Dấu
chỉ tiệc cưới Cana – Radio Veritas Asia.
(Trích
trong ‘Suy Niệm Lời Chúa’)
Alkasami,
một nhà thần bí người Ba Tư qua đời
năm 1330, đã viết về tình yêu của Thiên Chúa
như sau: "Cái đẹp đích thực, tình yêu đích
thực chính là Thiên Chúa. Và tất cả những gì là
đẹp, là dễ yêu trên thế giới này đều
tỏ lộ trọn vẹn về tình yêu của Ngài. Mỗi lần chúng ta nhận ra một
người đẹp, đôi mắt trí tuệ của
chúng ta phải hướng vọng lên Chúa và tấm lòng
của chúng ta phải hướng về Ngài. Cuộc đời của Kitô hữu phải là
mọt cuộc chiêm ngắm triền miên về Ngài.
Cuộc đời của Kitô hữu phải là một
cuộc chiêm ngắm triền miên vẻ đẹp tuyệt
vời là Thiên Chúa, và phải là tiệc cưới
tươi vui vì có Chúa Giêsu Kitô là vị hôn phu là rượu
mới thơm ngon của thời cứu thế".
Đó là sứ điệp
Giáo Hội muốn nhắn gởi chúng ta qua các bài
đọc Chúa nhật hôm nay. Bắt đầu vào thế kỷ thứ XIII
trước tây lịch, với tiên tri Môisê, mối
tương quan giữa Thiên Chúa và dân Israel không còn
được trình bày trong thứ ngôn ngữ chính trị
ngoại giao của Giao ước nữa, mà được
diễn tả trong thứ ngôn ngữ của hôn nhân,
của liên hệ vợ chồng, của cuộc gặp
gỡ đối thoại thân tình và tươi vui như
trong một tiệc cưới. Tiên tri Isaia
III, một đồ đệ của trường phái
Isaia sống vào sau thời lưu đày đã muốn ca
tụng các liên hệ thân tình ấy của Thiên Chúa với
dân Israel. Các chương từ 56-66 là một bài
ca cảm tạ Thiên Chúa vì Ngài đã lại đoái nhìn
đến Israel và cho họ được trở về
quê hương sau 50 năm lưu đày bên Babylon.
Trong Kinh Thánh, thành Giêrusalem bị tàn phá
và dân Israel phải sống kiếp lưu đày
được giải thích như hâu quả cuộc
sống tội lỗi của dân Chúa chọn, vì Israel đã
chạy theo tôn thờ các thần linh giả tạo khác,
không nhận biết Chúa và không kêu cầu Ngài nữa, nên
phải sống kinh nghiệm đắng cay sự làm thinh
của Thiên Chúa. Thiên Chúa rút bàn tay
đỡ nâng lại và giấu cánh tay phải trong lòng không
dang ra trợ lực họ nữa. Nhưng
trong chương 62, tiên tri Isaia III cho thấy Thiên Chúa
lại bắt đầu ngỏ lời với dân Israel.
Trong ngôn ngữ Thánh Kinh, nếu sự
thinh lặng diễn tả cảnh hoang tàn buồn
thảm, nếu thinh lặng là sa mạc
trống vắng vực thẳm, không có sự sống, thì
lời nói diễn tả sức sáng tạo. Thành
Giêrusalem được tái thiết và đổi mới
lại trở thành người đối thoại với
Thiên Chúa y như người nam và người nữ đã
từng được chuyện vãn thân tình với Thiên Chúa
vào thời khai nguyên vũ trụ. Giêrusalem
tái thiết, là dấu chỉ của sự tạo dựng
hữu hiệu của Thiên Chúa bị tàn phá vì tội
lỗi bất trung của mình. Giêrusalem đã trở
thành biểu tượng của con người
được Thiên Chúa phục hồi vẻ trong sáng và
hình ảnh của Ngài. Và Kinh Thánh diễn tả tình
trạng cuộc tái sinh ấy của con người trong
ơn thánh Chúa thứ ngôn ngữ của hôn nhân, Giêrusalem
không bị bỏ rơi nữa mà trở thành hôn thê của
Thiên Chúa, đầu đội vương miện,
phẩm giá mới cao trọng của một nữ hoàng và
được Thiên Chúa gọi là niền vui của Ta.
Cuộc sống của chúng ta ngày nay tuy
chúng ta có lỗi, nhưng Thiên Chúa trao ban cho chúng ta cuộc
sống mới và phẩm giá mới là con cái của Ngài. Và còn hơn thế nữa, Thiên Chúa biến
đổi chúng ta thành người yêu, niềm vui của
Ngài. Qua tường thuật tiệc cưới làng Cana, thánh Gioan cho thấy Chúa Giêsu cũng tỏ lộ con người
và sứ mạng của Ngài trong khung cảnh một
bữa tiệc cưới. Khác với các thánh sử
của ba Phúc Âm nhất lãm hay dùng từ phép lạ, thánh
Gioan dùng từ "dấu chỉ". Trong Kinh Thánh,
rượu là dấu chỉ của thời cứu thế
và của niềm vui mà Đấng Cứu Thế khơi
dậy nơi tâm lòng con người. Khi biến đổi
nước thành rượu ngon, Chúa Giêsu cho thấy Ngài là
thứ rượu hảo hạng của tiệc
cưới thời cứu thế mà Thiên Chúa ban cho loài
người. Đây là dấu chỉ, qua đó Chúa Giêsu cho
thấy trước vinh quang của Ngài để các môn
đệ tin vào Ngài. Nhưng trong nhãn quan
thần học của thánh Gioan, vinh quang đích thực
của Chúa Giêsu sẽ chỉ được tỏ
hiện trên thánh giá và trong sự Phục sinh của Ngài mà
thôi. Thánh Gioan gọi là giờ của
Chúa Giêsu. Tuy nhiên, ngay lúc này đây,
dấu chỉ ấy đã bắt đầu tỏ hiện.
