Đừng
tưởng Đức Giêsu, là Con Thiên Chúa, thì chịu
đau khổ và chết coi như không “nhẹ như lông
hồng”. Đau khổ và chết – và nhất là cái chết
đau đớn khủng khiếp bởi khổ hình
đóng đinh thập tự giá – ai mà chẳng sợ !
Đức Giêsu cũng là người thật, theo lẽ
tự nhiên Người cũng sợ, cũng muốn
trốn tránh, cho nên :
“Khi còn
sống kiếp phàm nhân, Đức Giê-su đã lớn
tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin
lên Đấng có quyền năng cứu Người
khỏi chết….”
“Lạy Cha, nếu có thể
được, xin cho con khỏi phải uống chén
này…”(Mt 26.39)
Nhưng không thể
được.
“(Chỉ
vì) Thiên Chúa muốn đưa muôn vàn con cái (là loài
người khốn nạn chúng ta) đến vinh quang (trên
trời), nên Người đã làm một việc thích
đáng, là (truyền) cho Đấng khơi nguồn ơn
cứu độ cho họ (tức Đức Giê-su)
trải qua nhiều đau khổ (và cả cái chết
nữa) mà trở nên thập toàn.” (Dt 2.10)
Vì
có nên thập toàn thì mới trở nên nguồn ơn
cứu độ nhân loại được, vì thế :
“Dẫu là Con Thiên Chúa, (Chúa Cha vẫn
muốn) Người phải trải qua nhiều đau
khổ (và cả cái chết nữa) mà học cho biết
vâng phục; và khi đã (nhờ vâng phục tuyệt
đối đó mà đạt) tới mức thập toàn,
Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh
cửu cho tất cả những ai vâng phục
Người” (Dt 5.8-9).
Trước
tấm tình yêu thương vô bến bờ đó của
Chúa Cha, chúng ta buồn vì mình tội lỗi, quá khô khan
nguội lạnh, không biết nói thế nào để
tạ ơn cho xứng ! Chớ gì ta có được
miệng lưỡi các thiên thần Sêraphim, có trái tim của
Mẹ Maria để sốt mến dâng lời ca ngợi
và cảm tạ Chúa Cha hết lòng, hết sức, hết
tâm hồn…
Thương ta đến
nỗi hy sinh Con Một mình như thế, Thiên Chúa Cha mong
muốn điều gì ?
Thưa : Chúa không mong muốn
điều gì cho bản thân, rốt cuộc cũng chỉ
là để chúng ta được tha thứ và làm hòa
với Người mà được sống :
“Nếu
ngay khi chúng ta còn (là kẻ) thù nghịch với Thiên Chúa,
Thiên Chúa đã để cho (truyền cho) Con của
Người phải chết mà cho chúng ta được hòa
giải với Người, phương
chi bây giờ chúng ta đã được hòa giải
rồi, hẳn chúng ta sẽ được cứu nhờ
sự sống của Người Con ấy.” (Rm 5.10).
Chữ “phương chi” rất
quan trọng. Khi chúng ta còn mắc tội lỗi, Chúa
vẫn yêu thương ta đến như thế,
phương chi nay ta đã
ăn năn, đã được tha tội, và trở
về với Chúa thì Chúa còn yêu thương ta gấp
bội đến thế nào. Tại sao vẫn còn sợ ?
Chính vì không
học Thánh Kinh, nên chúng ta không hiểu lòng Chúa, mới luôn
cảm thấy sợ hãi, sợ Oai nghi Chúa vì thấy mình
hèn hạ, sợ bị phạt vì thấy mình tội
lỗi ! Mắc phải tâm trạng đó là do một
lối dạy đạo hồi trước đây (và có
lẽ bây giờ vẫn còn tàn dư), quá nhấn mạnh
cách thiên lệch trên vai trò Thiên Chúa là Đấng phán xét,
một vị Thiên Chúa khắc nghiệt chỉ thấy ta
toàn là tội lỗi, đáng phải sa hỏa ngục… ;
hay ít ra làm cho chúng ta luôn có cảm tưởng Thiên Chúa là
như ông bố gia trưởng, nghiêm nghị, độc
đoán, hằng để mắt dò xét mọi hành vi cử
chỉ xem chúng ta có đi ngay thẳng đúng
đường đúng lối không mà nghiêm minh trừng
phạt.
