LỜI GIỚI THIỆU CỦA MỘT
SỬ GIA --- Chú giải
của William Barclay
Lời mở đầu của Luca rất độc
đáo vì trong cả ba sách Phúc Âm đầu tiên, đây là
chỗ duy nhất có chính tác giả bước lên sân
khấu và dùng đại từ “Tôi”. Trong đoạn Kinh Thánh
này có ba điều cần chú ý:
1. Đây là một trong những mẫu văn
chương Hy Lạp đẹp nhất trong Tân
Ước. Luca đã dùng cách giới thiệu sách các
đại sử gia Hy Lạp quen dùng. Herodotus, một tác
giả nổi tiếng về lịch sử Hy Lạp
đã mở đầu cuốn sách của ông như sau: “Đây
là những sưu tầm của Herodotus thành Halicarnassus”. Về
sau, có một sử gia khác là Dionysius ở thành Halicarnassus
viết thư sau ở đầu cuốn sách của ông: “Trước
khi bắt đầu viết, tôi đã thu thập tài
liệu, một phần do lời tường thuật
của những người thông thái tôi từng quen
biết”. Khi bắt đầu viết sách Phúc Âm, Luca đã
tuân theo những khuôn mẫu cao nhất và bằng một
giọng văn Hy Lạp sáng sủa nhất.
Dường như ông đã tự nhủ: “Mình đang
tường thuật một truyện vĩ đại
nhất thế giới, nên chỉ những gì tuyệt
hảo mới xứng hợp với chuyện này”. Có
một số bản cổ đã thực là những sản
phẩm tuyệt vời, viết bằng mực bạc
trên nền vải điều, và người ký lục, khi
viết đến danh Thiên Chúa hay Chúa Giêsu thì viết
bằng chữ vàng. Tiến sĩ Boreham kể về
một người thợ già, mỗi đêm thứ sáu,
chọn sẵn những đồng tiền mới
nhất, sáng nhất để dâng ở nhà thờ vào ngày
Chúa nhật. Sứ giả, viên ký lục và người
thợ nói trên đều chung một ý tưởng là
chỉ có những gì tốt nhất mới xứng đáng
cho Chúa Giêsu. Bao giờ họ cũng muốn dâng
điều tốt nhất của mình cho Đấng
Tối Cao.
2. Điều rất có ý nghĩa là Luca không thoả mãn
với các sách đã chép về Chúa Giêsu. Ông phải viết
một cuốn sách về Ngài. Tôn giáo thật không phải
là một thứ gì nghe qua người khác. Đó phải là
một khám phá cá nhân. Tiến sĩ Gossip của đại
học Trinity ở Glasgow thường nói rằng bốn
sách Phúc Âm đều quan trọng, nhưng mỗi
người cần phải vượt qua đó để
tới Phúc Âm của kinh nghiệm cá nhân.
3. Hiếm có đoạn Kinh Thánh nào chiếu toả
như tia sáng về tính cách linh cảm của Kinh Thánh
đến thế. Không ai phủ nhận Phúc Âm Luca là sách
được Chúa linh hứng, tuy vậy ông đã bắt
đầu bằng lời quả quyết: đó là một
công trình nghiên cứu rất kỹ lưỡng. Ơn linh
hứùng không ban cho một tâm trí lười biếng,
chỉ biết ngồi khoanh tay chờ đợi, nhưng
cho tâm trí nào biết suy nghĩ, tìm tòi, nghiên cứu. Ơn
linh hứng thật chỉ đến khi trí não tra cứu
của con người gặp Thánh Linh mặc khải
của Thiên Chúa. Lời Chúa được ban ra, nhưng
chỉ cho nhưng người biết tìm kiếm Lời
ấy mà thôi. “Hãy tìm sẽ gặp” (Mt 7,7).
MÙA XUÂN XỨ GALILÊ
Chúa Giêsu vừa rời khỏi hoang địa, Ngài
liền phải đối diện với một quyết
định khác. Ngài biết giờ hành động của
Ngài đã đến, Ngài đã xác định phương
cách rồi, bây giờ Ngài phải bắt đầu
tại đâu?
