MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: thiên chúa :: chúa cha và chúa giêsu
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Bài Lời Chúa 36: Thương Linh Hồn Bảy Mối (phần I)
Thứ Năm, Ngày 14 tháng 1-2016
BÀI LỜI CHÚA 36

Thương linh hỒn bẢy mỐi (Phần I)

Trích lược sách tiên tri Yô-na, ch.1

Yavê truyền cho tiên tri Yô-na rằng :

-    Hãy chỗi dậy, đi sang Ni-ni-vê, kinh thành vĩ đại, mà loan báo cho chúng hình phạt sắp đổ xuống trên đầu do các tội lỗi, ác nhân ác đức của chúng đã lên thấu tai Ta.

Nhưng Yô-na run sợ, ông nghĩ :

-    Dân Ni-ni-vê là dân đại gian, đại ác, lại là kẻ thù không đội trời chung của dân tộc mình. Nay mình sang rao giảng, nhỡ ra họ ăn năn trở lại và Thiên Chúa thì nhân từ sẽ tha, không giáng phạt cho họ, thì lời loan báo hình phạt của mình là dởm, thiên hạ sẽ cười mình chết. Hơn nữa, chúng là kẻ đại gian, đại ác, cứ để chúng bị phạt chết tiệt nòi, tiệt chủng đi là đáng kiếp.

Nghĩ thế rồi, ông không tuân lệnh Chúa, trốn chạy nhiệm vụ. Thay vì xuống tàu sang phía đông đến Ni-ni-vê, ông xuống tàu đi ngược phía tây, tưởng lánh xa được mặt Chúa. Ai dè, đang lênh đênh trên mặt biển thì Thiên Chúa làm nổi dậy phong ba. Tàu muốn vỡ tan vì sóng nhồi, gió táp. Thủy thủ và mọi người trên tàu khiếp vía, ai nấy cầu khẩn thần linh của mình. Họ quăng đồ đoàn xuống biển cho tàu nhẹ bớt, nhưng nguy hiểm càng lúc càng lớn. Còn Yô-na chui xuống hầm tàu ngủ li bì. Thuyền trưởng lại gần đánh thức ông :

-    Này ! Dậy đi mà kêu khấn thần linh của ngươi !

Nhưng cầu khấn mãi mà nguy hiểm không giảm. Họ bảo nhau:

-    Giữa chúng ta, chắc có một kẻ tội phạm nào đó chọc giận thần linh, làm cớ cho các vị thần đổ tai họa xuống cho ta. Ta hãy bắt thăm để biết.

Họ đã gieo thăm. Thăm lại nhằm đúng Yô-na. Yô-na đành phải xưng :

-    Tôi là dân Hip-ri (tức Do thái), thần linh tôi thờ là Yavê Chúa trên trời. Ngài dựng nên biển khơi cũng như đất liền.

Nghe vậy, họ rất đỗi khiếp sợ. Họ hỏi :

-        Vậy ngươi đã làm gì xúc phạm đến Ngài ?

Yô-na thú tội là ông trốn nhiệm vụ Yavê trao. Họ hỏi bây giờ phải làm thế nào để biển yên sóng lặng. Yô-na nói :

-    Hãy quăng tôi xuống biển, thì các ông qua khỏi hiểm nghèo. Bởi tôi biết chính vì tôi đã xúc phạm đến Yavê, mà cơn bão này xảy đến cho các ông.

Thoạt đầu, họ không dám làm, họ ra sức chèo chống để vào đất liền, nhưng vô phương, bão càng thêm hung dữ. Cuối cùng, họ đành khấn vái Yavê, xin đừng bắt tội họ vì thí mạng Yô-na, rồi họ quăng tùm ông xuống biển. (Hình bên cho thấy, các thủy thủ đang ôm Yôna sắp quăng xuống biển, và một con kình ngư khổng lồ đang rình sẵn để nuốt ông). Tức thì, biển trở lại yên như tờ. Mọi người kính sợ Yavê và dâng tế lễ kính Ngài.

*   Đó là Lời Chúa ! - Tạ ơn Chúa !

Suy niệm Lời Chúa

Vì sao Yô-na trốn chạy việc rao giảng cho dân Ni-ni-vê ? Anh chị em nào đáp thử xem có đúng không ? (,,,,để họ nói...). Bây giờ, ta thử đọc lại Lời Chúa, ở mấy dòng đầu có lời giải đáp (xin đọc lại mấy dòng đầu).

