BÀI
LỜI CHÚA 62
PhẢi đỀn trẢ (Phần I)
Ông Nê-hê-mi có phận sự giúp dân Israen từ
đất lưu đầy trở về quê hương,
và tổ chức lại xã hội, cùng một lúc xây lại
Đền Thờ Giêrusalem và thành lũy thành thánh. Ông
gặp rất nhiều khó khăn. Sau đây là một trong
những khó khăn ấy. Ông đã giải quyết
thế nào ? Ta hãy nghe Lời Chúa sau đây :
Trích sách
Nêhêmi, ch.5
Sau
lưu đày, về lại quê hương, phải xây
dựng lại đền thờ và thành lũy Giêrusalem, dân
Israen phải tự tìm kế sinh sống rất chật
vật. Nhiều người phải đi vay nợ nơi
các kẻ cho vay nặng lãi vô nhân đạo, chỉ chờ
những lúc túng quẫn để làm giàu trên xương máu
đồng bào. Tiếng kêu than đã vang đến tai
Nê-hê-mi. Người thì than :
- Con trai, con gái chúng tôi, chúng tôi
phải bán đợ để có lúa ăn mà sống.
Kẻ
khác kêu :
- Chúng tôi phải cầm cố
ruộng đất hương hỏa, nhà cửa tổ
tiên, để có của ăn trong thời đói kém.
Lại
có kẻ khác nói :
- Chúng
tôi phải cầm thế vườn nho, ruộng dâu
để vay bạc nộp thuế..., phải bắt con
trai, con gái chúng tôi làm nô lệ, con gái chúng tôi có đứa bị
hiếp đáp mà chúng tôi đành chịu bó tay ; đang khi
đó, nhà cửa chúng tôi bây giờ thuộc về
người khác...
Khi
nghe các lời oán than ấy, ông Nê-hê-mi rất phẫn
uất, và ông đã triệu tập đại hội
quần chúng. Ông đứng lên nói mạnh mẽ:
- Phải chăng các ông đây có
những người đã không đi trong sự kính sợ
Thiên Chúa, làm cho dân ngoại có cớ nhục mạ
Người ? Phải chăng các ông đã muốn
nghiền nát anh em mình dưới ách nặng của các ông ?
Cử
tọa làm thinh, không nói được lời nào. Ông nói
tiếp :
- Cả tôi và anh em tôi cũng đã
cho dân chúng vay bạc và lúa, chúng tôi sẵn sàng xóa món nợ
đó. Vậy, phần các ông, ngay hôm nay, hãy hoàn lại cho
dân nghèo ruộng đất, vườn nho, vườn dâu
và nhà cửa của họ, và nếu họ đã vay lúa,
dầu hay tiền bạc, các ông cũng hãy tha món nợ
ấy cho họ.
Nghe
lời ông, họ đã đồng thanh nói :
- Chúng tôi xin hoàn trả mọi
sự, mọi vật và không đòi gì cả. Chúng tôi sẽ
làm theo lời ông vừa nói.
Ông
Nê-hê-mi liền cho gọi các tư tế đến và
bắt họ thề phải làm như lời hứa.
Đoạn ông rũ vạt áo mà nói :
- Thiên Chúa sẽ rũ như
thế này khỏi nhà của Ngài và các phúc lành của Ngài
những kẻ nào không giữ lời thề ! Và như
thế, nó sẽ bị rũ sạch và nên trống không !
Và
toàn thể đại hội thưa :
- Amen ! Đồng ý như vậy
!
Rồi người ta ngợi khen Thiên
Chúa ! Quả thật, những kẻ chủ nợ đã
làm theo lời hứa, và bình an đã ngự trị trong toàn
dân từ đó.
* Đó là
Lời Chúa ! - Tạ ơn Chúa !
Suy
niệm Lời Chúa
Nghe
tích truyện Kinh Thánh hôm nay, các anh chị em có thấy
vừa tức giận, vừa khâm phục không ? Tức
giận vì những người dân thánh của Chúa mà vì ham
tiền của, nỡ cho vay nặng lãi anh em mình, lợi
dụng lúc họ túng quẫn mà cầm cố nhà cửa,
ruộng đất của họ. Nhưng cũng phải
khâm phục là họ đã nghe lời răn đe của
Nê-hê-mi, và vì kính sợ Chúa mà hoàn trả mọi nợ
nần, cầm cố. Chuyện ấy không phải dễ
đâu ! Chúng ta có làm được như thế không ?
