MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: thiên chúa :: góc trời thương yêu
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Âm Thầm Vì Các Linh Hồn
Thứ Hai, Ngày 11 tháng 1-2016

ÂM THẦM VÌ CÁC LINH HỒN
                                                      
Trời đã khuya. Vừa về đến nhà, nhờ ánh đèn điện tự động, tôi nhận ra một mẩu giấy trắng ai nhét vào dưới khe cửa phòng khách. Vội mở ra xem, thấy tờ $20 ai cuộn tròn, kèm theo mảnh giấy có mấy chữ nguệch ngoạc, “Xin lễ cho các linh hồn mồ côi.”

Tuy không thấy đề tên, nhưng tôi biết chắc đó là tiền của bà Minh, người hàng xóm thân quen, thường xin lễ cho các linh hồn mồ côi. Bà vẫn làm như thế từ mấy năm rồi, và không một ai trong khu xóm hay biết.

Hôm nay là lần thứ mười sáu trong hai năm 2014-2015 -- tôi vẫn ghi vào sổ -- bà Minh muốn xin lễ cho các linh hồn mồ côi. Nếu gặp nhau thì bà trực tiếp đưa tiền nhờ vợ chồng tôi chuyển bổng lễ đến các linh mục, nhưng nếu không gặp thì bà lại nhét tiền vào dưới cửa ra vào nhà tôi mà không sợ mất.

Đến Mỹ năm 1975, ông bà Minh đầu tiên định cư tại Seattle lạnh lẽo, rồi dọn về Louisiana ở 20 năm, tiếp đó di chuyển về Nam Cali cho đến nay. Cũng như bao đồng hương Việt Nam khác với cuộc sống bận rộn nơi đất khách quê người, ông bà làm lụng vất vả để gầy dựng cuộc sống mới.

Ông Minh ngoài thời gian ở công sở, khi về đến nhà tiếp tay với vợ để chăm sóc cho đứa con gái mang căn bệnh nghiệt ngã. Cô con gái của ông bà, lại là đứa con duy nhất, năm nay đã 43 tuổi, từ khi mới lọt lòng mẹ đã mang một trong những chứng bệnh chậm phát triển, y khoa gọi là “Hội chứng Mongolia”. Nay tuy đã khôn lớn và đi đứng bình thường, nhưng cô không nói được, và tính tình thay đổi bất thường, khi vui khi buồn mà không có triệu chứng báo trước.

Khi mang thai con, bà Minh không được các bác sĩ ở Việt Nam cho biết bệnh tình của cháu; đến khi sinh con ra bà mới thấy mặt con mình khác lạ, lúc đó các bác sĩ mới nói cháu bị bệnh thiếu phần não và bảo cháu chỉ có thể sống đến 16 tuổi mà thôi. Khi biết bệnh của con như thế ông bà Minh sa sút tinh thần vì phải gánh chịu một thử thách quá sức mình. Nhưng nhờ có những bạn bè tốt an ủi, chia sẻ, và cùng đồng hành với gia đình bà nên bà Minh giữ được lòng tin vào sự an bài của Chúa. Ông bà chấp nhận và hoàn toàn phó thác sự sống của con mình cho Chúa.