Tóm lại, tiên vàn, ông sợ mất mặt vì người ta chê cười. Đi loan báo hình phạt sắp xảy đến, mà nhỡ ra họ ăn năn trở lại, thì Thiên Chúa là Đấng giàu lòng ái tuất, kẻ đại gian, đại ác đến mấy mà thống hối, ăn năn, Ngài cũng tha thứ và thôi phạt ; như vậy, hóa ra lời loan báo của ông là láo, loan báo điều không xảy ra. Thứ đến, ông không có lòng thương linh hồn kẻ tội lỗi, mặc kệ cho Chúa phạt chúng chết đi. Đáng tội !

Biết đâu nhiều người trong chúng ta cũng là Yôna trốn chạy việc cứu giúp linh hồn người ta, vì sợ cái này, cái nọ ! Là thành phần của Hội Thánh truyền giáo, ta mặc kệ người ta chết mất linh hồn mà chẳng thò một ngón tay ra cứu vớt sao ?

Trong đời bạn, đã có lần nào giúp một người khác bỏ đàng tội lỗi trở về đàng chánh chưa ? Đã một lần nào, bạn đưa một tâm hồn đến tin vào Chúa, hoặc đưa một người lương đến chịu phép Rửa tội chưa ? Nếu đã được ít ra một lần, thì cũng tốt lắm rồi, thế là bạn đã cầm chắc phần rỗi của chính bạn, vì có lời Kinh Thánh dạy : “Hãy biết rằng : kẻ làm cho một người tội lỗi trở lại, bỏ đường lầm lạc, là sẽ cứu linh hồn mình khỏi chết và phủ lấp muôn vàn tội lỗi” (Gc 5.20).

Dầu vậy, cứu một linh hồn là quá ít. Thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê bôn ba bốn bể năm châu, sang Ấn độ, đến Trung quốc, vào Nhật bản, lặn lội nơi rừng thiêng nước độc, đến cùng những bộ lạc hung tợn ăn thịt người... để rao giảng, dạy đạo, khuyên bảo mọi người hãy tin vào Chúa, hầu được cứu rỗi ; nên thánh nhân đã cứu được cả triệu linh hồn đưa về với Chúa.

Vậy, cái gì là động cơ thúc đẩy lo phần rỗi cho người khác? Thưa:

Thứ nhất : lòng yêu thương : “Mến Chúa thì cũng thương anh em mình. Phàm ai yêu mến Đấng Sinh thành, tất yêu mến cả những kẻ bởi Ngài mà sinh ra”, Thánh Kinh dạy vậy (1Ga 4.21 và 5.1). Không chỉ thương xác như đã xem ở các kỳ trước, mà còn thương phần linh hồn.

Cứ xem gương Đức Giêsu đủ rõ: Ngài đã làm những gì để cứu linh hồn nhân loại ? Ở đây, chúng ta không bàn rộng về công việc cứu độ này, đợi dịp khác, chỉ cần nhớ một điều : cho dù chỉ có một linh hồn tội lỗi trên thế gian, Chúa Giêsu cũng từ bỏ trời xuống thế, rao giảng, hi sinh chịu chết làm của lễ đền tội cho người đó. Dụ ngôn người chăn chiên rời bỏ 99 con trong đàn, để đi tìm một con chiên lạc bầy, đã cho phép ta nghĩ như thế.

Ngày xưa, Thày Mạnh Tử nói : “Người ta ai cũng có tính thiện trong người : đó là cái lòng trắc ẩn. Chứng cớ là đây : giả sử thình lình thấy đứa bé sắp ngã xuống giếng, thì ai trông thấy cũng có lòng trắc ẩn, xót thương mà chạy lại cứu giúp. Xem như vậy, ai không có lòng trắc ẩn, thương xót, thì không phải là người” (chương Công Tôn Sửu). Cũng vậy, linh hồn tội lỗi là một kẻ sa xuống giếng, đã là con người ai cũng xót thương mà đến cứu giúp. Há người Kitô hữu lại không biết xót thương ? Hay là họ không còn là người nữa ? Hay họ không có trái tim ? Kitô hữu nào không xót thương linh hồn người ta, không phải là Kitô hữu thật.

