Chúa biến hình -
McCarthy
Suy
Niệm 1. THOÁNG HIỆN CỦA VINH QUANG
Trên Núi Tabo, ánh sáng của Thiên Chúa
toả ra từ cơ thể của Đức Giêsu, và
Người được biến hình. Cả ba Tông
đồ đều loá mắt trước vẻ
đẹp và sự chói chang của ánh sáng
này. Ánh sáng này không ở trên bề mặt, nhưng chiếu
toả ra từ bên trong. Nói tóm lại, Thiên
Chúa ở trong Đức Giêsu.
Chúng ta cũng có nét rạng ngời
của thần tính nơi chúng ta, bởi vì chúng ta
được sáng tạo theo hình
ảnh của Thiên Chúa. Do đó, chúng ta cũng có thể có
những giây phút biến bình. Van Gogh nói
“Người tiều phu hoặc thợ mỏ nghèo nàn
nhất, vẫn có thể có những giây phút đầy xúc
động và cảm hứng, giúp cho người đó
được một cảm giác về một quê
hương vĩnh cửu, mà họ đang ở gần”.
Có một người nghèo khổ
đang sinh sống ở một trại tế bần, dành
cho những kẻ vô gia cư ở Dublin, đã kể lại câu chuyện sau
đây: Ngày kia, anh ta đang đi bộ
dọc theo một con đường ở Dublin. Đến một lúc nào
đó, anh phát hiện ra rằng mình đang ở bên ngoài
một nhà thờ. Trước khi
nhận ra điều này, thì anh đã ở bên trong đó
rồi. Anh không thể nhớ lại
được rằng mình có đọc bất cứ
lời cầu nguyện nào hay không. Nhưng linh
hồn của anh được tràn ngập ánh sáng.
Nỗi phiền muộn của anh được cất
đi, và một sự bình an đến
với anh. Sau đó, anh mới cảm
thấy rằng mình thuộc về trái đất này.
Anh cảm thấy gần gũi với
Thiên Chúa, và được Người yêu thương.
Dường như cảm nghiệm này
diễn ra được một lúc lâu, tuy nhiên, anh vẫn
có cảm giác rằng có thể nó chỉ kéo dài trong vài phút. Nhưng anh nói rằng anh sẵn sàng vui
mừng dùng cả cuộc đời của anh, để
đổi lấy vài giây phút đó. Điều làm cho
cảm nghiệm này quá tuyệt vời đến thế,
là do anh nhận ra rằng mình tuyệt đối không
hề xứng đáng được như vậy. Đó
thuần tuý là do ân sủng của Thiên
Chúa đối với anh. Trong một giây phút
ngắn ngủi, anh cảm nếm được vinh quang.
Tuy nhiên, sau giây phút đó kết thúc,
một lần nữa, anh nhận thấy mình lại
đang ở trên những con đường, và cứ
đi dọc theo đó một cách vô
định, giống như lúc trước. Những
hiệu quả của cảm nghiệm đó mờ
nhạt đi. Mặc dù anh đã trở
lại ngôi nhà thờ đó nhiều lần, nhưng anh
không bao giờ có thể tìm lại được giây phút
ấy.
Người đàn ông vô gia cư kia mong muốn duy trì được cảm
nghiệm đó. Anh ta cứ muốn quay trở lại, thay
vì tiến lên phía trước, tuy anh ta vẫn có thể
sử dụng cảm nghiệm vừa qua, để soi
sáng cảnh tối tăm trong cuộc đời anh, và
tiến lên phía trước một cách đầy hy
vọng và can đảm hơn.
Phêrô cũng phạm phải cùng một
khuyết điểm đó. Ông cứ muốn được ở lại trên
đỉnh núi, muốn được khư khư
giữ lấy ân sủng của cảm
nghiệm này. Ông không muốn quay trở
lại với cuộc sống hằng ngày và những
thứ thông thường nữa, nhưng cứ muốn
được mãi mãi ở lại trên vùng đất
đầy niềm say mê phấn khích đó. Nhưng Đức Giêsu đã kêu gọi ông
xuống núi, và đối diện với tương lai.
