Nói về Phong Trào Đền Tạ Trái Tim Mẹ
Nguồn : Xuanha.net/cmc Ngay từ năm 1953, tại miền Bắc, cha Trần Đình Thủ đã cho thành lập Đoàn Mẫu tâm Công chức và Đoàn Mẫu Tâm Học sinh. Hai đoàn thể này còn tiếp tục trong miền Nam. Một số công chức từ Sài gòn vẫn đến nhà Dòng Đồng Công Thủ đức để cấm phòng các ngày thứ Bảy đầu tháng.
(Đặc san ĐC số 5 kỷ niệm 25 năm thành lập Dòng, Giáng sinh 1978, Carthage, MO, USA, tr 72).
Khi Cha Jeffro Thể, OP nhờ Dòng ĐC nối tiếp công việc tôn vinh TTM bị bỏ giở vào năm 1954, khi chia đôi đất nước, thì cha Trần Đình Thủ đã nhờ cha Phanxicô Assisi Nguyễn Minh Đăng phụ trách hướng dẫn Phong trào này.
Ngài viết thêm: "Phong Trào Đền Tạ Trái Tim Mẹ thì con trao cho Linh mục Minh Đăng hoàn toàn chịu trách nhiệm mãi cho tới ngày qua đời (LTĐC tr 29).
Linh mục Phanxicô Assisi Nguyễn Minh Đăng qua đời tại Việt Nam vì tai nạn xe hơi ngày 31-10-1981. Sau khi dạy học cho các nữ tu Dòng Đaminh Thủ đức, cha đi xe mobilet về nhà Dòng. Ngược đường trên xa lộ Đại hàn, cha quẹo phải, một chiếc xe chở hàng đã đâm thẳng, đè nát xe và người, lôi đi mấy chục thước, thịt máu văng vãi tung tóe. Cha Minh Đăng được an táng tại nghĩa trang nhà Dòng. Nhiều người lương giáo đến cầu nguyện với cha, đã được những ơn lạ. Bảng tạ ơn cha treo la liệt quanh mộ. Hiện Dòng Đồng Công bên quê nhà đang thu tập các ơn lạ này để dùng về sau. Quý vị nào được ơn, xin viết ra, gửi về địa chỉ Dòng Đồng Công bên Việt Nam hay Hoa Kỳ tùy ý.
Nhờ Đức Mẹ trợ giúp, Cha Minh Đăng đã rao giảng ngọt ngào, lôi kéo rất nhiều người, nhiều gia đình vào Phong trào Đền tạ Trái Tim Đức Mẹ, tận hiến cho Mẹ, thánh hóa Thứ Bảy đầu tháng…
Phong trào Đền tạ đã kết nạp được trên 100 ngàn hội viên, trong số đó có các đức Khâm sứ Tòa thánh, các Giám mục Việt nam, và số đông linh mục, tu sĩ. (Đặc san trên, tr 74)
Đức Mẹ phù hộ Trung tâm Truyền giáo đầu tiên của Dòng tại Mỹ Chánh, Bình định Dòng tu nào cũng có mục đích chung và mục đích riêng.
Mục đích chung thường các Dòng giống nhau, là Tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa các phần tử, nghĩa là "theo đuổi Đức Ái trọn hảo" , mến Chúa yêu người như Chúa đã dạy và làm gương. Nhưng mục đích riêng mỗi Dòng thì khác nhau: Dòng thì rao giảng Chân lý như Dòng Đaminh, Dòng thì phục vụ các bệnh nhân tại bệnh viện như Dòng thánh Gioan Thiên Chúa, Dòng thì chuyên dạy học huấn luyện giới trẻ nên người hữ dụng như Dòng Lasan,… Mục đính riêng của Dòng Đồng Công là "truyền giáo cho lương dân người Việt Nam " (Hiến Pháp ĐC ấn bản 2007, điều 3).
