Suy Niệm CHÚA NHẬT LỄ LÁ NĂM C, Lm Anthony Trung Thành
Cuộc thương khó của Đức Giêsu Kitô do bốn tác giả Tin mừng tường thuật lại. Ngày thứ Sáu tuần thánh, Giáo hội cho chúng ta đọc Tin mừng của Thánh Gioan. Chúa nhật lễ lá, đọc Tin mừng Nhất Lãm theo chu kỳ A,B,C. Chúng ta vừa nghe bài thương khó của Thánh Luca. Mỗi lần nghe lại bài thương khó, chúng ta cảm nghiệm được tình yêu vô bờ bến của Đức Giêsu Kitô, đồng thời chúng ta thấy ẩn hiện thái độ của chúng ta nơi những nhân vật mà các thánh ký kể lại.
Thật vậy, mục đích xuống thế làm người của Đức Giêsu Kitô là để cứu độ thế gian. Trong Kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng: “Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế”. Đọc Tin mừng chúng ta thấy, Chúa Giêsu luôn biết trước mọi biến cố xảy ra trong cuộc đời của Ngài. Chính Ngài đã nói với hai môn đệ chuẩn bị những gì sắp diễn ra như Tin mừng Thánh Luca vừa kể lại(x. Lc 19, 28-40). Ít nhất, ba lần Ngài báo trước về cuộc khổ nạn của mình: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều”. Nhưng Ngài tự nguyện bước vào cuộc khổ nạn ấy, chính là để làm trọn thánh ý Chúa Cha: "Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha"(Lc 22, 42). Mặc dầu bị nộp, bị đánh đạp, bị tra tấn, nhưng suốt hành trình cuộc khổ nạn, chúng ta vẫn thấy Ngài xử lý những biến cố xảy ra xung quanh Ngài một cách hết sức bình thản. Biết Giuđa phản bội, Ngài nhắc khéo rằng:“Kẻ nộp Ta đang ở gần Ta, ngay trên bàn này”(Lc 22,21). Khi Giuđa dẫn một toán quân đến bắt Ngài, Ngài nói: "Giu-đa ơi, anh dùng cái hôn mà nộp Con Người sao?”(Lc 22,48). Ngài nhắc cho Phêrô : "Simon, Simon, này ma quỷ đã đòi sàng các con như sàng gạo, nhưng Ta đã cầu nguyện để con khỏi mất đức tin. Và phần con, khi đã trở lại, con hãy làm cho anh em con vững tin"(Lc 22,31-32). Ngài còn báo trước cho Phêrô biết, ông sẽ chối Thầy(x. Lc 22,34). Đúng như lời tiên báo, Phêrô đã chối Thầy ba lần trước một cô gái, nhưng Ngài vẫn nhìn Phêrô với ánh mắt yêu thương, thông cảm và tha thứ. Khi thấy các môn đệ ngủ mê, Ngài nhắc nhở họ:“Hãy dậy và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ”(Lc 22,40). Ngài vẫn bình tĩnh chữa cho tên đầy tớ bị Phêrô chém đứt tai (x. Lc 22,51). Trên đường đi lên núi Sọ, vai vác thập giá, thân thể nát tan, mình lấm đầy máu do bị đánh đập nhiều, nhưng Ngài vẫn dừng lại để yên ủi các phụ nữ Giêruzalem. Trên núi Sọ, trước khi trút hơi thở cuối cùng, Ngài đã tha thứ cho kẻ trộm lành, đồng thời xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ làm hại mình (x. Lc 23,34). Tất cả những lời nói, cử chỉ và hành động của Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn cho chúng ta thấy thái độ của một vị Thiên Chúa đầy tình yêu thương nhân loại.
Đức Giêsu yêu thương nhân loại hết mức. Nhưng qua mọi thời đại, nơi con người vẫn còn đó những thái độ từ chối lòng tốt của Người, giống như thái độ của đa số các nhân vật trong bài thương khó mà các thánh ký kể lại. Đó cũng là thái độ của mỗi chúng ta hôm nay.