Bây giờ chúng ta bàn giải vấn đề
đức công bằng này từng điều một :
A) Để phòng ngừa
việc lấy của người ta, trước tiên Chúa cấm sự tham muốn trong
lòng của cải người khác : “Ngươi không được
tham muốn : nhà cửa, tôi trai, tớ gái, vợ con
đồng loại, bò lừa và bất cứ vật gì
của nó” (Xh, 20.17). Do đâu trộm cướp bắt
đầu ? Thưa : do lòng tham muốn. Và trộm
cướp còn do sự lười biếng : không làm
việc mà cứ muốn có ăn, có mặc. Do đó, Thánh
Phaolô dạy : “Người
trộm cắp, đừng trộm cắp nữa.
Phải hơn, hãy tự tay chịu khó làm việc” (Ep 4.28).
Nhưng tham muốn nghĩa là gì ? Đứng trước
cửa hàng trưng bày một chiếc Tivi đời
mới, một chiếc áo đẹp, một món đồ
tiện dụng…, ta ham thích, muốn có : Chúa có cấm
điều đó chăng ? Không ! Ước muốn và tìm một cách lương thiện
để có sự vật ấy, không có gì là tội
cả. Tội là ở chỗ mê muốn đến nỗi
tìm cách đoạt được vật ấy cách bất lương,
chẳng hạn bằng ăn cắp, lừa dối…
* Kinh Thánh còn dạy : “Không được lường
gạt người
đồng loại” (Lv 19.11). Cũng mang tội, kẻ
nào chào
hàng, quảng cáo lếu láo, phỉnh lừa để
che đậy những hư hỏng của hàng hóa mình.
Kẻ lường gạt không chỉ vi phạm
đến của cải, có khi đến cả sinh
mạng người khác, mà còn làm hư hỏng một cái
gì quí báu hơn : đó là sự tín nhiệm, tin cậy giữa
người với người.
Chúa cũng
dạy không
được cân thiếu, cân thừa : “Ngươi không được dùng hai quả cân một
nặng một nhẹ, , đấu lớn, đấu
nhỏ ; nhưng ngươi phải có quả cân và cái
đấu chính xác, công minh... Thật là đồ quái
gở đối với Thiên Chúa, những ai làm các
điều gian phi như thế” (Đnl 25.13-16). Trong
thời đại ta, còn phải kể đến tội gây
thiệt hại do việc làm cẩu thả, thiếu trách nhiệm,
hoặc lãng
phí thời giờ lao động cách vô căn
cứ, không có lý do..., gây tổn thất cho xí nghiệp, nhà
máy, chủ nhân hay khách hàng... Đặc biệt việc ăn
cắp của công mà nhiều người cho là không có
tội, lấy cớ vì chủ, cơ quan, hoặc Nhà
nước giàu có?
Đáp : Sự kiện người ta giàu
có, nhiều tiền, lắm của không là lý do cho phép ta
lấy của công ấy đâu. Người ta giàu có,
nhiều tiền, lắm của mặc người ta.
Họ sẽ phải tính sổ với Thiên Chúa về
việc họ có chia sẻ của cải, hoặc sử
dụng đúng đắn hay không. Phần ta, cái tội
nằm trong ta : đó là lòng tham, và hành động lén lút
lấy cắp những đồ vật không thuộc
quyền sở hữu của ta. Chỉ trừ một trường
hợp : người chủ kia xử bất công
với ta. Lúc ấy, việc trước tiên ta phải làm
là thương thuyết với chủ nhân, để
họ sửa lại bất công ấy. Nếu họ
cứ ngoan cố, không chịu sửa chữa, lúc ấy, luân lý cho phép người
làm công kín đáo lấy của chủ cái phần thiệt hại
mình phải chịu cách bất công. Luật luân lý gọi
trường hợp này là “đền bù kín đáo”.
