Suy Niệm CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN NĂM C, Lm. Anthony Trung Thành
Lời Chúa qua ba bài đọc hôm nay xoay quanh chủ đề Tiên Tri.
Xin được gợi ý suy niệm mấy điểm sau đây: Sứ mạng và số phận của các tiên tri, làm thế nào khi bị chống đối?
1. Sứ mạng của các Tiên Tri
Tiên tri là những người được Thiên Chúa tuyển chọn. Họ là những người nói thay Thiên Chúa. Thời Cựu Ước, Thiên Chúa chọn một số người và đặt làm tiên tri để truyền đạt những Lời của Ngài cho dân chúng. Bài đọc I, trích sách tiên tri Giêrêmia cho chúng ta thấy rõ điều đó. Giêrêmia cho biết, Ngài làm tiên tri là do Thiên Chúa tuyển chọn: "Trước khi Ta tạo thành ngươi trong lòng mẹ, Ta đã biết ngươi, và trước khi ngươi ra khỏi lòng mẹ, Ta đã hiến thánh ngươi. Ta đã đặt ngươi làm tiên tri trong các dân tộc”(Gr 1, 4-5). Sứ mạng của Ngài là nói những gì Thiên Chúa truyền đạt: “Vậy phần ngươi, ngươi hãy thắt lưng, hãy chỗi dậy, và nói cho họ biết tất cả những điều Ta truyền dạy cho ngươi”(Gr 1,17).
Sứ mạng đó được tiếp tục trong thời Tân Ước. Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định chính Ngài là ngôn sứ của Thiên Chúa sai xuống trần gian. Sau khi đọc những lời Kinh thánh từ sách tiên tri Isaia, Ngài tuyên bố: “Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai quý vị vừa nghe”(Lc 4,21). Nghĩa là chính Ngài được Thiên Chúa xức dầu tấn phong và sai đi loan báo Tin mừng cho người nghèo khó. Thánh Phaolô cũng đã từng khẳng định về việc loan báo Tin mừng là một nhiệm vụ được Thiên Chúa trao phó, Ngài nói: “Thật vậy, đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng! Tôi mà tự ý làm việc ấy, thì mới đáng Thiên Chúa thưởng công; còn nếu không tự ý, thì đó là một nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó”(1Cr 9,16-17).
Mỗi người chúng ta khi lãnh nhận bí tích rửa tội, chúng ta trở thành ngôn sứ của Thiên Chúa. Chúng ta có nhiệm vụ nói thay cho Thiên Chúa. Nhiệm vụ đó Chúa trao cho chúng ta tuỳ theo địa vị và hoàn cảnh của mọi người. Đó là nhiệm vụ bắt buộc chúng ta phải chu toàn.
2. Số phận của các Tiên Tri
Thiên Chúa nói với Giêrêmia rằng: “Họ sẽ chiến đấu chống ngươi…”(x. Gr 1,19). Trong khi thi hành sứ mạng, các ngôn sứ thường bị chống đối, bách hại, tù đày, giết chết. Họ bị chống đối, bị bách hại, bị tù đày không chỉ từ phía những người khác đạo, từ phía chính quyền, mà còn cả từ phía giáo quyền và những người đồng đạo của mình. Bởi vì, “sự thật thì mất lòng”, nhân loại không muốn đón nhận chân lý, không muốn đón nhận điều hay lẽ phải. Hêrôđê không muốn nghe sự thật về tội lỗi của mình, nên đã giết Gioan Tẩy Giả. Dân Do Thái không muốn nghe sự thật từ Chúa Giêsu nên tìm cách chống đối Người.