Thứ hai : một lý do nữa thúc đẩy lo cứu các linh hồn là nhận định xác đáng về hạnh phúc đời đời. Ta có một báu vật gì, nếu mất đi, ta tiếc xót, đau khổ, buồn rầu, mất ăn, mất ngủ, có khi đến bấn loạn tinh thần, và nếu còn hi vọng, ta sẽ ra công tìm kiếm không nệ gian quản khó... Do đó, nếu nhận định xác đáng hạnh phúc đời đời, cuộc sống với Chúa, với Đức Mẹ cùng các thần thánh nơi Thiên đàng, cõi trời mới, đất mới là cao quí, tốt đẹp và vui sướng vô ngần, nên ta sẽ cẩn thận không để mất nó, và thấy ai sắp mất, ta sẽ giúp họ gìn giữ. Vậy xin hỏi giá trị một linh hồn là bao nhiêu ? Thưa : cả vũ trụ này cũng không bằng. Đức Giêsu đã nói : “Nào ích gì cho người ta khi chiếm được cả thế gian làm sở hữu mà lại đánh mất sự sống linh hồn mình ! Người ta sẽ lấy gì để chuộc lại sự sống linh hồn mình ?” (Mc 8.36-37).

Đức Mẹ đã hiểu hạnh phúc đời đời là thế nào : Tuy Đức Mẹ cũng là con cháu Adong, Evà như ta mọi đàng, song nay thì Người đang nếm hưởng phúc vô cùng trên trời với cả hồn lẫn xác. Khi Mẹ thấy loài người cứ ham mê các vật thế gian tạm bợ, mau qua, chóng tàn, mà phạm tội mất lòng Chúa, bỏ mất phần phúc vô cùng lớn lao, cao quí kia, và liều mình sa xuống hỏa ngục đau đớn, quằn quại, nghiến răng, khóc lóc đời đời ; thì Mẹ như cuống cuồng, rối rít lên... Cho nên, Mẹ hiện ra liên tiếp, nơi nọ nơi kia : nào Lộ Đức, nào Fatima, bây giờ đang hiện ra tại Nam Tư (cũ)... để cảnh tỉnh, để thúc giục để nài nỉ con cái Mẹ hãy ăn năn trở lại, đừng dại dột chuốc lấy hỏa ngục đau đớn khủng khiếp... Và để làm bằng chứng cho những người không tin hỏa ngục là có thật, thì ở Fatima, Mẹ cho ba em nhỏ Lu-xi-a, Phnxicô và Giaxinta được thấy hỏa ngục và các quỉ dữ cùng các linh hồn trầm luân, đau đớn gào thét trong đó... Mới đây, hiện ra tại Nam Tư, Đức Mẹ cho các thanh thiếu niên Mẹ tuyển chọn, được chứng kiến cảnh thiên đàng, rồi hỏa ngục...; cách riêng còn cầm tay hai em (Vicka và Jakov) dắt đi lên tham quan mấy nơi đó !! Sau đó Đức Mẹ dặn : “Cho các con đi xem tận mắt các nơi ấy để về kể lại cho người ta biết Thiên đàng và Hỏa ngục là có thật.”

Theo gương Chúa Giêsu, Đức Mẹ và các thánh, ta không thể sống dửng dưng, mặc anh em ta sa xuống đó, và tự nhủ mình : “Tôi có phải là người canh giữ anh em tôi đâu ! Họ sao kệ họ, tôi không biết!” Chúng ta tạm lấy lời Thánh Kinh này nói về thân thể mầu nhiệm mà áp dụng ở đây : “Mắt không thể bảo tay : Tôi không cần anh ! Hay đầu không thể bảo chân : Tôi không cần các anh ! Song Thiên Chúa đã xếp đặt các bộ phận của thân thể... để các bộ phận vì ích chung mà đùm bọc nhau. Cho nên, một bộ phận đau thì hết các bộ phận đều đau chung. Một bộ phận được vinh, thì hết các bộ phận đều vinh chung...” (1Cr 12.21-26). Thiên Chúa trao cho mỗi người phận sự lo lắng phần rỗi và ích lợi thiêng liêng cho đồng loại, chứ không chỉ lo cho mình thôi.

Tích truyện

Trích đoạn ký sự của ĐGM Anphong Nguyễn Hữu Long, GM Phụ tá Giáo phận Hưng Hóa :

Tôi cảm động biết bao, khi đến được với anh chị em H’Mông trong chuyến đi khởi hành từ ngày 02-12-2014, vượt 200 cây số để đặt chân đến bản Huổi Thủng 1, xã Na Cô Sa lúc 2 giờ chiều. Khi đến nơi, chúng tôi vui mừng và ngạc nhiên khi thấy rất đông bà con, khoảng 500-600 người, đã chờ sẵn, chắc là phải từ trước trưa, chẳng biết có hạt cơm nào bỏ bụng không. Có những em bé đi chân không, chẳng mặc quần, mặt mũi lấm lem ; có những người lớn gầy còm, đen đúa vì lao động, trong bộ y phục đặc trưng của người H’Mông. Dù vậy, trên khuôn mặt mọi người đều rạng rỡ nụ cười hiền hòa, sung sướng vì lần đầu tiên được gặp giám mục của mình. Họ tò mò hỏi nhau : “Giám mục nó là ai, nó như thế nào ?”