* Cũng đáng bị
kết án như thế những việc làm đồ giả,
áo giả, mũ giả, rồi những sản phẩm kém
chất lượng,... Tội càng lớn, nếu những
cái giả ấy can hệ đến sinh mạng
người khác, chẳng hạn như thuốc tây giả,
thức ăn hư hỏng bơm thuốc cho đỏ
tươi như mới, trái cây tẩm hóa chất cho
tươi lâu và những điều khác giống vậy….
Mong nhà cầm quyền ra hình phạt rất nặng,
tối đa cho những kẻ dã tâm, lòng lang dạ thú
ấy, để người khác thấy đó mà sợ.
* Nhất là tội chiếm
đất đai, của cải của kẻ nghèo khó,
thấp cổ bé họng, hoặc lợi dụng hoàn
cảnh khó khăn, túng quẫn để trục lợi, đầu cơ,
như ta đọc trong bài Kinh Thánh trên đây, thì Chúa ban
bố những lệnh và luật nghiêm ngặt chống
lại : “Ở giữa dân Ta,
có bọn ác ôn : chúng rình như lũ đánh chim, chúng lom khom
đặt bẫy bắt người... Nhà chúng mưu gian
ứa đầy, bởi thế, chúng đã làm lớn, làm
giàu, đã nên béo mập nhễ nhãi...” (Yêrêmia 5.26-27) ; “Khốn cho những kẻ
đầu cơ nhà liền nhà, ruộng nối ruộng...
cho kỳ hết chỗ để
mình độc quyền cư trú trên toàn nội
địa...” (Ys 5.8) ; “Thiên
Chúa sẽ ra tòa phán xét … hàng kỳ mục, và vương
công trong dân Người : ‘Chính các ngươi đã ngốn
cả vườn nho ; chính trong nhà các ngươi, của
cải người nghèo khó đã mất trộm... Các
ngươi đã nghiền tán dân Ta, đã đạp vào
mặt lũ nghèo” (Ys 3.13-15). Hẳn chúng ta còn nhớ
vụ vườn nho của ông Nabốt, Vua muốn
chiếm, Na-bốt không chịu. Vợ vua bày kế
giết Na-bốt, Vua rảnh tay chiếm lấy vườn
nho : cuộc ám sát được che phủ bởi
những lý lẽ có vẻ hợp pháp, nhưng sao che
được mắt Thiên Chúa. Thiên Chúa đã phạt
đích đáng đến thế nào.
Thời nay, Thiên Chúa ít khi ra tay trừng phạt
trực tiếp như thế, cho nên có người
tưởng tội trộm cắp, làm hại của
người ta thì không hề gì, chỉ tội dâm dục
mới sa hỏa ngục… Kinh Thánh không nghĩ như
thế, đây mời nghe : “Anh
em chớ lầm tưởng mà nguy : vì tất cả
những kẻ dâm dật, thờ quấy..., ngoại
tình..., trộm cắp, tham
ô, nghiện ngập, chửi bới, cướp giựt : các
kẻ ấy đều bị loại khỏi Nước
Thiên Chúa” (thư 1Cor 6.9-10).
B) Đền trả : Đã làm thiệt hại của
ai, lấy của ai, không những phải xin Chúa tha
tội, mà còn phải hoàn trả, hoặc bồi
thường... Không đền trả, tội không
được tha. Lý do : của người ta, ta phải
hoàn lại cho chủ nó. Quyền tư hữu đòi
hỏi như vậy. Vì của cải nào có chủ
nấy. Châu về hợp phố ! Làm thiệt hại thì
phải bồi thường ! Chiếm hữu bất
hợp pháp thì phải trả lại. Có nhiều
người cứ tưởng lấy của
người, làm hại của người, rồi đi
xưng tội là xong. Đâu có đơn giản thế !
Ấy vì vấn đề điều răn thứ 7 đòi
phải bồi hoàn nhiều khi rất rắc rối, phức
tạp, nên khuyên anh chị em chớ phạm điều
răn này.
