BÀI
LỜI CHÚA 30
Thương
xác bẢy mỐi (Phần I)
Với bài này, ta bước sang một đề tài
mới là bác ái đối
với tha nhân.
Trích sách Sáng Thế
ch.13.2-18
2 Ông Áb-ra-ham rất giàu, ông có
nhiều súc vật và vàng bạc. …5 Ông
Lót, người cháu cùng đi với ông cũng có chiên bò và
những chiếc lều. 6 Đất
ấy không đủ chỗ cho họ ở chung : họ có
quá nhiều tài sản nên không thể ở chung với nhau
được.
7 Một cuộc tranh chấp xảy ra giữa
những người chăn súc vật của ông Áb-ra-ham và
những người chăn súc vật của ông Lót. …8 Ông Áb-ra-ham bảo ông Lót : “Sao cho
đừng có chuyện tranh chấp giữa bác và cháu,
giữa người chăn súc vật của bác và
người chăn súc vật của cháu. Vì chúng ta là anh em
họ hàng với nhau ! 9 Tất
cả xứ đang ở trước mặt cháu đó ! Chọn
đi. Nếu cháu đi về bên trái thì bác sẽ đi
về bên phải; nếu cháu đi về bên phải thì bác
sẽ đi về bên trái.” 10 Ông
Lót ngước mắt lên và nhìn cả Vùng sông Gio-đan….
Vùng đó, cho đến tận Xô-a, giống như
vườn của Thiên Chúa…. 11 Ông
Lót chọn cho mình cả Vùng sông Gio-đan và đi về
hướng đông. …. 12 Ông Áb-ra-ham
ở đất Ca-na-an …14 Thiên
Chúa phán với ông Áb-ra-ham sau khi ông Lót xa ông : “Ngước
mắt lên, từ chỗ ngươi đang đứng,
hãy nhìn về phía bắc, phía nam, phía đông, phía tây, 15 vì tất cả miền
đất ngươi đang thấy đó, Ta sẽ ban
cho ngươi và cho dòng dõi ngươi mãi mãi. 16
Ta sẽ làm cho dòng dõi ngươi nhiều như
bụi trên mặt đất.” …. 18 Ông Áb-ra-ham di
chuyển lều và đến ở cụm sồi Mam-rê,
tại Khép-rôn. Tại đây, ông dựng một bàn thờ
để kính Thiên Chúa.
* Đó là
Lời Chúa ! – Tạ ơn Chúa !
Suy
niệm Lời Chúa
Chúng
ta đang nghe sách Sáng thế thuật tích ông Ab-ra-ham có lòng
thương yêu và đại độ đối với
đứa cháu của ông là Lót đến nỗi
nhường cho cháu chọn mảnh đất cư
ngụ tốt đẹp phì nhiêu nhất. Ông nói : “Sao cho đừng có chuyện
tranh chấp giữa bác và cháu…vì chúng ta là anh em họ hàng
với nhau !... Nếu cháu đi về bên trái thì bác sẽ
đi về bên phải ; nếu cháu đi về bên
phải thì bác sẽ đi về bên trái.” Nghe nói vậy,
ông Lót ngước mắt lên nhìn Vùng sông Gio-đan, một
vùng rất tốt đẹp và phì nhiêu. Ông Lót chọn cho
mình cả Vùng đó …. Ông Áb-ra-ham đành ở
lại đất Ca-na-an, gồm đồi núi khô cằn
nghèo nàn. Quả thật, đó là gương bác ái, sẵn
lòng hy sinh quên mình, quên quyền lợi mình vì kẻ khác.
Bài sau, ta sẽ bàn về cách thực hành 7 mối
thương xác. Bài này, ta hãy suy nghĩ về các lý do tại sao ta phải
thương và giúp đồng loại.