Lời xin của Mẹ Maria diễn tả
cái lo lắng vật chất. Câu trả
lời và kiểu cách làm của Chúa Giêsu diễn tả
viễn tượng cứu thế trong tương lai.
Và cũng giống như đoàn tông đồ, Mẹ Maria
được Chúa Giêsu dẫn đưa vào con
đường lòng tin, con đường mà mỗi
một môn đệ đều phải đi theo,
để có thể hiểu biết toàn vẹn bản
chất đích thực con người của Chúa Giêsu.
Trong khung cảnh của tiệc
cưới Cana, bên cạnh Chúa Giêsu là rượu mới
của thời cứu thế, là vị hôn phu của
cộng đoàn Giáo Hội và là chủ tiệc Thánh Thể,
Mẹ Maria cũng là một dấu chỉ. Mẹ không cho
chúng ta thấy một vị Thiên Chúa nghiêm nghị khắc
khổ, mà giúp chúng ta hiểu Chúa Giêsu, con Mẹ là vị
Thiên Chúa của sự sống, của niềm vui và của
tình bạn hữu.
Có rất nhiều Kitô hữu gồm
cả các vị lãnh đạo cộng đoàn quan niệm
rằng, niềm vui không thể đi đôi với nỗ
lực sống nghiêm chỉnh lòng tin Kitô, chỉ có ăn chay hãm mình mới là sống
đạo. Chỉ khi chịu đựng
những gì nặng nề, nhàm chán và khó chịu, mới có
công phúc và mới là sống đạo, còn tươi vui
hớn hở không phải là thái độ nghiêm trang kính
trọng đối với Thiên Chúa. Quan niệm sai
lầm nay khiến cho tín hữu có kiểu sống
đạo khô khan, nhăn nhó và phục vụ Thiên Chúa
với gương mặt cau có khó thương, chịu
đựng hy sinh, tốn kém cho cái dịch vụ thờ
phượng như với gương mặt sầu thảm
làm sao. Do đó họ không cảm hứng vui lên trong Chúa khi
phụng sự Ngài trong tiếng đàn ca.
Dấu chỉ tiệc cưới Cana
cho thấy Thiên Chúa yêu thích cho chúng ta sống vui tươi
hồn nhiên và trong sáng, bởi vì Tin Mừng cứu
độ mà Chúa Giêsu đem đến cho chúng ta, chỉ là
tin vui thật sự nếu chúng ta có thái độ sống
lòng tin thật sự, nếu gương mặt, ánh
mắt và cuộc sống chúng ta phản ánh niềm vui
đó. Dấu chỉ tiệc cưới Cana dạy cho chúng ta biết rằng, để gặp
gở Chúa Kitô chúng ta không cần phải là người
thoát tục trở thành thiên thần, nhưng chỉ
cần hiểu rõ thành loài người hơn, sống
trọn vẹn ơn gọi làm người của chúng ta
hơn theo mẫu gương của Chúa
Giêsu Kitô nhập thể. Và để có thể hiện
thực ơn gọi làm người, cần phải
tập và sống các nhân đức nhân bản mỗi ngày,
càng biết sống sâu đậm các nhân đức căn
bản tự nhiên, chúng ta càng giống Chúa Giêsu làm
người. Đó là nền tảng vững
chắc đầu tiên, cần thiết trong cuộc
sống ơn gọi Kitô. Thiếu các nhân đức
căn bản này, người tín hữu mất quân bình,
thường trở thành cuồng tín, có thái độ
sống đạo lệch lạc.
Ngoài ra dấu chỉ của tiệc
cưới Cana còn dạy cho chúng ta biết rằng,
của cải trần gian và các tiện nghi vật chất
tự chúng không có gì là xấu xa và nguy hại, chúng chỉ
xấu xa nguy hại và đáng khinh, khi chúng khiến cho chúng
ta đánh mất đi chất người của mình, và
biến chúng ta trở thành ích kỷ hàm hồ, ác
độc, bất công và nô lệ chúng. Nhưng thật ra,
chỉ có con người là đáng chê trách vì ta trở thành
xấu xa và gian tham ác độc chớ không phải
của cải. Cũng chính vì thế, nên trong chương
12, thư thứ nhất gởi tín hữu Côrintô, thánh Phaolô
khuyến khích mọi người hãy biết sử
dụng đúng đắn tất cả mọi đặc
sủng mà Thiên Chúa rộng ban cho họ. Kẻ ít
người nhiều ai cũng nhận được
một số đặc sủng tùy theo
sự khôn ngoan quan phòng của Thiên Chúa. Cần tận
dụng tất cả mọi ơn đó, tất cả
mọi đặc sủng và tài khéo đó mà Chúa Thánh
Thần đã ban cho chúng ta để làm vinh danh Chúa và
mưu ích cho tha nhân và trong cộng đoàn. Chính các
đặc sủng khác nhau ấy làm thành sự phong phú
của dân Chúa, những ơn Chúa ban đều có mục
đích giúp cộng đoàn trở thành vững mạnh.
Tóm lại sống lòng tin Kitô có nghĩa
là ý thức được ơn Chúa ban cho chúng ta, là luôn
tươi vui tận dụng để phục vụ Thiên
Chúa trong thân nhân theo mẫu gương
của Chúa Giêsu Kitô.
|