MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Skip Navigation Links.
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tài Liệu Về Đức Mẹ</span>Tài Liệu Về Đức Mẹ
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đức Mẹ Việt Nam</span>Đức Mẹ Việt Nam
Lòng Thương Xót Chúa
Mục Bác Ái / Xin Giúp Đỡ Vn
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tiểu Mục</span>Tiểu Mục
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đề Mục Chính</span>Đề Mục Chính
Gallery
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tác Giả Và Tác Phẩm</span>Tác Giả Và Tác Phẩm
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: thiên chúa :: thánh thể
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Bài Lời Chúa 59: Xiêu Lạc Trong Vật Chất
Thứ Hai, Ngày 4 tháng 4-2016
BÀI LỜI CHÚA 59

Xiêu lẠc trong vẬt chẤt

Trích lược Tin Mừng Thánh Luca 19.1-10

Ở thành Yê-ri-kô, có ông Da-kêu, làm ty trưởng quan thuế, nhờ đó ông trở nên người giàu có, nhưng bị dân chúng rất chê ghét. Ông từ lâu những mong được biết mặt Đức Giêsu, vị tiên tri hay làm nhiều phép lạ và dân chúng đồn đại về Ngài rất nhiều. Hôm ấy, trên đường đi lên Giêrusalem, Đức Giêsu sẽ đi qua thành Yê-ri-kô. Dân chúng kéo ra xem chật ních hai bên đường. Ông Da-kêu tìm hết cách để được thấy Ngài, nhưng không được, vì vóc dáng ông thấp bé. Bí thế, ông chạy đến một cây sung bên vệ đường, và trèo lên ngồi chờ, chắc chắn Đức Giêsu phải đi qua đó. Ẩn mình trong đám lá um tùm, ông sung sướng nhìn ngắm nét mặt Ngài, trên đó tỏa chiếu một vẻ đạo đức phi phàm... Trái tim ông đập rộn ràng, như bị cuốn hút bởi nhân vật mà ông thấy không phải từ trái đất ô trọc này mà xuất ra....

Và đột nhiên Đức Giêsu ngước mắt lên nhìn và gọi tên ông:

-    Da-kêu ! Hãy xuống mau ! Hôm nay, Ta phải lưu lại nhà ông.

Da-kêu hơi hổ thẹn, vì thấy có nhiều người cùng ngước mắt lên nhìn - chẳng gì thì ông cũng đường đường là một viên trưởng ty giàu có và quyền thế nhất nhì trong vùng. Dầu vậy, ông cũng rất sung sướng, mau mắn tụt xuống khỏi cây sung, đưa Chúa về nhà, hết lòng đón tiếp. Mọi người kinh ngạc và lẩm bẩm kêu trách Chúa:

-    Ông ấy vào ngụ nhờ nhà một kẻ tội lỗi bất lương như thế ư?

Nhưng họ có biết đâu, trong sâu kín của hồn ông, ông đã được biến đổi vì gặp gỡ Chúa và vì thấy tấm lòng nhân từ của Chúa. Ông ra trước mặt Ngài và nói với Ngài trước đám đông :

-    Thưa Ngài, nửa phần của cải tôi, tôi xin đem cho các người nghèo. Và nếu tôi đã làm thiệt ai phần nào, tôi xin đền họ gấp bốn !

Đức Giêsu nhìn ông trìu mến và nói :

-    Da-kêu ! Hôm nay, ơn cứu rỗi đã đến cho nhà này !

Rồi Ngài cố ý nói cho đám đông nghe :

-    Cả ông này nữa cũng xứng đáng là con cái của A-bra-ham. Thế đó, Con Người đã đến trên thế gian này để đi tìm và cứu những gì đã hư mất !

*   Đó là Lời Chúa ! - Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa !

Suy niệm Lời Chúa

Không biết từ cây sung về nhà, ông Da-kêu có được Chúa nói gì không, mà bỗng nhiên, qua cuộc gặp gỡ ấy với Chúa, bàn tay ông đang nắm lại, khư khư giữ của, đã mở ra chia sẻ cho người nghèo đến cả nửa gia tài ; bàn tay đang vơ vét, tước đoạt của đồng bào, nay xòe ra đền trả gấp bốn những ai ông đã làm thiệt hại.

Chúng ta cũng vậy, mỗi người cũng đang nắm tay khư khư giữ lấy của cải, chẳng muốn chia sẻ cho ai, giúp đỡ ai, bố thí cho ai... Chỉ khi nào ta được gặp Chúa Giêsu thật, thì qua cuộc gặp gỡ ấy, Ngài sẽ ban ơn mở lòng cho ta biết mến Chúa và thương người đến mức không còn tiếc xót của cải mấy nữa, trái lại đem ra chia sẻ, và nếu đã làm thiệt hại ai, thì đền trả họ.