Để đạt mục đích này, có 2 cách như Hiến pháp Dòng viết rõ:
1/ Cách siêu nhiên: Cầu nguyện, hi sinh
"Công cuộc tông đồ của tu sĩ trước hết hệ tại đời sống thánh thiện được hun đúc bằng lời cầu nguyện và khổ chế… Hiến pháp Dòng đòi hỏi không những các tu sĩ được trao phó trực tiếp lo việc tông đồ, mà cả những anh em phục vụ ở nhà tại các tu viện, đặc biệt các anh em cao niên và đau ốm, phải chứng tỏ đời sống thánh thiện như chứng từ của người tu sĩ truyền giáo" (điều 102) . 2/ Cách tự nhiên: - Trực tiếp đến với lương dân rao giảng Tim mừng và - hoạt động từ thiện, văn hóa.
"Công việc tông đồ trực tiếp là Phúc âm hoá những người ngoài Công giáo, nhân danh và thừa uỷ nhiệm của Hội Thánh…
Các hoạt động văn hoá hỗ trợ việc tông đồ trên gồm: thiết lập và điều khiển các trường Công giáo (giảm hoặc miễn phí), lập các lưu học xá, câu lạc bộ văn hoá; xuất bản báo chí Công giáo, ấn hành các sách có giá trị; thiết lập các chương trình truyền thông đại chúng; chỉ huy các hiệp hội và các phong trào đạo đức. Các hoạt động từ thiện gồm việc thiết lập và quản trị các bệnh viện, trạm y tế, các viện cô nhi, tế bần, các hội tương tế xã hội…và Các hình thức khác thích hợp với môi trường truyền giáo đa dạng của xã hội hiện nay". (điều 103-104 Hiến Pháp trên)
Để thể hiện việc truyền giáo trực tiếp, Năm 1957, đáp lời mời của Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, Giám mục Giáo phận Qui nhơn, Dòng cử một số linh mục và tu sĩ ra truyền giáo tại miền Trung. Đức cha trao cho Dòng 5 xã miền duyên hải thuộc quận Phù mỹ, dân số trên 100 ngàn, hoàn toàn còn lương dân. Dòng đã lập ở đây Trung tâm Truyền giáo Mỹ chánh, cùng với trường Trung Tiểu học, nhà thờ, phòng phát thuốc, và hợp tác xã ngư nghiệp. Nhờ ơn đặc biệt của Chúa và Đức Mẹ, chỉ trong một thời gian ngắn, dân chúng tấp nập xin tòng giáo. Có xã 3/4 dân số xin nhập đạo. Vì thế, trong 5 xã đã có tới 9 nhà thờ và nhà giáo. Tất cả thành nên như một giáo xứ với đủ các đoàn thể như Hiệp hội Thánh Mẫu, Đạo binh Đức Mẹ, Thiếu nhi Thánh Thể. (Đặc san ĐC số 5 tr 71 -72). Xin mời nghe cha TĐT kể thêm: (LTĐC tập 2, tr 47-48) "Mẹ ơi, Mỹ Chánh của Mẹ đẹp đẽ thật Mẹ nhỉ! Đây là Mỹ Chánh của Mẹ: Mỹ Chánh là khu vực truyền giáo đầu tiên của Dòng Đồng Công đảm nhận trách nhiệm ngay từ cuối 1957 sau khi di cư vào Nam. Về tôn giáo, Mỹ Chánh : một xứ truyền giáo thuộc giáo phận Qui-nhơn. Về hành chánh, Mỹ Chánh: một xã thuộc quận Phù Mỹ, Tỉnh Bình Định. Khu vực truyền giáo Mỹ Chánh rải rác hầu hết quận Phù Mỹ (là một quận rộng lớn nhất tỉnh Bình Định, nhân số đông nhất tỉnh Bình Định) và một phần thuộc quận Phù Cát. Người đứng đầu đảm nhận nhiệm khu vực này là em LM. Matthêu Hóa, suốt từ đầu (cuối năm 1957- cho đến giữa năm 1964). Phái đoàn đầu