1. Ngài bắt đầu tại Galilê.
Galilê là một vùng đất phía Bắc xứ Palestine,
rộng chừng 80km từ Bắc xuống Nam và 40km từ
Đông sang Tây. Galilê có nghĩa là vòng tròn, phát xuất từ
chữ Galil trong tiếng Do Thái. Người ta gọi
thế bởi vì vùng đất ấy được vây
bọc bởi các nước ngoại bang. Chính vì thế mà
Galilê luôn bị các thứ ảnh hưởng thâm nhập
và đã trở thành phần đất tân tiến, ít
bảo thủ. Đó là một vùng đông dân cư nhất
của xứ Do Thái. Sử gia Josephus, người đã có
lần làm thống đốc tại vùng này cho biết
rằng miền đó có 204 làng hoặc thành, làng nào cũng
có số dân không dưới 15.000. Hầu như khó tin
rằng Galilê có thể lên tới ba triệu dân. Đó là
vùng đất phì nhiêu lạ thường. Một tục
ngữ đã phản ánh điều này: “nuôi một vạn
cây ôliu ở Galilê còn dễ hơn nuôi một đứa con
ở xứ Giuđê”. Khí hậu rất tốt và
nước uống dư dật khiến Galilê trở thành
một vườn cây của xứ Palestine. Danh mục các
loại cây mọc ở đó chứng tỏ đất
rất tốt: cây nho, ôliu, vả, giẻ, hồ đào,
thông, cọ, bá hương, trắc, dầu thơm, thông các
loại, sung, dương, sim, anh đào, thạch lựu,
chanh, trúc đào… Chính người Galilê là những
người vùng cao của xứ Palestine. Josephus nói về
những người Galilê rằng: “họ chuộng sự
mới mẻ, bản tính họ thích đổi thay, và
chỉ thích nổi loạn. Nếu có lãnh tụ nào
đứng ra khởi xướng một cuộc nổi
dậy là họ sẵn sàng theo ngay. Họ dễ nóng
giận và ưa tranh cãi”. Người ta thường nói:
“Người Galilê không bao giờ thiếu can đảm”,
“người Galilê mê tìm danh tiếng hơn là tìm lợi
lộc”. Chúa Giêsu đã bắt đầu sự vụ
tại một nơi như vậy. Đó là đất
của Ngài, nơi đó đem đến cho Ngài –ít ra lúc
ban đầu- một số thính giả biết đón
nhận và say sưa với sứ điệp của Ngài.
2. Ngài đã bắt đầu trong hội
đường.
Hội đường là trung tâm đời sống tôn
giáo ở xứ Palestine. Trong nước chỉ có một
Đền Thờ, nhưng luật quy định rằng
hễ ở đâu có mười gia đình Do Thái thì ở
đấy phải có một hội đường, và
như thế ở trong mỗi thành, mỗi làng, dân chúng nhóm
họp thờ phượng trong hội đường. Không
có tế lễ trong hội đường. Đền
Thờ mới là nơi để dâng của lễ,
hội đường chỉ để giảng dạy. Làm
thế nào Chúa Giêsu có thể vào hội đường và
làm sao khi Ngài chỉ là thường dân, một thợ mộc
ở Nagiarét, có thể giảng dạy tại đó? Nghi
thức thờ phượng ở hội đường
có ba phần:
a. Phần thờ phượng bằng cầu
nguyện.
b. Phần đọc Kinh Thánh. Có bảy người
trong cộng đoàn đứng lên đọc. Vì họ
đọc bằng tiếng Do Thái cổ là ngôn ngữ
đại đa số dân chúng không còn hiểu nữa, nên
phải có các thầy Targum giúp dịch sang tiếng Aram hay
Hy Lạp. Khi đọc luật thì mỗi lần một
câu, còn đọc sách ngôn sứ thì mỗi lần
đọc ba câu.
c. Phần giảng dạy. Tại hội
đường không có chức vụ giảng chuyên
nghiệp, cũng không có một người biệt riêng
để giảng dạy. Vị chủ tịch hội
đường sẽ mời một nhân vật
đặc biệt nào đó có mặt trong giờ họp
nói mấy lời, sau đó tới giờ thảo luận.
Như vậy Chúa Giêsu mới có cơ hội tham gia tại
đó và toà giảng ở đó đã mở cửa cho Ngài
vào giai đoạn này.
3. Đoạn Kinh Thánh cho biết mọi người
đều khen ngợi Ngài.
Giai đoạn Chúa Giêsu đang thi hành sứ vụ
đây được gọi là Mùa Xuân xứ Galilê. Ngài
đã đến đó như một luồng gió từ Thiên
Chúa. Phe đối lập chưa xuất đầu lộ
diện, lòng người còn đang khao khát lời hằng
sống và dân chúng chưa nhận thức được
Ngài sẽ đụng chạm mạnh mẽ như thế
nào tới niềm tin chính thống đương thời.
Rao giảng một sứ điệp đã được
thai nghén kỹ càng bao giờ cũng thu hút được
thính giả.