Thế là Da-kêu được nghe Chúa chúc phúc : “Hôm nay, ơn cứu rỗi đã đến cho nhà này !”. Nhà này là nhà Da-kêu, một tên tội lỗi bị dân chê ghét, căm thù vì làm quan thuế, hà hiếp, xách nhiễu và đầy gian tham, bất công. Thế mà, hôm nay được gặp Chúa, đón tiếp Chúa, thì ơn cứu rỗi, ơn tha thứ đã đến cho nhà ông. Bằng chứng bên ngoài bộc lộ ơn cứu rỗi ấy là việc đại độ phi thường của ông. Bây giờ, ta vỡ lẽ ra rằng: được ơn cứu rỗi vô cùng quí giá, người ta coi của cải chẳng đáng giá bao lăm nữa. Chắc chúng ta cũng đã được nghe thuật lại những người đã được ơn nên bỏ công, bỏ của ra làm những việc từ thiện…Còn gia đình ta đã được ơn cứu rỗi như thế chưa ? Cứ dấu này thì biết ơn cứu rỗi đã đến cho nhà mình : nếu ta không còn ham hố tiền của, nợ nần ai, bao nhiêu ta thanh toán sòng phẳng, lại mở rộng lòng thương yêu chia sẻ, san bớt cho người nghèo…, dấn thân làm việc từ thiện dù trong phạm vi nhỏ bé.

Buồn thay ! Ngày nay, trong nhiều gia đình, cũng như nói chung tất cả thế giới quanh ta đều ngự trị tinh thần duy vật sâu đậm, hầu như tất cả đều xiêu lạc trong vật chất ! Đức (thánh) Giáo Trưởng Gioan Phaolô II, trong Thông điệp “Quan tâm về vấn đề xã hội”, (số 28). có nêu rõ : Nhiều của không đưa tới hạnh phúc. Đây lời ngài : “Một cách cụ thể, ngày nay người ta hiểu rõ hơn rằng : duy việc chồng chất nhiều của cải và phương tiện... không đủ để thực hiện hạnh phúc cho loài người. Cũng vậy, vô số lợi ích thiết thực, do khoa học và kỹ thuật mang lại... cũng không đem đến cho con người một sự giải phóng khỏi mọi hình thức nô lệ”. Lấy ví dụ những công nhân làm công đoạn trong xưởng máy dây chuyền sản xuất, máy tự động cứ đưa đến tầm tay là người thợ phải làm một việc nhất định, và cứ làm hoài suốt ngày có một cử chỉ đó hàng vạn lần... Thật là một công việc vô cùng nhàm chán. Thêm vào đó, nếu tốc độ càng nhanh, cử chỉ họ làm càng phải mau lẹ, mỏi tay rã rời cũng phải chịu, cứ phải làm, vì giàn máy sản xuất giây chuyền cứ đưa sản phẩm đến..., không làm thì công đoạn sau, người ta lấy gì mà làm. Có một người bạn trẻ VN di tản sang ở bên Ý viết thư về nói : Chị làm ở xưởng đóng hộp thịt gà. Giàn máy tự động đưa con gà đến nơi chị, chị phải mổ lấy ruột ra, và cứ thế với tốc độ 6.000 con một ngày. Chị làm chưa quen, nên cứ ngất xỉu vì chóng mặt, mỏi rời chân tay. Đó, máy móc, tiện nghi kỹ thuật giải phóng con người hay biến họ trở thành nô lệ ?

Đức Giáo Trưởng còn báo động về cái thói xấu  của thời nay : do kỹ thuật tân tiến, mỗi năm lại càng tân kỳ, mới mẻ : vừa mua năm ngoái cái máy mô đen này nọ, năm nay lại có cái tinh vi hơn, tự động hơn, tiện lợi và nhanh chóng hơn v.v… Cái hại ở chuyện này là gì ? Ngài nói : “Đó là cái thói mù quáng lệ thuộc vào sự tiêu thụ..., do làn sóng quảng cáo và sự mời mọc liên lỉ quyến rũ của đồ hàng tiêu thụ, khiến người (không có của, thì lao đầu vào làm việc tối tăm mặt mũi để có của mà may sắm), còn người có của, thì càng thêm khao khát, đang khi những khao khát sâu thẳm nhất của tâm hồn lại không được thỏa mãn”, trái lại bị vật chất bóp nghẹt : đó là vật chất bóp nghẹt tâm linh, cỏ lùng bóp nghẹt lúa tốt, bả vinh hoa phú quí, ăn chơi, tiêu xài bóp nghẹt Lời Chúa và đức tin trong linh hồn..., loài người không còn thực hiện ơn thiên triệu siêu nhiên của mình là hướng về Thiên Chúa và tìm hạnh phúc nơi Chúa nữa.