Tin mừng hôm nay tường thuật: Khi Chúa Giêsu khẳng định: “Không một tiên tri nào được tôn trọng tại chính quê hương mình”(Lc 4,24). Ngài còn đưa ra hai dẫn chứng cụ thể trong thời Cựu ước để chứng mình điều đó: Trường hợp thứ nhất: “Có nhiều bà goá trong Israel thời Elia, khi trời bị đóng lại trong ba năm sáu tháng, khi nạn đói lớn xảy ra khắp trong xứ; dầu vậy, Elia không được sai đến cùng một người nào trong các bà đó, nhưng được sai đến bà goá tại Sarepta thuộc xứ Siđon”(Lc 4,25-26). Trường hợp thứ hai: “Có nhiều người phong cùi trong Israel thời tiên tri Elisêô, thế mà không người nào trong họ được lành sạch cả, ngoại trừ Naaman, người Syria”(Lc 4, 27). Nghe những lời trên đây, Ngài bị những người Do Thái phản đối một cách kịch liệt. Thánh Luca kể lại: “Mọi người trong hội đường đều đầy căm phẫn, họ chỗi dậy và trục xuất Người ra khỏi thành. Họ dẫn Người lên triền núi, nơi xây cất thành trì của họ, để xô Người xuống vực thẳm”(Lc 4,28-29). Ngài không phải bị chống đối một lần, mà trong suốt ba năm đời sống công khai, Ngài luôn bị chống đối cách này cách khác. Và cao điểm của sự chống đối là cái chết trên thập giá.
“Môn đệ không hơn Thầy, và tôi tớ không hơn chủ mình”(Mt 10, 24). Thầy bị chống đối, bách hại, môn đệ cũng không thể tránh khỏi. Hầu hết những người đi theo Chúa đều bị người đời ghét bỏ. Sau Chúa Giêsu, Thánh Stêphanô là vị tử đạo tiên khởi. Trong số 12 tông đồ, đã có 11 vị tử đạo. Lịch sử Giáo hội suốt hơn 2 ngàn năm qua, không có giây phút bào mà không có bách hại. Chúa Giêsu đã từng nói với các môn đệ: “Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết”(Mt 10, 17-18). Đó là số phận của các tiên tri và chính là số phận của mỗi người kitô hữu chúng ta.
3. Làm thế nào khi bị chống đối?
Thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai đã nêu cao Đức Bác Ái. “Bác Ái không bao giờ qua đi, bác ái là trên hết”. Thánh Nhân cũng kêu gọi mọi người sống Đức Ái: “Bác ái thì kiên tâm, nhân hậu. Bác ái không đố kỵ, không khoác lác, không kiêu hãnh, không ích kỷ, không nổi giận, không suy tưởng điều xấu, không vui mừng trước bất công, nhưng chia vui cùng chân lý, tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, trông cậy tất cả, chịu đựng tất cả”(1Cr 13,4-7).
Vì vậy, dù bị chống đối, dù bị bách hại, dù bị giết chết…Nhưng người kitô hữu chúng ta phải luôn sống tinh thần tha thứ. Trên thập giá, Chúa Giêsu đã cầu nguyện xin Chúa Cha tha thứ cho kẻ giết hại mình. Thánh Stêphanô vị tử đạo tiên khởi đã tha thứ cho Saolô. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tới nhà tu thăm Agca là kẻ ám sát Ngài. Khi vị linh mục hỏi Maria Goretti: “Thế con có hết lòng tha thứ cho kẻ đã giết con không? - Có! - Cô trả lời không chút do dự – Vâng, vì yêu Chúa Giêsu, con tha thứ cho Alexandre. Xin Thiên Chúa tha thứ cho anh ấy vì con đã tha thứ. Con muốn Alexandre cùng lên Thiên đàng với con”. Tha không chỉ bảy lần mà bảy mươi lần bảy. Tha thứ cho tất cả mọi người kể cả kẻ thù của mình. Đó là bản chất của người kitô hữu là con cái của Thiên Chúa.
Mỗi người chúng ta khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội là chúng ta lãnh nhận sứ mạng tiên tri. Noi gương Chúa Giêsu, noi gương các tiên tri đi trước, chúng ta phải chu toàn nhiệm vụ của mình: Nói lời Thiên Chúa, nói thay cho Thiên Chúa, khi thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện, như lời của Thánh Phaolô : “Hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ”(Tm 4,2).
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã nhận lãnh bổn phận tiên tri từ Chúa Cha và chu toàn bổn phận đó một cách trọn vẹn dẫu bị chống đối, bách hại, giết chết. Mỗi người chúng con đã lãnh nhận sứ mạng tiên tri khi chịu Phép Rửa Tội. Xin cho chúng con biết chu toàn sứ mạng đó “Lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện” để sứ điệp của Chúa đến được với mọi người. Amen
Lm. Anthony Trung Thành
|