Vì không có thời gian để giải tội cá nhân, chúng tôi quyết định giải tội tập thể, để họ được rước Chúa trong Thánh Lễ đã khát khao mong đợi từ nhiều năm nay. Phải dâng lễ ngoài trời…và bạn hãy hình dung một Thánh Lễ đơn sơ, nhưng đong đầy linh thiêng giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa cao cả và con người hèn mọn, giữa lời ca tiếng hát H’Mông-Việt xen lẫn, vút cao phủ kín khoảng không gian…

Tôi thực sự xúc động trước lòng thành của những anh chị em nghèo khó và khốn khổ này [… ].

Tối hôm đó trên đường về… tôi miên man suy nghĩ : Lúc này ở khắp nơi trên thế giới, người ta bắt đầu chuẩn bị đón lễ Giáng sinh với bao hăm hở : nào trang hoàng đèn đóm, làm máng cỏ thật hoành tráng, gởi thiệp chúc nhau, tặng nhau những món quà đắt tiền, sắp đặt những bữa tiệc linh đình… Còn ở đây, nơi rẻo cao Tây Bắc này, có những con người khốn khổ, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, nhà không đủ ấm để chống chọi với cái rét cắt da cắt thịt của mùa Đông, chẳng dám nghĩ đến niềm vui Giáng sinh, dù chỉ nho nhỏ, như anh chị em ở những nơi kia, trên cùng một mảnh đất hình cong chữ S. Họ nào biết đến thiệp mừng, quà tặng, tiệc tùng, đèn giăng như mắc cửi, mà chỉ biết đói rét, tối tăm, nhọc nhằn !

Tôi nghĩ, giá những người đang được may mắn hưởng niềm vui Giáng sinh kia, biết dành một ít phút để tưởng nghĩ và cầu nguyện cho những anh em khốn khổ ở vùng cao Tây Bắc này, cũng như biết sẵn sàng chia sớt một chút những món tiền mà họ dự định sẽ chi tiêu cho mùa lễ năm nay, thì niềm vui Giáng Sinh hẳn sẽ tràn đầy và ý nghĩa biết bao !

(Đăng trong Tuần báo Công giáo & Dân tộc, số 1987-88, ngày 19-12 đến 25-12-2014, trang 58-59) 

ššVœœ

 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Bài Lời Chúa 45: Yêu Nhau Đến Thuở Bạc Đầu (phần I) (2/10/2016)
Bài Lời Chúa 44: Yêu Nhau Quá Sớm (2/10/2016)
Bài Lời Chúa 43: Vai Trò Nữ Giới (2/10/2016)
Bài Lời Chúa 42: Loài Người Có Nam Có Nữ (phần Ii) (2/10/2016)
Bài Lời Chúa 41: Bài Lời Chúa 41 Điều Răn Thứ Sáu Và Thứ Chín : Chớ Làm Điều Dâm Dục ; (2/10/2016)
Tin/Bài cùng ngày
Bài Lời Chúa 40: Thương Linh Hồn Bảy Mối (phần V) (1/14/2016)
Bài Lời Chúa 39: Thương Linh Hồn Bảy Mối (phần Iv) (1/14/2016)
Bài Lời Chúa 38: Thương Linh Hồn Bảy Mối (phần Iii) (1/14/2016)
Bài Lời Chúa 37: Thương Linh Hồn Bảy Mối (phần Ii) (1/14/2016)
Bài Lời Chúa 35: Người Đàn Bà Sát Nhân (1/14/2016)
Tin/Bài khác
Lễ Chúa Kitô Vua, Gm Vũ Văn Thiên (11/22/2015)
Lễ Đức Giê-su Ki-tô Vua Vũ Trụ, Lm Đan Vinh (11/20/2015)
Vua Chân Lý (11/14/2015)
Khổ Thật! (lễ Suy Tôn Thánh Giá, 14-9) (9/16/2015)
Suy Tôn Thánh Giá (9/14/2015)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768