ : rỉ tai báo cáo sai lầm, mách nước
sai để kẻ khác bị hỏng việc, bị
thiệt hại, bị thua lỗ... Kẻ nói dối này,
nếu gây thiệt hại, thì ngoài phạm tội còn phải
bồi thường.
e/ Vì muốn khoe mình
: Nói thêm, nói bớt, phóng
đại cho người ta phục... Đây thường
là những kẻ muốn làm cho người ta thấy mình
tốt đẹp, sang quí, tài giỏi hơn sự
thực. Thường những lời nói quá ấy là nói
dối, vì cố ý không nói đúng như sự thực mà
trong bụng mình nghĩ.
C/ Tại sao nói dối là có tội ? Ta hãy suy
xét :
a/ Thánh Tôma tiến sĩ nói : “Nói
dối là thứ bạc giả thiêng liêng mà ai cũng chê
ghét”. Nói dối là phản nghịch lại với bản
chất của lời nói. Thánh tiến sĩ cắt
nghĩa : “Tự bản chất, nói dối là một
điều xấu, bởi vì lời nói là dấu hiệu hay
phương tiện chuyển đạt ý tưởng. Khi
dùng lời nói chuyển đạt một điều mà
lòng ta nghĩ khác, thì đó là điều nghịch lẽ
tự nhiên, do đó bất chính”.
b/ Kinh Thánh đưa lý do sâu xa
hơn : Thiên Chúa là Đấng Chân thật, nơi
Người không hề có chút gian dối và không bao giờ
lừa dối ai. Còn ma quỉ thì được gọi là “Cha của sự láo khoét, là
đồ điêu ngoa”, “Từ bản chất, nó là kẻ
gian dối” (Ga 8.44). Chẳng phải chính nó tự ban
đầu đã nói dối, phỉnh phờ ông bà nguyên
tổ, để cám dỗ họ sa ngã, mất ơn
nghĩa với Chúa, chết phần linh hồn ư ?
Vậy, chúng ta sẽ là con cái Thiên Chúa, khi đi đúng
sự chân thật, hay sẽ là con cái của ma quỉ, khi gian
dối điêu ngoa, tức là thông chia tính gian dối điêu
ngoa của nó : “Nơi điều này mà phân biệt
được con cái Thiên Chúa và con cái ma quỉ. Phàm ai không
làm theo sự công chính, thì không thuộc về Thiên Chúa….” (1
Ga 3.10)
Bởi
đó, giáo lý của
Hội Thánh Công giáo coi tất cả mọi hình
thức nói dối là bất chính, là tội, nặng nhẹ
tùy trường hợp, ngay cả nói dối chơi, hay nói
dối không làm hại ai, vì có nhiều người cho rằng không có tội.
c/ Bây giờ, xét đến hậu quả trong
xã hội : Nói
dối gây nguy hại rộng lớn : nó là bệnh ung thư phá
hủy xã hội loài người. Chẳng phải chính
bạn đã có lần bực mình nói : “Từ nay, tao không
còn tin ai nữa !”, vì thấy trong giao dịch xã hội,
người ta luôn dối trá, lường gạt bạn ?
Lời nói của người ta ngày nay mất giá rồi !
Cho nên, muốn người khác tin thì phải thề
thốt. Mà có kẻ cũng nuốt lời thề luôn nữa,
thế thì còn biết tin ai đây ? Nói dối đã làm
đổ vỡ liểng xiểng sự tín nhiệm
giữa người với người, ngay cả
giữa người Công giáo với nhau. Nhiều khi
buồn nản quá, ta thốt lên : “Tin đạo chứ
không tin người có đạo!”, vì vỗ ngực tự
xưng là người Công giáo mà cũng ăn gian nói dối
như kẻ vô đạo. Vậy giữa đại
dương đầy xảo trá, ta hãy là ốc đảo
của chân thật để làm chứng cho Chúa.
Kết thúc bài này, chúng ta ai ai cũng phải
đấm ngực thú nhận : Tôi đã phạm tội
nhiều trong điều này, và đã phạm ngay từ bé, tôi
đã không đi trong chân lý, trong sự thật như Chúa là
Đấng Chân thật, nơi Người không hề
gặp có gì gian dối, là tối tăm. Vậy, ta hãy dâng
giờ Đền tạ này để tạ tội
với Chúa.
Tích
truyện
Thằng
Phong mấy hôm nay thấy biếng ăn, lừ đừ,
ba má nó nhìn nhau lo lắng. Thế rồi đêm sau nó phát
sốt nóng lạnh, cả nhà lo sợ không biết nó
đau bệnh gì. Vội đem đi bác sĩ. Đến
nơi, thằng Phong thấy bác sĩ bảo nó thè
lưỡi ra cho ông coi : Lưỡi nó trắng. Sau đó,
bác sĩ cho nó liều thuốc xổ. Khi lành bệnh, Phong
nhớ lại, hỏi ba nó :
- Tại sao khám bệnh,
các cụ lang đông y thì bảo thò tay ra, rồi các cụ
cầm lấy tay bắt mạch, còn bác sĩ tây y lại
bảo thè lưỡi ?
Ba nó tức
cười vì nhận xét ấy, đã trả lời :
- À, bác sĩ bảo con thè
lưỡi là vì hễ nơi bao tử ta có bệnh, thì
khiến lưỡi nên trắng. Đời sống ta
cũng vậy, con ạ ! Hễ lòng ta có gì thì lưỡi
ta tỏ ra như thế !
Miệng ứa tràn ra những điều chấp
chứa trong lòng. Lòng người ta như cái bao tử,
nếu chứa đầy điêu ngoa, gian trá, chỉ
muốn được việc mình, hại việc
người, thì miệng lưỡi sẽ phun ra các
điều lươn lẹo, dối gian...
š ››
|