Ứng nghiệm Lời Chúa - ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
Chúa Giêsu luôn sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Tin Mừng nhiều lần đề cập đến điều này. Chẳng hạn như: được Chúa Thánh Thần
thúc đẩy, Người vào sa mạc ăn chay cầu nguyện. Hôm nay được Chúa Thánh Thần
thúc đẩy, Người đi rao giảng khắp miền Galilê. Trở về Nagiaréth, Người đọc Sách Thánh trong
hội đường
đúng đoạn nói về Ơn
Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Nhiều lần Tin Mừng nói Chúa Giêsu
tràn đầy hoan lạc trong Chúa Thánh
Thần. Nhờ đâu
được như
thế? Một phần nhờ việc đọc Sách Thánh.
Chúa Giêsu thường
xuyên đọc Sách Thánh. Tim hôm nay diễn
tả: “Rồi Chúa Giêsu đến
Nagiaréth, là nơi Người sinh trưởng. Người
vào hội đường như Người vẫn quen làm trong
ngày sabbat, và đứng lên đọc Sách Thánh”. Yêu mến
và gắn bó với hội
đường, nên Chúa Giêsu thường
xuyên đến sinh hoạt với mọi người trong hội đường. Yêu mến và
gắn bó với Sách Thánh nên Chúa
Giêsu thường xuyên đọc Sách Thánh. Còn
hơn thế nữa, sau khi đọc, Người đứng ra giải nghĩa cho mọi người. Đó là nếp sinh hoạt bình thường của Người. Nếp sinh hoạt này đã thành thói
quen từ khi Người còn nhỏ bé. Nên ngay từ khi lên 12 tuổi, Người đã có thể đối
đáp với các bậc tiến
sĩ trong Đền Thờ Giêrusalem.
Chúa Giêsu kính cẩn đọc Sách Thánh. Chúa
Giêsu không đọc Sách Thánh theo thói
quen. Người đọc một cách trịnh trọng kính cẩn. Ta hãy chiêm ngắm thái độ của Người theo lời diễn tả của thánh Luca: “Họ trao cho
Người cuốn
sách tiên tri Isaia. Người mở ra và đọc… Người cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều
chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ”. Thật là trang nghiêm kính cẩn.
Thái độ của Người ảnh hưởng đến cả hội đường. Nên khi Người đọc mọi người chăm chú nhìn Người.
Chúa Giêsu trân trọng việc đọc Sách Thánh vì
Người luôn thao thức tìm thánh ý Chúa
Cha. Người đọc Sách Thánh để tìm hướng dẫn cho cuộc
đời. Người
đọc Sách Thánh để mong chu toàn thánh
ý Chúa Cha. Người nhận biết thánh ý Chúa Cha qua những
trang Sách Thánh. Người cố đọc giữa những hàng chữ để tìm thánh ý Chúa Cha.
Chúa Giêsu nghiêm túc thực hành lời Sách Thánh. Khi nói với mọi
người rằng:
“Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý
vị vừa nghe”, Chúa Giêsu
muốn nói đến hai điều. Điều thứ nhất: Người tìm thấy thánh ý Chúa Cha qua đoạn
Sách Thánh. Với thái độ kính cẩn, với lòng khiêm tốn
hiếu thảo lắng nghe, Chúa Giêsu đã
đọc được
thánh ý Chúa Cha qua đoạn sách tiên tri Isaia.
Biết lời tiên tri Isaia ứng nghiệm vào sứ mạng
của mình. Điều thứ hai: Biết được thánh ý Chúa Cha rồi,
Chúa Giêsu cương quyết thực hành. Người coi đó là chương trình hành động. Người coi đó là chỉ nam hướng
dẫn. Dù sứ mạng của Người vừa mới khởi đầu, Người cũng cương quyết hoàn thành. Suốt
đời Người
sẽ thực hành chương trình này. Vì
thế đoạn sách Isaia ứng
nghiệm vừa do thánh ý Chúa Cha
vừa do ý chí của Chúa Giêsu quyết tâm thực hành thánh ý Chúa
Cha.
Đây là mẫu gương cho ta. Đó là kết quả của Ơn Chúa Thánh
Thần. Hãy thường
xuyên đọc Kinh Thánh để
ta luôn được
tiếp xúc với Thiên Chúa. Hãy kính
cẩn tìm thánh ý Chúa trong
Kinh Thánh chắc chắn ta sẽ được ơn Chúa soi sáng cho biết
đường đi.
Nhất là hãy quyết tâm thực hành Lời Chúa mà ta đã đọc.
Ta sẽ được
tràn đầy Ơn Chúa Thánh
Thần. Thật vậy,
chẳng ai có thể say mê
Kinh Thánh nếu không được Ơn Chúa Thánh Thần
lôi cuốn. Chẳng
ai tìm được thánh ý Thiên Chúa nếu không
được Ơn Chúa Thánh Thần soi sáng. Chẳng ai có
thể thực hành Lời Chúa nếu không được
Ơn Chúa Thánh Thần nâng đỡ. Như một phản
hồi hai chiều. Càng được Ơn Chúa Thánh
Thần ta càng say mê Kinh Thánh. Càng say mê Kinh Thánh ta lại càng để
Chúa Thánh Thần hướng dẫn cuộc đời. Cuộc
đời sống theo Ơn Chúa Thánh Thần hướng
dẫn sẽ hoàn toàn ứng nghiệm ý định của
Thiên Chúa cho bản thân và cho tha nhân. Đó chính là cuộc
đời đạt được mục đích cao quý
nhất.
KIỂM ĐIỂM
ĐỜI SỐNG
1. Bạn có thường xuyên đọc Kinh Thánh không?
2. Bạn tìm gì trong sách Kinh Thánh: khôn ngoan, lịch sử
hay thánh ý Thiên Chúa cho đời bạn?
3. Khi đọc Kinh Thánh bạn có nghĩ rằng Chúa
đang nói với bạn không?
4. Bạn có thấy một câu Kinh Thánh ứng nghiệm
vào bạn và bạn quyết tâm thực hiện không?
|