Thật vậy, các môn đệ là những người được Chúa Giêsu yêu thương gọi, chọn, huấn luyện để tiếp tục sứ mạng của Ngài. Nhưng trước cuộc khổ nạn, không còn có vị nào giữ trọn sự trung thành với Thầy mình. Giuđa đã phản bội, bán thầy với giá ba mươi đồng bạc. Khi dẫn một toán quân đến bắt Thầy, để che đậy tội ác của mình, ông đã dã tâm ôm hôn Thầy. Còn Phêrô, vị tông đồ trưởng, nhanh nhẹn, hoạt bát, luôn đại diện cho nhóm Mười Hai để trả lời các câu hỏi mà Thầy đưa ra. Ông đã thề thốt:“Sẵn sàng theo Thầy, dù vào tù hay đi chịu chết”(Lc 22,33). Thế mà, khi Thầy bị quân lính bắt, ông chỉ đứng xa xa nhìn Thầy. Chỉ một cô gái hỏi về mối liên quan giữa ông với Thầy Giêsu, Phêrô đã chối phăng là “Tôi không biết người ấy là ai”, không những một lần mà là ba lần (x. Lc 22, 54-62). Khi Thầy bị bắt, hầu hết các môn đệ khác đều chạy trốn. Dưới chân thập giá, chỉ còn lại Thánh Gioan và Mẹ Người.
Ngày hôm nay, khi đọc lại bài thương khó, nhiều người vẫn trách các môn đệ, đám đông, Philatô, Hêrôđê…Nhưng nếu xét mình lại, chúng ta vẫn thấy mình nơi Giuđa, khi chúng ta đặt tiền bạc, quyền lợi bản thân lên trên Chúa. Chúng ta thấy mình nơi Phêrô, khi chúng ta chỉ theo Chúa, gắn bó với Chúa lúc vui, lúc bình yên. Nhưng, chúng ta lại đứng xa xa, thậm chí bỏ Chúa, chối Chúa khi gặp thử thách gian nan.
Chúng ta thấy mình nơi thái độ của đám đông, khi chúng ta sống theo chủ nghĩa cơ hội. Thấy Chúa làm phép lạ hoá bánh ra nhiều, thì tôn Chúa lên làm vua. Thấy Chúa cỡi trên lưng lừa tiến vào thành Giêrusalem uy nghi, thì cỡi áo, bẻ lá trải lót đường để Chúa đi. Và lớn tiếng rằng : “Hoan hô con vua Đavít”, “Vạn tuế Đấng nhân danh Chúa mà đến”(x. Lc 18,38). Nhưng khi Chúa bị điệu đến trước Philatô thì sẵn sàng đồng thanh hô lớn tiếng tha cho Baraba và giết Đức Giêsu: “Đóng đinh nó đi, đóng đinh nó vào thập giá”(Lc 23, 21).
Chúng ta thấy mình nơi thái độ của Philatô, khi chúng ta sợ mất chức quyền danh vọng, nên bỏ mặc cho người vô tội phải chết. Chúng ta thấy mình nơi Hêrôđê, khi chúng ta thất vọng vì không gặp được một Đức Kitô theo ý mình.
Xin cho chúng ta có được tấm lòng thống hối của Phêrô và của người trộm lành. Xin cho chúng ta biết chịu mọi sự khó bằng lòng như ông Simon vác thánh giá đỡ Đức Giêsu. Xin cho chúng ta có tấm lòng bình thản như Chúa Giêsu để vâng theo thánh ý Chúa Cha, chấp nhận mọi biến cố xảy ra trong cuộc đời một cách vui vẻ.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chấp nhận bước vào cuộc khổ nạn để cứu độ nhân loại chúng con. Xin cho mỗi chúng con luôn biết noi gương Chúa, đón nhận đau khổ trong cuộc đời để cứu độ chúng con và làm sáng danh Chúa. Amen.
Lm Anthony Trung Thành
|