Đúng ra, con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, có hồn lại vừa có xác, cho nên họ được sử dụng vật chất, nhưng cách thế nào để đạt tới sự sống bất tử của linh hồn, thì mới đúng với ơn thiên triệu của họ. Đi trệch lối ấy, lạc hướng, chìm nghỉm trong hưởng thụ vật chất là đi ngược với ý Chúa.

Lo cho phần mình sống theo đường lối Chúa, cha mẹ, phụ huynh cũng phải lo cho con em mình sống như vậy. Thành ra bảo cha mẹ, phụ huynh lo dạy dỗ cho con em mình, thực ra cũng là gián tiếp muốn giúp người lớn tiếp thu bài học, bởi vì dạy dỗ người khác đó là cách tốt nhất để dạy điều đó cho chính mình.  

Trở lại vấn đề “xiêu lạc trong vật chất”, chúng ta cha mẹ phụ huynh hãy dạy cho con em chúng ta ngay từ nhỏ biết đại độ, không ham vật chất, biết san sẻ cơm áo cũng như tình thương cho người thiếu thốn. Trong việc này, gương sáng và lời nói của phụ huynh có một hiệu quả quyết định. Con cái sẽ học ở nơi họ cách biết sử dụng tốt của cải.

Coi chừng những hành động sai trái cha mẹ làm mà không dè, lại rất tai hại cho tâm hồn chúng, chẳng hạn : do lòng thương con quá đáng và thiếu sáng suốt, họ đặt vào tay con cái quá sớm món tiền túi khá lớn, kích thích con cái tiêu xài thỏa thích, để không thua chúng bạn điều gì. Cứ đà ấy, lớn lên, hễ thiếu gì một chút, chúng sẽ không thể chịu nổi, phải tìm cách xoay sở với bất cứ giá nào để có tiền xài... Quen nết mất rồi ! - Hoặc do nông nổi, thiếu suy nghĩ, cha mẹ mua sắm cho chúng những quần áo đắt tiền để chưng diện, để nổi bật, mua cho chúng những đồ chơi đắt giá hầu khỏi thua kém con nhà hàng xóm... Nhiều gia đình ngày nay, vào dịp Giáng sinh hay sinh nhật con cái, dịp Rước lễ lần đầu... đã tổ chức ăn lớn, tiệc tùng tiêu phí, nhằm thỏa mãn tính khoe khoang, tiêm nhiễm vào đầu óc chúng thói kiêu hãnh vì của cải...

Rồi, một chút gì chúng làm tốt, một việc phục vụ nhỏ, đáng lẽ phải cho chúng hiểu đó là việc đương nhiên phải làm nơi một người con cái Chúa, thì lại cứ mỗi chút mỗi thưởng tiền, thưởng quà... Vô tình phụ huynh gây cho chúng một thói quen vụ lợi, không còn có tâm hồn biết phục vụ dưng không, không biết dâng cho Chúa vài việc làm chỉ vì mến Chúa chứ không vì lợi lộc.

Nói tóm, thái độ và hành động thiếu suy nghĩ, chạy theo thói đời như trên của phụ huynh, đã gieo vào lòng con em những mầm giống cỏ lùng xấu xa... của lòng ham hố, tham tiền, cần tiền, thích tiêu xài, khoe của... Thảo nào, chúng lớn lên thành những người ích kỷ, chỉ biết có tiền, chỉ sống vì tiền, chạy theo vật chất, như ngày nay ta thấy trong rất nhiều gia đình mang danh Kitô giáo !

Trong gia đình đã vậy, xã hội bên ngoài còn treo lên bao gương xấu, bày ra nhiều trò thúc giục kích thích trẻ em chạy theo vật chất : nào trò chơi “ghêm” (games), nào cờ bạc, bàu cua, tôm cá, xì lát, bài cào..., các đồ chơi ngày càng tân tiến mới lạ, các hàng kẹo bánh kem đủ thứ..., toàn là để moi tiền túi của lũ nhỏ... Nói tóm, tâm hồn non nớt của trẻ em bị thu hút và chằm chằm dán mắt vào đồ vật, vào việc làm sao có nhiều tiền, vào sự thỏa mãn nhu cầu vật chất, vào sự thụ hưởng... Thế là, ngay từ non trẻ, chúng không còn thấy tình yêu, tình thương, không được dạy niềm vui chia sẻ, sự cao quí của hãm mình, hi sinh vì Chúa, vì anh em đồng loại... là những giá trị cao quí, và làm giàu thật sự cho một con người.

