Cần cái nhìn mới để
đón nhận sự thật
(Suy niệm của
Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm)
Đức Giêsu trở về Nadarét,
nơi Ngài được nuôi dưỡng và trưởng
thành, để rao giảng.
Cái nhìn
cũ không thể nhận ra và đón nhận Đức
Giêsu
“Hôm nay đoạn sách thánh các
người vừa nghe được ứng nghiệm.” Dân làng Nadarét hỏi nhau: “đây không
phải là con ông Giuse sao?” Nếu người này là con ông
thợ Giuse, thì có gì lạ? Liệu ông ta có
thể là người đặc biệt sao, vì từ
trước đến nay ông ta quá bình thường? Dân làng Nadarét không thể tin được,
một người bình thường trong làng ai cũng
biết, lại có thể là một người đặc
biệt, Đấng Kinh Thánh đề cập tới.
Cái
nhìn của người làng Nadarét cũng rất phổ
thông đối với con người thời đại
này. Phán đoán đánh giá con người qua dáng vẻ bên
ngoài, qua qúa khứ. Nếu không dựa vào qúa
khứ của một người mà xét đoán, thì dựa
vào đâu? Nhưng khi làm như vậy,
là đã có thành kiến về người đó. Trong một làng quê, người ta biết nhau
từ nhỏ, biết cả tông ti họ hàng, nếu ai
phạm một lầm lỗi nghiêm trọng, người
đó và họ hàng rất khó sống tại địa
phương đó. Chỉ còn cách bỏ
làng mà đi. Trong một xã hội
thời xưa, không dễ gì bỏ làng đi
được, những người đó khổ như
thế nào.
“Đừng
kết án để khỏi bị
kết án”. Hơn nữa, cần có cái nhìn
rộng mở với mọi người, để có
thể đón nhận những gì Thiên Chúa đang làm qua
một người. Một người qúa khứ
tội lỗi, bây giờ Thiên Chúa có thể biến
đổi họ, có thể họ không như trước,
có thể hiện tại họ là những người
tuyệt vời. Theo kinh nghiệm sống,
điều này rất khó xảy ra, nhưng khó không có
nghĩa là không có. Đối với Thiên
Chúa, tất cả đều có thể. Chị
Maria Magdala là một điển hình.
Năm
mới, xin cho chúng ta có cái nhìn “mới” về con
người, đặc biệt những người
vẫn sống với chúng ta, để chúng ta lạc quan
và trông cậy vào Thiên Chúa hơn.
Khiêm
tốn để đón nhận và cho đi
Sự đối kháng không chỉ ở
mức độ không thích, không muốn nghe, nhưng đã
đến độ người làng Nadarét muốn
giết Đức Giêsu. Họ dẫn Đức Giêsu tới sườn
đồi, và muốn xô Đức Giêsu xuống vực,
nhưng Ngài đã băng qua giữa họ mà đi. Được sống với Đức Giêsu,
được là người đồng hương (cùng làng)
với Đức Giêsu, đáng lẽ là một ơn phúc,
nhưng bây giờ lại là mối họa, là điều
ngăn cản nhận biết Đức Giêsu. Tại sao vậy?
Tiên tri không được đón
nhận tại quê hương mình. Vì người ta cho rằng họ
đã biết rõ về con người đó. Và
như vậy, con người đó đâu có gì để
mình học, đâu có gì đặc sắc để mình
phải lắng lòng. Không cần gì thêm, là một thái
độ tự mãn, không thể đón nhận gì khác
được, ngay cả Thiên Chúa. Người ta
thường ví người tự mãn như một ly
đầy nên không thể nhận gì hơn. Nếu
không nhận, đâu có gì để cho. Một
đại dương hay một dòng sông, luôn sẵn sàng
đón nhận khe suối hay những giọt nước
dù rất nhỏ, nên có thể cho mãi mãi mà không bao giờ
cạn.
Một người tự mãn tự kiêu
thường lấy mình làm tiêu chuẩn, và không mở lòng
ra đón nhận sự thật. Vì coi mình vượt trên người
khác, nên khi thấy người khác “có vẻ” coi
thường mình, thì họ sẵn sàng hạ bệ
hoặc tiêu diệt người khác. Đó là lý do tại sao
người làng Nadarét muốn xô Đức Giêsu xuống
vực.
Xin
cho con có tâm hồn khiêm tốn, để con có thể
đón nhận Đức Giêsu và Tin Mừng cứu
độ trong đời sống từng ngày của con.
Câu
hỏi gợi ý chia sẻ:
1. Hiện tại không ai trong
chúng ta thấy Thiên Chúa bằng mắt trần, nhưng
bạn có tin rằng Thiên Chúa đến với bạn
mỗi ngày không? Xin bạn cho vài thí dụ.
2. Có khi nào bạn “thấy” Thiên
Chúa đến với một người bạn quen qua
biến cố nào đó, nhưng người đó không
nhận ra? Tại sao vậy, và làm sao để có thể
nhận ra Thiên Chúa đến với mình?
3. Tết này dịp bạn
về quê, đâu là dự định của bạn?
Điều bạn dự tính có ích lợi gì cho cha mẹ,
anh chị em, bạn bè, người thân, người yêu
không?
4. Năm mới, nếu cho
bạn một điều ước, bạn sẽ
ước điều gì?
|