Phép rửa.
Trong
sinh hoạt của Giáo Hội, lễ Chúa Giêsu chịu phép
rửa vừa là một kết thúc, vừa là một
mở đầu. Kết thúc trong Mùa
Giáng sinh và bắt đầu Mùa thường niên. Hôm nay với lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa,
Giáo Hội bắt đầu tuần thứ nhất Mùa
thường niên.
Trong
cuộc đời của Chúa Giêsu thì biến cố Chúa
Giêsu đến lãnh phép rửa của Gioan tẩy giả
nơi sông Giócđan cũng là một kết thúc và là
một mở đầu. Kết thúc cho
quãng đời sống ẩn dật âm thầm và bắt
đầu cuộc đời công khai rao giảng Tin
Mừng, thực hiện chương trình mà Chúa Cha đã
trao phó cho.
Biến
cố Chúa Giêsu chịu phép rửa là một biến cố
mạc khải quan trọng và ta có thể nói đây là
mạc khải đầu tiên công khai không những về
thực thể, về sứ mạng của Chúa Giêsu,
nhưng còn là một mạc khải về Thiên Chúa Ba Ngôi.
Một
người đứng xếp hàng giữa bao tội nhân
thống hối đến lãnh phép rửa thống hối
của Gioan để chuẩn bị đón nhận ơn
cứu rỗi không phải chỉ là một người
phàm trần đơn thuần, nhưng lại là Con Thiên
Chúa, Con Thiên Chúa nhập thể làm người: “Đây là
Con Ta rất yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng”.
Đó là lời mạc khải của Thiên Chúa Cha về
Chúa Giêsu Kitô, lời mạc khải long trọng và công khai
cho nhiều người trong lúc đó nghe được,
đồng thời cũng chính lúc đó Chúa Thánh Thần
ngự xuống trên Chúa Giêsu dưới hình chim bồ câu như
bài Tin Mừng tường thuật lại.
Mầu
nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi được vén mở cho con
người, để rồi sau này chính Chúa Giêsu sẽ
giảng dạy thêm cho các đồ đệ trong
nhiều dịp khác nhau, mà dịp kết thúc cuối cùng
cũng liên quan đến phép rửa là phép rửa trọn
hảo của Chúa Giêsu, đó là phép rửa trong Chúa Thánh
Thần khi Chúa Phục sinh ra lệnh cho các tông đồ:
“Chúng con hãy đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng cho
mọi tạo vật, dạy dỗ họ tuân giữ
những gì Thầy đã truyền cho anh em và rửa
tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.
Nơi phép
rửa chuẩn bị của Gioan, Chúa Giêsu đã vén mở
cho dân chúng nhìn thấy trước phép rửa trong Thánh
Thần mà Ngài sẽ thiết lập và truyền cho các môn
đệ thi hành. Chúa Giêsu lãnh nhận phép rửa bằng
nước nơi sông Giócđan của Gioan tẩy giả,
Ngài bước lên và tràn đầy Chúa Thánh Thần,
nhưng Chúa Thánh Thần và Thiên Chúa Ba Ngôi được
mạc khải trong biến cố khởi đầu này.
Nhìn
vào bài tường thuật chúng ta vừa đọc trên,
chúng ta có thể lưu ý đến một chi tiết
đầy ý nghĩa khác nữa, đó là chi tiết
được tác giả Phúc âm diễn tả bằng
từ ngữ “Trời mở ra”. Từ ngữ này
nhắc nhớ đến hình ảnh Kinh Thánh Cựu
ước nơi thánh vịnh, chúng ta đọc thấy
lời nguyện cầu tha thiết sau đây: “Lạy Chúa,
xin hãy xé trời ra mà ngự xuống trên trần gian này”.
Nơi sách tiên tri Isaia, ngài đã cầu nguyện như sau:
“Lạy Chúa, tại sao Ngài không xé trời mà ngự
xuống với chúng con trên trần gian này. Dân Israel cũng
như mọi thành phần trong dân chúng chắc chắn
đều biết lời cầu nguyện này của tiên tri
Isaia và đã cầu nguyện như vậy, qua đó nói lên
tâm hồn khao khát ơn cứu rỗi, khao khát Đấng
Thiên sai, Đấng Thiên Chúa Cha sai xuống để
cứu rỗi con người.
Lời
cầu nguyện trên nói lên nỗi khát vọng của con
người muốn gặp được Thiên Chúa,
của một con người cảm thấy thân phận
mình yếu hèn cần đến sự trợ lực
của Thiên Chúa. Người Việt Nam
chúng ta trong cơn khốn cùng cũng thường kêu lên:
“Trời ơi, hãy xuống mà xem”. Như thế, chi
tiết trời mở ra trong biến cố Chúa Giêsu
chịu phép rửa là một chi tiết mạc khải quan
trọng, đó là đã đến lúc Thiên Chúa nhận
lời cầu xin của Con Người: “Đây là Con Ta,
đẹp lòng Ta mọi đàng”. Thiên Chúa trọn vẹn Ba
Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần đã đáp lại khát vọng
của con người, Ngài sai Con Một Ngài xuống
trần làm người để thực hiện
chương trình cứu rỗi, dẫn đưa nhân
loại trở về cùng Ngài, trở về trời.
Biến
cố Chúa Giêsu chịu phép rửa nhắc lại cho con
người nhớ rằng, con người khao khát cần
đến Thiên Chúa, khao khát được cứu rỗi
và Thiên Chúa đáp lại khao khát này trong Chúa Giêsu Kitô Con Ngài,
nơi một con người không phải là con
người tầm thường đã đến nhận
phép rửa của Gioan nơi sông Giócđan, mà nơi
một con người vừa là Con Thiên Chúa: “Đây là Con Ta
yêu dấu, Con là con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con”.
Yếu
tố thứ hai của biến cố Chúa Giêsu chịu phép
rửa, đó là Chúa Thánh Thần ngự xuống cũng
mang một ý nghĩa sâu xa. Khởi đầu sách Sáng
Thế khi bắt đầu công cuộc tạo dựng,
Thánh Thần Chúa đã bay lượn là là trên mặt
nước, và trong biến cố Chúa Giêsu chịu phép
rửa, Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Chúa Giêsu
dưới hình chim bồ câu. Dĩ nhiên, bay lượn
xuống trên Chúa Giêsu, chi tiết này nói lên sự tạo
dựng mới mà Chúa Giêsu thực hiện và phép rửa là
điểm khởi đầu của công cuộc tái
tạo nên mới trong Chúa Thánh Thần.
Mừng
lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa hôm nay, chúng ta hãy xin Chúa
ban cho ta được ơn biết lắng nghe Lời
Chúa, sống vâng phục với ơn soi sáng của Chúa
Thánh Thần.
|