Các bậc phụ huynh, cha mẹ, đừng tưởng con cái chúng ta chỉ có lòng ích kỷ. Không ! Con cái chúng ta, ngoài tính bản thiện và lòng trắc ẩn sẵn có nơi con người, còn là con cái Chúa, có mầm sự sống Thiên Chúa là ơn thánh sủng trong hồn, chúng có khả năng đại độ và yêu thương rất lạ lùng, nhiều khi làm ta kinh ngạc... Chẳng cần kể ra đây các chứng tích làm gì... Ăn thua là bậc phụ huynh có biết khơi dậy, có biết hướng dẫn và tập tành cho chúng không ? Đừng đợi chúng lớn mới dạy dỗ, sẽ quá muộn : “Bé không vin, cả gẫy cành”, như tục ngữ đã nói.

Xin kết luận bài học hôm nay bằng một lời dạy của Kinh Thánh:

“Đạo đức quả là lợi lớn, miễn là ta biết đành phận. Vì vào trần gian, ta chẳng đem gì, thì ta cũng chẳng thể đem gì đi ra. Một khi có ăn, có mặc, ta hãy bằng lòng ! Còn những kẻ muốn làm giàu, thì sa vào cám dỗ với bao cạm bẫy và lắm đam mê ngông cuồng tai hại, mà sẽ bị trầm luân, diệt vong, hư khốn ! Vì tham tiền là cội rễ mọi sự dữ. Cầu thỏa lòng tham thì có kẻ đã lạc xa đức tin và bị bao nỗi đớn đau dằn vặt, xâu xé. Còn người của Thiên Chúa hãy xa lánh các điều ấy.” (1Tm 6.6-10)

Tích truyện

Một em bé nọ, học giáo lý, nghe dạy phải biết ơn Chúa và đền ơn ấy bằng việc làm cụ thể. Em nghĩ ra một cách, liền đến hỏi Sơ giáo lý viên :

-   Thưa Sơ, em muốn tỏ lòng biết ơn Chúa bằng cách may cho Chúa một cái áo. Vậy thưa Sơ, Sơ nghĩ phải mất bao nhiêu thước vải?

Sơ nghĩ một lát rồi đáp :

-   Mua ba thước vải.

-   Thưa Sơ, Kinh Thánh chép rằng : Cả trời đất không chứa nổi Chúa, thì sao có thể may một cái áo cho Người chỉ bằng ba thước vải?

-   Không phải thế, con ạ ! Con hãy lấy ba thước vải may chiếc áo cho người bên cạnh nhà con đang thiếu áo mặc, ấy là con may áo cho Chúa. Vì có lời Chúa Giêsu dạy : “Khi xưa Ta mình trần, con đã cho Ta áo mặc. Bỡi hễ các con đã làm việc đó cho một người nhỏ hèn, nghèo khó nhất là đã làm cho chính mình Ta”.

 

 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Bài 60: Tiến Trình Của Việc Biến Đổi Ấy. (4/5/2016)
Bài 59: Tiếp Nhận Chúa Kitô Trong Phép Thánh Thể Thì Ta Được Sự Gì ? (4/5/2016)
Bài 58: Hiệu Quả Thứ Nhất : Ai Ăn Thịt Uống Máu Chúa Sẽ Được Có Sự Sống Nơi Mình (phan 2) (4/5/2016)
Bài 57: Hiệu Quả Thứ Nhất : Ai Ăn Thịt Uống Máu Chúa Sẽ Được Có Sự Sống Nơi Mình (c.53) (4/5/2016)
Bài 56 : Thần Lương Kỳ Diệu (4/5/2016)
Tin/Bài cùng ngày
Bài Lời Chúa 60: Biết Cho Đi... (4/4/2016)
Bài Lời Chúa 58: Ham Hố, Tham Lam (4/4/2016)
Bài Lời Chúa 57: Sử Dụng Của Cải (4/4/2016)
Bài Lời Chúa 56 : Quyền Sở Hữu (4/4/2016)
Bài 55: Tham Dự Thánh Lễ Trong Niềm Hân Hoan, Hạnh Phúc (4/4/2016)
Tin/Bài khác
Chầu Thánh Thể Tối Thứ Năm Tuần Thánh - 2016 (3/21/2016)
Bài#50: Thực Tập (phan#4) (3/1/2016)
Bài#49: Thực Tập (phan#3) (3/1/2016)
Bài#48: Thực Tập (phan#2) (3/1/2016)
Bài#47: Thực Tập (3/1/2016)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768