1/ Trước
hết, tại vì sự sống rất quí giá :
Khi ta
nhìn một em bé mũm mĩm, đang chơi đùa, hồn
nhiên, vô tư lự và vui sống, ta cảm thấy xúc
động ! Ta thầm nhủ : sự sống con
người thật cao quí, thật đẹp đẽ,
thật lạ lùng ! Đó là mầu nhiệm sáng tạo :
một con người vừa xuất hiện trên cõi
đời, tươi mới, trẻ trung, mang theo nó bao
hứa hẹn, bao khả năng tiềm tàng trong thân xác non
nớt, nhỏ xíu đó. Và ta thử hỏi : Trẻ này mai
sau sẽ thế nào ? Một người tốt, một
anh hùng, một vĩ nhân, một bậc thánh ? Hay
ngược lại, thành một tên côn đồ, một
kẻ vô dụng, hại gia đình, phá xã hội, một
kẻ dữ sa hỏa ngục đời đời ?
Sẽ ra thế nào ư ? Một phần không nhỏ
là do cha mẹ, những người xung quanh có quan tâm,
săn sóc, giúp đỡ nó không : săn sóc khi còn nhỏ,
giúp đỡ khi đã lớn và đã thành người.
2/ Sự sống quí giá và là một ơn huệ của
Chúa, nên ta tôn trọng mạng sống và thân xác ta thế nào
- điều đó ta đã xem ở các bài trước - thì
ta cũng phải tôn trọng, lo lắng, săn sóc, giúp
đỡ người khác như thế. Bạn thử tưởng
tượng đang ở trên xe đò, trước mặt
bạn là một bà mẹ với đứa con thơ 3
tuổi. Xe sắp chuyển bánh. Tiếng người
lơ xe hô bác tài : “Chạy !”. Và anh ta đang sắp đóng
sầm cửa lại. Bỗng bạn thấy bàn tay em bé
đang vịn vào khe cửa. Bạn sẽ làm gì ? Bạn có
thể ngồi điềm nhiên nhìn bàn tay non nớt kia
sẽ nát tan, máu chảy xối xả và em bé đau
đớn khóc thét ngất đi được không ?
Chỉ một giây mà cả đời em bé sẽ tàn
phế, có khi phải cưa cụt đến cổ tay !
Không !
Không thể như thế ! Bạn không thể ngồi yên,
nếu bạn còn có một trái tim con người, Bạn
sẽ cảm thấy trái tim se thắt lại ! Bạn
phải làm một cái gì đó để cứu nguy. Do
đó, ta phải đến giúp đỡ tha nhân, như
Chúa đã dạy : “Điều
gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm
cho người ta” (Mt 7.12).
3/ Hãy xem
gương Thiên Chúa : Ngài
thương và săn sóc mọi tạo vật Ngài đã
dựng nên ; cách riêng đối với loài người,
Ngài tỏ ra nhân hậu, yêu thương biết bao, bất
kể họ là ai. Chúa Giêsu nói : “Thiên
Chúa ban mưa nắng cho kẻ lành cũng như kẻ
dữ” không phân biệt. Thế nhưng, có điều
này nên lưu ý : theo cách quan phòng xếp đặt của Người,
Người săn sóc, giúp đỡ ta qua trung gian của
người khác, Chúa nhờ tay người này giúp
đỡ người kia, cha mẹ giúp đỡ con cái,
người khỏe giúp người yếu, người
giàu giúp người nghèo, v.v...
Thấy
người khác nghèo đói, bệnh hoạn, khổ đau
mà không giúp đỡ, đó không còn là con người
nữa, vì không có trái tim. Thư thánh Gioan viết : “17 Nếu ai có của cải thế gian và
thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng
động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở
lại trong người ấy được ? 18 Hỡi
anh em …, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu
môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân
thật và bằng việc làm.” (1 Ga 3.17-18). Ngày xưa, người ta tin vào
thuyết định mệnh, nên họ mặc kệ người
khác nghèo khổ, đau đớn, vì nghĩ rằng đó
là “số kiếp”, đó là “tiền oan nghiệp
chướng”, “kiếp trước đã ăn ở
thất nhân, thất đức”, thì nay ráng phải chịu
vậy. Có nơi, vì mê tín dị đoan, người ta tránh
xa, hay đốt hương, đốt vía xua đuổi kẻo
cái khổ của người khác khiến họ bị lây
xui xẻo. Nghe nói có chuyện này, chẳng biết đúng
hay sai : các ngươi thuyền chài, thấy ai sắp
chết đuối, họ kiêng không đến cứu
vớt, vì sợ xui, sợ Hà bá !