Một trong những nơi thăm viếng đầu
tiên của Chúa Giêsu là Nagiarét, quê nhà của Ngài. Nagiarét không
phải là một làng, nó được gọi là một
polis, nghĩa là một thành hay một thị trấn, và có
thể có tới 20.000 dân. Nagiarét toạ lạc trong một
vùng đất của sườn đồi núi Galilê
gần cánh đồng Gitrien. Chỉ cần leo lên
đỉnh đồi vượt cao trên mặt thành là có
thể thấy toàn cảnh bao la hàng dặm chung quanh đó.
George Adm Simth diễn tả phong cảnh từ trên
đỉnh đồi như sau: Lịch sử của dân
Israel mở ra trước mắt chúng ta. Kia là cánh đồng
Esdraelon, nơi Đêhôra và Barac đã chiến đấu,
nơi Ghêđêon đã thắng trận vẻ vang, nơi
Saulê đã thảm bại và chính nơi này Giôsia đã
bị giết trong chiến trận. Kìa là vườn nho
của Nabôt, chỗ Giêhu giết Giêsabên, kìa nữa là
đất Sunem, nơi ngôn sứ Elia đã sống, kìa là
núi Cácmen, nơi Êlia đã đánh trận oanh liệt
với các tiên tri Baan, và xanh xanh ở đằng xa là
Đia Trung Hải và các hải đảo! Nhưng không phải
chỉ có lịch sử Israel ở đó mà lịch sử
thế giới cũng mở ra trên đỉnh đồi
Nagiarét. Có ba đường lớn vây quanh Nagiarét. Có con
đường từ phía Nam đưa các khách hành hương
lên Giêrusalem. Có con đường lớn dọc bờ
biển để đưa những đoàn thương
gia chở nặng hàng hoá từ Ai Cập lên tới
Đamas. Có con đường lớn đi về
Phương Đông, cho những đoàn doanh thương
từ Ai Cập đến, và cũng có những đoàn
quân viễn chinh Rôma tiến về các biên giới miền Đông
của đế quốc. Thật sai lầm nếu
nghĩ rằng Chúa Giêsu lớn lên tại một nơi
hẻo lánh; Ngài lớn lên trong một thành có tầm cỡ
lịch sử và có các trục lộ giao thông của
thế giới chạy qua ngay trước ngõ.
Chúng tôi đã phác hoạ giờ thờ phượng
tại hội đường và đoạn sách này cho ta
thấy cả một bức tranh sống động
về hoạt động phụng vụ ở đó. Không
phải Chúa Giêsu cầm một quyển sách, vì thời
đó mọi sự được viết trên những
cuộn da. Ngài đã đọc Is 61. Trong câu 20, bản
dịch King James đã nói sai về “kẻ giúp việc”. Thực
ra vị này là một viên Chazzan đảm nhiệm
nhiều thứ công tác. Ông có bổn phận lấy ra và
cất vào những cuộn Kinh Thánh, có bổn phận
giữ cho hội đường sạch sẽ, có bổn
phận thổi ba hồi kèn bạc từ trên nóc hội
đường loan báo ngày Sabat, ông cũng là giáo viên trong
trường học của vùng ấy nữa. Câu 20 nói
rằng Chúa Giêsu ngồi xuống, khiến ta có cảm
tưởng Ngài đã làm xong công việc. Thực ra, Ngài
sắp sửa bắt đầu, vì diễn giả
ngồi mà giảng và các rabi cũng ngồi khi giảng
dạy (do tục lệ này mà chúng ta thường nói
ghế của giáo sư).
Chúng ta cần để ý tới hai điều:
1. Chúa Giêsu có thói quen vào hội đường vào ngày
Sabat. Tại đó hẳn có nhiều điều Ngài hoàn
toàn không đồng ý và làm Ngài cảm thấy khó chịu,
nhưng Ngài đã đến đó. Việc thờ
phượng tại nhà hội có thể có nhiều
thiếu sót, nhưng Chúa Giêsu không bao giờ bỏ qua
hiệp thông với dân Chúa bằng thờ phượng
trong Ngày của Chúa.
2. Đọc lại đoạn Kinh Thánh trong Isaia mà Chúa
Giêsu đã đọc hẳn chúng ta nhận thấy sự
khác biệt giữa Chúa Giêsu với Gioan Tẩy Giả. Gioan
giảng về tai hoạ, và khi nghe sứ điệp
của ông, người ta phải rùng mình kinh sợ. Còn Chúa
Giêsu đem Phúc Âm-Tin Mừng đến. Chúa Giêsu biết cơn
thịnh nộ của Thiên Chúa, nhưng bao giờ cũng
là thịnh nộ do tình thương.
|