tiên là em Hóa, Khiêm lớp khấn 5, và rất đông linh mục tu sĩ Đồng Công đã tham gia công việc truyền giáo tại khu vực này từ 1957. Ít anh em lớp khấn 1, 2, 3, 4 v.v... và nhiều anh em thuộc các lớp 5,6, 9 v.v Nghĩa là tất cả Dòng Đ.C. đã được đưa vào khu vực truyền giáo gần một chục LM, hơn 60 tu sĩ và một số cộng sự viên tính từ 1957 đến 1971 (tr 47) . (Trường Trung Tiểu học Toàn Mỹ, Mỹ chánh) "Trước hết nhờ Mẹ bang hộ, hướng dẫn đặc biệt mà em Hóa cùng với các anh em cộng tác, toàn là trẻ con thơ dại của Mẹ, tự lực cánh sinh, đã xây cất được một trung tâm truyền giáo Mỹ Chánh, gồm một nhà 2 lầu dài 60 th. rộng 12 th. với độ 30 căn nhà trệt xây lợp tôn, vừa làm trụ sở truyền giáo, vừa làm Trường Trung học Toàn Mỹ; đã kiến tạo tại các thôn xã khác chung quanh Mỹ Chánh được 5 ngôi Thánh đường xây trệt, lợp tôn, 7 ngôi Thánh đường xây trệt lợp lá bổi. "Cũng nhờ Mẹ mà đã rửa tội được rất nhiều trẻ em, rửa tội người lớn gần 3000 người, chầu nhưng còn độ 3, 4 ngàn người rải rác trong 7, 8 xã nằm chung quanh Mỹ Chánh. Mẹ ơi, cây truyền giáo của Mẹ đang đua nở sinh hoa kết quả coi rất ngoạn mục, nghe rất êm tai vào quãng 1963 đấy, Mẹ ạ.
Ngày 2 tháng 11 năm 1963, đã có cuộc đảo chánh Tổng thống Diệm, "cuộc đảo chánh bất thần làm sôi động cả miền Nam. Tình hình Mỹ chánh bất ổn (tr 49). Sau đó, Mỹ chánh đã phải bỏ ngỏ hơn 2 năm, không thể tiếp tục truyền giáo và mở trường như trước. Tái lập an ninh: "Mẹ ơi, quãng tháng 10, 11 năm 1966, quân Mỹ đổ bộ từ bể vào càn quét vùng Mỹ Thọ, Mỹ Cát, Mỹ Chánh, (tr 65). Sau khi thấy tình hình an ninh cho phép, nhà Dòng lại hoạt động tại Mỹ chánh để thực hiện mục đích giúp các linh hồn vững tâm làm con Chúa. "Mẹ ơi, quãng tháng 5-1967 con và một số anh em đến đóng tại Mỹ Chánh để tu sửa vì chiến tranh đã tàn phá khu vực Mỹ Chánh hại tới 30 phần trăm. Sự trùng tu trụ sở Mỹ Chánh không ngoài mục đích để hoạt động lại phần nào việc truyền giáo… Nhưng an ninh chưa hẳn đã vãn hồi: "Đầu tháng 6-1967 con và một số anh em ... ở Mỹ Chánh. Trong hai tuần đầu tháng 6, chúng con đi thăm biển, thăm dân, không có chuyện gì xảy ra, nhưng con đi vào các nhà chung quanh làng xem tình hình thế nào, đi đến nhà nào cũng thấy vắng tanh, nhà trống không người ở, càng đi càng rợn rợn…,(tr 70) Rồi một biến cố bất ngờ xảy ra: Sáng ngày 15-7-1967, Lễ kính Đức Mẹ núi Carmelô, 15 người con Mẹ đã "ra đi không hẹn ngày về". Đau đớn và thổn thức mong chờ ngày đêm, nhưng càng mong càng mất. Người quốc gia nói "người cộng sản bắt". Người cộng sản bảo "người quốc gia giữ" Sau vụ anh em mất tích này, trường Mỹ chánh vĩnh viễn không còn hoạt động được nữa. Cho tới hôm nay (tháng 12/08) vẫn không có tin tức gì về những anh em này, từ bất cứ bên nào, hay từ chính anh em!!! R.I.P
|