Thành quả vàng son
Thánh
Gioan Vianney, lúc còn là chủng sinh, học rất chậm.
Ngày kia, một giáo sư thần học,
thừa lệnh Đức giám mục đến khảo
sát Vianney xem có đủ khả năng học vấn
để tới chức linh mục chăng? Tuy đã dốc hết sức học hành, Vianney
vẫn không thể trả lời được câu nào cho
trôi chảy. Nổi nóng, vị giáo sư đập
bàn nói: Anh dốt đặc như con lừa. Với
một con lừa như anh, Giáo hội hy vọng làm nên trò
trống gì. Vianney khiêm tốn trả lời: Thưa cha, này
xưa Samson chỉ dùng một cái xương hàm con lừa
mà đánh bại 3000 quân Philitinh. Vậy với cả
một con lừa này, Thiên Chúa không làm được
việc gì sao? Quả thật con lừa của Thiên Chúa
đó, sau này không chỉ trở thành một cha sở, mà con được tôn phong làm bổn
mạng của các cha sở.
Hôm nay Simon cũng vất vả suốt
một đêm chài lưới mà không bắt được
một con cá nào, nhưng “vì lời Thầy con sẽ
thả lưới”. Và lạ thay, một mẻ cá lớn bất
ngờ đến nỗi lưới hầu như sắp
rách. Trước tình thế này, Simon chỉ còn
biết bỏ thuyền, chạy đến sấp mình
dưới chân Chúa mà nói: Lạy Chúa, xin hãy tránh xa con, vì con
là kẻ tội lỗi. Kẻ nhận mình là
tội lỗi yếu hèn đó, sau này đã trở thành
Phêrô, người thuyền trưởng của con
thuyền Giáo hội.
Có một điểm gì đó rất
gống nhau giữa Vianney và Phêrô. Đó chính là nhận mình
yếu hèn khuyết điểm và hoàn toàn để cho Chúa
lèo lái điều khiển đời mình. Nhờ
đó, Chúa đã ban tặng cho các ngài những đặc ân
vô cùng lớn lao. Vì ơn Chúa chỉ ban
xuống cho những kẻ khiêm nhường.
“Thưa
thầy, chúng con đã cực nhọc suốt đêm mà không
bắt được gì hết, nhưng vì lời
Thầy, con sẽ thả lưới”. Đây là lời bày
tỏ sự bất lực của con người,
để chính sự bất lực này sẽ làm nổi
bật quyền năng của Thiên Chúa. Chính sự vâng phục
của con người trước uy quyền của Thiên
Chúa sẽ đem lại nhiều hiệu quả
vượt sức tự nhiên loài người.
Từ
vâng phục dẫn đến phép lạ, từ phép lạ
dẫn đến niềm tin: Trước mẻ cá, Simon
xưng Đức Giêsu là Thầy: “Vì lời Thầy, con
sẽ thả lưới”, nhưng sau mẻ cá diệu
kỳ, Người lại tuyên xưng Đức Giêsu là
Chúa: “Lạy Chúa, xin Chúa hãy tránh xa con, vì con là kẻ tội
lỗi”. Qua phép lạ mẻ cá, Simon đã nhận ra
quyền năng Thiên Chúa nơi Đức Giêsu và đã tin
vào Người. Đây chính là lời tuyên
xưng thiên tính nơi Đức Giêsu.
Chính khi tin vào quyền năng Thiên Chúa
nơi Đức Giêsu, mà Simon đã ý thức thân phận
tội lỗi bất xứng của mình trước
sự thánh thiện vô song của Thiên Chúa. Đó cũng là kinh nghiệm của
ngôn sứ Isaia trước Thiên Chúa: “Khốn cho tôi, tôi
chết mất… vì lưỡi tôi dơ bẩn” (Is 6,5). Nhưng sau khi được than hồng
là lửa tình thương Chúa thanh tẩy, ông đã mau
mắn xin vâng, ra đi làm ngôn sứ cho Chúa: “Lạy Chúa, xin
hãy sai con”. Hôm nay, Chúa cũng trấn an
Phêrô: “Đừng sợ, từ đây các con sẽ là
kẻ chinh phục người ta”. Thành ngữ này
thường gặp trong Cựu Ước, để
trấn an con người hãy tin
tưởng vào quyền năng Thiên Chúa. Ở đây,
Đức Giêsu muốn trấn an các tông đồ,
đặc biệt ba vị là Phêrô, Giacôbê và Gioan, để
các ngài tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa khi
đón nhận và thi hành sứ mạng Chúa giao.
Quả
thật ngay sau đó, các ông đã bỏ mọi sự mà
đi theo Ngài. Đó là ơn gọi
của Phêrô, con người đã gặp gỡ Chúa và
đã được Chúa thu hút chinh phục, để
rồi Phêrô ra đi chinh phục các tâm hồn về cho
Ngài.
Trước
khi gặp Chúa, Simon dù có vất vả suốt đêm
cũng không được một con cá nào. Sau khi gặp
Chúa, Chúa đã hướng dân ông kéo lên một mẻ cá
bội thu. Nhưng dù cá có
nhiều đến rách lưới, ông cũng không màng, vì
từ đây mục đích đời ông không phải là
thành quả vàng son, mà là chính Chúa mà thôi.
Lạy Chúa, từ bỏ mọi sự
là điều kiện để đi theo
Người. Xin cho chúng con một đức tin can
đảm, dám từ bỏ những gì chúng con đã
từng bám víu, cũng chẳng sợ thiệt thòi khi đã
hiến dâng.
Xin cho chúng con một đức tin
liều lĩnh, sẵn sàng mất đi tất cả,
để chỉ xin giữ trọn một mình Chúa mà thôi.
Vì Chúa chính là gia nghiệp và là phần phúc cuộc
đời chúng con. Amen.
|