Khi đến tuổi về hưu năm 2001, gia đình ông bà Minh dọn về miền Nam Cali nắng ấm, nhưng sức khoẻ của ông ngày càng xuống dốc. Ngày một ngày hai quen nhau trong khu xóm, bà Minh đã có lần tâm sự hoàn cảnh của mình với vợ chồng tôi. Bà tin cẩn vợ chồng tôi như người thân của bà và kể cho chúng tôi nghe về cuộc sống buồn nhiều hơn vui của bà. “Năm 1975 tôi phải ẳm đứa con tật nguyền mới 3 tuổi mà chạy trốn Cộng sản. Qua Mỹ cứ tưởng có được đời sống sung túc, nào ngờ phải ở nhà nuôi con bệnh tật trong mấy năm liền. Thấy cuộc sống không dư giả gì nên tôi cũng có ý định đi làm, vả lại có một thời gian tôi thấy ông nhà tôi không được khoẻ nên bàn với ông ở nhà chăm sóc con bé để tôi đi làm thay cho ông ấy. Phải mấy năm sau chính phủ mới cho cháu vào ở hẳn trong nhà thương. Và khi dọn về Cali này cháu vẫn tiếp tục được nhận vào trung tâm điều trị bệnh chậm phát triển. Còn ông nhà tôi ngày càng yếu, nay lại bị ung thư nhiếp hộ tuyến, chẳng biết ra đi khi nào.” Mỗi khi gặp bà Minh trên lối đi trong xóm, tôi hỏi thăm sức khoẻ của ông Minh, hoặc thỉnh thoảng vợ chồng tôi đến thăm ông ấy tại nhà. Ông Minh nay đã bước qua tuổi 90 và bà Minh ở lứa tuổi 83. Ông đã hom hem nhiều, lại mang chứng bệnh tiền liệt tuyến đã vào giai đoạn chót. Thấy tình trạng sức khoẻ xuống dốc quá nhanh của chồng, bà Minh tâm sự với vợ chồng tôi: “Thôi thì cứ tạ ơn Chúa. Chúa cho ông nhà tôi sống được ngày nào hay ngày ấy.” Ông Minh đạo theo. Bà Minh đã có lần kể với chúng tôi: “Khi cưới nhau tại Việt Nam, cha xứ làm phép chuẩn cho chúng tôi thành vợ chồng, vì ông nhà tôi không chịu theo đạo. Nhưng đến khi qua Mỹ, tự nhiên ông lại muốn theo đạo. Sau mấy tháng học đạo, ông được chịu phép rửa tội, chọn thánh Giuse làm quan thầy.”

 
Mọi người trong khu xóm đều biết rõ thời khóa biểu hằng ngày của gia đình bà Minh. Một ngày suốt 24 tiếng đồng hồ, hầu như lúc nào bà cũng bận rộn. Bà làm không hết việc, toàn là những việc không tên dành cho một người vợ và người mẹ Việt Nam. Buổi sáng, khi cư dân trong khu xóm còn yên nghỉ, bà đã rời nhà đi thăm con. Con gái bà được ở chung với một số các bệnh nhân khác trong một trung tâm y tế chuyên khoa (Boarding care) do chính quyền quận Cam tài trợ. Bà phải di chuyển 2 lần xe buýt mới đến nơi thăm con. Mỗi lần đến bà thường mang theo ít thức ăn do bà nấu mà con gái ưa thích, vì các nhân viên người Phi Luật Tân phục vụ ẩm thực cho trung tâm không nấu được thực ăn Việt.

Khi bà rời nhà ra trạm xe buýt, nếu quan sát kỹ, người ta có thể thấy bà khi nào cũng cầm cỗ tràng hạt trong tay. Khi nào tôi cũng thấy bà di chuyển từ tốn, âm thầm, và đơn độc trong công việc của mình. Tuy nhiên, cung cách của bà vừa đi vừa lần chuỗi, cho phép tôi tin rằng bà luôn kết hợp với Chúa trong mỗi việc bà làm. Vào mùa hè, đôi lúc bà xin phép y tá đem con về nhà chơi một hai hôm vì thương con, nhưng có khi chỉ sau vài tiếng đồng hồ bà lại phải bấm bụng mang con trả lại cho trung tâm.