Cảm nghiệm này không có ý tạo ra một sự
trốn thoát khỏi cuộc đấu tranh đang nằm
ở phía trước, nhưng là để giúp Người
sẵn sàng đương đầu với cuộc
đấu tranh đó. Giây phút đầy ánh sáng, là
để giúp Người đương đầu
với giây phút đầy bóng tối.
Tuy nhiên, rõ ràng là có một điều gì
rất tuyệt vời của ngày hôm đó vẫn còn
ở lại với Phêrô, và soi sáng cuộc sống của
ông, bởi vì nhiều năm sau, ông đã viết “Chúng tôi
đã được thấy tận mắt vẻ uy phong
lẫm liệt của Người… khi có tiếng từ
Đấng tuyệt vời vinh hiển phán với
Người: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hết
lòng quý mến” (2P 1,17-18).
Chúng ta cũng có thể cảm
nghiệm được những giây phút đầy ánh sáng
và niềm vui hiếm hoi đó. Chúng ta đã
được thoáng nhìn thấy miền đất
hứa, mà chúng ta đang hướng tới trong lòng tin.
Trong tình yêu dành cho chúng ta, Thiên Chúa cho phép chúng
ta cảm nếm được ngay tại thế này,
về những niềm vui của thế giới sắp
tới. Nhưng chúng ta được ban cho những
giây phút biến hình này, để củng cố chúng ta trong
những bổn phận hằng ngày, và để mang
lại cho chúng ta khả năng để đương
đầu với thánh giá sẽ đến với từng
người, dưới những hình thức hoặc hình
dạng khác nhau. Giây phút vinh quang không tồn
tại vì mục đích riêng của nó. Giây phú này
tồn tại để khoác lên cho những sự vật
thông thường một vẻ chói sáng, mà trước
đây chúng chưa bao giờ có.
Lời cầu nguyện và đạo
giáo không phải là sự trốn thoát, mà là những phương
tiện để giúp đỡ chúng ta đương
đầu với cuộc sống, với tất cả
những khó khăn và thử thách của nó, để chúng
ta nắm giữ được những giây phút cao cả
lẫn thấp hèn của cuộc đời, cả
đỉnh đồi cao lẫn tận dưới hố
sâu.
Suy
Niệm 2. GIAO ƯỚC
Có sự khác biệt lớn giữa Giao
Ước và hợp đồng. Giao Ước thì dựa
trên tình yêu thương và sự thân thiện, trái lại,
hợp đồng là một sự sắp xếp công
việc kinh doanh một cách chặt chẽ. Xã hội của chúng ta không còn có nhiều Giao
Ước nữa, nhưng hầu hết mọi việc
thường được xúc tiến bằng hợp
đồng. Hợp đồng bị vi
phạm, và mất đi sức mạnh ràng buộc của
nó, khi một trong hai bên đối tác không thực hiện
được phần việc của mình, theo như
đã thương lượng với nhau. Thiên
Chúa không ký kết hợp đồng với con
người; nhưng người đã thực hiện
một Giao Ước với chúng ta.
Thiên Chúa là Thiên Chúa của sức
mạnh. Nhưng
Người cũng là Thiên Chúa của tình yêu và lòng
thương xót. Trong cách cư xử với chúng ta,
Thiên Chúa chọn lựa đi theo con
đường của tình yêu, hơn là con đường
của sức mạnh. Thiên Chúa muốn
được chúng ta yêu mến, chứ không phải là
sợ hãi. Nếu bạn yêu mến
một người nào đó, bạn nhường chỗ
cho người đó, và tạo cho họ có quyền
được là chính bản thân họ. Nếu
bạn muốn có quyền lực trên người nào, thì
bạn cứ cố gắng kiểm soát người
đó, và buộc họ phải làm theo ý
thích của bạn, mặc dù họ muốn hoặc không
muốn. Nhưng bạn không thể
đồng thời vừa yêu thương vừa sử
dụng quyền lực, hai yếu tố này xung khắc
với nhau.
