Khước từ vì
ghen tương – R. Gutzwiller.
Theo sau Lời Chúa Giêsu giải thích là
một hồi thinh lặng. Cử toạ nói với nhau,
trao đổi cảm tưởng. Trước hết
đây là một sự lôi cuốn pha lẫn vui mừng,
rồi lần lần có nhiều tiếng nói khác nổi
lên, trước tiên là tiếng của các luật sĩ có
mặt trong buổi họp ấy. Bầu khí từ từ
đổi thay, rồi biến đổi hẳn. Phần
thứ hai trong hoạt cảnh này diễn biến theo
một chiều hướng hoàn toàn ngược hẳn.
Nếu truy tầm lý do tại sao có
sự thay đổi này, ta sẽ thấy phần nào cách
suy tư, lời nói và con người Đức Giêsu làm cho
dân chúng Nagiarét bị chưng hửng đối với ý
tưởng họ sẵn có về Đức Messia và
sứ mạng của Ngài. Con người của Ngài không
am hợp với những gì họ tưởng
tượng. Ngài cũng giống như bất cứ ai
trong họ; chẳng có gì tỏ ra là người thiên thai
cả. Ở đây Ngài cũng chẳng thực hiện
phép lạ nào trước mặt họ. Rồi sứ
điệp của Ngài cũng chẳng nói lên những
điều họ đang thực sự ước ao:
bởi lẽ Ngài không loan báo cho họ một cuộc
sống thế trần tiện nghi thoải mái, cũng
không loan báo một nước Israel hùng cường vĩ
đại. Chắc chắn họ mong chờ nơi Chúa
Giêsu những gì Ngài đã từ khước khi bị cám
dỗ trong sa mạc: bánh, sự lạ và quyền thế.
Thế nhưng Ngài lại mang đến Lời Chúa, mang
đến một nước Thiên Chúa tuy đơn sơ
nhưng thật là vĩ đại. Các tiến sĩ
luật mớm những chuyện đó cho dân chúng và làm thay
đổi bầu không khí.
Hơn nữa, Ngài đã thực
hiện những phép lạ ở chỗ khác, trước
hết là ở là ở Caphanaum chứ không làm ở Nagiarét
nơi họ cư ngụ; điều đó đụng
chạm đến lòng ái quốc quá khích của họ
khiến họ nói: ‘Thày lang ơi! Hãy chữa lấy mình.
Mọi điều chúng tôi đã nghe xảy ra ở
Caphanaum, thì ông hãy làm ở nơi quê hương ông đây
nữa đi!’ Chúa Giêsu trả lời: ‘Không có tiên tri nào
được sùng mộ ở quê hương mình’, Ngài
không chút nhượng bộ lòng ái quốc sai lầm của
họ. Ngài không theo họ hướng dẫn, chính họ
mới phải theo sự chỉ đạo của Ngài. Ngài
đi xa hơn nữa và cho họ thấy rằng việc
họ được thuộc về dân Thiên Chúa tuyển
chọn không hẳn là bảo đảm được
cứu độ, chỉ có những tâm hồn biết
chuẩn bị mới nhận được chứ không
phải là những liên hệ máu mủ.
Xưa tiên tri Êlia đã bỏ những
người đồng hương của ông để
đi cứu giúp một người ngoại bang: vì bà goá
Sarepta thuộc xứ Siđon này đã tiếp đón ông
đang khi những người đồng hương
lại không hiểu ông. Rồi Naaman, người Syria
cũng thế, ông đến với tiên tri Êlisêô và
được chữa lành, còn những người
đồng quê với tiên tri lại luôn cản mũi
kỳ đà. Vậy hai người của Thiên Chúa đó
đã đủ để cho thấy rằng cứ là
người Israel mà thôi không đủ; người ta
chỉ có thể lãnh nhận ơn cứu độ
bằng một con tim ngay thẳng và một tinh thần chân
thành.
Dân cư Nagiarét đã hiểu
được lời đe doạ. Qua câu trả lời,
Chúa Giêsu tỏ cho họ thấy rằng Ngài không theo cùng
một lối suy tưởng như họ, không cùng hy
vọng như họ và họ cần thay đổi não
trạng. Nhưng họ lại không chịu, thế nên
mới có sự thù địch giữa Ngài với họ. Nhiệt
tình ban đầu dựa trên tình cảm bỗng dưng đổi
thành ghen ghét. Họ biết rõ Chúa đòi hỏi phải hoán
cải, nhưng họ lại không muốn quay lại.
Như thế là họ đã xua đuổi Ngài và ồn ào
giận dữ, họ đuổi Ngài ra khỏi hội
đường đến cuối làng để rồi xô
Ngài từ trên triền đá xuống. Nhưng Ngài đi qua
giữa họ mà họ chẳng thể hại
được Ngài. Ngài ra đi để chẳng bao
giờ trở lại Nagiarét nữa.
Đối với chúng ta, việc Ngài
từ bỏ ngôi làng nơi Ngài lớn lên là một sơ
thảo về những biến cố sẽ xảy ra trong
tương lai: bị dân riêng khai trừ, từ nay Ngài
đi về phía các dân ngoại.
Sự thay đổi bất ưng và
thiếu suy nghĩ, việc biến thương yêu ra
hận thù, tán dương thành bài xích ấy đáng cho ta suy
nghĩ. Tự bản chất, Kitô giáo khơi dậy
nơi những ai không thành kiến một sự hấp
dẫn tự phát, bởi vì Tin mừng trả lời cho
những vấn nạn thâm sâu nhất của con
người và đáp lại nỗi thất vong thầm kín
nhất của tâm hồn. Nhưng rõ ràng con người
lại tiếp nhận với tất cả định
kiến. Họ xét đoán theo mặt trái, nông cạn,
dựa trên những thiên kiến đã được
hấp thụ qua nền giáo dục. Họ quan niệm
ơn cứu chuộc, trợ giúp theo cách thế của
họ, kẻ theo chiều hướng coi trọng vật
chất, ngưới lại theo xu hướng chính trị
hay xã hội. Họ không có ý nghe để hấp thụ mà
để biện minh cho những gì họ tưởng
nghĩ hay mong ước. Họ lấy phán đoán cá nhân
họ để đo lường Lời Chúa.
Nếu Lời Chúa không am hợp với
những tư tưởng và ước muốn của
họ thì họ liền kết án và khu trừ. Họ không
muốn để mình được điều gì khác cân
đo, nhưng muốn mình là khuôn là thước cho chính
mình; họ không muốn cái gì khác thẩm định
họ, nhưng muốn tự phán xét chính bản thân mình.
Bối cảnh đã xảy ra ở
Nagiarét vẫn không ngừng tiếp diễn. Trong lần
xuất hiện đầu tiên này, Chúa Giêsu khuyên bảo và
cảnh giác. Mặc kệ tất cả, Ngài cứ
bước đi giữa họ, đến với
người khác, điều đó có nghĩa là sự bài
xích chẳng thể làm gì được Ngài, nhưng
sẽ trở lại chính họ. Chúa Giêsu sẽ đi xa,
chính khi con người không muốn tiếp nhận Ngài. Khi
họ ghét Ngài, thì Ngài đem tình thương đi chỗ
khác; khi họ có ý giết Ngài thì Ngài vẫn không ngừng
trao ban sự sống. Họ bị huỷ diệt, còn Ngài
vẫn tiến bước đi.
|