Lý do vì con gái bà là một bệnh nhân “chậm phát triển” (mentally retarded) nên không bình thường trong cuộc sống. Quả thực cháu không nhận ra khung cảnh ấm cúng của gia đình, lại càng không thể cảm nhận được tình thương của cha mẹ dành cho cháu. Những lần như thế, bà Minh lại đến tâm sự với chúng tôi cho vơi nỗi đau, trong khi ông Minh chỉ biết thở dài cho số phận hẩm hiu của đứa con gái duy nhất. Mỗi ngày bà phải đi thăm con từ sáng sớm để có thể gặp mặt con trước khi con lên xe buýt đến trường học dành cho những bệnh nhân như con của bà, và khi bà về lại nhà thì đã quá trưa để lo cho chồng ăn uống. Khi ông Minh đã vào giường nghỉ trưa, bà Minh tận dụng chút giờ giữa trưa rời nhà đi quanh xóm gom nhặt những vật liệu phế thải như chai lọ, bìa giấy, đồ nhôm nhựa, sách báo cũ, đem về cất trong nhà kho nhỏ sau nhà. Bà cũng đến đặt một thùng nhựa lớn tại nhà tôi để nhờ tôi thu gom vật phế liệu giúp bà. Thường thì cứ 2 tuần bà mới đến thu gom phế liệu tại các nhà quen trong xóm mà bà đã được họ giúp đỡ, nhưng nếu có giờ rảnh bà lại đi thu gom ngay. Đến cuối tuần ông Minh tuy đau bệnh cũng phụ tay với vợ lái chiếc xe con chở bà Minh đi bán cho các nơi thu mua phế liệu (recycle).

Sau này, khi đã quen thân đủ với bà Minh, cũng là khi bà Minh bắt đầu xin lễ cho các linh hồn mồ côi, tôi mạnh dạn tìm hiểu tại sao bà lại thường xuyên xin lễ cho các linh hồn. Bà nói, “Tôi tin vào lời Giáo hội dạy rằng các linh hồn mồ côi trong luyện ngục khi đã lên thiên đàng sẽ là những người giúp chuyển lời cầu xin của tôi lên với Chúa một cách hữu hiệu nhất, và tôi tin rằng vì Chúa thương các linh hồn mồ côi nhất nên Chúa cũng sẽ nhận lời cầu xin của tôi.”

Tôi lắng nghe và tôn trọng ý nghĩ đơn sơ, chân thật nhưng thánh thiện của bà. Tuy biết bà Minh vững tin vào Chúa, nhưng mỗi lần nghe bà tâm sự, tôi vẫn nhận ra lòng bà tràn ngập buồn phiền vì hoàn cảnh của gia đình bà. Cũng có đôi khi tôi thấy bà tỏ ra tuyệt vọng trăm đường. Biết vậy, vợ chồng tôi thường gặp riêng bà để an ủi và hỗ trợ tinh thần cho bà.

Khu gia cư cao niên nơi chúng tôi ở có tất cả 152 căn hộ, trong đó có khoảng vài chục gia đình Việt Nam Công giáo, nhưng có lẽ bà Minh là người công giáo duy nhất có cuộc sống âm thầm vì phần rỗi các linh hồn mồ côi. Những đồng tiền do bà dành dụm được từ việc tự nguyện thu gom và bán phế liệu, dĩ nhiên là không nhiều lắm, mang ý nghĩa những “đồng tiền của người đàn bà goá” trong Phúc Âm. Tiền bổng lễ của bà xin cho các linh hồn thường chỉ từ $10 đến $25 là tối đa. Bà cũng dùng thời gian buổi tối để đi quanh xóm thu gom phế liệu sau khi người chồng đau ốm đã lên giường nghỉ. Nhiều đêm đã khuya, bà Minh còn đến nhà những người quen để gom nhặt phế liệu.

Sau này có người biết được ý nghĩa việc làm của bà nên họ cho bà một chiếc xe kéo tay để bà có phương tiện thu gom được nhiều phế liệu cùng một lúc, đỡ phải di chuyển nhiều lần. Một hôm trời đã khuya, khi mà mọi nhà trong khu xóm đã yên lặng, vợ chồng tôi nán đi bộ thêm vài vòng cuối, bỗng thấy một bóng người đi ngược chiều trong bóng đêm. Khi đến gần hơn và nhờ tiếng bánh xe kéo kêu lách cách nên chúng tôi biết là bà Minh. Đầu đội chiếc mũ lụp xụp, dáng người nhỏ bé thất thểu, bà Minh cặm cụi bước những bước âm thầm như một bóng ma đến gần khu vực đổ rác trong khu xóm. Và chúng tôi biết chắc chắn thế nào bà cũng mở nắp của chiếc xe rác lên và sẽ rọi đèn pin vào xem có thể kiếm được phế vật gì trong đó. Bà làm công việc đó một cách bình thản nhưng nghiêm túc như một “phương tiện” để cứu các linh hồn. Tôi đoan chắc rằng, khi làm công việc “bác ái” này, hẳn bà cũng đã thánh hoá việc làm của mình bằng cách xin với Chúa rằng, “Giêsu Maria con mến yêu, xin cứu rỗi các linh hồn mồ côi.”
 