Và theo tâm lý,
khi đã sợ hãi thì tất nhiên lạnh nhạt xa cách,
không yêu Chúa và cũng chẳng hiểu gì về Tình yêu khoan
dung nhân thứ của Người. Tất cả cũng chỉ
vì không biết những gì Chúa Giêsu, Phát ngôn viên tối
hậu của Thiên Chúa (Ga 1.18), đã mặc khải ra cho
ta biết tình thương
hải hà vô bến bờ của Người (Ep 2.4,7; 1Ga
3.1) cách riêng qua dụ ngôn bất hủ “Người Cha nhân
hậu” (Lc 15.11-32) ! Cho dù ta quên hết
mọi chân lý của đạo, chỉ cần nhớ
dụ ngôn này, là đã nắm được toát yếu
tất cả Tin Mừng mà Chúa Giêsu muốn loan báo về
Chúa Cha :
“Người kia có hai con trai.
Người con thứ nói với cha rằng: ‘Thưa cha,
xin cho con phần tài sản con được
hưởng.’ Và người cha đã chia của cải cho
hai con. Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả
rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta
sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình.
“Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch,
thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói
khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng
thiếu, nên phải đi ở đợ cho một
người dân trong vùng ; người này sai anh ta ra
đồng chăn heo. Anh ta ao ước lấy
đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng,
nhưng chẳng ai cho. Bấy giờ anh ta hồi tâm và
tự nhủ : ‘Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta
được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây
lại chết đói ! Thôi, ta đứng lên, đi về
cùng cha và thưa với người: ‘Thưa cha, con
thật đắc tội với Trời và với cha,
chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như
một người làm công cho cha vậy.’ Thế rồi anh
ta đứng lên đi về cùng cha.
“Anh
ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông
thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ
anh ta và hôn lấy hôn để.
“Bấy giờ người con nói
rằng : ‘Thưa cha, con thật đắc tội với
Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha
nữa...’ Nhưng người cha liền bảo các
đầy tớ rằng : ‘Mau đem áo đẹp nhất
ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ
dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo
làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng !
Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã
mất mà nay lại tìm thấy.’” (Lc 15.11-24)
Đứa
con trai bất hiếu, đòi chia phần gia tài ngay khi cha
còn sống, rồi ẵm số tiền ấy đi hoang,
ăn chơi đàng điếm, tài sản tiêu tùng, rách
rưới, đói khát, mang tấm thân tàn tạ trở
về… Vừa nhìn thấy con,
ông mừng quá, tình thương con làm ông xóa bỏ mọi
lỗi lầm, quên hết tội lỗi của nó : “Anh ta còn
ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông
chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn
lấy hôn để.” Ông ôm
hôn, thay vì trừng phạt. Ông đã dùng cái hôn mà tỏ lòng
tha thứ tội lỗi của đứa con.
Giả sử
đứa con còn ngỡ ngàng, sợ hãi không dám tin vào tình cha
yêu thương tha thứ, thì những cử chỉ sau
đây sẽ làm nó tâm phục khẩu phục : “Người cha liền bảo
các đầy tớ rằng : ‘Mau đem áo đẹp
nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón
tay, xỏ dép vào chân cậu !” Đó là những việc
tái lập lại địa vị và quyền lợi
của đứa con trong gia đình, dù nó đã xưng thú
là bất xứng : “Con thật
đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn
đáng gọi là con cha nữa.”
Chưa hết, ông còn sai đầy tớ làm thịt
con bê béo để mở tiệc ăn mừng ! “Vì con ta đây đã chết mà
nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.” Niềm vui mừng lan tới cả Thiên
đàng : “Vậy,
Tôi nói cho các ông hay : trên trời cũng thế,… giữa
triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì
một người tội lỗi ăn năn sám hối.”
(Lc 15.4,10)
Vậy đó, ngay khi ta đang còn là những
người tội lỗi, Chúa Cha vẫn yêu thương
chúng ta,
phương chi bây giờ ta đã được hòa
giải với Người ! Mời đọc lại câu
Thánh kinh ấy: “Bằng
chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta (đó là)
Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là
những người tội lỗi. Phương chi bây
giờ chúng ta đã được nên công chính nhờ máu
Đức Ki-tô đổ ra, hẳn chúng ta sẽ
được Người cứu khỏi cơn thịnh
nộ của Thiên Chúa.” (Rm 5.8-9).
- Vậy thì thử hỏi :
“Ai sẽ buộc tội những
người Thiên Chúa đã chọn ? Chẳng lẽ Thiên
Chúa, Đấng làm cho nên công chính ?
“Ai sẽ kết án họ ?
Chẳng lẽ Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã
chết, hơn nữa, đã sống lại, và đang
ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta ?” (Rm 8.33-34)
|