4/ Gương
Đức Giêsu : Đức
Giêsu đã đến, Ngài mang tình thương Thiên Chúa
xuống trần gian giá lạnh, ích kỷ và khổ đau
này. Ngài đưa tình thương người lên
đến đỉnh cao chót vót, khi Ngài tuyên bố : “Điều răn lớn
nhất và trọng nhất là yêu mến Thiên Chúa trên hết
mọi sự. Điều
răn thứ hai cũng giống như thế, quan
trọng ngang với điều thứ nhất : đó là
yêu thương người ta như mình vậy”. Đạo
ta chỉ có hai điều răn ấy. Còn các điều
khác đều từ đó “khai triển” ra, thế thôi.
Nhưng
nên nhớ, Đức Giêsu không chỉ nói, mà Ngài đã làm
trước : Ngài hòa mình với bọn người cùng
đinh nghèo khổ ; với những kẻ bị coi là
tội lỗi, Ngài không tránh xa, nhưng ngồi ăn
uống với họ, mong đem họ trở về
đàng chính; Ngài động lòng thương người
phung hủi, đưa tay đụng đến để
chữa lành. Thấy bà góa thành Naim đang khóc lóc đi sau
quan tài đứa con trai độc nhất, Ngài chạnh
thương làm một phép lạ cho chàng thanh niên sống
lại và trao tận tay bà. Hàng ngàn kẻ đau ốm,
tật nguyền, quỉ ám, động kinh, Ngài đều
ra tay chữa lành, không hề hỏi có đạo hay không có
đạo, là người tốt hay xấu.
5/ Và Thiên Chúa
dạy chúng ta : Thiên Chúa là Cha nhân
từ, thì đạo của Chúa chỉ có thể dạy
lòng bác ái ! Ngay trong Cựu Ước, Chúa phán : “Ta ưa chuộng nhân nghĩa
hơn là các lễ vật” (Hs 6.6). Và Chúa dạy phải
có những hành động thương yêu cụ thể. Ngài
còn chúc phúc : “Phúc cho ai lưu tâm
đến người nghèo khó và yếu đuối, ngày
họ gặp hoạn nạn, Thiên Chúa sẽ gỡ thoát
cho” (Tv 41.2).
Đức Giêsu cũng dạy : “Anh
em hãy yêu mến nhau, như Thày đã yêu mến anh em”.
Ngài còn nói đó là lệnh truyền mới : “Thày ban cho anh em một lệnh
truyền mới : là hãy yêu mến nhau...”. Mới ở
chỗ nào ? Mới là ở chỗ : Yêu thương
người ta như Thày đã yêu mến chúng ta, yêu
như cách Chúa yêu, yêu như lòng Chúa yêu, như mức
độ Chúa yêu, v.v...
6/ Lời các thánh. Thánh Cêsariô giảng : “Phúc cho ai thương xót
người, vì sẽ được Thiên Chúa xót
thương.” … Ai cũng muốn được
thương xót, nhưng đáng tiếc, người nào
cũng muốn nhận mà ít kẻ muốn cho. Này bạn,
sao bạn dám giơ mặt ra xin điều mà bạn
vẫn từ chối khéo ? Ai muốn được (Thiên
Chúa) thương xót trên trời, thì phải biết xót
thương (người ta) dưới đất… Ở
trần gian, Thiên Chúa vẫn đói rét nơi những
người nghèo khổ, như Chúa Kitô đã nói : “Quả thật, Ta bảo các ngươi,
những gì các ngươi đã làm cho một người
trong các anh em hèn mọn nhất của Ta, là các ngươi
đã làm cho chính mình Ta”. Chúng ta quả mặt dày mày
dạn : lúc Thiên Chúa cho thì muốn nhận, còn khi
Người xin thì ta lại không muốn cho ? Đúng
thế, người nghèo bị đói là Đức Kitô thiếu
ăn, xin ta nhưng ta không cho
: “Khi Ta đói các
ngươi không cho ăn.” Vậy nếu bạn
muốn hy vọng chắc chắn được Thiên Chúa
khoan dung ban ơn, thì đừng làm ngơ trước
nỗi khốn khổ của người nghèo. Đức
Kitô hiện đang chịu đói khát nơi những
người nghèo. Những gì nhận được
dưới đất, Ngài sẽ trả lại trên
trời…. Vậy hãy cho lòng thương xót dưới
đất, thì anh em sẽ nhận được lòng
thương xót trên trời.” (Bài Kinh sách, Tuần 17, thứ
hai).