Để yêu và được yêu, Thiên
Chúa phải ban cho chúng ta phạm vi
để chọn lựa. Người không thể
giành lấy tất cả mọi quyền
lực, và không để lại chút gì cho chúng ta. Giao
Ước giữa Thiên Chúa và nhân loại phải có gì
nhiều hơn là chủ đề về một Thiên Chúa
toàn năng ban bố Lề Luật. Đây phải là
sự thoả thuận một cách tự do giữa hai bên
đối tác tự do.
Nếu chúng ta vâng phục Thiên Chúa,
bởi vì chúng ta e sợ Người, bởi vì quá bị
quyền lực của ngài áp đảo, đến
nỗi chúng ta không dám phản kháng, thì Người chỉ
có sự vâng phục của chúng ta, chứ không có
được tình yêu của chúng ta.
Bài đọc 1 nói về Giao Ước
long trọng mà Thiên Chúa đã thực hiện với Ápraham.
Sau câu chuyện cuộc sáng tạo, đây là giây phút chủ
yếu rong Cựu Ước. Có thể nói
rằng câu chuyện cứu độ của chúng ta
được bắt đầu ở đây. Thiên Chúa
không từ bỏ dân tộc đã bị sa
ngã của Người, nhưng thông qua Ápraham, Người
đã đi vào một tương quan đặc biệt
với họ. Mối tương quan này không
giống như mối tương quan tồn tại
giữa các bên đối tác trong kinh doanh, mà tương
tự như mối tương quan tồn tại giữa
vợ chồng. Có thể tóm tắt mối
tương quan này trong một công thức, đã
được nhắc đi nhắc lại nhiều
lần trong Cựu Ước: “Các ngươi sẽ là dân
của Ta, và Ta sẽ là Thiên Chúa của các ngươi”.
Không phải Ápraham, mà là chính Thiên Chúa,
đã đi bước đầu trong mối tương
quan này. Thiên Chúa hứa
ban cho ông một dòng dõi đông đúc và nguyên vẹn.
Người cũng hứa rằng dòng dõi của ông sẽ
có một vùng đất riêng của họ, và nói rằng
thông qua ông, tất cả các dân tộc trên trái đất
sẽ được chúc phúc, bởi vì Đấng Mêsia
sẽ đến từ dòng dõi của ông.
Mặc dù con người đã vi phạm Giao Ước của Thiên Chúa,
nhưng Người vẫn không từ bỏ họ. Thay
vào đó, thông qua Con của Người, Đức Giêsu
Kitô, Người đã tự ràng buộc mình vào gia đình
nhân loại một cách gần gũi
hơn, bằng một sự ràng buộc không bao giờ có
thể bẻ gãy được.
Lời hứa của Thiên Chúa với Ápraham
đã được nên trọn nơi Đức Giêsu. Chính thông qua Người,
mà tất cả các dân tộc trên trái đất đều
được chúc phúc. Đức Giêsu
đã hàn gắn lại Giao Ước bằng chính máu
của Người. Thông qua Người, chúng ta
được gần gũi hơn bao
giờ hết với Thiên Chúa. Chúng ta không
chỉ là dân Thiên Chúa, mà còn là những con trai và con gái
của Người, chúng ta thuộc về gia đình
của Người.
Đức Giêsu là người
đứng đầu trong Dân Tộc mới của Thiên
Chúa. Vùng
đất mà Người đang đưa dẫn chúng ta
hướng tới không phải là vùng đất nào đó
ở trên trái đất, nhưng là vùng đất của
sự sống đời đời.
|