Lần mới nhất bà Minh đến nhờ chúng tôi chuyển bổng lễ là ngày 16 tháng 7 năm 2014. Trưa hôm đó, tiện dịp đến thu gom phế liệu ở nhà tôi, bà lại đưa tiền bổng lễ cho tôi. Trước khi đưa tiền, bà đến cầu nguyện tại bàn thờ nhỏ của Mẹ La Vang đặt ngoài mái hiên nhà tôi. Chẳng biết bà xin với Mẹ điều gì, chỉ biết làm dấu xong bà móc túi ra đưa cho tôi $35, nói là tiền mới bán ve chai hôm qua. Tôi hỏi sao lần này tiền bổng lễ nhiều thế này thì bà đáp ngay: “Lần này tôi không xin lễ cho người chết nữa, mà xin cho gia đạo của những người “rối vợ rối chồng” để xin Chúa soi sáng cho họ biết sống đẹp lòng Chúa.” Tôi định hỏi bà tại sao hôm nay bà có ý định đó, thì bà bộc bạch thêm: “Hôm nay tôi biết tin một người bạn thân của tôi ở trên Seattle đang đau khổ vì gia đình sắp đổ vỡ. Bà ấy cùng giáo xứ ngoài Bắc di cư vào Nam năm 54 với tôi.” Nghe bà nói, tôi mới biết thêm tấm lòng của bà thật là quảng đại với tha nhân. 
 
Tôi tin hoàn cảnh của gia đình bà Minh là một thử thách cho đức tin sống đạo của chính bà, và cho cả tôi nữa. Việc làm kiên trì và thánh thiện của bà là một chứng từ có khả năng thuyết phục cho mọi người hiểu rằng “Các linh hồn, nhất là những linh hồn mồ côi, là những người chúng ta cần giúp đỡ và cầu nguyện cho họ.”
Và dĩ nhiên, con cái Chúa được dậy rằng khi các linh hồn đó được về với Chúa thì các ngài cũng sẽ không quên ơn người đã xin lễ cho mình.[]

Phêrô Maria Nguyễn Hùng Cường, e.j.

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Phúc Thay Những Kẻ Giặt Sạch Áo Để Được Quyền Hưởng Dùng Cây Sự Sống! (1/14/2016)
Tưởng (1/13/2016)
Sống Đạo (1/13/2016)
Lupe, Lm Giuse Ngô Văn Chữ, S.j. (1/12/2016)
Người Nam Lìa Cha Mẹ Gắn Bó Với Vợ Và Cả Hai Thành Một Xương Một Thịt (1/12/2016)
Tin/Bài cùng ngày
9 Kiểu Người Vô Cùng Nguy Hiểm Trong Cuộc Đời (1/11/2016)
Tin/Bài khác
Người Dạy Ta Biết Lối Của Người Và Ta Bước Theo Đường Người Chỉ Vẽ (1/9/2016)
Đấng Cùng Con Sánh Duyên Cầm Sắt Chính Là Đấng Tác Thành Con! (1/9/2016)
Cha Biết Ước Muốn Của Con (1/9/2016)
Câu Truyện Bé Tư (nên Rửa Tội Cho Trẻ Em Hay Không?) (1/8/2016)
Nghèo Cho Sạch, Rách Cho Thơm (1/8/2016)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768