Sống tước vị làm con
– Lm. Nguyễn Nguyên
Sống ở đời, ai cũng mang
trong mình một tâm lý thường tình là muốn mình
được trọng vọng, được đề
cao, được vượt trội hơn người
khác.
Tất cả những điều
đó phản ảnh khuynh hướng kiêu căng trong lòng
mỗi người. Mà kiêu căng là mối tội thứ nhất trong
bảy mối tội đầu. Gọi là mối
tội đầu vì nó là căn nguyên đưa tới
nhiều thứ tội lỗi khác. Thật vậy, sự
kiêu căng chính là đầu mối dẫn tới rất
nhiều điều tệ hại trong cuộc sống của
con người: Chiến tranh bởi đâu nếu không
phải bởi nước này muốn thống trị
nước nọ? Ghen tương bởi
đâu nếu không phải bởi người này muốn
trổi vượt hơn người khác? Hận thù bởi đâu nếu không phải
bởi người ta muốn đạp người khác
xuống để chiếm lấy vị trí của
họ? Nói hành, nói xấu, vu khống, gièm pha bởi
đâu nếu không phải bởi người ta muốn
tự quảng cáo mình tốt hơn, giỏi hơn
người khác, cho người khác là không biết gì?...
Luxiphe
vì kiêu căng không muốn phục tùng Thiên Chúa nên đã
tự loại mình ra khỏi hàng ngũ
các Thiên thần. Ông bà nguyên tổ loài
người vì kiêu căng muốn bằng Thiên Chúa nên đã
bị đuổi ra khỏi vườn địa
đàng, và cửa trời đóng lại. Sự kiêu
căng đã tạo nên hố ngăn cách giữa Thiên Chúa
và con người. Sự kiêu căng đã dựng nên
một hàng rào không cho con người đến với
nhau…
Hôm nay, chúng ta mừng lễ Chúa Giêsu
chịu phép rửa. Quang
cảnh trong biến cố Ngài chịu phép rửa mà chúng ta
vừa nghe trong Tin Mừng có lẽ làm chúng ta thấy mình
hổ thẹn biết bao khi để cho tính kiêu căng
thống trị và hướng dẫn đời sống
mình. Thật vậy, Chúa Giêsu là Thiên Chúa cao cả vô cùng,
nhưng Ngài đã mặc lấy những tâm tình và cung cách
sống khiêm tốn thẳm sâu. Là Thiên Chúa, nhưng Ngài
đã không đòi phải được sinh ra trong một
đất nước văn minh, trong một thành phố
hoa lệ và trong cung ngọc điện ngà. Trái
lại, Ngài đã chấp nhận sinh ra trong một hoàn
cảnh bi đát nhất của thân phận làm
người. Ngài đã không chọn cho mình một
người cha, một người mẹ danh giá và giàu
sang. Trái lại, Ngài chấp nhận làm con
của một anh thợ mộc vô danh tiểu tốt và
một cô thiếu nữ nhà quê khổ nghèo.
Và hôm nay, khi bước xuống dòng sông
để lãnh nhận phép rửa của Gioan, chúng ta
mới thấy hết sự khiêm nhường của Thiên
Chúa chúng ta. Là
Thiên Chúa thánh thiện tuyệt đối, nhưng Ngài
lại hạ mình đến xin ông Gioan làm phép rửa
như một người dân tầm thường và
tội lỗi. Ngài khiêm hạ
đến độ làm cho mình trở thành một kẻ vô
danh bên cạnh một ông Gioan Tẩy Giả đang
được mọi người ngưỡng mộ và
kính phục để chia sẻ kiếp người
với chúng ta, để nâng loài người chúng ta lên.
Ngài mặc lấy xác phàm để chia sẻ
thân phận đói nghèo, đau khổ, bệnh hoạn
của con người. Ngài hoá kiếp phàm nhân
để nếm trải nỗi ray rứt khắc
khoải của tội nhân. Ngài đang cùng nhịp
đập con tim với mọi
người để cảm thông và yêu thương
tất cả, một sự liên đới của tình yêu. Chính trong sự khiêm nhường và tự hạ
như thế, Đức Giêsu đã được Thiên
Chúa Cha xác nhận “Con là Con yêu dấu của Cha, Con
đẹp lòng Cha”.
Ngày xưa, do sự kiêu căng của
nguyên tổ loài người, cửa trời đã đóng
lại. Ngày nay, do sự
khiêm hạ của Con Thiên Chúa mà cửa trời lại
được mở ra. Trời mở ra nghĩa là
mọi ngăn cách giữa Thiên Chúa và con người đã
bị xoá bỏ. Con người phản
bội nay đã được tha thứ, được
phục hồi tước vị làm con Thiên Chúa và
được đồng thừa tự gia tài
Nước Trời cùng với Chúa Giêsu. Trời
được mở ra cho hết mọi người có
thể đi vào. Nhưng nếu chúng ta
tiếp tục bước vào vết chân kiêu căng
của ông bà nguyên tổ, thì cánh Cửa Trời ấy
sẽ mãi mãi đóng lại trước mắt chúng ta.
Vậy chớ gì khi mừng kính Chúa Giêsu
chịu phép rửa, mỗi người chúng ta cảm
nhận rằng, Ngài đang ở gần chúng ta hơn chúng
ta tưởng. Ngài
đang ở gần chúng ta khi chúng ta mạnh mẽ, lúc
chúng ta yếu đuối; buổi thành công cũng như
hồi thất bại; phút sa ngã cũng như thời
đứng lên; những ngày nắng ấm, những
chiều giông bão… đã luôn luôn có Ngài bên cạnh, để
rồi mỗi người khiêm tốn và quyết tâm ra
khỏi chính mình, ra khỏi những ích kỷ, dứt
bỏ những khuynh hướng xấu, đoạn
tuyệt với tội lỗi… hầu cất bước
tìm về với Ngài. Ngài sẽ băng bó, Ngài sẽ
chữa lành, sẽ vác trên vai, sẽ rửa gội
thương tích và đem chúng ta về lại trong tình yêu
thương của Chúa Cha. Nhất là để chúng ta nghe
được những lời yêu thương mà Thiên Chúa
đã nói với Chúa Giêsu ngày xưa bên dòng sông Giođan: “Con
là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha.” Amen.
|