Muốn thi hành trọn luật
điều răn thứ bẩy vừa nói đó, thì việc trước tiên là
phải có lòng ăn năn
thống hối xin Chúa tha tội: vì đã có lòng
tham lam mà xúc phạm đến Thiên Chúa và vi phạm
đến anh em, làm buồn khổ cho họ. Không có lòng sám
hối này, việc đền trả kia không đạt
hết ý nghĩa, và dễ sa ngã lại, cứ đi
xưng tội mà không bao giờ chừa. Vì như
người xưa có câu : “Thiện căn ở tại lòng
ta”. Sám hối là tu bổ lại cái lòng ta, cho không còn tham
nữa, cho nó trở về sự thiện. Rồi sau đó, việc
đền trả, hoặc bồi thường bên ngoài
sẽ thể hiện cái ăn năn bên trong : vì
đền trả, bồi thường là một việc
đau đớn, cực nhọc cho ta. Vậy, khi ta
cố gắng đền trả, làm cho sự bất công,
sự vi phạm quyền lợi và của cải của
anh em ta được đền bồi xứng đáng,
thì ta bộc lộ sự xác thực của việc ăn
năn, sám hối bên trong. Do đó, kẻ nào, khi đền
trả mà cầm lấy đồ vật ấy thảy
vào mặt người kia mà nói : “Đây tao trả, tao không
thèm !”, thì người đó mới chỉ làm một
việc đền bồi bề ngoài, mà bên trong không có lòng
sám hối tội lấy của người, hắn
trả lại vì hắn thấy ăn không được,
nuối không trôi ! Trước tòa án Chúa, hắn chưa
sạch tội lấy cắp của đồng loại.
Chúng ta tạm ngưng việc
bồi hoàn đền trả ở đây, kỳ sau sẽ
bàn tiếp.
Tích truyện
Các phương
tiện truyền thông
đăng tin cậu sinh viên Công giáo LÊ DOÃN Ý, tuy nghèo, bố
mẹ hiện đi làm thuê, và chính bản thân cậu
cũng phải làm thêm để kiếm tiền trang
trải việc học, vậy mà khi bất ngờ
nhặt được một tài sản lớn gồm
15,5 triệu đồng tiền mặt, điện
thoại iPhone 5s, giấy tờ xe máy SH và hai sổ tiết
kiệm trị giá 1,3 tỷ đồng, đã quyết
định trả lại tài sản cho người bị
mất một cách vô điều kiện, và còn không nhận
hậu tạ của người chủ của.
Phóng viên Quảng Sơn, người
viết bài tường thuật này (Tuần báo Công giáo &
Dân tộc, số 2002, tháng 4-2015) đi tìm nguyên nhân, thì
được biết Doãn Ý được sinh ra trong
một môi trường giáo dục tốt, cha mẹ
cậu luôn dạy dỗ những đứa con mình
sống “nghèo cho sạch, rách cho thơm”, và quan trọng
không kém là môi trường Kitô giáo. Lê Doãn Ý quyết
định trả lại tất cả tài sản nhặt
được sau một Thánh Lễ Chúa Nhật.
Dường như Thánh lễ đã có một ảnh
hưởng rất lớn trên quyết định của
Ý. Trong một xã hội mà nền kinh tế thị
trường là chủ quản, khi đồng tiền đang
chi phối mọi mặt đời sống và mọi hành
động con người, thì những trường
hợp như Doãn Ý càng ngày càng thưa thớt dần. Chính
vì thế, nhìn vào bình luận của độc giả sau
những bài báo viết về cậu, có thể thấy
sự khâm phục càng tăng, đến mức có lúc
người ta coi Doãn Ý như một thần tượng,
hình mẫu của sự chân thật còn sót lại hiếm
hoi trong xã hội.
Trả
lại số tài sản lớn ấy, điều nhận
lại được của Doãn Ý không phải là sự
“hậu tạ” của chủ của, nhưng phải
chăng là sự tôn trọng của xã hội, niềm
tự hào của người Công giáo, niềm vui từ
thành quả giáo dục của gia đình ? Điều
bất ngờ khác là những suất học bổng
của các tổ chức xã hội đã giành cho cậu sinh
viên nghèo… Có người nói vui : đó là món quà xứng
đáng Thiên Chúa tặng cho Doãn Ý một cách “nhãn tiền” !
ªªª
|