Có người nghĩ rằng Chúa
khuyên ta nên yêu mến nhau. Đó chỉ là lời khuyên, nên không
yêu mến, giúp đỡ nhau cũng chẳng sao, miễn là
mình cứ xưng tội, rước lễ, đọc
kinh, lần hạt là đủ, vẫn được lên
thiên đàng ! Nghĩ vậy là lầm to ! Chúa Giêsu đã coi
đó là một lệnh truyền cơ mà : “Này là lệnh truyền của Thày : anh em hãy yêu
mến nhau...” (Ga 15.12; 12.17). Vậy đây không phải
chuyện đùa, thích thì làm, không thích thì thôi. Ai tử
tế với ta, ta giúp đỡ, kẻ nào ta ghét, ta
mặc kệ... Còn Chúa nói sao : “Nếu anh em yêu thương
kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi ? Ngay cả
những người thu thuế cũng chẳng làm như
thế sao ? 47 Nếu anh em chỉ
chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ
thường đâu ? Ngay cả người ngoại
cũng chẳng làm như thế sao ? 48 Vậy
anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là
Đấng hoàn thiện.” (Mt 5.46-48).
Chúa
Giêsu còn nói một cách khác để ta thấy rằng :
không yêu thương, giúp đỡ người khác, ta
chẳng còn là tín hữu Chúa : “Cứ
dấu này mà người đời biết anh em là môn
đệ Thày : đó là anh em yêu mến nhau”. Không yêu mến
nhau, chúng ta không phải là môn đệ Ngài nữa, mà là
kẻ ngoại đạo rồi.
Tất cả chúng ta ai ai cũng đã biết rõ các
điều Chúa dạy, song khốn nỗi, trái tim ta
thường eo hẹp và ích kỷ, cứ luôn co quắp vào
cho mình, khó mở ra để yêu thương, nhiều khi
viện đủ lý lẽ để làm ngơ, giả
điếc, không giúp đỡ anh em khác. Vậy cần
cầu xin ơn trọng đại đó. Chúng ta thật
tình phải thú nhận, chúng ta xin đủ thứ ơn,
còn ơn yêu thương anh em thì hầu như chẳng xin
Chúa bao giờ. Lần này, ta hãy cầu xin thật lòng
đi.
Tích
truyện
Bác sĩ
Lông-giê (Longet) là một bác sĩ người Pháp, đã
từng phục vụ ở Việt Nam cách đây 30
năm, và cũng nổi tiếng như bác sĩ Tom Dooley,
người Mỹ, đã phục vụ ở Đông Nam Á.
Ông tận tụy săn sóc, yêu thương các bệnh nhân,
bất kể giai cấp, tôn giáo, chủng tộc, bất
kể ngày đêm. Được hỏi vì sao ông quí
bệnh nhân đến thế ? vì sao ông có thể bỏ
ăn, bỏ ngủ vì bệnh nhân, xem bệnh nhân trên
hết ? Ông đáp :
- Vì thấy Chúa Giêsu trong
người bệnh.
Mỗi sáng, khi đi dự
lễ, bệnh nhân lương giáo, ai muốn đi
đều được ông chở trên xe. Mỗi
chiều Chúa nhật, ông chở các bệnh nhân đi chơi,
tham quan nơi này, nơi nọ. Và mỗi tối, ông
lần hạt chung với các bệnh nhân công giáo. Vì là
người Pháp, đang bập bẹ học tiếng
Việt, ông chỉ thuộc mấy kinh Lạy Cha, Kính
Mừng, Sáng Danh, đủ để lần hạt chung
với họ. Ít lâu sau, trở về Pháp, ông dâng mình đi
tu, vào chủng viện, rồi được phong linh
mục. Ông tình nguyện sang Việt Nam lại và phục
vụ những người nghèo khổ nhất ở
địa phận Cần Thơ. Tiếc thay! Sau khi
chịu chức linh mục, chưa kịp thực hiện
nguyện ước, Cha Lông-giê bị bệnh và qua
đời.
{ { {
|