Chúa đến xây dựng
hạnh phúc cho con người.
(Trích trong ‘Cùng Đọc Tin Mừng’ –
Lm. Ignatiô Trần Ngà)
Chúng ta thường
nghĩ rằng sứ mạng của Chúa Giêsu khi
đến trần gian là hiến thân cứu độ nhân
loại để cho họ được hưởng hạnh
phúc đời sau và chỉ có chừng ấy mà thôi, ngoài ra,
Ngài không còn bận tâm nào khác.
Thật ra không phải thế, vì ngoài
việc tự hiến đời mình cứu độ nhân
loại, cho con người được hưởng
hạnh phúc đời sau, Chúa Giêsu còn thiết tha đem
lại hạnh phúc cho mọi người ngay trên cõi
đời nầy nữa.
Chính vì xem việc đem lại hạnh
phúc đời nầy cho con người là điều quan
trọng và cần thiết nên Chúa cứu thế đã
đến tham dự tiệc cưới tại Cana để chúc lành cho đôi tân hôn được
trăm năm hạnh phúc. Việc nầy xem
ra quan trọng đối với Chúa Giêsu nên Ngài không
chỉ đi một mình mà cùng đi với Đức
Mẹ và các môn đệ để cho niềm vui của
đôi hôn nhân được nhân lên.
Thế rồi,
điều bất ngờ đã xảy ra, đang giữa
tiệc vui bỗng hết rượu. Thật là chuyện không may và ngày vui
của đôi tân hôn có nguy cơ trở thành ngày đau
khổ vì cô dâu chú rể sẽ bị gièm pha
trách móc, tiệc cưới sẽ để lại ấn
tượng đáng buồn trong lòng mọi người.
Trước tình thế
đó, Mẹ Maria chạy đến với Chúa Giêsu
để xin Ngài cứu vãn. Thế là mặc dù giờ chưa đến, Chúa
Giêsu cũng đã thực hiện phép lạ hoá nước
thành rượu với số lượng lớn không ai
ngờ: đến những sáu chum nước lã
được hoá thành rượu thật ngon để
đem lại niềm vui và hạnh phúc chan hoà cho mọi
người.
Phép lạ đầu tay vào lúc khởi
đầu sứ vụ đã được Chúa Giêsu
thực hiện nhằm đem lại niềm vui và
hạnh phúc cho cô dâu chú rể cũng như cho khách
dự tiệc tại Cana cho thấy Ngài rất quan tâm
đem lại hạnh phúc cho người khác. Nhiều phép lạ khác được Chúa Giêsu
thực hiện sau nầy cũng không ngoài mục đích
đó.
Cũng vì muốn đem lại niềm
vui và hạnh phúc cho người goá phụ Naim mà Chúa Giêsu đã
cho con trai bà đã chết được sống lại,
dù bà chưa ngỏ lời van xin.
Cũng vì muốn đem lại niềm
vui và hạnh phúc cho chị em Matta, Maria ở Bêtania đang
sầu thảm vì mất em, Chúa Giêsu đã cho Ladarô chết
chôn trong mồ được sống lại. Nhờ đó, cả gia đình được chan
hoà niềm vui.
Cũng vì muốn đem lại niềm
vui cho hai môn đệ Emmau đang sống trong sầu
đau tuyệt vọng, Chúa Giêsu phục sinh đã hiện
ra, cùng đồng hành với các ông, giảng giải kinh
thánh cho các ông, làm cho lòng các ông bừng cháy lên niềm vui và
hi vọng vào Đấng cứu thế. (Lc 24, 32)
Và rất nhiều phép lạ khác Chúa
Giêsu thực hiện như cho người mù
được xem thấy, cho người điếc
được nghe, người què đi được,
người phong hủi được sạch,
người câm được nói, cho người đói
được ăn, cho người nghèo được
nghe Tin Mừng... cũng đều
nhằm đem lại niềm vui và hạnh phúc cho tha nhân.
Hơn nữa, Chúa Giêsu không chỉ
muốn mang lại hạnh phúc và niềm vui cho một
số người Ngài đã từng gặp đây đó
trên đất Do-Thái năm xưa, Ngài còn muốn dành
điều ấy cho hết mọi người.
Biết rằng con người sẽ
luôn luôn bất hạnh nếu sống mà thiếu vắng
tình thương, rằng tình thương là yếu tố
cốt thiết đem lại niềm vui và hạnh phúc cho
muôn người, nên Chúa Giêsu đã nhóm lên ngọn lửa yêu
thương trên mặt đất: "Thầy đã
đến ném lửa (tình thương) vào mặt
đất và Thầy ước mong phải chi lửa
ấy đã bùng lên" (Lc 12, 49) và Ngài không ngừng kêu
gọi mọi người chung tay góp sức xây dựng
một thế giới mà mọi người đều
được sống trong yêu thương: "Thầy
ban cho các con một điều răn mới, là các con hãy
yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các
con".
Như thế, đem lại niềm vui
và hạnh phúc cho những người chung
quanh không còn là chuyện nhỏ nhưng là một việc
làm đạo đức, bác ái và cao đẹp chẳng
khác gì cho người đói ăn, cho người khát
uống, cho người đau bệnh được
thuốc men.
Là kitô hữu, là cánh tay nối dài
của Chúa Giêsu, chúng ta cũng được mời
gọi tiếp tay với Chúa Giêsu để xây dựng
niềm vui và hạnh phúc cho những người đang
sống quanh ta bằng cách khơi bùng lên ngọn lửa
tình yêu mà Chúa Giêsu đã mang xuống thế gian, tức là
quyết tâm sống theo luật yêu thương của Ngài,
để nhờ đó, gia đình, thôn xóm và giáo xứ chúng
ta được chan hoà hạnh phúc.
Đó cũng là con đường nên
thánh, là chìa khoá thiên đàng của mỗi người chúng
ta.
|